‘Sống cùng lịch sử’ khai mạc Tuần phim kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô

(TGĐA Online) - Tuần lễ phim chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014) đã chính thức khai mạc vào tối qua 8/10 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia.

Trong tuần lễ phim, ba bộ phim Sống cùng lịch sử (Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất), Về miền thương nhớ (Công ty Cổ phần phim truyện I thực hiện) và phim tài liệu Bác sĩ Trần Duy Dưng, một người Hà Nội (Công ty TNHH một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW sản xuất) sẽ được chiếu miễn phí trên phạm vi cả nước.

phimGPTD5

Đoàn làm phim Sống cùng lịch sử ra mắt khán giả

Tại buổi khai mạc tối qua, khán giả Hà Nội đã được thưởng thức và gặp gỡ đại diện của hai đoàn phim Bác sĩ Trần Duy Hưng, một người Hà Nội Sống cùng lịch sử. Phòng chiếu số 1 với tổng số 402 ghế ngồi đã chật kín khán giả, chưa kể các nhân viên của Trung tâm chiếu phim quốc gia phải kê thêm mỗi bên lối đi hai hàng ghế di động nữa.

phimGPTD3

Đoàn làm phim Bác sĩ Trần Duy Hưng, một người Hà Nội

Tuần phim chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô do Cục điện ảnh phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty Cổ phần phim truyện I, Công ty TNHH một thành viên Hãng phim tài liệu và khoa học TW, Trung tâm chiếu phim Quốc Gia, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Công ty Điện Ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện, diễn ra từ ngày 8/10/2014 đến ngày 14/10/2014.

phimGPTD

Khán giả ngồi kín phòng chiếu

Bác sĩ Trần Duy Hưng, một người Hà Nội được nhớ đến không chỉ vì ông là người đầu tiên giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, người đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử chính quyền thành phố sau Cách mạng tháng Tám mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo, đúng nghĩa là công bộc của dân như lời Bác Hồ từng dạy. Trong ký ức của người dân Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng vẫn luôn được nhắc đến với niềm kính yêu, là một con người đầy tài năng, nhiệt huyết, đức độ, một người lãnh đạo gần dân, yêu dân.

Sống cùng lịch sử kể về một nhóm bạn trẻ "đi phượt" đến Điện Biên rồi "tình cờ mơ thấy" mình xuất hiện trong trận chiến Điện Biên Phủ và trở thành những dân công kéo pháo, đào hầm. Từ những thanh niên của thế giới hiện đại với ipad, iphone, sống thực dụng, bàng quan, ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực. Sau khi rút ra được bài học sâu sắc về những tấm gương và lý tưởng cao đẹp, nhóm bạn trẻ đi về qua lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào viếng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

phimGPTD1

... Phải kê thêm hai hàng ghế hai bên lối đi

Cảm nhận của một số khán giả sau khi xem bộ phim Sống cùng lịch sử

Cô Loan, cựu chiến binh phường Thanh Nhàn

Xem xong phim tôi có cảm giác là không muốn hết phim. Cảm giác hồi hộp và dư âm cho đến 20 phút sau khi kết thúc phim khiến tôi vẫn có cảm giác như đang sống trong quãng thời gian đó. Tính chân thực của bộ phim rất cao, từ diễn xuất của diễn viên đến các cảnh quay đều tự nhiên, không áp đặt.

Tôi rất nể đạo diễn vì phim rất sạch sẽ, không hề thừa một chi tiết nào. Tôi cũng là một khán giả vô cùng khó tính, nhưng khi xem phim này tôi thấy thực sự thỏa mãn đối với một người yêu điện ảnh như tôi.

Ở phim này tôi được đáp ứng về hai mặt, thứ nhất đó là bàn tay dàn dựng của đạo diễn, thứ hai là cách thể hiện của diễn viên. Tôi rất ấn tượng với dàn diễn viên trẻ trong phim. Tôi thấy ngạc nhiên vì mấy ngày trước đọc những bài báo viết về phim 21 tỷ mà không bán được một vé. Vì vậy, tôi tự nhủ là phải đi xem để xem thực hư thế nào. Xem xong tôi thấy thích thú vô cùng, bởi đã lâu lắm rồi mới được xem một bộ phim về đề tài chiến tranh vừa sạch sẽ lại vừa chân thực như vậy.

Một khán giả giấu tên – nguyên là giáo viên trường THCS Ngô Sĩ Liên

Tôi biết thông tin về buổi chiếu phim này vào lúc 6h20, trong khi nhà tôi ở Đầm Trấu. Vì vậy, tôi vội vàng cơm nước xong là chạy đến rạp cho kịp giờ xem. Tôi muốn xem phim này vì muốn được sống lại thời kỳ đó. Mẹ tôi mất đúng vào chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, chỉ còn một năm nữa là đất nước được hòa bình. Lúc bấy giờ, bà là Bí thư phụ nữ huyện, đang vận động phong trào dân công lên hỏa tuyến. Cho nên, tôi không quan niệm đây là một bộ phim mà theo tôi đây chính là bảo tàng sống về một thời kỳ lịch sử của dân tộc rất có giá trị.

Tôi rất phục đạo diễn dám đứng ra làm bộ phim này. Vì đây không phải là phim thị trường, không để giải trí nên tôi vô cùng trân trọng. Tôi tin rằng những bộ phim như thế này sẽ có giá trị trường tồn và rất có ích cho thế hệ trẻ hôm nay.

Nguyễn Hoàng Dương, sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Tôi cảm thấy trái ngược hoàn toàn với những thông tin ở trên mạng về bộ phim những ngày vừa qua. Các bạn trẻ ngày nay thường thích những bộ phim hành động, đấm đá hoặc tình cảm sướt mướt, hoặc cảnh nóng cảnh hở… mà thờ ơ với những phim về đề tài chiến tranh. Nhưng sau khi xem xong Sống cùng lịch sử, tôi nghĩ giới trẻ nên tìm hiểu và xem những bộ phim như thế này. Tất cả hình ảnh về những anh hùng dân tộc như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, cả những người con gái sẵn sàng cắt tóc giả trai để được ra mặt trận… được hiện lên trong phim rất rõ nét. Những hình ảnh đó rất thuyết phục và mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Trần Thu Giang, sinh viên trường Đại học La trobe

Bộ phim rất thuyết phục. Tôi thực sự xúc động với cảnh kết phim, trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được lồng vào bộ phim, tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Tôi cảm thấy bộ phim thực sự có ý nghĩa và đó là bài học cho giới trẻ ngày nay nên nhìn nhận lại lịch sử. Tôi cũng rất bất ngờ vì phim chiến tranh của Việt Nam đã hay hơn trước rất nhiều, từ diễn viên đến hình ảnh đều rất chỉn chu.


Trí Anh