"Bệ đỡ" &... không "bệ đỡ"

Điểm qua vài gương mặt đã/đang hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, xuất phát từ hai thái cực khác nhau, để thấy, con đường đến với nghệ thuật cũng “trăm nẻo đường tình” để đi đến thành công.

Nếu Celine Dion, Mariah Carey không gặp những “ông trùm” thu thanh thế giới, những người sau đó đã trở thành chồng của họ, liệu âm nhạc thế giới hiện đại có 2 pa đáng được ngưỡng mộ đến vậy? Bệ đỡ và không bệ đỡ, hiểu theo một nghĩa rộng hơn của tài trợ và không tài trợ, là điều mà bất cứ ai làm nghệ thuật đều lưu tâm.


Không bệ đỡ

Hồng Ánh

Hồng Ánh

“Tôi đến với nghệ thuật hoàn toàn không có sự cấm cản, cũng như định hướng của gia đình, mọi chuyện cứ “hữu xạ tự nhiên hương”. Sau khi tốt nghiệp trường múa phụ hoạ cho những tiết mục văn hoá văn nghệ phục vụ khách du lịch. Cát-sê hồi đó chỉ vài chục nghìn/1buổi. Hồi đó, không phải xin tiền gia đình là may lắm rồi. Rồi cơ hội chuyển sang điện ảnh đến với tôi. Tôi bỏ múa để theo điện ảnh cũng vì múa là một nghề vất vả, tuổi thọ không lâu và sức tôi không thể kham được.

Với tôi, đó là quãng thời gian đáng nhớ của tuổi thanh xuân và nếu không có múa thì sao tôi có sự chuyển đổi thành công như hiện nay. Tôi từng kinh doanh, với mong muốn có sự vững chãi về thu nhập. Nhưng rồi tôi phải ngậm ngùi thừa nhận, mình không thể làm gì khác ngoài nghệ thuật. Cuộc sống hiện nay của tôi không thể gọi là giàu có, chỉ có thể nói là vừa đủ. Tôi cũng đã để dành được chút tiền, đã có thể mua sắm đồ biếu bố mẹ nếu cần, điều mà những năm tháng đầu tiên theo đuổi nghệ thuật, tôi chưa dám nghĩ tới. Nghĩ lại tất cả những bươn chải đó cũng có những giá trị của nó. Nó giúp đời tôi nhiều hương vị, gặp được nhiều dạng người khác nhau và thêm nhiều kiến thức sống, một điều rất quan trọng đối với nghề điện ảnh.

Phan Đăng Di

Phan Đăng Di, đầu tiên được biết đến với tư cách là nhà biên kịch với kịch bản Chơi vơi, sau đó là một giảng viên phê bình điện ảnh của Quỹ Ford. Nhưng, gần đây, Phan Đăng Di dần trở nên quen thuộc với công chúng trong vai trò đạo diễn, nhà làm phim độc lập, với dự án Bi ơi, đừng sợ!. Những thông tin về việc kịch bản của bộ phim này xin được tài trợ hoặc được giải tại những hoạt động bên lề của những liên hoan phim lớn trên thế giới như Cannes, Berlin, Venice, Pusan liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhà biên kịch, đạo diễn trẻ Phan Đăng Di

Số tiền mà anh chàng đạo diễn trẻ này đã xin được khi “lê la” qua khắp các liên hoan phim là 83.000 USD trên tổng số cần là 400.000 USD. Phan Đăng Di là một hình mẫu tiêu biểu cho những đam mê về nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là điện ảnh. Còn vớiBi ơi. đừng sợ!, có thể nói rằng đó là dự án tâm huyết đời người của mình, thì Phan Đăng Di gần như đã đánh cuộc cả sinh mạng vào đó. Cùng với Chơi vơi kịch bản đang được thực hiện bởi Bùi Thạc Chuyên với dàn diễn viên sao nội - ngoại đầy hấp dẫn, cùng vớiKhi tôi 20 đã “hụt” tham dự Berlin, thì người xem hoàn toàn có thể tin tưởng vào “gu” của Phan Đăng Di.

Anh đã sẵn sàng từ bỏ công việc của một cán bộ Cục điện ảnh, một công việc đang rất ổn định để theo đuỏi đam mê của mình. Ngay cả việc tham gia giảng dạy bộ môn phê bình, lý luận điện ảnh hay tham gia viết báo mạng điện ảnh cũng là nỗ lực “gom góp” cả về tiền bạc và kiến thức để phục vụ cho công việc yêu thích của mình, đó là đạo diễn. Phan Đăng Di tâm sự, anh còn may mắn hơn những nhà làm phim độc lập trên thế giới, vì dẫu sao anh còn xin được tiền, ví dụ LHP Berlin có 118 hồ sơ gửi, nhưng chỉ có 3 hồ sơ được duyệt, Phan Đăng Di nằm trong số 3 đó. Những chuyến đi của Phan Đăng Di hoàn toàn do các liên hoan phim mời, nên nếu có thất bại thì anh cũng không ‘thua thiệt” nhiều. Nếu coi điện ảnh là một giáo phái, thì chẳng phải bàn cãi, Phan Đăng Di đáng được xếp vào một trong những tín đồ cuồng nhiệt.

Ngô Quang Hải

Đạo diễn Ngô Quang Hải.Ảnh: TTVH&ĐÔ

Ngô Quang Hải là một người nói nhiều, thậm chí rất nhiều. Lúc rảnh rỗi, anh có thể “giữ chân” người đối diện từ 3 đến 5 tiếng là chuyện bình thường. Những câu chuyện của Hải “Pao” luôn là đề tài muôn thuở khi mở miệng: Điện ảnh. Người đàn ông đã qua tuổi 40, qua một lần đổ vỡ hôn nhân này đã trải qua hàng trăm vai diễn khác nhau, và mỗi vai diễn luôn mang lại cho Hải những kinh nghiệm quý báu cho vai trò đạo diễn, một nhà làm phim độc lập sau này. Nhưng để có được ngày hôm nay, ít ai biết rằng Quang Hải đã có cả một quãng đời lăn lộn mưu sinh chỉ để thoả mãn được khát vọng của mình.

Không được gia đình hỗ trợ nhiều từ những ngày đầu tiên bước chân vào điện ảnh, Quang Hải đã từng làm hướng dẫn viên “chui” cho các khách Tây đi khắp phố cổ Hà Nội, để mong nhận được những đồng tiền đủ trang trải cho chuyện học. Sau khi ra trường, tình cờ vào Sài Gòn, anh nhận thấy đây đúng là mảnh đất để làm ăn, và rồi nhiều năm sau đó, Quang Hải lặn lội với đủ thứ nghề buôn bán để kiếm tiền ở mảnh đất phương Nam. Khi tự nhận thấy, số vốn liếng đã đủ cho một cuộc sống điện ảnh khoẻ mạnh, anh bắt đầu quay trở lại với đam mê lớn nhất của đời. Và rồi, Quang Hải đã được “thẩm định” là một đạo điễn.

Nói về câu chuyện đi xin tài trợ cho những dự án của mình, Quang Hải cho biết chưa bao giờ anh có ý định thôi không làm công việc thuyết trình và xin tiền như thế. Anh quan niệm, xin tài trợ không đơn thuần chỉ là cho và nhận, cái quan trọng hơn là phải làm đối tác tin tưởng đó là một dự án khả thi và “có lợi cả đôi bên”. Quang Hải giờ say sưa với mảnh đất mới, nơi anh có thể thoả mãn được cả 2 yếu tố: làm nghề và kiếm tiền, đó là truyền hình. Sau Chíp và Pi với những trục trặc chưa thể lên hình, giờ Quang Hải lại tiếp tục với series phim truyền hình mới về giới trẻ. Có thể hiểu, lý tưởng điện ảnh của Hải được bắt nguồn một cách không bệ đỡ, thuần tuý chỉ là “say” và “điên” với nghề!

Bùi Bài Bình - Ngọc Thu

Bùi Bài Bình và vợ - diễn viên Ngọc Thu

Bùi Bài Bình không quá nổi tiếng, nhưng lại được tiếng là người có tâm với nghề và làm việc nghiêm túc. Bùi Bài Bình cũng không phải “kép đẹp” của điện ảnh, thậm chí, nhìn anh rất khắc khổ. Nhưng sự “khắc khổ” đó, nếu biết đặt đúng chỗ, biết thắp sáng, thì Bùi Bài Bình là điển hình của câu nói: “Tài năng cũng như cái chuông, nếu đánh nó sẽ kêu”.

Một Bùi Bài Bình yêu và có tay nghề, ai cũng biết. Nhưng có lẽ, ít ai biết, vợ anh, diễn viên Ngọc Thu, cũng là nhan sắc một thời của Điện ảnh Việt. Nhưng, “cơm áo không đùa với khách thơ”, từ ngày lấy chồng Ngọc Thu dần lui về hậu trường. Quán cà phê nhỏ nằm cuối phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) là điểm tựa không hoành tráng, nhưng vững chắc, để Bùi Bài Bình tiếp tục với những vai diễn mà anh yêu thích.

Nghệ thuật là vậy, nó khắc nghiệt, nếu người nghệ sĩ chọn cho mình con đường thẳng. Sự hy sinh của Ngọc Thu dành cho chồng quá lớn, nếu xét chuyện 2 người cùng nghề. Giờ đây, với Ngọc Thu, điện ảnh không còn là máu thịt để chị đau đáu, những bộn bề cuộc sống, những lo toan vun vén để cho chồng hết mình với nghề, đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất. Nghệ thuật ngẫm cho cùng, cũng cần lắm những sự hy sinh để thôi đừng “chông chênh” và khác đi những lý tưởng ban đầu.

Như Quỳnh

Khoảng những năm 1987 – 1988, hãng phim nơi Như Quỳnh làm việc có nguy cơ giải thể, và mỗi diễn viên của đoàn đều tự phải bươn chải để lo cho cuộc sống của mình. Có người mở tiệm may áo cưới, có người làm trang điểm, còn chị, may vì gia đình nhà ngoại có cửa hàng mặt tiền, nên mở quán cà phê tại 46 Bát Đàn, Hà Nội. Quán cà phê tên Quỳnh duy trì được hơn 10 năm, đến năm 2000 thì ngừng hoạt động. Nhớ lại thời đó, thu nhập từ quán cà phê Quỳnh là nguồn thu ổn định và đầy đủ, thậm chí còn giúp vợ chồng chị dành dụm được một khoản, đủ mua được miếng đất vào lúc chưa lên cơn sốt.

NSND Như Quỳnh

Chị tâm sự:“Nhìn lại, tôi thấy mình may mắn, vì quán cà phê lúc nào cũng đông khách. Phần lớn là khán giả từng xem phim tôi diễn, họ đến uống cà phê và tán gẫu, bàn chuyện điện ảnh với “chủ quán”. Vinh hạnh hơn, khi tên quán cà phê Quỳnh được đưa vào những cuốn guide book về Hà Nội dành cho khách Nhật và Pháp. Cũng từ những cuốn sách đó, khách du lịch tìm đến, và khi nhận ra tôi là diễn viên trong các phim của Trần Anh Hùng đã chiếu tại đất nước họ, những khách du lịch đó rất phấn khởi. Họ xin chữ kí, chụp ảnh cùng.

Đó thực sự là kỉ niệm đáng nhớ của những ngày “tay trái nuôi phải”. Tuy nhiên, những ngày đầu tôi có chút ngại ngần, khi khán giả xem phim rồi tìm đến quán Quỳnh, họ thấy diễn viên mà mình yêu thích đi phục vụ cà phê. Nhưng rồi cũng quen, tôi thấy đó là một hoạt động mưu sinh chứ không thể trông chờ vào điện ảnh được, bởi cái bụng đói thì không thể nghĩ được gì hay ho cả (cười)”. Cũng nhờ những tháng ngày ki cóp đó, chúng tôi đủ sức cho cô con gái lớn sang Trung Quốc du học, học từ đại học cho đến thạc sĩ. Hiện nay, gia đình tôi chưa hẳn đã hết “đau đầu” về “cơm áo gạo tiền”, nhưng mọi chuyện đỡ vất vả hơn. Số tiền vợ chồng dành dụng đang được lên kế hoạch cho con gái thứ 2!.

Có bệ đỡ

Ánh Tuyết

Ca sĩ Ánh Tuyết

“Ánh Tuyết không lấy chồng giàu có như mọi người vẫn lầm tưởng. Và đừng tưởng cứ lấy Tây là giàu có” – đó là tuyên bố chắc nịch của Ánh Tuyết. Ánh Tuyết nói chị có thể đi hát hoặc nuôi sống sân khấu ATB “khoẻ mạnh”, nhất là trong thời bão giá, vì chị còn nhiều công việc kinh doanh khác. Hình ảnh của Ánh Tuyết hôm nay khác hẳn với những ngày đầu vào nghề và càng khác với những ngày sau hôn nhân.

Những ngày cơ cực nhất của ánh Tuyết chính là những ngày đầu tiên sau cưới, chồng mất việc làm, tiền dành dụm bị mất. Nhưng rồi, cơn bi cực cũng qua, giờ đây Ánh Tuyết và chồng cùng điều hành một công ty lớn về xây dựng, chuyên nhận thầu những công trình lớn cả trong và ngoài nước. Cứ có tiền nhàn rỗi, là Ánh Tuyết lại đầu tư bất động sản từ Long Thành, Đồng Nai cho đến Vũng Tàu, Hội An. Sự tích góp đó đủ để chị duy trì hoạt động của ATB, niềm đam mê lớn nhất của đời người nghệ sĩ chuyên hát dòng nhạc xưa này. Thành công của Ánh Tuyết là sự lao động không mệt mỏi của một nghệ sĩ chân chính. Nhưng cũng thật buồn rằng, nếu không có sự hỗ trợ ngoài nghệ thuật, thì thật khó có một Ánh Tuyết vững vàng với dòng nhạc tiền chiến trữ tình xưa.

Linh Nga

Diễn viên Linh Nga

Linh Nga thú nhận cô may mắn được sinh trong gia đình có nền tảng nghệ thuật để có thể sống được bằng nghề. Đó chính là “nền tảng” đầu tiên mà Linh Nga đề cập đến. Không gì khác, múa đã giúp bố mẹ cô từ hai bàn tay trắng có được một cơ ngơi khang trang như hiện nay. Cũng nhờ múa mà bố mẹ đã dành được món tiền không nhỏ và quyết định đầu tư cho con gái theo nghiệp gia đình với 10 năm du học tại Trung Quốc. 10 năm sau, Linh Nga đã có thể kiếm tiền để “trả nợ” bố mẹ từ những “đồng vốn” đã vay. Cô nói rằng, nếu không làm nghề múa, hoặc gia đình không khá giả để đi du học, thì thật khó tưởng tượng Linh Nga hôm nay là một hình ảnh như thế nào. Trước và sau cùng, Linh Nga vẫn xác định múa là đam mê lớn của đời mình. Giờ đây, Linh Nga đã trưởng thành và khẳng định được tài năng của mình. Đây cũng là lúc cô cần phải đứng độc lập với hai cái tên Vương Linh - Đặng Hùng.

Huy Khánh

Diễn viên Huy Khánh

Hoàng Anh, vợ của Huy Khánh, không phải celebrity theo đúng nghĩa của từ, nhưng sự quan tâm dành cho cô không thua kém chồng. Được tiếng là Diễm cuối cùng của Trịnh Công Sơn, và cũng được tiếng là vợ của người chồng trẻ đẹp (kém cô 7 tuổi) và cũng (lại) được tiếng là giàu có. Bởi thế, hôn nhân của cặp đôi Hoàng Anh – Huy Khánh chưa bao giờ thôi bị “dòm ngó” bởi những câu hỏi mang nặng dấu ấn tiền bạc, mặc dù Huy Khánh tuyên bố một năm làm được vài trăm triệu.

Với một “hậu phương” vững chắc như Hoàng Anh, việc Huy Khánh “bay nhảy” với điện ảnh, sân khấu, xem ra không mạng nặng trách nhiệm cơm áo nhiều. Huy Khánh từng tuyên bố, Hoàng Anh đồng ý đợi anh 10 năm theo đuổi điện ảnh rồi hãy quay về giúp đỡ vợ. Điều đó cho thấy, chàng diễn viên điển trai này đang có một “bệ đỡ” vững chắc mà không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội. Huy Khánh cũng không ngần ngại thừa nhận 50% thành công của mình xuất phát từ vẻ ngoài “đẹp mã”. Việc kết hôn sớm của Huy Khánh xem ra lại rất có lợi, chứ không như cách nghĩ thông thường. Cái lợi trước hết là sự ổn định, sau đó là sự “vững chắc” để việc diễn không quá long đong trong mưu sinh như những đồng nghiệp khác.

TheoThế giới nghệ sỹ