Sức hút của điện ảnh HongKong

(TGĐA) - Nhờ có điện ảnh mà Thành Long, Châu Nhuận Phát trở thành những tên tuổi tầm cỡ quốc tế; và cũng nhờ có điện ảnh Hong Kong mà Dầu Mã Địa, Vượng Giác hay Tiêm Sa Chủy, những địa danh đặc trưng phong vị xứ Cảng được quảng bá rộng rãi khắp nơi. Bao năm nay, thông qua các bộ phim đầy sức hút của mình, các thế hệ làm điện ảnh đã mang nền văn hóa hòa trộn đông – tây cùng với sự biến đổi của đô thị và diện mạo con người Hong Kong tới mọi ngóc ngách trên khắp thế giới, để mỗi khán giả khi xem phim đều trở nên thân thuộc hơn với mảnh đất này.

HK2

Tượng sáp của Lý Tiểu Long tại bảo tàng tượng sáp của Hong Kong.

Có thể cảm nhận được sức hút của điện ảnh Hong Kong từ sự nghiệp diễn xuất của các ca sỹ Vương Phi, Lê Minh, Trương Học Hữu…, rất nhiều ngôi sao ca nhạc sau khi gặt hái thành công trên con đường ca hát liền mở hướng tấn công vào thị trường phim ảnh. Và điều đáng mừng là hầu như không ai trong số họ thất bại trong cuộc “đầu tư” đầy mạo hiểm này. Tiêu biểu nhất chính là Thiên vương Lưu Đức Hoa, người từng hai lần đăng quang ngôi vị Ảnh đế của LHP Kim tượng.

hk

Huyền thoại Trương Quốc Vinh của ảnh đàn và nhạc đàn Hong Kong

LHP Kim tượng ra đời năm 1982, nhằm mục đích tìm kiếm chủ nhân cho 19 hạng mục giải thưởng về điện ảnh. Sau 30 năm ra đời, Kim tượng đã có những cống hiến to lớn đối với điện ảnh Hong Kong nói riêng và điện ảnh Hoa ngữ nói chung, là nơi mà những người làm điện ảnh có thể trải nghiệm và khẳng định năng lực của mình. Với sự đảm bảo trong tiêu chí xét duyệt và trao giải, Kim tượng đã tạo được uy tín tốt đẹp trong mắt các nhà làm phim và khán giả quốc tế, đồng thời góp phần tìm kiếm những gương mặt đầy triển vọng cho điện ảnh châu Á. Khi tham dự Lễ trao giải LHP Kim tượng lần thứ 23 diễn ra vào năm 2004 với tư cách khách mời, ông Đổng Kiến Hoa – Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong từng khẳng định về vị thế của điện ảnh Hong Kong trên màn ảnh quốc tế, đồng thời ông cũng biểu dương sự nỗ lực không ngừng cũng như vai trò quan trọng của những người làm điện ảnh trong việc nâng cao và truyền bá rộng rãi hình ảnh một Hong Kong tốt đẹp, lành mạnh.

Trên thực tế, chính quyền Hong Kong bấy lâu nay vẫn luôn dốc toàn lực ủng hộ công tác sản xuất phim cũng như việc đào tạo đội ngũ làm nghề điện ảnh. Kể từ khi được thành lập vào tháng 4 năm 1999 đến nay, Quỹ Phát triển điện ảnh của thành phố đã bỏ ra gần 50 triệu HKD để đầu tư cho 69 dự án, trong đó bao gồm chi phí giải thưởng, chi phí đào tạo điện ảnh, điều tra, nghiên cứu và hội thảo nghiên cứu cũng với chi phí tổ chức các lễ trao giải. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim trong quá trình sản xuất, ví dụ như cho mượn bối cảnh, huy động lực lượng cảnh sát phong tỏa đường phố hay bảo vệ bản quyền phim…

hk5

Cặp đôi Vương Phi và Lương Triều Vỹ trong Trùng Khánh sâm lâm (Chungking express)

Không đơn thuần chỉ mang đến cho khán giả những thước phim đẹp mắt và sâu sắc, điện ảnh Hong Kong còn được coi là cuốn bách khoa thực tiễn, làm phong phúc thêm vốn kiến thức du lịch cho người dân khắp nơi trên thế giới. Trong một cuộc điều tra về du lịch Hong Kong, có 14% du khách tỏ ra rất hứng thú với các cảnh quan có chủ đề điện ảnh Hong Kong và 12% khác thì cho biết rất muốn tham quan phim trường của các bộ phim điện ảnh hoặc truyền hình. Nắm bắt được thị hiếu này của du khách, Cục Phát triển du lịch Hong Kong đã tiến hành xây dựng đại lộ Ngôi sao ngay trên đường bờ biển tại Tiêm Sa Chủy – khu vực tập trung đông khách tham quan nhất tại Hong Kong. Trên con đường đặc biệt này, người ta dựng lại các cột mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử hơn 100 năm của điện ảnh Hong Kong thông qua những bức tượng đá, tượng điêu khắc mô phỏng các sự kiện nổi bật. Ngoài ra, dấu vân tay và chữ ký của các nhà làm phim và diễn viên tên tuổi cũng là một điểm hết sức hút khách. Chưa dừng lại ở đó, Cục Phát triển du lịch Hong Kong còn chuyên tâm nghiên cứu và cho xuất bản tấm bản đồ điện ảnh mang tên Minh tinh, điện ảnh và xúc cảm Hong Kong, giúp cho du khách khi đến Hong Kong có thể dựa theo tấm bản đồ thần kỳ này mà thuận tiện tìm đến bối cảnh của các bộ phim để rồi hòa mình vào không khí trên màn ảnh cũng như cảm nhận một cuộc sống đậm đà hương vị xứ Cảng.

Đối với người dân Hong Kong, đặc biệt là giới trẻ ngày nay, xem phim không đơn thuần chỉ là sở thích, mà còn là thói quen thường nhật. Người Hong Kong sống cùng các bộ phim, thể hiện mình qua các bộ phim và đang không ngừng vươn ra thế giới với chính những bộ phim của mình.

Thùy Dương