Thầu Chín ở Xiêm: Lát cắt chân thực về cuộc đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh

(TGĐA) - Được làm bằng tình yêu, sự ngưỡng mộ, tôn kính của một đạo diễn, một công dân nước Việt sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, Thầu Chín ở Xiêm đã đem đến cho người xem bức chân dung ngời sáng và tràn đầy khí phách của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian Người hoạt động ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín.

Những năm 1930, trong hành trình tìm đường cứu nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Thái Lan gây dựng cơ sở cách mạng. Với sự giúp đỡ của bà con người Việt sinh sống tại Thái Lan, Người - lúc này mang tên Thầu Chín - không những tránh được sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp mà còn truyền bá lòng yêu nước tới đông đảo bà con Việt kiều, gây dựng lòng tin của mọi người với đường lối chủ trương mà Đảng đề ra, hợp quần sức mạnh nhân dân tiến tới ngày trọng đại của dân tộc – Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – 3/2/1930.

ManhTruongvaiThau9

Mạnh Trường trong vai Thầu Chín

Cuộc đời hoạt động của Bác Hồ là một câu chuyện lịch sử dài mà đa số người Việt Nam đều đã biết qua sách báo và các bộ phim tư liệu. Vì thế chọn câu chuyện nhỏ nào, xảy ra ở giai đoạn nào để chuyển tải lên màn ảnh nhưng vẫn phải khái quát được hình tượng Hồ Chí Minh (hài hòa cả về yếu tố lịch sử lẫn hình dung của mọi người) thực sự là một thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim. Cho nên có thể nói, việc lựa chọn quãng thời gian Bác Hồ hoạt động ở Xiêm, vốn không dài và ít người biết đến, là sự khôn khéo của ekip làm phim. Nó đem đến sự mới mẻ và giúp đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tránh được sự “tham chiếu” từ những bộ phim về Hồ Chí Minh trước đây. Trong phim, nhân vật Thầu Chín hiện ra hết sức dung dị nhưng cũng rất giàu cảm xúc. Đó là những cảm xúc của một nhà lãnh đạo đau đáu sự nghiệp cứu nước, những cảm xúc của một người con xa quê biền biệt 17 năm trời lúc thì dồn nén, lúc lại mênh mang. Đất Việt quê nhà là bầu trời, vuông đất bên kia dãy núi mờ xa trong mắt Người và hơn hết là trong nơi sâu thẳm trái tim của một người Việt Nam yêu nước. Bác đã truyền tình yêu đó cho tất cả những ai ở bên cạnh mình, từng tiếp xúc và nghe danh mình bằng những việc làm giản dị như một người nông dân chính cống: làm nông, tưới cây, quét vườn… và nhân cách sống hòa đồng, giản dị. Thầu Chín không những được bà con Việt Nam tin yêu, đùm bọc mà cả người dân Thái Lan cũng ngưỡng mộ, giúp đỡ.

Canh_quay_tai_Vatpho_Thai_Lan

Một cảnh quay tại chùa Vatpho (Thái Lan)

Ngay từ đầu, các nhà làm phim đã chủ tâm thực hiện một tác phẩm tái hiện quãng thời gian hoạt động của Bác tại Thái Lan, cho nên tựa đề Thầu Chín ở Xiêm dường như đã nói lên nội dung của bộ phim được làm theo phong cách trần thuật. Rất cố gắng và tiết chế tới mức tối đa, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cùng nhà quay phim Lý Thái Dũng đã thổi vào những khuôn hình có tính chất lịch sử những cảm xúc chân thực nhất của nhân vật. Trong nỗ lực làm mềm hóa chân dung nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh ở một đề tài không dễ để làm được một bộ phim hấp dẫn, những phút cuối của phim, phong cách Bùi Tuấn Dũng bật lên rõ rệt khi khán giả được chứng kiến những pha hành động với tiết tấu khá nhanh và những cú lia máy đẹp mắt. Tuy nhiên, như đã nói, với nội dung muốn chuyển tải, Thầu Chín ở Xiêm không phải là bộ phim dễ làm cho nên có thể nói những gì mà Bùi Tuấn Dũng đem đến trong 90 phút phim trình chiếu được coi là thành công.

P.V