Phó Giám đốc TFS Nguyễn Quốc Hưng: “Số lượng vẫn chưa nói lên được điều gì”

(TGĐA) - Là một trong những hãng phim thuộc Đài truyền hình lớn trong nước, trong năm qua, TFS (Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) đã nỗ lực không ngừng để đem đến cho công chúng những tác phẩm xuất sắc, thu hút được đông đảo khán giả yêu thích phim truyền hình. Tạp chí Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh (TFS).

o_din_Quc_Hng

Đạo diễn Quốc Hưng

Anh đánh giá ra sao về một năm hoạt động của hãng TFS? (về chất lượng phim truyện, phim tài liệu và các chương trình khác)

Trên bình diện mặt bằng chung của cả nước, thì năm 2014 vẫn là một năm hoạt động không kém phần sôi động của Hãng phim TFS. Bằng chứng là số lượng các chương trình sản xuất, bao gồm phim tài liệu, ký sự, phim truyện, Tạp chí Truyền hình, được phát sóng trên sóng HTV là không nhỏ. Đây có thể được xem là nỗ lực rất lớn của Ban Tổng Giám đốc HTV, ban Giám đốc TFS và toàn thể anh chị em nghệ sĩ của Hãng trước cơn bão khủng hoảng kinh tế đang hoành hành.

thang-11-lan-khuat-mot-ten-nguoi-

Poster Lẩn khuất một tên người

Theo ý kiến của cá nhân anh, thành công lớn nhất mà hãng có được trong năm 2014 là gì?

Số lượng vẫn chưa nói lên được điều gì. Vấn đề là chất lượng. Thẳng thắn mà nói, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, chất lượng các chương trình do TFS sản xuất trong năm 2014 có lúc trồi sụt không đồng đều, nhưng tựu trung, TFS vẫn là một tên tuổi lớn của cả nước. Nói theo ngôn ngữ của bóng đá là thế này: phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Bằng chứng là trong Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 34 vừa qua tại Huế, TFS là một trong những đơn vị của HTV “thu hoạch” được nhiều vàng, bạc nhất.

Poster_phim_o_kht

Poster phim Đảo khát


Sản xuất phim truyền hình giờ đây không còn là độc quyền của các hãng phim do nhà nước quản lý như VFC, TFS...mà rất nhiều công ty truyền thông cũng tham gia làm phim. Nói cách khác, trước một cơ chế thoáng, mở và cạnh tranh công bằng, TFS đã có những “chiến lược” gì đề giữ được vị trí là cánh chim đầu đàn, ngoài ra là những “chiêu thức” giữ chân các nghệ sĩ, tránh tình trạng chảy máu chất xám?

Về vấn đề này, tôi lại nhìn nhận ở khía cạnh tích cực của nó. Phàm thì cái gì độc quyền, trước sau gì cũng dẫn đến sự tệ hại, mà người trực tiếp thụ hưởng là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Phim ảnh là một loại hàng hóa đặc biệt, rất khó để đưa ra một qui chuẩn nào đó để định lượng. Không phải cứ đổ ra thật nhiều tiền là đã có phim hay hoặc ngược lại. Nói thì có vẻ sách vở nhưng suy cho cùng, phim ảnh vẫn là thế giới của tâm hồn, thế giới của tài năng, không thể hành chính hóa nó được. Tài năng là của hiếm và không dưng tài năng từ trên trời rơi xuống được. Tài năng là số ít, còn số nhiều không tài năng thì thế nào? Số nhiều không tài năng lại núp bóng dưới nhãn hiệu độc quyền ắt sẽ dẫn tới ỷ lại, thiếu động lực, “kiêu binh”. Đây có thể xem là những lực cản lớn, là sức ì cho cả một guồng máy hoạt động theo cơ chế cào bằng ai cũng như ai. Xã hội hóa các chương trình truyền hình mang đến một làn gió mới cho các hoạt động sản xuất lâu nay ít nhiều bị xói mòn. Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt xấu tốt của vấn đề, nhưng tôi vẫn thấy giá trị mà nó mang lại là rất lớn. Trước nhất, là lợi ích được thụ hưởng từ phía khán giả, những người xem truyền hình. Thứ hai, lợi ích kinh tế thu được từ nhà đài, giúp trang trải hoạt động sản xuất, tái đầu tư và cải thiện cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên. Thứ ba, cái này tôi cho là quan trọng nhất, các đơn vị sản xuất phim nhà nước phản tỉnh và buộc phải nhìn nhận lại thực tế vấn đề. Những câu hỏi đặt ra sẽ là: Hãng mình sẽ như thế nào? Cá nhân mình là ai, đang ở đâu? Phải thích nghi ra sao đây?... Có thể dù đặt ra được câu hỏi, chưa biết sẽ giải quyết đến đâu, nhưng như thế ít nhiều đã có bước “chuyển mình” về phía trước. Cạnh tranh luôn là động lực của phát triển. Và, đã là cuộc chơi công bằng rồi, thì người chơi buộc phải tuân thủ luật chơi thôi. Chuyện chạy máu chất xám nên xem nó là bình thường, trong khi ta chưa có cơ chế nào khả dụng để giữ chân người tài (nói tới chiến lược thì còn xa vời lắm). Cuộc sống là một dòng chảy. Những người mới rồi sẽ xuất hiện. Ở góc độ quản lý, ban giám đốc hãng phim và cá nhân tôi vẫn đang nỗ lực đi tìm những nhân tố mới và mạnh dạn trao cho họ cơ hội làm phim. Hơn lúc nào hết, TFS cũng cần phải làm mới lại mình.

Phim_Lng_son

Poster Lồng son

Nhìn vào mảng phim truyện của TFS trong năm qua, có thể thấy chất lượng phim đã có một bước tiến khá dài với đội ngũ những người làm phim ngày càng khẳng định được tên tuổi của mình. Đề tài và thể loại cũng đã phong phú hơn, nhưng thực sự hãng vẫn chưa có những con át chủ bài (những dự án lớn, trọng điểm). Xin anh cho biết, khó khăn nằm ở đâu?

Đây là câu hỏi mà chúng tôi thường đau đáu khi nghĩ về bước đi tương lai của mình. Nhìn lại quá khứ, TFS từng thực hiện những dự án phim rất lớn có thể xem là hàng “khủng” lúc bấy giờ và đã rất thành công, tạo nên một diện mạo rất riêng, một thương hiệu TFS ngày nay. Về phim truyện thì có thể kể đến Đất phương Nam, Ngọn nến Hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam... Phim tài liệu thì có Mê kông ký sự, Ký sự hỏa xa, Hành trình theo chân Bác... Thế còn hiện tại thì thế nào? Đúng là trong vài năm trở lại đây, chúng tôi chưa có một dự án nào gọi là lớn, trọng điểm hết. Tôi xin nói luôn vấn đề chính là nguồn kinh phí. Do những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, của nguồn thu quảng cáo của HTV mà những dự án phim lớn như trước đây tạm thời phải gác lại. Đây là điều ngoài ý muốn mặc dầu năng lực sản xuất, đội ngũ làm phim của chúng tôi vẫn còn khá dồi dào và tâm huyết.

Phim_Sng_m_ci

Poster phim Sóng mồ côi

Anh có nhận xét gì về đội ngũ những người làm phim của hãng TFS hiện nay, đặc biệt là những đạo diễn, biên kịch trẻ tuổi?

Ở bất kỳ đâu thì những người trẻ cũng đều luôn mang đến sự kỳ vọng cho mọi người. Văn học nghệ thuật nói chung, phim ảnh nói riêng, là lãnh vực thuộc về sáng tạo. Nó có bước đi và những qui luật riêng đặc thù. Nếu những ngành nghề khác người ta thường nhấn mạnh đến yếu tố thời gian (thâm niên) và kinh nghiệm như ngành y, ngành giáo dục chẳng hạn, thì nghệ thuật lại không thế. Tài năng nghệ thuật thường phát lộ từ rất sớm. Đông Tây kim cổ đã chứng minh điều này. Những trang viết đầu tiên, những bức họa nguệch ngoạc đầu đời, một bộ phim đầu tay, nếu thật sự mang dấu ấn, thì ít nhiều nó đã thấy lấp lánh những dấu hiệu của tài năng. Không phải cứ làm phim mãi là có thể giỏi được. Làm nhiều chỉ giúp hoàn thiện tay nghề của một người thợ, chứ không thể thành một nghệ sĩ được. So sánh thế hệ này với thế hệ khác là một sự khập khiễng. Mỗi thế hệ đều có những khó khăn, thuận lợi và phải giải quyết những vấn đề phát sinh của thời đại mình đang sống. Nói thế, nhưng cá nhân tôi vẫn đặt niềm tin vào những người trẻ.

thang-10-dam-duong-cong-ly-

Poster phim Dặm đường công lý

Năm 2015, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh chào đón ngày kỷ niệm lớn 30/4/1975 – 30/4/2015, xin anh cho biết Hãng đã chuẩn bị những gì để chào đón ngày trọng đại này? Ngoài ra có những dự án lớn, trọng điểm được hãng lên kế hoạch thực hiện và giới thiệu tới công chúng trong năm mới 2015?

Năm 2015 thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm trọng đại 40 năm giải phòng miền Nam thống nhất đất nước. Nằm trong vệt chương trình tuyên truyền cho sự kiện đặc biệt này của HTV, Hãng phim TFS được ban Tổng Giám đốc HTV giao thực hiện một series phim tài liệu Ký sự biển đảo. Công việc thu hình hiện đang được các ê kíp thực hiện ráo riết, tiến hành trên mọi miền đất nước. Có thể xem là điểm nhấn quan trọng trong mảng phim tài liệu năm 2015 của chúng tôi. Về phim truyện, bộ phim Không có gì & Không một ai 30 tập, do nhà văn Nguyễn Đông Thức chấp bút, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của chính tác giả, đạo diễn kỳ cựu Trần Mỹ Hà làm đạo diễn. Trên cái nền của những sự kiện lịch sử phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của thành phố từ sau ngày giải phóng cho đến nay, Không có gì & Không một ai là câu chuyện về tình bạn gắn bó, thủy chung của bốn người bạn. Câu chuyện có phần rất riêng tư của bốn người bạn này cũng là câu chuyện của cuộc đời, câu chuyện của những bước chuyển mình mạnh mẽ và của diện mạo Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Không có gì & Không một ai có thể xem là dự án trọng điểm trong năm 2015 của TFS và chúng tôi đã dành nhiều tâm sức và sự kỳ vọng vào dự án này. Hy vọng phim sẽ kịp hoàn thành và trình

Cảm ơn anh đã chia sẻ

Thục Vân