"Trước khi muốn phê bình thì phải tập xem phim trước đã!"

Cơ duyên nào đưa chị đến với phê bình điện ảnh?

Người làm phê bình điện ảnh thực sự tạo dựng được tên tuổi ở Việt Nam chỉ đếm trên được đầu ngón tay. Nhưng ngay với số ít những người đã trụ lại với nghề đến ngày hôm nay thì vẫn còn rất nhiều những trăn trở với nghề. Làm thế nào để vừa có thể duy trì cuộc sống mà vẫn sống hết mình với đam mê nghề nghiệp? Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ nghệ thuật học Ngô Phương Lan, một trong những nhà lý luận phê bình được đánh giá là chuyên nghiệp của điện ảnh VN hôm nay.


Không biết nên gọi là cơ duyên hay không nhưng chính văn học là cầu nối đưa tôi tiếp cận với điện ảnh. Từ khi học phổ thông, tôi luôn ở đội tuyển Văn của thành phố Hà Nội, từng đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Sau đó tôi thi vào Tổng hợp văn. Sau đó tôi được tuyển vào trường Đại học điện ảnh quốc gia liên bang Xô Viết. Tất nhiên khi thi tuyển vào trường điện ảnh, mình cũng có thể lựa chọn vào khoa biên kịch hay lý luận phê bình nhưng tôi tự thấy mình không phải là người có thiên hướng về sáng tác nên tôi chọn học ngành phê bình điện ảnh. Mặt khác, trong gia đình bố mẹ tôi đều làm ngành điện ảnh nên cũng đã được tiếp xúc với moi trường từ nhỏ. Càng ngày tôi càng nghĩ mình đã chọn đúng nghề vì đến bây giờ tôi vẫn thích thú với nghề mình chọn.



Tiến sĩ nghệ thuật học Ngô Phương Lan


Sự khác nhau giữa ngôn ngữ phê bình văn học và phê bình điện ảnh?

Nhìn chung, hai lĩnh vực này rất gần gũi, không bao giờ điện ảnh có thể thoát ly khỏi văn học. Văn học có thể là nền tảng cho những ý tưởng điện ảnh nhưng theo tôi, chỉ nên dừng lại ở ý tưởng thôi chứ còn khi đã chuyển sang lĩnh vực khác là phê bình điện ảnh thì anh phải thay đổi cách tư duy. Người ta đọc tác phẩm, nghiên cứu văn học trên cơ sở những con chữ, chất liệu nghiên cứu là văn bản, còn điện ảnh được xây dựng trên chất lượng nghệ thuật khác, là nghệ thuật nghe nhìn. Theo tôi hình ảnh là phần đập vào giác quan người xem, tạo nên ấn tượng đầu tiên cũng là ấn tượng mạnh nhất, tiếp đến là âm thanh. Vì thế, người viết phải chuyển cách tư duy trên văn bản sang cách tư duy bằng hình ảnh thì mới có thể làm được điện ảnh.

Bản thân tôi cũng nghĩ, người làm điện ảnh nên cố gắng chỉ tiếp thu và dựa vào văn học ở khía cạnh ý tưởng còn khi nhận xét, thậm chí ngay từ khi cảm thụ một tác phẩm điện ảnh thì người ta phải bắt đầu bằng hình ảnh và âm thanh, bắt đầu bằng tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy trên màn ảnh mới có thể thẩm thấu được tác phẩm. Nếu cứ tiếp tục cách tư duy về cốt truyện hay về các tuyến nhân vật, đối thoại của nhân vật thì sẽ không đầy đủ. Tôi cũng thấy đây là bệnh chung của nhiều người học văn học chuyển sang phê bình điện ảnh, chỉ quan tâm đến câu chuyện của điện ảnh thôi. Tất nhiên với nhiều người giỏi họ cũng có thể khai phá thêm một số tầng ngầm trong tác phẩm điện ảnh nhưng hình như những người giỏi thì cũng không nhiều, một số người ở mức trung bình thường sa vào việc kể lại câu chuyện phim. Cứ như vậy thì khán giả chẳng cần xem phim, chỉ cần nghe họ “xi-nê bằng miệng” là đủ rồi.

Làm phê bình điện ảnh ở Việt Nam có điều gì khó khăn và thuận lợi?

Tôi nghĩ ở Việt Nam hay ở nước ngoài, người học cũng nên tìm hướng đi độc lập cho mình. Kiến thức là phương tiện, người thầy cung cấp cho mình kỹ năng và một số hướng để mình đào sâu kiến thức. Thầy cũng không thể cho mình hết kiến thức được, mình phải rèn kỹ năng theo cách thầy hướng dẫn nhưng phải cố gắng tư duy, nhìn nhận một cách độc lập. Nếu mình chỉ rập khuôn theo cái người ta nhìn, theo kiến thức của người ta cung cấp cho thì một ngày không xa sẽ vơi cạn đi, mình sẽ trở thành rập khuôn, cũ mòn hay sáo rỗng. Nếu định gắn bó với công việc phê bình điện ảnh thì phải tìm một cách đi riêng.

Bản thân tôi cũng không phải là người có điều kiện làm phê bình lý luận chuyên nghiệp. Công việc chính của tôi từ khi tôi bắt đầu đi làm là ở cơ quan quản lý điện ảnh, từ Vụ điện ảnh rồi Cục điện ảnh. Làm phê bình chuyên nghiệp nghĩa là mình chỉ chuyên tâm vào công việc nghiên cứu – phê bình, ngày này qua ngày khác, viết những bài báo, bài phê bình phim, chuyên đề nghiên cứu và ra những cuốn sách chuyên về phê bình điện ảnh, nhưng tôi thì còn phải làm nhiều công việc khác. Mặc dù công việc của cơ quan không cho mình cơ hội chỉ chuyyên tâm vào làm phê bình chuyên nghiệp, tuy nhiên tôi cố gắng từng ngày từng giờ để gắn kết công việc của mình với nghề nghiệp đã được chọn, tranh thủ những thời gian ngoài giờ để tiếp tục công việc phê bình điện ảnh. Tôi cho rằng việc đầu tiên của người làm phê bình là tập xem phim đề biết xem phim. Từ chỗ biết xem phim thì mình mới biết cách đánh giá một bộ phim. Nếu anh không bắt đầu từ công việc xem phim, đúng ra là tập xem phim thì thật khó để bước vào nghề.

Bao nhiêu năm qua, chị vẫn luôn gắn bó với công việc ở Cục điện ảnh. Chị có bao giờ cảm thấy hối tiếc hay gặp sự cố nghề nghiệp không?

Đến bây giờ, tôi không có quá nhiều nuối tiếc vì tôi đã cố gắng hết sức trong điều kiện của mình. Làm ở cơ quan như thế này, thuận lợi rất nhiều nhưng với một người làm phê bình chuyên nghiệp không tránh khỏi những khó khăn vì khi ở vị trí của người quản lý, không phải lúc nào mình cũng có thể phá bỏ để đi đến tận cùng sáng tạo.

Còn nói về sự cố cụ thể thì tôi cũng chưa gặp bao giờ. Chỉ có đôi khi cũng thấy như “mắc lỗi” khi mình không hoàn thành được những điều nhiều người vẫn nói một cách to tát là “sứ mệnh của nhà phê bình”. Nói một cách khác, cái mà tôi cảm thấy tiếc nhất là có những lúc mình thấy rõ một tác phẩm, một bộ phim nào đó (hoặc bị) nhìn nhận, đánh giá lệch chuẩn nhưng mình chưa đủ sức để lấy lại chuẩn. Nếu mình mạnh mẽ hơn thì có thể góp tiếng nói quyết liệt hơn nữa.

Vậy trách nhiệm của những cơ quan chuyên nghiên cứu, phê bình thì sao?,

Hiện nay cơ quan được phân công nghiên cứu đầu ngành của điện ảnh Việt Nam đáng ra phải là Viện phim. Nhưng tôi thấy khá lâu rồi ở đó chưa có một chương trình nghiên cứu phê bình lý luận hệ thống, có giá trị nào, có chăng là tập hợp một số bài viết của những người trong ngành, dăm năm một lần để in thành sách. Nhưng đó cũng chỉ là tập hợp những bài viết mà thôi. Còn lại sách dịch như dịch về điện ảnh Bắc Âu những thập kỷ đầu của thế kỷ trước chẳng hạn, theo tôi cũng không có giúp ích gì nhiều cho người làm công tác phê bình lý luận ở Việt Nam. Những gì mang tính chất học thuật, làm nên những tác giả chuyên viết phê bình lý luận từ viện đó thì chưa cã được tên tuổi nào, ít nhất là 10-15 năm trở lại đây. Cơ quan đầu ngành mà còn như thế thì đủ thấy môi trường nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh ở nước ta eo hẹp, bất cập và thiếu chuyên nghiệp như thế nào. Ở các nước Âu Mỹ hay thậm chí ở Châu Á họ cũng không như ta. Viện là nơi tạo ra bầu không khí học thuật, là môi trường tốt nhất cho nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh, cùng là nơi cho ra những công trình có giá trị.






Theo chị thế nào là một nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp?

Một người phê bình chuyên nghiệp hay không người ta đánh giá qua công trình. Nếu anh cứ nói mà trong 5-10 năm không ra một công trình, một đầu sách được người ta công nhận, được biết đến thì sẽ rất khó có “bằng chứng” rằng anh ta là nhà phê bình chuyên nghiệp. Viết báo, làm truyền hình ảnh hưởng ra xã hội rất nhanh, rất rộng nhưng lại trôi đi rất nhanh. Muốn trụ lại với nghề thì vẫn cần có những công trình nghiên cứu thực sự.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm là môi trường lý luận điện ảnh ở Việt Nam không có nhiều cơ hội thuận lợi cho những người làm lý luận phê bình chuyên nghiệp. Hiện nay thì các tờ báo ngày, báo tuần đều có các trang về phim ảnh nhưng những trang đó không phải dành cho những người phê bình điện ảnh. Một phóng viên được phân công theo dõi cả mảng văn học nghệ thuật thậm chí còn theo mảng lớn hơn là văn hóa xã hội. Rõ ràng, nhiệm vụ của người phóng viên đó là phải “bao sân” rất nhiều mảng chứ không riêng gì mảng phê bình điện ảnh. Vì thế, mặc dù các bài báo cũng có những cái tinh nhạy, kịp thời, cập nhật nhưng không có cơ hội chuyên sâu. Ở báo chuyên ngành, trang về phê bình lý luận có nhưng lượng độc giả của báo này ít, tầm ảnh hưởng của nó ra ngoài xã hội không thể bằng những tờ báo ngày, báo tuần khác. Hơn nữa, báo chuyên ngành dù viết sâu hơn song mỗi tháng ra nhiều lắm chỉ 2-3 kỳ, tính tương tác với độc giả dễ bị đứt đoạn.

Ngoài vấn đề người viết chỉ khai thác cốt truyện thì những điểm chưa tốt của phê bình điện ảnh trên báo chí là gì?

Bản thân tôi không có quan điểm cực đoan, vì những bài báo trên tờ báo hàng ngày, báo mạng, hay thậm chí tạp chí chuyên ngành mà mình đưa ra những bài phê bình quá kinh viện, hàn lâm thì cũng không tìm được nhiều sự chia sẻ. Nếu tất cả đều đánh giá như ở trong trường học, phân tích như khi đang học bài cũng chỉ bổ ích với một số người, còn lại người ta sẽ thấy nhàm chán, người trong nghề thì thấy buồn cười. Có nhiều thứ không cần máy móc như thế. Tôi cho rằng nên hướng tới sự hài hòa trong phê bình, không kể lại câu chuyện, chạy theo tuyến nhân vật như một tác phẩm văn học nhưng mình cũng đừng cực đoan đến mức mổ xẻ quá sâu về kỹ thuật: máy dừng ở đâu, chiếu sáng như thế nào, bố cục khuôn hình ra sao…? Người độc giả sa đà theo những điều như vậy cũng chẳng tiếp thu được là bao trong khi những người làm nghề đôi khi sẽ cảm thấy ngây ngô vì tất cả chuyện đó đối với nhà quay phim hoặc kỹ thuật là bài học vỡ lòng của người ta.

Người viết phê bình phải cố gắng xuất phát từ cách tư duy bằng hình ảnh, có nghĩa là giải mã được hình tượng màn ảnh hoặc hình tượng nghệ thuật. Ở đây, hình tượng nghệ thuật không chỉ là nhân vật mà còn có những yếu tố sáng tạo, tạo thành phong cách chủ đạo của người làm phim, của đạo diễn. Nếu anh ta giúp khán giả khám phá được nhiều điều trong thế giới ngôn ngữ điện ảnh đầy bí ẩn thì bài viết của anh ta sẽ có ích, sẽ dễ được chấp nhận. Theo tôi để đưa đến sự hài hòa, quan trọng nhất với người sáng tác là trí tưởng tượng, khả năng hư cấu. Nghĩa là làm sao để câu chuyện giả của mình được người ta tin hơn cả câu chuyện thật. Còn đối với người phê bình quan trọng nhất là con mắt thẩm mỹ. Vì khi không có con mắt thẩm mỹ và quan điểm đúng về thẩm mỹ thì dễ đi lệch chuẩn khi anh đánh giá tác phẩm.

Chị có ủng hộ những người làm điện ảnh viết báo phê bình phim hay giải thích về phim mình không?

Tôi cho rằng nên có việc những người sáng tác bày tỏ quan điểm của mình như thế. Tuy nhiên cũng có những nhà đạo diễn quá say sưa thuyết trình cho tác phẩm của mình nhưng khi xem khán giả không nhìn thấy cái hay cái đẹp đó trên màn ảnh, thì điều đó cũng không thuyết phục được khán giả. Anh có thể nói rất hay về tác phẩm mình ở chỗ này, nhưng làm sao anh cũng đồng thời có mặt ở những chỗ khác, anh không thể lấy bàn tay để che mặt trời được. Bản thân một tác phẩm hay sẽ có được sức thuyết phục tự thân rồi. Những tác phẩm hay của các đạo diễn lớn, như Trương Nghệ Mưu, chắc chắn các ông ấy cũng không phải sang từng nước để thuyết trình cho tác phẩm của mình. Thế nhưng khán giả khắp nơi ở châu Á hay châu Âu châu Mỹ vẫn thấy đó là những tác phẩm hay, vẫn bị choáng ngợp hoặc bị chinh phục bởi ấn tượng mà những bộ phim đó để lại. Ở Việt Nam, có nhiều bộ phim những nhà biên kịch, đạo diễn nói hay hơn tự thân bộ phim của nó có thể nói được.

Chị có lý giải gì về việc số lượng những nhà phê bình điện ảnh còn khá khiêm tốn?

Thực sự hoàn cảnh xã hội nói chung và hoàn cảnh của ngành điện ảnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Chưa có một nơi để chuyên phê bình nghiên cứu. Còn nguồn đảm bảo cuộc sống cho những người làm phê bình thì hầu như rất khó khăn. Nếu họ chỉ theo phê bình hay nghiên cứu thì chỉ có “đói”. Trong khi đó nếu so với một nghề khác, biên kịch chẳng hạn thì ngược lại, trong xu thế phim TH lên sóng dữ dội như thế này, các nhà biên kịch, thậm chí là những sinh viên mới theo học biên kịch cũng có thể sống một cách ngon lành. Không phải kịch bản nào cũng hay, thậm chí có những kịch bản không có mấy giá trị nhưng nhu cầu của các đài truyền hình rất lớn, họ có vô số phim phát sóng nên việc kiếm sống của những người viết kịch bản đơn giản. Cho nên để lựa chọn thì rất ít người theo ngành phê bình điện ảnh. Làm phê bình điện ảnh không đủ sống, lại không có môi trường, buộc họ phải làm những nghề khác: biên tập viên, phóng viên cho các đài truyền hình, tòa soạn… như vậy cũng cũng đồng nghĩa với không có cơ hội để làm chuyên nghiệp.

Như tôi cũng là người rất may mắn, vì mình cố gắng bằng lòng ham thích và yêu nghề, đã cố gắng theo đuổi nghiệp phê bình điện ảnh. Nhưng thú thực việc đó mình cũng làm ngoài giờ vì trong giờ hành chính thì phải hoàn thành công việc công chức của một cơ quan quản lý. Thế nhưng chính nhờ đi làm cơ quan” mình mới có đồng lương duy trì cuộc sống và theo đuổi những đam mê của mình.

Chị có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ theo đuổi phê bình điện ảnh?

Nếu muốn làm phê bình chuyên nghiệp thì hãy tập xem phim, biết cách xem phim, biết cách giải mã những hình tượng màn ảnh, song song với quá trình đó thì tập viết để biết cách viết và luyện dần thành nghề. Với những bạn trẻ làm phê bình ở Việt Nam, họ phải thực tế hơn: ta chưa thể sống được bằng nghề thì hãy tìm một công việc gần gũi với nghề này để duy trì cuộc sống mà không từ bỏ đam mê. Đó cũng là cách mà tôi đã làm

Theo VieTimes