"Người đàn bà thứ hai": Cường điệu thái quá!

Là phim truyền hình đầu tiên phát sóng trong chương trình mới Rubic 8 (lúc 14 giờ 30 phút, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần), Người đàn bà thứ hai đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả, nhất là giới nữ, bởi nội dung đề cập đề tài muôn thuở: mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu. Qua vài tập phim đầu tiên, người xem khá thích thú trước mối quan hệ giữa mẹ chồng-nàng dâu của hai cặp vợ chồng: Linh-Đạt, Mai-Hùng được thể hiện trên phim khá sinh động.

Sau 6 tuần phát sóng, bộ phim Người đàn bà thứ hai (đạo diễn Vũ Hồng Sơn và Đỗ Chí Hướng) đã đi được nửa đoạn đường. Càng xem, khán giả càng cảm thấy “ngợp thở” trước sự cường điệu quá mức về tính cách của các nhân vật.


Cảnh trong phim

Thế nhưng càng về sau bộ phim càng khiến khán giả choáng váng bởi cách xây dựng hình tượng những nhân vật chồng, mẹ chồng, nàng dâu trên phim.

Nhân vật chính trong phim là Linh, một cô gái trẻ. Vừa lấy chồng, Linh được bố mẹ hai bên cho tiền mua một căn hộ riêng. Vốn được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ, Linh không chịu đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Mọi việc đã có mẹ chồng ở dưới quê lên chơi làm.

Thật ra những kiểu nàng dâu hiện đại như Linh không thiếu trong cuộc sống, tuy nhiên cách mà Linh ứng xử với gia đình chồng mới là điều đáng nói và qua bàn tay đạo diễn, nó được thậm xưng một cách thái quá khiến người xem cảm thấy choáng váng. Chỉ vì muốn mẹ chồng mau cuốn gói về quê, Linh tuyên bố sẽ sẵn sàng phá thai để bà mẹ chồng khỏi có cớ ở lại chăm sóc con dâu.

Khi bị mẹ chồng phàn nàn về chuyện ăn xong không chịu rửa chén, Linh thẳng thừng bốp chát: "Con không rửa, con cố tình không rửa đấy”, rồi nói với chồng đại ý “anh mà ép là em đuổi mẹ anh về luôn”. Không chỉ lười biếng, Linh còn luôn coi thường gia đình chồng. Cha mẹ Đạt cả đời dành dụm được 50 triệu đồng cho con trai mua nhà riêng, vậy mà khi về ở, Linh luôn miệng chê bai số tiền kia là nhỏ nhoi và còn hùng hồn tuyên bố sẵn sàng đi làm gái nhà hàng để kiếm tiền trả cho cha mẹ chồng!

Không chỉ Linh, nhân vật nàng dâu thứ hai trong phim là Mai cũng được khắc họa tương tự về khoảng ăn nói coi thường mẹ chồng. Trên các diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả nữ bày tỏ chung ý kiến: “Tôi cũng làm dâu nhưng cũng không thể thông cảm được cách nói năng của cô con dâu với mẹ chồng trong phim, nhất là đoạn Mai bảo với bố chồng: Bố bảo mẹ đi chợ mua ít thức ăn thôi, để dành bụng mà ăn nốt đồ thừa...".

Các nàng dâu như thế đã đành, ngay hình ảnh các ông chồng trong phim cũng khó thuyết phục. Trước mặt mẹ, Đạt (chồng Linh) nghe vợ luôn miệng gọi mẹ mình là “bà ấy” rồi còn đòi đuổi mẹ mình về, vậy mà vẫn không dám có ý kiến gì. Bố Linh còn nhu nhược hơn, dẫu nhân vật này được xây dựng là người đàn ông hiền lành, cưng chiều vợ con hết mực nhưng việc để cho vợ nói với con ngay trước mặt mình là “ngày xưa tao lấy bố mày vì bố mày mồ côi mẹ” mà cũng chỉ ậm ừ: “Đúng đấy” thì quả là không thể hiểu nổi. Bà mẹ Linh còn đáo để hơn, sang nhà thông gia chơi thì chê thẳng cơm của bà thông gia nấu, lại còn xúi con gái đừng có thai để khỏi phải cực! Thử hỏi một bà mẹ như thế sao có thể phổ biến trong xã hội để đạo diễn khái quát thành hình tượng trong phim?

Mục đích của Người đàn bà thứ hai là chuyển tải đến những người làm dâu, những bà mẹ có con trai thông điệp: Một chút yêu thương và chia sẻ sẽ xoa dịu mọi mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu, tuy nhiên với cách xây dựng hình tượng nhân vật thái quá như thế, ý đồ tốt của nhà làm phim xem ra đã phản tác dụng.

Theo Người lao động