Phim về chiến tranh của ta chưa hay

1. Chung một nội dung ta thắng địch thua

(TGĐA) - Việc xây dựng cốt truyện phim chiến tranh của các nhà biên kịch thường có xu hướng một chiều. Còn các đạo diễn khi dàn dựng, cũng có ít người nào tạo được dấu ấn riêng. Trong khi đó, nhiều đạo diễn nước ngoài khi làm phim về đề tài chiến tranh, lại vô cùng thèm khát bối cảnh Việt Nam.


Nguyên nhân này có thể được lý giải bởi hầu hết các phim của chúng ta làm về đề tài chiến tranh đều hướng tới mục đích tuyên truyền. Điều này hoàn toàn chính đáng. Bởi, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, “Nếu minh hoạ lịch sử dân tộc ta thì có trang nào không vẽ thanh gươm và dòng máu” (Đường chúng ta đi). Và mỗi dân tộc đều có nguồn cảm hứng của mình. Chúng ta có niềm tự hào chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - một dân tộc duy nhất trên thế giới làm được điều này. Đó là nguồn cảm hứng vô tận. Song chính nguồn cảm hứng này đã khiến hàng trăm bộ phim của chúng ta không khác biệt nhau nhiều. Các nhân vật trong phim chia làm hai phe. Thường thì ta tốt, địch xấu. Nội dung này thì tốt, song về mặt nghệ thuật chắc là không hay. Thiếu sự vận động, chuyển biến của nhân vật. Tính bất ngờ trong các tình huống và tình tiết càng hiếm. Điều đó làm giảm đi phần nào tính chân thực của chiến tranh.

Cảnh trong phim Trời và Đất

2. Thiếu chiều sâu của tính triết lý

Một điều lạ là trong các phương tiện thông tin đại chúng đều miêu tả tội ác của kẻ thù hết sức dã man và tàn bạo, song trong phim, các nhà điện ảnh của chúng ta thường xây dựng hình ảnh bọn địch lúc thì ngu ngốc, khi thì ngờ nghệch, nhìn chung là hết sức nhỏ bé, chẳng đáng gì. Trong khi đó, thì bên ta hoàn toàn ngược lại. Chiến thắng một kẻ địch “trên phim” như vậy, chiến công của các nhân vật trong phim có vẻ vang gì không?

Chính vì nhiệm vụ tuyên truyền được đặt lên hàng đầu cho nên tính triết lý trong các phim chiến tranh của chúng ta thường ít được các nhà làm phim quan tâm. Chẳng hạn, theo nhà lý luận điện ảnh Mỹ Leo Cawley, người Mỹ khi làm phim về đề tài chiến tranh thường thể hiện những cá nhân muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình bằng cách tham gia chiến đấu tại mặt trận, nơi mà họ học được những bài học hay rút ra những chân lý mà họ không tìm được ở bất cứ nơi nào? Điều này được thể hiện rất rõ qua phim Giải cứu binh nhì Ryan (Đạo diễn S.Spielberg) hoặc Trời và đất (Đạo diễn O.Stone). Một số phim của chúng ta như Hai người lính (Đạo diễn Vũ Sơn Hoặc Cánh đồng hoang (Đạo diễn Hồng Sến) cũng mang tính “triết lý nhẹ nhàng”. Song số phim này không nhiều.

3. Thiếu cá tính

Việc xây dựng cốt truyện phim chiến tranh của các nhà biên kịch thường có xu hướng một chiều. Còn các đạo diễn khi dàn dựng, cũng có ít người nào tạo được dấu ấn riêng. Trong khi đó, nhiều đạo diễn nước ngoài khi làm phim về đề tài chiến tranh, lại vô cùng thèm khát bối cảnh Việt Nam. Song các đạo diễn của ta có trong tay kho vàng bối cảnh, lại thường không tận dụng được điều này. Địa hình ba miền nước ta rất khác nhau, song các nhà làm phim lại không làm nổi bật được những nét khác biệt này. Từng đạo diễn cũng ít có quan điểm riêng trong việc sử dụng âm thanh, không gian. Trong khi đó, các đạo diễn Mỹ rất có ý thức điều nay. Chẳng hạn, O.Stone, bằng kinh nghiệm của mình, thường dàn dựng theo phong cách phim tài liệu. Ông thường dàn cảnh với ánh sáng tự nhiên, sử dụng triệt để những tiếng động trong bối cảnh để tạo không khí chân thực. Như ở F.Coppola lại khác. Ông này rất chú trọng đến âm thanh và màu sắc, thậm chí cường điệu để đạt được mục đích của mình. Trong khi đó, Kubrick tạo ra một không gian căng thẳng, nén chặt, thể hiện nội tâm nhân vật giằng xé. Về mặt quay phim cũng vậy. Kỹ thuật lấy cảnh của các nhà quay phim nước ngoài tốt hơn chúng ta nhiều. Một nhà quay phim lão làng phàn nàn rằng, bây giờ điện ảnh của ta thiếu các nhà quay phim thực sự, chỉ có nhiều nhà ghi hình mà thôi.

4. Bài học

Mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có trách nhiệm kể với các dân tộc khác trên hành tinh những cái hay, cái đẹp của mình. Trong những phim của chúng ta, có lẽ có phim Cánh đồng hoang là làm được điều này. Dư luận cả phía ta và đối phương đều công nhận. Song một dân tộc phải trải qua nhiều cuộc chiến dài lâu như dân tộc ta, thì những đóng góp ấy còn quá nhỏ. Chúng ta có những câu chuyện nào khiến cả hai phía đều day dứt? Những cảnh dàn dựng nào của chúng ta khiến các đồng nghiệp phải tìm hiểu, tham khảo? Những cảnh quay nào của chúng ta khiến dư luận phải lưu trong bộ nhớ? Và chiến tranh Việt Nam có những nét riêng gì so với các cuộc chiến khác? vv.. và v..v.. Chúng ta vẫn tiếp tục làm phim về chiến tranh. Nếu không có cái nhìn mới thì, dù có làm bao nhiêu đi chăng nữa, chưa chắc chúng ta đã có những đóng góp đáng kể vào ngôn ngữ phim chiến tranh thế giới.

Đoàn Tuấn