The Monuments Men: Chuyện của những người anh hùng

Đồng tác giả kịch bản, đạo diễn, đảm nhận luôn vai trung đội trưởng - nhà sử học Frank Stokes, George Clooney đã chứng tỏ anh không chỉ gây ấn tượng với người khác bằng khuôn mặt đẹp quyến rũ mà còn là người nhạy bén, biết chắt lọc những thông tin đắt giá từ tác phẩm văn học nổi tiếng của Robert M. Edsel để mang chúng lên màn ảnh, thành câu chuyện đậm chất phiêu lưu. Và George Clooney đã tỏa sáng trong bộ phim hay nhất do anh làm đạo diễn kể từ sau Good Night, and Good Luck.

(TGĐA) - Ba năm cuối thế chiến thứ 2, trong khi Hitler đang tàn phá châu Âu, một nhóm những người lính, nhà sử học và khảo cổ học cùng nhận nhiệm vụ do đích thân tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt giao phó. Đó là đột nhập, giải cứu và hoàn trả quyền sở hữu kho báu nghệ thuật của nhân loại gồm hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật đã bị Đức quốc xã đánh cắp tại các bảo tàng, nhà thờ và các nhà sưu tập tư nhân người Do thái. Họ được gọi là Monuments Men (Những con người kiệt xuất). Và đây là câu chuyện của họ. Một câu chuyện có thật, thuộc về lịch sử xảy ra vào mùa Xuân năm 1944.

Monumentsmen

Xuất thân từ đại học lừng danh Harvard, Frank Stokes đã tập hợp một trung đội 6 người đã quá tuổi ra trận và không có điểm nào chung để sống cùng trong một lều trại. Một chuyên gia về nghệ thuật trung cổ của bảo tàng Metropolitan (Matt Damon đóng), một người là kiến trúc sư (Bill Murray), một người là nhà điêu khắc, một nhà buôn tranh nghệ thuật người Pháp (Jean Dujardin), một nhà sử học (Bob Balaban), một chuyên gia nghệ thuật người Anh (Bob Balaban) và một chàng trai trẻ Do thái là người dẫn đường kiêm phiên dịch (Dimitri Leonidas). Nhóm các “nhà thám tử” bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình từ một bãi biển tại Normandy, khu vực được đồng minh bảo vệ vốn là vùng giáp gianh giữa Pháp và Bỉ. Tại đây, có một mỏ muối của người Đức, nơi họ phát hiện kho báu với 16000 bản lưu trữ nằm giữa 100 tấn vàng được lấy ra từ các vết hàn răng của những người Do Thái bị phát xít Đức bắt và bị giết.

Monumentsmen_1

Những người anh hùng kiệt xuất phải chạy đua với thời gian để bảo vệ các bức họa của Picassos, Rembrandts và tác phẩm Last Supper của Da Vinci từ đội quân bại trận của Hitler đang trên đường rút lui và dĩ nhiên là cả phe thắng lợi đang tiến lên. Bởi có vẻ như người Nga vừa cố gắng tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật vừa có ý định giữ chúng lại như một cách bù đắp cho chi phí chiến tranh nhưng họ vẫn chưa biết nơi kho báu được cất giấu... Tuy nhiên, không hẳn là sứ mệnh của các Monuments Men hoàn toàn nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Một số quan chức chính phủ phản đối kế hoạch này của tổng thống bởi cho rằng mạo hiểm đánh cược tính mạng của con người vì lợi ích nghệ thuật là không cần thiết. Nhưng “nhóm anh hùng kiệt xuất” thì nghĩ khác. Với họ, bản chất của nghệ thuật, giá trị khôn lường của nó với thế giới chính là ở chỗ chúng là phương tiện để xác định văn hóa, văn minh của nhân loại và cũng để khẳng định rằng: Không có tác phẩm nghệ thuật nào đáng giá bằng cuộc sống của một con người...

Ngoài những tình tiết hài hước, những cảnh nhấn thì phim đầy ắp những cảnh quay tuyệt đẹp với phần âm nhạc đáng nhớ của nhà soạn nhạc Alexandre Desplat khiến người xem rơi lệ. Câu chuyện thú vị, dàn sao khủng, cảnh quay đẹp và phần âm nhạc lôi cuốn chính là lý do giải thích tại sao tác phẩm tầm cao này xứng đáng được ngợi khen. Ba mươi năm nữa kể từ bây giờ, sẽ vẫn có nhiều người nhớ tới thành tựu của những vị cứu tinh của những tác phẩm nghệ thuật làm giàu lịch sử thẩm mỹ cho nhân loại. Tất cả là nhờ George Clooney!

The Monuments Men (Tựa tiếng Việt khi phát hành tại Việt Nam là Cổ vật bị đánh cắp) khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 7/3/2014

Thùy Linh