Sự mờ nhạt tính dân tộc trong phim truyện điện ảnh Việt Nam những năm gần đây

(TGĐA) - Chúng ta biết rằng, tính dân tộc tạo nên sự độc đáo, đặc sắc, cho nghệ thuật điện ảnh Việt Nam nói chung và cho phim truyện điện ảnh Việt Nam nói riêng, giúp cho phim truyện điện ảnh Việt Nam có diện mạo khác biệt với phim truyện điện ảnh của các nước khác, đồng thời đảm bảo cho phim truyện điện ảnh Việt Nam hội nhập hiệu quả với phim truyện điện ảnh thế giới, mà không sợ bị đánh mất mình.

S_xut_hin_ca_phim_ngoi_nhp_cng_lm_trm_trng_hn_th_hiu_gii_tr_thun_ty_khng_quc_tch

Sự mờ nhạt tính dân tộc trong phim truyện điện ảnh Việt Nam những năm gần đây

Khi phim truyện điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, sẽ góp phần củng cố, bảo vệ, xây dựng và phát triển ngành điện ảnh Việt Nam, nền nghệ thuật của đất nước, cũng như góp phần xây dựng và phát triển thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật cần thiết cho các tầng lớp khán giả.

Chúng ta cũng biết rằng tính dân tộc còn là miền đất màu mỡ, sinh động, đặc sắc, vô tận, để phim truyện điện ảnh Việt Nam tìm hiểu, khai thác, thể hiện. Và trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, phim truyện điện ảnh Việt Nam mặc dù chưa thực sự tập trung nghiên cứu và thể hiện tính dân tộc đến nơi đến chốn, cũng như mặc dù số lượng tác phẩm thể hiện thật sắc nét, thật sâu đậm, thật phong phú tính dân tộc không nhiều, nhưng cũng đã đủ để góp phần dựng lên diện mạo của một nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, từ khi ngành điện ảnh cùng các ngành nghệ thuật khác bước vào cơ chế thị trường. Và đặc biệt là trong những năm gần đây, khi nhà nước hạn chế dần đầu tư cho điện ảnh, còn điện ảnh tư nhân (bao gồm cả sản xuất, phát hành và phổ biến phim) lại ngày càng phát triển, đã xuất hiện một xu hướng không mấy tốt lành cho điện ảnh Việt Nam. Đó là tính dân tộc trong rất nhiều tác phẩm phim truyện điện ảnh bị mờ nhạt, bị mất hẳn, thậm chí bị sai lạc, bị lợi dụng.

Vậy xu hướng trên được thể hiện như thế nào? nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục nó ra sao?

Chúng ta biết rằng tính dân tộc trong nghệ thuật điện ảnh Việt Nam nói chung và trong phim truyện điện ảnh Việt Nam nói riêng, được bộc lộ ở cả nội dung và hình thức thể hiện. Nội dung của một tác phẩm phim truyện điện ảnh bao gồm: đề tài, chủ đề tư tưởng, cốt truyện, tình huống, nhân vật... sẽ có tính dân tộc, khi thể hiện sắc nét những đặc điểm nổi bật nhất, bản chất nhất của con người và xã hội Việt Nam, hay cụ thể hơn, là khi nó đề cập đến những vấn đề cốt lõi, quan trọng, riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam, thông qua những tính cách, số phận, tâm tư, tình cảm và hành động của con người Việt Nam. Còn hình thức thể hiện của một tác phẩm phim truyện điện ảnh bao gồm: hình tượng, thủ pháp, ngôn ngữ điện ảnh... sẽ có tính dân tộc khi được thể hiện độc đáo, rõ nét, sinh động, phù hợp cách cảm, cách nghĩ, cách biểu hiện của văn hóa và con người Việt Nam ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc.

Phim_Thi_xa_vng

Trong những năm gần đây, với lý do không thật thuyết phục là phim phải có khán giả, phải đáp ứng được nhu cầu giải trí của những thượng đế đến rạp, mà những thượng đế này phần lớn ở lứa tuổi trẻ, nên rất nhiều phim truyện điện ảnh Việt Nam tập trung chủ yếu vào mấy thể loại: phim hành động, phim kinh dị, phim hài sinh hoạt, phim ca nhạc, với nội dung hoàn toàn xa lạ với những vấn đề cốt lõi, quan trọng, riêng biệt của con người và đất nước Việt Nam. Trong những bộ phim này, tính cách, số phận, tâm tư, tình cảm và hành động của các nhân vật hoặc bị mờ nhạt, áp đặt, giả tạo, hoặc bị vay mượn của điện ảnh nước ngoài. Còn hình thức thể hiện của những bộ phim trên, cũng không gần gũi, không phù hợp với cách cảm, cách nghĩ, cách biểu hiện của văn hóa và con người Việt Nam. Nhiều phim, nhất là phim hành động và phim kinh dị, hay bắt chước theo cách thể hiện của phim Mỹ và phim Hồng Kông trước đây.

Xét trong thực tế, nguyên nhân của tình trạng trên của phim truyện điện ảnh Việt Nam, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Ở góc độ khách quan, có thể nhận định rằng, góp phần không nhỏ làm cho tính dân tộc trong phim truyện điện ảnh Việt Nam bị mờ nhạt, bị sai lạc, hoặc bị mất hẳn, là do một bộ phận khá lớn khán giả, nhất là khán giả trẻ, không hứng thú với những bộ phim có tính dân tộc đậm nét, sâu sắc, mà họ chỉ hướng tới những bộ phim giải trí thuần túy, trong đó có không ít phim có chất lượng nghệ thuật nhạt nhòa, thậm chí thấp kém. Không may là số khán giả này lại quyết định không nhỏ tới doanh thu của các rạp và tất nhiên là tới cả doanh thu của các nhà đầu tư làm phim. Khiến cho các nhà đầu tư không dám mạo hiểm đầu tư vào các dự án làm phim có hàm lượng tính dân tộc cao, còn các chủ rạp cũng không mấy mặn mà với loại phim này. Bên cạnh đó, phim ngoại nhập (chủ yếu là phim giả tưởng và phim hành động của Mỹ ) thường gấp khoảng 10 lần số lượng phim Việt sản xuất trong một năm và chiếm gần hết các xuất chiếu ở các rạp trên toàn quốc, càng làm trầm trọng hơn thị hiếu giải trí thuần túy không quốc tịch, không sắc tộc của khán giả Việt. Cùng khi đó, nhà nước, mặc dù trong chủ trương, chính sách, luật pháp của mình đã hết sức đúng đắn khi đề cao tầm quan trọng sống còn của tính dân tộc đối với nghệ thuật Việt Nam nói chung và đối với điện ảnh Việt Nam nói riêng, nhưng trong thực tế, thì việc thực hiện những chủ trương, chính sách, luật pháp ấy lại hết sức chậm chạp, hoặc không có mấy hiệu quả. Ví dụ như việc xây dựng Quỹ hỗ trợ điện ảnh, để Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có thể chủ động đầu tư cho các tác phẩm điện ảnh, trong đó chắc chắn sẽ có những tác phẩm giầu bản sắc dân tộc, đã được chủ trương và luật pháp của nhà nước khảng định cách đây nhiều năm, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa xậy dựng được một hệ thống chuyên gia giỏi, cùng với những nghiên cứu bài bản về các lĩnh vực liên quan đến tính dân tộc trong điện ảnh như: bối cảnh, đạo cụ, phục trang, phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt... trải qua các triều đại, từ thời vua Hùng dựng nước đến giờ. Vì vậy, các tác giả khi viết những kịch bản, hay khi thực hiện những bộ phim có nội dung cần đến tư liệu đầy đủ, chính sác của những lĩnh vực này đều hết sức lúng túng, khó khăn, thậm chí không thể tìm ra được. Ở góc độ khách quan, còn phải nói đến cách làm phim thiếu, hay không có tính chuyên nghiệp của hầu hết các đơn vị làm phim truyện điện ảnh trong nước, đã làm ảnh hưởng không tốt tới chất lượng nghệ thuật, trong đó tất nhiên tới cả tính dân tộc (nếu có) của bộ phim mà các đơn vị này sản xuất ra.

Ở góc độ chủ quan, thì có thể nói rằng, phần lớn các tác giả của phim Việt (bao gồm cả các tác giả Việt kiều đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh Việt), như: biên kịch, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, kể cả diễn viên, đạo cụ, phục trang, hóa trang...những người quyết định hình hài, lẫn hồn vía dân tộc của phim Việt, bị tác động của những trở ngại khách quan như đã nêu ở trên, đang rơi vào tình trạng vừa không có đủ điều kiện, vừa không có đủ nhu cầu, hay mong muốn để tìm hiểu, nghiên cứu và thể hiện bản sắc dân tộc trong các tác phẩm của mình. Để kiếm sống, nhiều người chọn cách chấp nhận làm theo yêu cầu của thị trường, mà thực chất là của các nhà đầu tư, là làm phim giải trí, hoặc là phim phải có khả năng giải trí, với đề tài quanh quẩn ở thành phố, bỏ phí mảng đề tài rộng lớn ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, nơi ẩn chứa nhiều nhất các giá trị văn hóa của dân tộc. Và cũng để đáp ứng yêu cầu giải trí một cách thiển cận, không ít tác giả đã thô thiển bắt chước không chỉ cách thể hiện, mà cả nội dung của điện ảnh nước ngoài, nhất là của điện ảnh Mỹ, nhưng lại cố khoác cho sản phẩm của minh một cái vỏ dân tộc lộ liễu, bằng bối cảnh, đạo cụ, phục trang và âm nhạc.

Poster_phim_Dng_mu_anh_hng

Hậu quả của hiện trạng mờ nhạt tính dân tộc trong phim truyện điện ảnh Việt Nam, là dẫn tới khả năng mất dần đi tất cả những gì là quan trọng, là thiết yếu, là tốt đẹp mà tính dân tộc đem lại cho phim truyện điện ảnh Việt Nam như đã nêu ở đầu tham luận. Và để ngăn chặn hiện trạng này, không có cách nào khác, là tạo các điều kiện để cho các tác phẩm phim truyện giàu bản sắc dân tộc xuất hiện ngày một nhiều hơn và đến được với công chúng ngày một thuận lợi hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tạo các điều kiện cho những tác giả có trách nhiệm, có năng lực và lòng đam mê đối với các đề tài giầu bản sắc dân tộc, được thể hiện hết mình qua các tác phẩm, đồng thời đưa được tác phẩm của họ tới rạp chiếu một cách hiệu quả nhất.

Trong điều kiện cụ thể của điện ảnh Việt Nam hiện nay, để làm được việc trên rất cần sự tác động mang tính chính sách và pháp luật của nhà nước. Trước mắt, phải xây dựng xong Quỹ hỗ trợ điện ảnh và sử dụng nó một cách hiệu quả cho các dự án sản xuất phim, mà trong đó ưu tiên cho các dự án giàu bản sác dân tộc. Đồng thời bằng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, để họ có thể vừa có trách nhiệm, vừa hào hứng đầu tư cho các dự án làm phim dạng này. Cùng lúc giải quyết dần những khó khăn, trở ngại khách quan, chủ quan như đã nêu ở trên. Đây là công việc phức tạp, dài lâu, cần được giải quyết một cách bài bản, với sự đồng lòng, hiệp sức của nhiều người, nhiều cơ quan, ban, ngành.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng