Sản phẩm của người Nhật

(TGĐA) - Đầu năm lớp 10, lớp học của con gái tôi chuyển vào một cậu bé trông to cao và có dáng điệu là lạ, chẳng ra nhút nhát cũng không ra bạo dạn. Cậu này nói giọng lơ lớ và từ tiếng Việt không biết nhiều, đặc biệt là các tiếng lóng. Được mấy ngày thì cả lớp mới hay rằng cậu có mẹ làm Bộ Ngoại giao nên hầu như từ bé đã không sống ở Việt Nam, cứ vài năm New Zealand, vài năm Thụy Sỹ rồi trong những năm học cấp hai sống hoàn toàn ở Nhật Bản. Từ ngày cậu bé chuyển về Việt Nam thì mỗi buổi chiều con gái đi học về lại kể một chuyện lạ, khiến người nghe luôn trong tình trạng mắt chữ O miệng chữ A. 

san pham cua nguoi nhat Yêu và Thương
san pham cua nguoi nhat Hạnh phúc là được ngồi đúng chỗ

Đầu tiên là việc cậu bé luôn giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học, nghĩa là trong quá trình giảng, các thầy cô giáo thường đặt các câu hỏi theo thói quen và sẽ chắc cú là chẳng ma nào giơ tay, thầy hỏi rồi thầy tự trả lời thôi, cùng lắm thì sẽ chỉ định một vài bạn khá giỏi. Nhưng cậu bé từ Nhật về giơ tay hầu hết trong mọi câu hỏi, dù câu trả lời không phải lúc nào cũng thật xuất sắc lắm. Điều ấy gây kinh ngạc cho cả thầy lẫn trò, thậm chí trở thành chuyện lạ trong khối.

san pham cua nguoi nhat
Dường như không người Việt Nam nào, từ tấm bé, đủ can đảm đứng lên trước đám đông để nói một điều mà mình biết chắc chắn, dù trong lòng mình muốn khủng khiếp

Việc này làm tôi nhớ tới tất cả các lớp học tôi dạy trong suốt gần 20 năm đứng lớp, dễ có tới cả vạn sinh viên qua các thế hệ, nhưng đừng hy vọng có trò nào chịu giơ tay trả lời khi giáo viên đặt câu hỏi, dù trò có biết tỏng câu trả lời thì cũng “nhất quyết không khai”. Lúc đầu tôi còn nổi xung lên vì những câu hỏi bằng tiếng Anh dễ tới mức “Hôm nay các trò thấy thời tiết thế nào?”. Nắng thì bảo nắng, mưa thì bảo mưa mà lớp vẫn lặng im như tờ. Cô hỏi chung cả lớp nghĩa là cô hỏi 39 đứa còn lại trừ mình ra. Xong lâu ngày tôi học được thói quen “cảm thông”, ấy là vì nhớ tới quãng thời gian mình đi học, thầy giáo có hỏi thì câu nào cũng rơi vào thinh không như thế. Có những câu mà cả lớp biết hết nhưng cũng chẳng ai giả lời.

Dường như không người Việt Nam nào, từ tấm bé, đủ can đảm đứng lên trước đám đông để nói một điều mà mình biết chắc chắn, dù trong lòng mình muốn khủng khiếp được nói ra câu trả lời ấy để các bạn thấy rằng mình giỏi đến thế nào, nắm vững kiến thức ra sao. Có nhẽ vì sự kìm nén ấy mà khi mạng xã hội bùng nổ, người ta vì không cần phải định danh nữa, cũng không cần phải đứng lên cho người khác thấy mặt, đã nhâu nhâu nhảy vào chửi bới bất cứ người nào, bất cứ việc gì mà chưa cần tới một giây định thần để xem xét bản chất câu chuyện cho kỹ càng, chỉ vì người ta chửi thì mình cũng chửi, mình có phải người đầu tiên và duy nhất đâu mà sợ.

Người Việt Nam luôn sợ hãi mình là người đầu tiên và duy nhất, dù chỉ là người đầu tiên đứng lên trả lời câu hỏi “Thời tiết hôm nay thế nào?”. Nhưng người Nhật đã dạy cho dân tộc họ cách ứng xử hoàn toàn khác, dù là bất cứ câu hỏi gì thì quyền lợi và nghĩa vụ của chúng ta là phải đứng lên để trả lời. Việc thứ hai là sự sạch sẽ và thái độ hối lỗi của người Nhật đã khiến một cậu bé Việt Nam nhanh chóng tiếp thu tới mức lại khiến cả lớp há hốc miệng kinh ngạc. Là hôm ấy thầy giáo đề nghị một bạn trèo lên xem cái điều hòa tình trạng như thế nào mà không còn hơi mát nữa. Một cậu được thầy chỉ định mới trèo cả giày lên ghế của bạn ngồi bàn đầu rồi sau một hồi xem xét nói không sửa được. Cậu bé kỳ lạ kia mới xung phong lên coi sao. Cậu từ tốn cởi giày, lại lót thêm một tờ giấy trên ghế rồi mới trèo lên, sau đó tụt xuống, trịnh trọng xoay người đối diện với bạn cho mượn ghế, cúi gập người xin lỗi, sau đó rút tờ giấy và không quên phủi bụi chiếc ghế dù nó không bẩn vào đâu được nữa.

san pham cua nguoi nhat
Để nói về sự sạch sẽ, gọn gàng và tính kỷ luật thì người Nhật thậm chí còn hơn cả người Singapore

Để nói về sự sạch sẽ, gọn gàng và tính kỷ luật thì người Nhật thậm chí còn hơn cả người Singapore. Hồi tôi sang Osaka mấy ngày lại tình cờ thuê khách sạn ngay quận Nishinari, nơi được mệnh danh là “Vương quốc lưu lạc”, là quận nghèo khổ nhất nước Nhật nên hàng ngày bắt gặp vô số người vô gia cư. Song đến người vô gia cư Nhật Bản cũng vô cùng ngăn nắp, dù đêm ngủ họ chỉ lấy bìa các tông quây thành nhà. Đồ đạc của họ luôn được gấp và xếp gọn gàng cạnh “nhà”, đến đôi dép cũng phải ngay ngắn trước “cửa”, mũi quay ra ngoài gót quay vào trong. Và dù có vô gia cư thì ngày nào họ cũng đi tắm rất đúng giờ ở các nhà tắm công cộng, thêm nữa còn xếp hàng ngay ngắn vào các trung tâm cứu trợ để ngồi… đọc sách cả ngày ở đó.

Chuyện thứ ba về cậu bé “Nhật Bản” ấy cũng làm cả lớp không ngớt ngạc nhiên. Ấy là trong giờ ngủ trưa, những ngày đầu cậu đều thức chong chong, có nhẽ vì người Nhật và những nước phương Tây cậu từng cư ngụ chẳng ngủ trưa bao giờ nên cậu bé không tài nào thay đổi được thói quen ấy. Tuy nhiên trong suốt cả tiếng đồng hồ cậu vẫn nằm im không nhúc nhích, hai tay đặt nghiêm ngắn lên bụng, mắt nhìn thẳng trần nhà. Bạn nằm bên cạnh vừa thức giấc sau một giấc ngủ dài thấy vậy mới ngạc nhiên bảo cậu không ngủ được thì ngồi dậy mà chơi chứ nằm thế làm gì cho khổ. Lập tức cậu bé đưa một ngón tay lên miệng ra dấu suỵt và thì thầm: “Nhưng mà các bạn đều đang ngủ cả, mình dậy sẽ làm mất giấc của các bạn ấy. Khẽ thôi, vẫn còn mấy bạn đang ngủ kìa”. Nói xong cậu lại nhìn thẳng trần nhà bất động như cả tiếng đồng hồ qua đã thế và ngày nào cũng thế. Nghe con gái kể lại câu chuyện này, tôi lại nghĩ đến “thân phận” mình mà… đau lòng. Chẳng là tôi vốn khó ngủ, mà trước giờ toàn ở chung cư, chung đụng với vô số hàng xóm tầng trên tầng dưới đều có chung sở thích là khoan đục, giã cua vào lúc 10 giờ đêm hoặc đóng mở cửa huỳnh huỵch vào lúc hai ba giờ sáng. Chịu đựng lâu quá, tôi mới rón rén lên góp ý một cách nhún nhường, dịu nhẹ thì đều bắt gặp những cái nhăn mặt khó chịu, ánh mắt thù địch và một câu thản nhiên “Tôi đi làm cả ngày chỉ có giờ ấy ở nhà thì mới làm được. Ở chung cư thì phải chấp nhận thôi chứ làm thế nào.”

Cậu bé trở về từ Nhật Bản cũng có một thói quen khác người… Việt là rất hay khen ngợi, trong khi các bạn đồng môn hầu như đều có thói quen chê bai như phần lớn những người Việt khác, thậm chí đem việc cười giễu những đặc điểm ngoại hình béo, gầy, lùn, đen của người khác làm vui. Mỗi ngày đến lớp cậu bé thường đưa ra lời khen ngợi ít nhất là hai lần, chỉ đơn giản là “Ồ gọng kính mới của cậu đẹp quá!”, “Hôm nay trông cậu cười xinh hơn mọi ngày.”, “Cậu giải bài giỏi thật đấy!”. Nhiều người phương Tây cho rằng người Nhật có những đặc điểm tính cách giống với phương Tây hơn là Á Đông mà càng ngày tôi càng cảm nhận điều ấy thật chính xác.

Hôm Giáng sinh vừa rồi, tôi thay mặt ban phụ huynh đến lớp con gái để giúp đỡ việc bày bàn tiệc dự thi. Vài phút sau có một cậu bé thanh mảnh, đẹp trai và tươi cười vội vã tiến lại gần hỏi: “Cô có phải là mẹ bạn Khánh không ạ?” – “Đúng rồi cháu!” – “Cháu là Đức, rất vui được gặp cô hôm nay”. Cậu bé vừa nói vừa chủ động chìa tay ra bắt. Tôi đứng hình, há hốc miệng rồi lúng túng chìa tay ra bắt lại, miệng lắp bắp “Cháu có phải cậu bé từ Nhật về đúng không?” – “Đúng rồi ạ”. Cậu bé chào xong vội vã đi làm việc khác để tôi được tự nhiên tiếp tục việc của mình.

san pham cua nguoi nhat
Cậu bé trở về từ Nhật Bản cũng có một thói quen khác người…

Khổ thế, từ thuở bé đến giờ tôi chưa thấy cô cậu nào, ngoài cậu con trai 11 tuổi của anh bạn giảng viên Charles Waugh người Mỹ của tôi, lại chủ động tiến lại gần phụ huynh để chào hỏi và chìa tay ra bắt. Tôi toàn gặp những cô bé cậu bé mà bố mẹ phải nhắc “Chào cô đi con” rồi mới lí nhí chào, hoặc cả những cô cậu học trò của tôi, đã 18, 19 tuổi rồi mà gặp giáo viên ngoài hành lang cứ trân mắt nhìn như người dưng, tới nỗi một chị đồng nghiệp mới bức xúc quá bảo rằng “Mình đứng đối diện nó cách có một cánh tay mà nó cứ giương mắt nhìn. Chả nhẽ mình lại bảo tôi chào em”. Còn lại, bạn bè của con gái tôi, đến nhà mà dõng dạc “Cháu chào cô” đã là nghiêm ngắn và đáng khen lắm rồi.

Sau này, nghe con gái kể, cả lớp đã thi nhau dạy cho cậu bé một đống tiếng lóng, cộng thêm vô vàn thói quen xấu xí nữa thành thử ra cậu bé đáng yêu, một sản phẩm khá hoàn hảo của Nhật Bản, mất bao năm người Nhật mới đào tạo được ra thế, mà chỉ trong có vài tháng trời của học kỳ một đã bị Việt Nam hóa phần nào mất rồi. Nghe vậy tôi vừa buồn cười vừa tiếc lắm đi thôi. Chẳng biết sang năm lớp 11, cậu bé gặp lại tôi có còn chủ động tiến lại gần mà giơ tay ra bắt nữa không, hay cứ lạnh lùng và thản nhiên dần đi như những đồng bào của cậu.
san pham cua nguoi nhat Những người giàu túng thiếu

(TGĐA) - Một lần nọ, tôi được mời tham dự sự kiện ở tỉnh ngoài. ...

san pham cua nguoi nhat Bạo hành và quấy rối

(TGĐA) - Tôi nhớ có hai lần đài truyền hình mời tôi tham gia tọa ...

Di Li