TGĐ Hãng Thiên Ngân nói gì về phim Sống cùng lịch sử?

Một bộ phim nghệ thuật thì ngay từ trong cách chọn đề tài, diễn viên, ngôn ngữ, phong cách… đã rất khác với phim giải trí rồi!

Bà Đinh Thanh Hương, Tổng giám đốc hãng phim Thiên Ngân (GALAXY) nói về hiện tượng “Sống cùng lịch sử”...

PV:- Là Tổng giám đốc hãng phim Thiên Ngân (Galaxy), liên tục tung ra những bộ phim ăn khách với doanh thu ngất ngưởng như Quả tim máuhay gần đây nhất là Scandal – Hào Quang Trở Lại, hẳn là bà rất am hiểu tâm lý của khán giả Việt Nam?

DinhThanhHuongThienNgan

Bà Đinh Thanh Hương, Tổng giám đốc hãng phim Thiên Ngân (GALAXY) nói về hiện tượng Sống cùng lịch sử...

Bà Đinh Thanh Hương:- Tôi là một người kinh doanh chứ không phải là nhà tâm lý. Tuy nhiên, khi quan sát khán giả vào rạp, tôi thấy một đặc điểm là khán giả Việt Nam rất trẻ so với thế giới. Mà tâm lý của người trẻ thì không ai dám chắc là hiểu được cả vì nó luôn thay đổi, thích cái gì mới mẻ, nhiều khi cả thèm chóng chán. Làm phim ở Việt Nam thực sự là rất đau tim. Nói thật là kể cả với những bộ phim chúng tôi cực kỳ tin tưởng về chất lượng thì khi ra rạp, lần nào cũng hồi hộp như… đang tỏ tình với một cô gái đẹp đỏng đảnh vậy, không bao giờ đoán trước nổi kết quả.

PV:- Từ cương vị một nhà làm phim thương mại, bà đánh giá thế nào về hiện tượng bộ phim “Sống cùng lịch sử” chết ngay khi vừa ra rạp?

Bà Đinh Thanh Hương:- Xin lỗi, tôi bận quá chưa xem bộ phim này nên không thể bình luận được gì.

PV:- Nhưng hẳn bà cũng nghe báo chí xôn xao về phim “đầu tư 21 tỉ nhưng không bán nổi một vé” chứ? Bà nghĩ gì về chuyện này?

Bà Đinh Thanh Hương:- Là một nhà sản xuất, tôi biết làm ra được một bộ phim cực nhọc đến thế nào, nên tôi thấy buồn . Nhưng khi đọc kỹ hơn, tôi thấy có những thông tin khác, bộ phim nghe nói được chiếu ở nhiều nơi, với mục đích tuyên truyền là chính. Không bán vé được chỉ là ở một vài rạp, rạp Kim Đồng mà đưa phim lịch sử chính trị vào như vậy, khó bán vé là có thể hiểu được. Dù sao, tôi e rằng những kiểu giật tít gây sốc như thế không có lợi gì cho điện ảnh Việt nam cả. Chê thì quá dễ, nhìn ra những mặt tích cực để mà đi lên mới khó.

PV:- Nhưng nếu không chê thì phải nói gì đây trước sự thực là bộ phim đã ngốn của nhà nước một khoản kinh phí rất lớn mà kết quả thì quá tồi tệ?

Bà Đinh Thanh Hương:- Tôi chưa xem phim nên không bình luận gì, nhưng tôi nghĩ, đánh giá kết quả thì phải dựa vào mục đích. Ví dụ, tôi trồng phong lan để ngắm hoa thì tôi sẽ không mong chờ gì hái quả lan, chứ ngắm hoa xong rồi đòi cây lan phải có quả ăn thì vô lý quá.

Một bộ phim được đầu tư vì mục đích tuyên truyền hay nghệ thuật thì không nên đánh giá nó thành hay bại từ góc độ thương mại. Ví dụ phim Chơi vơi Bùi Thạc Chuyên, Bi ơi đừng sợ của Phan Đăng Di đoạt giải ở những liên hoan phim đẳng cấp thế giới nhưng về Việt Nam, ra rạp thì doanh thu cả hai phim sau mấy tuần công chiếu không bằng doanh thu một ngày chiếu Tết của Quả tim máu. Đấy là một sự thật chua xót, nhưng nó cũng nói lên một điều là không nên nhìn vào doanh thu mà vội chê trách một bộ phim.

PV:- Việc này hình như chúng ta cũng đã tranh cãi nhiều mà chúng ta chưa thử nghĩ tới bản chất của vấn đề.

Bà Đinh Thanh Hương:- Tôi nghĩ Hãng phim không nên suy nghĩ quá nhiều về doanh thu của phim Sống Cùng Lịch Sử mà cố gắng chiếu phim ở các hệ thống rạp nhà nước, các tỉnh thành để thực hiện tối đa sứ mệnh, nhiệm vụ của bộ phim đã được đặt ra.

PV:- Là một nhà sản xuất phim giàu kinh nghiệm, bà có nghĩ rằng điện ảnh Việt Nam sẽ luôn bị phân thành hai tuyến: phim thương mại của tư nhân ăn khách và phim nhà nước nhằm mục đích khác hay không?

Bà Đinh Thanh Hương:- Không chỉ điện ảnh Việt Nam mà trên thế giới, người ta cũng phân chia rõ rệt, phim thương mại và phim art house (nghệ thuật), phim thuộc dòng art house thì luôn kén khách.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà sản xuất phim tư nhân chỉ nghĩ đến chuyện làm phim thương mại, còn nhà nước chỉ đổ tiền ra làm phim nghệ thuật hay tuyên truyền. Thực tế là Thiên Ngân cùng với Hàng phim Phương Nam & Trung tâm tổ chức biểu diễn & Điện ảnh Thành phố (SAIGON CONCERT) đang bắt tay vào sản xuất bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với mong muốn đây sẽ là bộ phim có giá trị để gửi đến các liên hoan phim trong nước và thế giới.

PV:- Vậy Thiên Ngân có rút kinh nghiệm gì từ những bộ phim thương mại thành công của mình khi “lấn sân” sang làm phim nghệ thuật hay không?

Bà Đinh Thanh Hương:- Một bộ phim nghệ thuật thì ngay từ trong cách chọn đề tài, diễn viên, ngôn ngữ, phong cách… đã rất khác với phim giải trí rồi, cho nên rất khó để làm phim “vừa nghệ thuật, vừa ăn khách”. Nhưng chúng tôi hi vọng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một bộ phim có giá trị nghệ thuật và sẽ cố gắng giới thiệu nó đến với đông đảo khán giả Việt Nam, mặc dù lần này, phim sẽ không đặt nặng mục đích thương mại.

PV:- Hẳn có lí do gì đặc biệt để Cục Điện Ảnh và hãng phim tư nhân như Thiên Ngân & các hãng bắt đầu sự hợp tác từ bộ phim này?

Bà Đinh Thanh Hương:- Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim chị Việt Linh đã chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây sẽ là một sự bất ngờ mới tươi mát của Victor Vũ, vị đạo diễn vốn thành công với phong cách hiện đại, ly kỳ. Bộ phim kể câu chuyện hồn nhiên về miền ký ức ngọt ngào và thân thương nhất trong mỗi con người – tuổi thơ.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Theo Đất Việt