Tách cà phê Bác Hồ để dành cho người quay phim

Câu chuyện của chúng tôi thì rất thời sự: dịch cúm A/H1N1 đã làm 2 người chết, đã làm một số trường phổ thông phải hoãn khai giảng đúng hẹn... Tệ ma túy đã thành quốc nạn khó mà kiềm chế, giá xăng lại được phép tăng v.v...

(TGĐA) - Biết tin ông bạn già - Đại tá Nguyễn Xuân Bình bị ốm, phải uống thuốc Bắc - sáng thứ 7 vừa rồi, tôi nổ máy, phóng một mạch tới dãy nhà K95 Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Cái vui thứ nhất là toàn khu chưa phải "đi thuyền", cái mừng thứ hai là ông bạn Xuân Bình dẫu đã 79 tuổi nhưng vẫn "nghiện đọc báo" Cựu chiến binh Thủ Đô và báo Quân đội nhân dân số cuối tuần, và tất nhiên là không thể thiếu tờ Hà Nội Mới.



Nhưng rồi cái máu nghề nghiệp... điện ảnh lại hút hết cái buổi sáng mà hình như vẫn chưa "thỏa lòng", bởi chỉ riêng chuyện Bác Hồ ưu ái các anh phó quay (quân đội) thì cũng đủ viết thành một pho truyện xúc động!



Riêng ông Xuân Bình thì đã 4 lần được đi theo Bác, thăm hỏi, làm việc ở các nơi mà lần nào Bác cũng có lời nói hoặc cử chi ưu ái với "phó quay". Lần thứ nhất đi theo Bác lên thăm tình Hà Giang (1961). Buổi tối hôm ấy, Bác nhắc các anh chị trong ban tổ chức:


"Các cô, các chú phải lo cho các chú quay phim đủ chăn đắp ấm để ngày mai họ còn làm việc tiếp."


Lần thứ hai thì cả ông Xuân Bình, ông Phạm Thành đều phải tập trung ngủ ở trường bổ túc văn hóa - ngã tư Sở - nơi sơ tán của Xưởng phim Quân đội - với lý do: Chưa biết Bác sẽ xuống thăm trận địa cao pháo nào và sau khi thăm trận địa rồi Bác mới về chỗ Bộ Tư Lệnh Phòng không không quân (vì thời chiến phải giữ bí mật tuyệt đối). Tuy phải ngủ gà ngủ gật suốt đêm chờ lệnh trên đường của Tổng cục Chính Trị, nhưng cái vui đến ngay: khi Bác chia thuốc lá của Bác cho cán bộ chiến sĩ trên mâm pháo, Bác không quên vẫy tay gọi Xuân Bình và Phạm Thành tới gần:


"Đây là suất của các chú quay phim cũng giống như suất những chú bắn súng (và Bác nói vui): Tý nữa về Bộ Tư lệnh thì Bác không có quà đâu nhé!"



Bác Hồ và nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn


Với quay phim Xuân Bình thì lần được vào Phủ Chủ tịch quay Bác tiếp đoàn bóng đá Quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức là có nhiều kỷ niệm sâu đậm. Ông Xuân Bình năm nay đã 79 tuổi song ông thủng thẳng kể cho tôi rất tỉ mỉ:


- Bước vào phòng khách trong Phủ Chủ tịch, tôi và ông Quốc Vinh (biên tập), ông Nguyễn Tuyên (ánh sáng) thấy các bạn trong đoàn bóng đã Quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức đã ngồi ở 2 dãy bàn và đồng chí Đại sứ Đức cũng có mặt. Chỉ trong 2 phút sau, Bác từ cửa sau Phủ Chủ tịch bước vào. Tất cả mọi người đứng dậy và hô vang: "Bác Hồ muôn năm!" Bác Hồ giơ tay đáp lễ và ra hiệu mời các cầu thủ ngồi xuống. Bác nói với đồng chí Đại sứ Đức bằng tiếng Pháp: "Tôi sẽ nói chuyện với Huấn luyện viên, với các cầu thủ Đức bằng tiếng Pháp, đồng chí phiên dịch cho anh em nghe hộ tôi".


Ông Xuân Bình kể tiếp:


- Tôi đang hào hứng, say sưa quay cho đủ hình ảnh của một tin thời sự chuyên đề thì bỗng có tiếng Bác hỏi: "Này chú quay phim, chú quay xong chưa?". Tôi sững người, bối rối, tôi thoáng có ý nghĩ: Có lẽ vừa rồi động tác có gì sơ xuất, hay đèn chiếu sáng làm mọi người bị nóng hoặc tôi di chuyển nhiều trong phòng, gây lộn xộn? Cố trấn tĩnh, tôi đứng nghiêm trước Bác, tôi báo cáo: "Cháu xin Bác thêm 5 phút nữa ạ!".


Bác tươi cười gật đầu, đồng ý.


Năm phút sau, tôi ôm cả máy đứng nghiêm: "Thưa Bác, cháu quay xong rồi ạ!".


Giọng Bác rất ấm cúng: "Cháu cất máy quay đi."


Tôi chưa hiểu ý Bác ra sao nhưng vẫn nghiêm túc làm theo ý Bác. Xong việc, tôi trở lại, lòng vô cùng hồi hộp, Bác vẫy tôi lại gần, rồi người chỉ tay về phía cái bàn ở cuối dãy và Người bảo:


"Bác vẫn phần cà phê cho các phóng viên mũ đính sao vàng. Các cháu cứ tự nhiên uống đi!"



Tôi ngôi bên hai anh Quốc Vinh và nhà nhiếp ảnh Đinh Đặng Định nhấm nháp tách cà phê rất ngon, rất thơm... mà trong đầu suy tư về tấm lòng Nhân Ái của Bác.


Trước khi rời khỏi Phủ Chủ tịch, Xuân Bình nói với ông Đinh Đặng Định:


"Là lãnh tụ giải phóng dân tộc dành Độc lập cho xã tắc, là Danh nhân Văn hóa thế giới mà không quên lo cho anh em quay phim cái chăn đắp ấm khi trời giá lạnh, điếu thuốc lá thơm khi thèm và tách cà phê đã khi trời nắng lửa... Bút, sách nào nói lên được một phần tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh."



Xuân Bình kể

Ngọc Minh ghi