Phim Việt bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt

Cuộc đổ bộ của siêu phẩm, “bom tấn”

Xoá bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim là tin vui với các đơn vị kinh doanh môn nghệ thuật thứ bảy nhưng là bài toán khó cho người quản lý. Để bảo hộ thị trường phim Việt, dự thảo luật quy định: dành 20% số buổi chiếu cho phim nội. Nhưng thực tế, lượng phim Việt sản xuất chưa đáp ứng đủ con số này.


Phim nội cần có chính sách bảo hộ để tránh sức "nóng" của phim ngoại (Cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng)

Điều 30 Luật Điện ảnh hiện hành quy định, “đối với doanh nghiệp sản xuất phim, số lượng phim nhập khẩu không vượt quá hai lần số lượng phim sản xuất. Đối với các đài truyền hình, số tập phim nhập khẩu không vượt quá hai lần số tập phim sản xuất...”. Để thực hiện cam kết với WTO, dự thảo luật lần này bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim và bổ sung điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu “phải có rạp”. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nên bỏ yêu cầu về rạp chiếu, bởi “đó là bước lùi so với quy định của luật điện ảnh hiện hành”.

Nhìn thấy trước cuộc đổ bộ của phim ngoại khi luật được thực thi, đạo diễn Phước Sang khẳng định, đây là dấu hiệu tốt giúp nền điện ảnh và công chúng Việt Nam hòa mình vào sự phát triển chung của thế giới. Khán giả Việt có thêm cơ hội tiếp xúc với thị trường điện ảnh tiên tiến, thụ hưởng các siêu phẩm cùng lúc với dân bản địa.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, quy định mới trong thời gian đầu có thể tạo ra hiện tượng tràn lan phim nhập. “Tuy nhiên, phim nào phù hợp với người Việt sẽ sống và ngược lại. Các nhà kinh doanh không bao giờ chịu vứt tiền qua cửa sổ”, ông Phần nói.

Vị “đạo diễn nông thôn” này cũng trấn an giới yêu điện ảnh Việt không nên quá lo lắng nếu sắp tới xuất hiện nhiều hơn nữa phim ngoại. Ông lý giải, thực tế sản xuất phim Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng đủ chỉ tiêu 20% phim chiếu rạp, phần lớn đang “cậy nhờ” dòng phim nhập.

Cạnh tranh khốc liệt

“Phim Việt sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn khi cánh cửa mới đã rộng mở với phim ngoại”, ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cảnh báo. Giải pháp ông Tiến đưa ra để “cứu” nền điện ảnh trong nước là hỗ trợ phim Việt Nam bằng các chính sách thuế. “Không hạn chế nhập khẩu phim nhưng phải đánh thuế cao, dùng tiền thuế đó hỗ trợ trở lại cho sự phát triển điện ảnh nội”, ông Tiến đưa ý kiến. Giám đốc hãng phim tư nhân Phước Sang cũng chung ý kiến và đề nghị miễn thuế với phim nội.

Theo nhiều chuyên gia thì ngoài yếu tố quan trọng về chính sách thuế, cần tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ phim Việt. Ông Lê Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh minh chứng, trừ điện ảnh Mỹ không cần hỗ trợ từ chính phủ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ một phần công tác phát triển điện ảnh. “Với nền điện ảnh non yếu như Việt Nam, hỗ trợ phải thường xuyên hơn”, ông Minh nói.

Ở góc độ khác, ông Đào Trọng Thi, người viết báo cáo thẩm tra dự án sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh Việt Nam 2009 cho rằng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng, đạo đức, thuần phong mỹ tục, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo Đất Việt