Phim Việt Nam 2012 - Thắp đèn đi trong đêm bão

(TGĐA) - Không còn gây nóng sốt với doanh thu hàng chục tỷ, cũng không còn hút khách với những “món ăn tạp kĩ lỗi thời và nhàn nhạt”, phim Việt 2012 đang đứng trước một tổn thất lớn về tinh thần và chất xám. Xào nấu mãi cũng chỉ có những kiểu phim ca thán về cuộc đời, về thân phận phụ nữ, hay những trò giả gái đồng tính lố lăng dị hợm… Liệu xem các thể loại phim cũ rích, cách kể chuyện sáo mòn, người ta còn can đảm hi vọng và chờ đợi một sự lột xác rõ ràng?

danhchothang6

Mùa phim trôi nổi

Nếu như ở Hollywood và không đâu xa ngay Hàn Quốc, mùa Xuân là thời điểm tung ra những phim giải trí nhẹ nhàng, tình cảm lãng mạn còn mùa Hè là mùa của phim bom tấn, phim cuối năm là mùa của phim tranh giải Oscar thì ở Việt Nam, có quá ít phim được sản xuất hàng năm, để có thể phân luồng như thế. Việc phân luồng có một ý nghĩa rất lớn nhằm thúc đẩy ý thức của khán giả, thói quen xem phim và giúp cho diện mạo điện ảnh phát triển đều đặn. Ở Việt Nam, trước đây chỉ có hai dòng phim là Phim cúng cụ và Phim Tết đồng nghĩa với Phim nhà nước và Phim tư nhân. May mắn thay, vài năm trở lại đây, sự lặp lại bất ổn đó đã thay đổi, dù khá chậm. Các đạo diễn Việt kiều đã mạnh dạn xác định thêm một mùa phim mới cho khán giả là Phim Hè “made in Việt Nam”. Biết là sẽ vô cùng khó khăn để cạnh tranh với những ông lớn đến từ Hollywood và Hàn Quốc nhưng họ vẫn phải liều mình “mở đường” tìm vận may. Năm nay Cưới ngay kẻo lỡ tiếp tục sứ mệnh “đánh lạc hướng” khán giả, khi Charlie Nguyễn đem phim chiếu vào cuối tháng Tư, với hi vọng lặp lại thành công với Để mai tính, Long ruồi… của chính anh. Mặc dù khá thành công về doanh thu nhưng những hạt sạn to đùng vẫn xuất hiện dày đặc trong Cưới ngay kẻo lỡ, hơn thế nữa càng về sau, Charlie càng bộc lộ rõ phong cách làm phim giải trí hời hợt và không còn chất điện ảnh thuần túy như trước đây. Mặc dù cần cổ động, cần khuyến khích để điện ảnh Việt có thêm nhiều sự mạnh dạn như Charlie Nguyễn nhưng vẫn phải chê trách vì phim của anh luôn có nhân vật không đồng tính, thì cũng giả gái… đưa cái nhìn bất ổn về thế giới phức tạp này đến với khán giả Việt.

Là một gương mặt mới của phim Hè năm vừa qua, Gia sư nữ quái của Lê Bảo Trung cũng bất ngờ ra rạp với mác phim dành cho tuổi teen. Có thông tin cho rằng Lê Bảo Trung đã phải cầm cố nhà để có thể đầu tư trọn vẹn cho dòng phim hài ca nhạc vốn chưa phát triển một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam. Gia sư nữ quái ra đời đúng kiểu phim làm phim xem cho vui, vô thưởng vô phạt. Chính đạo diễn cũng khuyến cáo phim của anh đơn thuần là giải trí và dù tiếp tục bị chê là gây cười nhảm nhí, nội dung thiếu thuyết phục, thì người ta cũng không thể không nhắc đến Gia sư nữ quái bởi nó giúp làm đầy thêm danh sách phim Hè, một yếu tố cần thiết để phát triển phim ảnh theo quy luật bình thường. Năm ngoái bộ phim về “thảm kịch cá nhân” Hot boy nổi loạn ra mắt khán giả vào mùa Thu (thời điểm “vàng” ở Hollywood cho phim tâm lý tranh giải Oscar), và thành công mỹ mãn thì năm nay điện ảnh Việt tiếp tục có một phim tình cảm kể lể về thân phận con người. Lấy chồng người ta không hẳn là một phim tồi, bởi dẫu sao nó cũng được chiếu tại LHP Toronto và có một vài scene tạo được cảm xúc. Tuy nhiên, Lưu Huỳnh có lẽ đã sử dụng bạo lực một cách quá đà và dày đặc cùng kiểu mô tả nhân vật dường như đã không còn mới mẻ, thậm chí có phần cường điệu hóa, đã khiến cho bộ phim trở nên khó xem và gây khó chịu với rất nhiều người.

Người giàu cũng khóc

Nếu như Phước Sang khóc vì nợ nần thì có lẽ cả hãng phim của anh phải khóc vì Hello Cô Ba, một phim Tết đầu năm 2012 bị đánh giá là tệ hại nhất. Kiểu làm phim như Phước Sang không sớm thì muộn, có thể giết chết một nhóm khán giả bị ảnh hưởng từ bộ phim có nội dung thiếu lành mạnh, giải trí vô bổ. Đồng nghĩa thảm họa với Hello Cô Ba còn có Giấc mộng giàu sang, Nàng men chàng bóng, Ranh giới trắng đen với cách làm phim chậm tiến và tư duy giải trí lệch lạc. Ngỡ ngàng hơn là những diễn viên trong phim này đều có tên tuổi và “giàu” kinh nghiệm trong diễn xuất từ truyền hình đến hài kịch. Tuy nhiên, cái sự “giàu” ấy không thể nào cứu nổi cái “nghèo”mọi mặt về trình độ, về chất xám!

Không giàu theo nghĩa đen nhưng với nghĩa bóng, Ngô Quang Hải là cái tên giàu kinh nghiệm, giàu chất xám và cũng là giàu tiềm năng nhất nhì làng điện ảnh nước nhà (nếu không tính cả đạo diễn Việt kiều). Ngay từ phim đầu tay, Chuyện của Pao ra đời cách nay 6 năm, Hải cho thấy anh sẽ là một tên tuổi hứa hẹn với lối kể chuyện tầng lớp và có một độ cảm nhận khá tinh tế về tâm lý nhân vật. Giữ ưu điểm (và cũng có thể là yếu điểm) của phong cách kể chuyện chậm rãi, mông lung vào Mùa hè lạnh, anh đã vấp phải sự chỉ trích từ mọi phía bởi noir không phải là thể loại dễ thực hiện. Hiếm có phim (tạm cho là) nghệ thuật nào lại bị cả giới phê bình và khán giả chê trách như Mùa hè lạnh. Khán giả có thể đôi khi không hiểu hết ẩn ý, dụng ý và tư tưởng của bộ phim nhưng ngay cả các nhà phê bình cũng không thể bênh vực nổi bộ phim. Có thể nhận thấy rõ thất bại nữa của bộ phim là ở khâu biên tập và cắt dựng. Càng về sau, phim càng đuối và lỏng lẻo với cấu trúc phim vô định. Một kết thúc hụt hẫng (dù phim tạo cảm giác dài lê thê), một tư tưởng được đạo diễn “áp đặt” khi trả lời phỏng vấn càng khiến cho người xem hoang mang không biết Mùa hè lạnh định nói về điều gì, hướng khán giả tới tầng nghĩa nào của câu chuyện.

my_nhan_ke

Nếu như Ngô Quang Hải “tự thân vận động”, vất vả kiếm nguồn tài trợ và ấp ủ nhiều năm cho dự án phim của mình thì ngược lại, Lê Hoàng lại may mắn bội phần. Có tiền (nhà nước cấp), nhưng cuối cùng Lê Hoàng lại giới thiệu bộ phim Cát nóng không được hấp dẫn và hay như những phim trước kia của anh. Đây quả là một điều đáng tiếc, nhất là đặt trong bối cảnh phim Việt 2012.

Thắp đèn đi trong đêm bão

Dù điện ảnh Việt 2012 chưa có nhiều bứt phá nhưng vẫn có một vài tia sáng hiếm hoi xuất hiện - những kẻ “rước đèn” chuyên nghiệp, bài bản!

Scandal có thể gọi là điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm vừa qua. Kịch bản không hẳn là hoàn hảo, diễn xuất của Vân Trang chưa hoàn toàn thuyết phục (đôi khi gây nhầm lẫn cho khán giả) nhưng cuối cùng, đạo diễn cũng làm được một cái kết gọn ghẽ cho bộ phim đầy kịch tính và khốc liệt của mình. Không chỉ cập nhật thời đại một cách nhanh chóng, bộ phim đưa cả giá trị cũ (chuyện mê tín, bùa ngải…) và giá trị mới (hậu trường showbiz, cách để nổi tiếng…) trộn lẫn vào nhau. Với những khán giả ít xem phim, cái kết của Scandal hoàn toàn gây nên cảm giác thiếu hụt. Tuy nhiên phần lớn người xem phim đều khẳng định đó là cái kết can đảm của Victor sau khi đã giải quyết dứt điểm những nhân vật liên quan. Thành công của bộ phim còn được thấy rõ bởi sự xuất hiện dày đặc trên truyền thông của Thùy Trang, ca sĩ viết nhạc cho phim và Maya, vai thứ chính của phim với khả năng nhập vai nổi trội. Ngoài hấp dẫn về nhạc phim, về kịch bản và các vai phụ đầy cá tính, Scandal còn gây thích thú với những địa điểm quay phim được rất nhiều khán giả trẻ Sài Gòn nhận ra và tìm đến để thăm quan. Với một bộ phim thương mại thuần túy, làm được như Scandal ở thời điểm này là rất khó. Victor Vũ không chỉ thành công với lối kể chuyện “trần trụi” và “vạch mặt xã hội” khá chắc tay, mà bộ phim ra mắt dịp Tết đầu năm ngoái - Thiên mệnh anh hùng (bộ phim sử thi hoành tráng và khá bài bản) của anh cũng giành được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo cho phim truyện tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ hai. Dù bị chê trách là trộm ý tưởng từ một tác phẩm hạng B của Mĩ để làm ra được Giao lộ định mệnh khá hấp dẫn và gay cấn, nhưng ở hiện tại lẫn tương lai, nói gì thì nói, Victor Vũ vẫn là đạo diễn dòng phim giải trí có nghề, khi hầu hết các tác phẩm gần đây của anh đều biên tập hoàn chỉnh, thuyết phục và ít để xảy ra cảnh thừa, thiếu hoặc lỗi.

Thất bại về mặt truyền thông lẫn doanh thu nhưng Dành cho tháng Sáu, đứa con tinh thần đầu tiên của June Entertainment đến từ một tình yêu điện ảnh cháy bỏng và nghị lực phi thường của những bạn trẻ là điểm sáng khác của điện ảnh Việt trong năm 2012. Đạo diễn của phim, Nguyễn Hữu Tuấn, từng là thành viên của diễn đàn điện ảnh Yxine. Không hẳn là tiên phong nhưng những gì Dành cho tháng Sáu mang lại là đủ trẻ, đủ tươi mới để chúng ta có quyền hy vọng và đặt niềm tin. Chưa kể đây là phim thể thao đầu tiên về môn bóng rổ, Dành cho tháng Sáu còn là phim Việt hiếm hoi 3 không: “sao - shock – sex”, lại còn dũng cảm ra mắt vào tháng Sáu, tháng tâm điểm của phim Hè Quốc tế đổ bộ. Mặc dù là một hãng phim mới mẻ và không phủ nhận là non trẻ, Dành cho tháng Sáu chỉn chu từ hậu kì cho đến công tác tuyên truyền (tuyển diễn viên, họp báo…), thậm chí còn có cả một trang riêng khá đầy đủ trên website điện ảnh IMDB uy tín trên thế giới. Chưa đủ sức lôi cuốn nhiều khán giả trẻ đến rạp để tạo một cú hích lớn, nhưng mong sao ê-kíp của nó vẫn vững tin và đừng nhanh chóng tan rã như trường hợp khá buồn của 1735km năm nào.

Đến hẹn lại lên

Phim Tết tiếp tục đổ bộ, khởi đầu là Mỹ nhân kế (dự án dài hơi do Galaxy sản xuất) của Nguyễn Quang Dũng ngốn mất 17 tỷ đồng và được dàn dựng với định dạng 3D tân thời. Tuy nhiên, chỉ với một vài teaser và hình ảnh trích đoạn, nhiều khán giả không chắc sẽ được thưởng thức bộ phim võ hiệp chuẩn mực bởi Dũng khùng trước giờ vẫn luôn làm phim nửa vời, nghĩa là chưa ra được cái chất cần có, kể cả Hồn trương ba Da hàng thịt, phim truyện đầu tay được đánh giá là cá tính nhất của vị đạo diễn này. Nhưng dù phần kĩ xảo chưa xuất sắc, trang phục trông còn khá luộm thuộm thì hai cái tên Thanh Hằng, Hà Tăng hoàn toàn đủ lực để hút khán giả trẻ đến rạp vào ngày 1/2 tới. Cũng hoành tráng không kém, đó là bộ phim “siêu anh hùng” Thạch Sanh của Đỗ Quang Hải Âu, một đạo diễn trẻ lần đầu làm phim do hãng phim mới toanh - Golden Eye tài trợ. Với dàn diễn viên chính thuộc hàng vô danh, cộng với một đạo diễn có quá ít “tiền đề”, rất khó để người ta đặt niềm tin vào Thạch Sanh bởi vốn câu chuyện của nó cũng không phải là xuất sắc. Hứa hẹn thì có hứa hẹn, nhưng làm nên chuyện hay không thì phải chờ xem phim!

mua_he_lanh

Mùa phim Tết không thể thiếu phim chợ, hay còn gọi là phim hài nhảm “gom sao”. Đầu tiên phải kể đến Hiệp sĩ guốc vuông, phim Tết ra rạp sớm nhất của Nguyễn Chánh Tín với nội dung không hấp dẫn, diễn viên thiếu sức hút. Kế đó là Yêu anh, em dám không của hãng Phước Sang tiếp tục sự nghiệp làm phim “vui” vì nghe tựa đã thấy không thể nào “vui” hơn. Một nhân tố mới, dám đầu tư trong cuộc chiến sống còn là hãng phim mới toanh Century Star với Nhà có năm nàng tiên. Giám đốc hãng phim này cho biết đã nỗ lực mời bằng được Hoài Linh vào vai chính vì đây là tên tuổi bảo chứng doanh thu với lớp khán giả bình dân, cùng một vài cái tên thời trang khác có thể hấp dẫn được khán giả trẻ. Số phận của ba bộ phim kể trên hoàn toàn cậy nhờ vào đồng tiền trong túi của người xem và sự thờ ơ của sân khấu hài kịch. Bởi nếu các sân khấu kịch mạnh dạn vào cuộc làm kịch hài cho mùa Tết thì nhiều khả năng ba bộ phim này sẽ phải đón năm mới vô cùng hẩm hiu!

Chu Trần Minh Đức