Phim Việt: Chỉ... "phát cho đầy sóng"?

Bỗng dưng muốn khóc , một kịch bản truyền hình khá tốt, tạo được ấn tượng đẹp, thế nhưng để có được một kịch bản tốt như vậy, Vũ Ngọc Đãng đã phải dành một khoảng thời gian rất dài để trau truốt. Và cũng từ câu chuyện thời gian đó, cũng với Vũ Ngọc Đãng thì Đẹp từng centimet lại là một thất bại thảm hại. Một sự “ăn xổi”, kéo dài của Bỗng dưng muốn khóc đến độ lạt lẽo và đầy những ngao ngán, dù người xem có rộng lòng mấy cũng khó có thể gật đầu nói chữ “hay”.

Không phải bỗng dưng hàng loạt bộ phim ngoại như Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Ngôi nhà hạnh phúc, Có lẽ nào ta yêu nhau… được ồ ạt “viết lại” mang hơi thở Việt cho “đầy sóng”. Có rất nhiều câu hỏi và hướng nhìn có thể thấy đằng sau sự ồ ạt đó.


Phim Bỗng dưng muốn khóc Phim Đẹp từng centimet

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là kịch bản phim có chất lượng vẫn luôn là một nguồn hiếm đối với các công ty sản xuất phim. Từ những phản hồi có tính chất bức xúc đến khó chịu và bực mình của phần đông khán giả khi xem những bộ phim như thế, mà đỉnh điểm là Những ngày hè xanh đã cho thấy một thực tế đáng buồn của đội ngũ những nhà biên kịch hiện nay.

Việc xây dựng nên một bộ phim với đầy đủ lớp lang, tuyến nhân vật, phản ánh một hiện thực xã hội mà người viết lại quá xa với hiện thực đó, đặt mình sai vị trí nên chuyển tải sai thông điệp là điều không tránh khỏi. Một điều nữa cũng đáng nói là phần lớn những bộ phim truyền hình sản xuất hiện nay đều rơi vào tình trạng “mỗi thứ biết một ít” của các nhà biên kịch nên dẫn đến tình trạng miêu tả về nghề thường không chính xác, gây những bức xúc của những người trong nghề.

Ví dụ như Lập trình cho trái tim, là một bộ phim về những người làm Công nghệ thông tin nhưng lại bị chính đối tượng mà bộ phim hướng tới phản ứng bằng sự thiếu chính xác trong việc đưa thông tin về nghề của họ lên phim. Nói thế mới thấy, muốn viết về một nghề nào đó, một môi trường nào đó thì nhất quyết là biên kịch phải có thời gian tìm hiểu thật kĩ, thấu đáo rồi hẵng đặt bút viết, đừng là tình trạng ngồi một chỗ, đọc báo đài, có vài người bạn biết sơ sơ về nghề đó, thế là đủ!.

Phim Lập trình cho trái tim

Đến chuyện "ăn đong danh tiếng"

Rõ ràng một điều là khi làm lại phim từ những bộ phim nổi tiếng khác của thế giới, những nhà làm phim đã nhìn thấy trước việc “vay mượn” danh tiếng từ những bộ phim gốc đó. Tất nhiên, phim có thành công họ mới mua bản quyền và chuyển thể. Thế nhưng câu chuyện chuyển thể lại là một câu chuyện khác mà ở đó sự rủi ro luôn chiếm phần nhiều. Sự rủi ro chiếm phần nhiều đó đến từ sự khác biệt văn hóa, khác biệt về gu thẩm mĩ và khác biệt cả về cách tư duy xem phim.

Những người độc thân vui vẻ là điển hình của sự chuyển thể thất bại. Cuộc sống với những mâu thuẫn vụn vặt, nảy sinh trong một môi trường làm việc là điều hết sức bình thường thế nhưng khi “vác” lên màn hình lại là một sự việc khác mà nếu làm không kĩ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “hài nhảm”. Và, thực tế là Những người độc thân vui vẻ đã rơi vào tình trạng như thế. Những tình huống hài hước, mâu thuẫn được đưa ra và xử lý hời hợt, mua vui khán giả chỉ bằng cách giao đãi qua lại và chẳng thể đi đến tận cùng của vấn đề và làm khán giả “mãn nhãn” với cách xử lý đó.

Thử lấy một ví dụ là bộ phim Con nhà giàu của Nhật Bản tính đến thời điểm này đã được sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc và đều có những thành công nhất định. Thành công bởi họ đã “biến tấu” khéo léo, biết khán giả của họ cần và muốn gì để đáp ứng. Ví dụ như Boys Over Flowers, khi phim đang công chiếu và đứng trước án phạt bị cấm chiếu về nội dung phim có một số điều chưa phù hợp với văn hóa sở tại thì nhà sản xuất đã phải nhanh chóng xin lỗi và hứa sửa đổi lại cho phù hợp ở những tập sau.

Phim Những người độc thân vui vẻ

Đó là chuyện ở xứ người với cùng 1 chủ đề là phim chuyển thể, còn ở Việt Nam xem ra đó lại là điều quá xa vời. Khán giả có thể phản ứng nhưng nhà sản xuất vẫn “bình chân như vại” với một quan điểm rằng: Tôi cho thế mới là hợp lí. Có quá không khi sự chuyển hóa chưa nhuyễn, chưa bám được vào những “vỉa” văn hóa dù là chỉ bề mặt, nên được xem xét là sự thiếu tôn trọng khán giả?

Và cuộc chạy đua với sóng truyền hình

Không có ý nâng cao quan điểm, nhưng rõ ràng sức ép của các công ty sản xuất phim tư nhân bắt buộc phải có phim phát sóng sau khi đã “book”, đã bán quảng cáo là một sức ép kinh khủng nên mọi khâu đều được đẩy nhanh, đẩy mạnh và chấp nhận cả chuyển ẩu. Bài học từ Nhật kí Vàng Anh có thể xem là một bài học cho những ai muốn kinh doanh bằng phim ảnh. Chuyện đổ bể đề rồi từ đó hệ lụy tới những tập phim đã sản xuất, sóng đã mua, nhà tài trợ, các nhãn hàng quảng cáo… tất tần tật giờ trở thành số 0 tròn trĩnh.

Cũng chính từ chuyện kinh doanh làm ăn mà có thể khâu kiểm duyệt đã bị xem nhẹ đi. Như Những ngày hè xanh là một ví dụ điển hình của việc có phim gì phát phim đó. Chuyện đáng nói là ở khâu kiểm duyệt. Những người duyệt phim có thể nói đã thiếu cân nhắc khi quyết định phát sóng bộ phim Những ngày hè xanh, để bây giờ khi khán giả thực sự sự tức giận thì mới có quyết định yêu cầu dừng phát sóng.

Phim Những ngày hè xanh

Đó chẳng phải chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Hoặc như cách nói của ông Trần Minh Tiến - Chủ tịch HĐQT Lasta, đơn vị sản xuất lại rất “ba phải”: Nếu những hư cấu của chúng tôi khiến các chiến sĩ Mùa hè xanh thấy bức xúc, phiền lòng thì đó là ngoài ý muốn của chúng tôi. Chúng tôi không hề có ý làm họ phải bức xúc, buồn cả. Chúng tôi rất lấy làm tiếc - (nguồn: Tiền phong). Chuyện ngoài ý muốn, lấy làm tiếc, tiếc rằng mới chỉ là lời nói, còn hành động thì…

Thế nên, nếu khán giả có than vãn rằng bao giờ mới có những bộ phim truyền hình thực sự hay, gây xôn xao được trong nhà ngoài ngõ thì không biết những nhà sản xuất, đạo diễn nghĩ gì. Chắc là có nhưng sẽ không nhiều!

Theo Tin Tức Online