The Sixth Sense và vấn đề xung quanh sự phân định thể loại cho một bộ phim

Mặc dù các nhà làm phim luôn ý thức được tác dụng của sự phân định thể loại phim có ý nghĩa như thế nào đối với “số phận” của bộ phim nhưng họ cũng rất băn khoăn khi “đặt tên” cho nó. Chúng ta cũng hiểu rằng, thể loại phim không do một ai đặt ra bắt mọi người tuân thủ, mà nó dựa trên những thỏa thuận ngầm giữa các nhà làm phim, nhà điểm phim và khán giả. Cái mang lại sự nhận diện chung nào đó cho các bộ phim thuộc thể loại là những quy ước thể loại chung lặp đi lặp lại qua các bộ phim. Nhưng có phải mọi nhà điểm phim, mọi khán giả khi xem phim đều “nắm bắt” được hết những quy ước thể loại đó hay không? Đi sâu vào vấn đề thể loại trong một bộ phim (tôi chọn The Sixth Sense làm ví dụ), chúng ta sẽ phần nào trả lời được cho câu hỏi đó.

Văn học với tư cách là một môn nghệ thuật độc lập, xuất hiện trước điện ảnh từ rất nhiều thế kỷ, đã và đang trải qua những “trăn trở” về vấn đề phân định thể loại. Văn học ngày càng phát triển thì sự phân định thể loại một cách rạch ròi ngày càng trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với điện ảnh.


Cảnh trong phim The sixth sense


The Sixth Sense, sản xuất 1999, do M. Night Shyamalan làm đạo diễn là một trong những phim được xếp vào danh sách 100 phim rùng rợn và ly kỳ của Viện phim Mỹ. Bộ phim kể về một cậu bé 8 tuổi Cole Sear luôn bị ám ảnh bởi một bí mật khủng khiếp: cậu nhìn thấy hồn ma. Mọi người xung quanh không ai tin và chia sẻ được với Cole nên cậu bé càng trở nên cô đơn, lạc lõng, và luôn sống trong nỗi sợ hãi. Người duy nhất chịu lắng nghe Cole nói là ông bác sĩ tâm lí trẻ em Malcolm Crowe. Malcolm đã từng chữa bệnh cho một đứa trẻ khác có triệu chứng như Cole, nhưng ông đã thất bại. Ông quyết định sửa sai bằng quyết tâm giúp Cole. Ông giúp cậu bé khám phá những bí ẩn về năng lực siêu nhiên của mình và sử dụng nó để giúp đỡ cho những linh hồn đã mất. Cũng chính trong hành trình đó, Cole đã giúp đỡ Malcolm khám phá ra những điều bí ẩn khác về chính cuộc hôn nhân đang rạn nứt của ông và chính bản thân ông. Bộ phim kết thúc bất ngờ, gợi nhiều suy nghĩ về bộ phim và những ẩn dụ sâu sắc của nó.

Với hầu hết khán giả xem phim thông thường, bộ phim thuộc thể loại phim kinh dị. Trong hầu hết những bài điểm phim trên internet cũng đều xác định thể loại kinh dị cho bộ phim. Nhưng việc gọi tên thể loại cho The Sixth Sense như vậy tôi thấy có phần hơi dễ dãi. Vấn đề cần làm rõ ở đây là sự khác nhau giữa phim giật gân và phim kinh dị. Có lẽ hầu hết khán giả đều quen thuộc với thể loại phim kinh dị mà chưa hề biết đến phim giật gân cũng là một thể loại – với những đặc trưng, những tiêu chí phân định rõ ràng. Hai thể loại này tuy gần giống nhau về hiệu quả cảm xúc mang lại cho khán giả nhưng thực ra chúng lại có những tiêu chí phân biệt nhau rất rõ ràng.

Cảnh trong phim The sixth sense


Tôi nghĩ rằng, đại đa số khán giả đều không biết có sự tồn tại trong thế giới điện ảnh một thể loại là phim giật gân, cũng như không biết đến những đặc trưng về mặt thể loại của loại phim này nên đều xếp cho những phim khiến chúng ta run sợ vào thể loại phim kinh dị. Trong Film Art, Bordwell và Thompson đã đưa ra quan điểm của mình về hai thể loại này như sau: “Phim giật gân hiển nhiên nhằm mục đích khiến chúng ta run sợ - nghĩa là khiến chúng ta giật mình, sốc và hoảng sợ. …Phim kinh dị nhằm mục đích khiến ta ghê khiếp cũng như sợ hãi, nhưng phim giật gân không cần sự ghê khiếp. Nhân vật trung tâm của một phim kinh dị là một quái vật…nhưng kẻ hung đồ trong phim giật gân có thể khá hấp dẫn…Trong khi trạng thái hồi hộp, ngạc nhiên là rất quan trọng trong hầu hết truyện kể của phim, thì những phản ứng này lại chiếm ưu thế trong phim giật gân về tội phạm…..Phim giật gân nhấn mạnh vào trạng thái hồi hộp, ngạc nhiên khuyến khích các nhà làm phim biến khán giả thành mê muội, và điều này có thể dẫn đến những thử nghiệm bằng hình thức tự sự”.

Trích đoạn dài dòng trên đây giúp ta xác định chính xác hơn về mặt thể loại cho The Sixth Sense – là một bộ phim giật gân siêu nhiên hơn là một bộ phim kinh dị. Khán giả hồi hộp ngay từ đầu bộ phim trước cảnh gian phòng của bác sĩ Malcolm bị đột nhập – rồi bóng đen lướt qua, rồi kẻ lạ mặt xuất hiện bắn bác sĩ và tự sát. Khán giả băn khoăn theo dõi xem liệu bác sĩ có chết không? Và cảnh sau đó – bác sĩ gặp Cole và hành trình chữa bệnh đã làm khán giả lầm tưởng bác sĩ không bị chết. Khán giả lại tiếp tục dõi theo câu chuyện giữa bác sĩ và Cole trong hành trình khám phá những điều bí ẩn – những bóng ma, sự hoảng sợ, giật mình, run sợ. Khán giả run sợ cùng với sự run sợ của cậu bé; khán giả hoảng sợ trước những bóng ma và cũng hoảng sợ những bóng ma kia sẽ làm hại cậu bé như những bộ phim kinh dị khác. Khán giả giật mình sau những cú lia máy rất nhanh, sự chuyển hướng đột ngột của máy quay để rượt đuổi theo những bước đi của bóng ma. Điều làm khán giả có thể lầm tưởng đây là một phim kinh dị lại nằm ở chỗ đó: những trạng thái cảm xúc mà bộ phim mang lại: run sợ, giật mình, hoảng sợ trước sự xuất hiện của những bóng ma và cái chết thê thảm; Ánh sáng mờ đục (ánh sáng bóng đèn và gian phòng mở đầu bộ phim) có khi lại xám ngoét, toàn mầu chì; Cử chỉ của nhân vật có phần đờ đẫn (bác sĩ Malcolm)…Bộ phim hoàn toàn không làm ta ghê khiếp. Những bóng ma chỉ làm khán giả giật mình. Nó hoàn toàn không tấn công Cole mà chỉ muốn được Cole giúp đỡ. Những bóng ma cũng trở nên hiền lành sau khi đã được thỏa nguyện. Cảnh máu me chỉ xuất hiện hai lần duy nhất trong bộ phim – nhưng là những cảnh rất bình thường – đó là cảnh bác sĩ Malcolm bị bắn và cảnh người phụ nữ bị tai nạn. Hoàn toàn những cảnh ấy chỉ làm chúng ta giật mình và hoảng sợ đôi chút.

Poster phim The sixth sense


Nhưng The Sixth Sense có đơn thuần là một bộ phim giật gân siêu nhiên? Trong bộ phim có rất nhiều những ẩn dụ tâm lý đáng quan tâm. Điều đặc biệt nhất ở bộ phim là giữ được bất ngờ cho đến phút cuối: bác sĩ Malcolm chỉ là một hồn ma. Xem xong bộ phim, khán giả đều có phản xạ lục lại trí nhớ của mình xem trong suốt hành trình bộ phim từ sau khi Malcolm bị bắn có những dấu hiệu nào cho thấy Malcolm là ma hay không? Và ngạc nhiên không chỉ ở cái kết, là khán giả tìm ra được rất nhiều những ẩn dụ tâm lý để xác nhận Malcolm đã chết (màu sắc, hình ảnh, âm thanh, cử chỉ, những tình huống không phân biệt được giữa đối thoại và độc thoại (cảnh trên bàn ăn trong nhà hàng, vợ Malcolm nói “mừng ngày kỉ niệm”..), những cảnh quay vợ Malcolm xem lại đĩa phim ngày cưới của 2 người cho đến khi ngủ thiếp đi và ẩn dụ của chiếc nhẫn rơi…). Tất cả đều có sự gia công sắp đặt và mang những ẩn dụ tâm lý sâu sắc nhưng khán giả chỉ thực sự khám phá ra ở kết thúc bộ phim. Bộ phim hay ở chỗ, nếu khán giả xem lần đầu tiên thì hình ảnh kết thúc bộ phim dường như là chiếc chìa khóa để giải mã toàn bộ bộ phim. Đến lần thứ hai, hình ảnh kết thúc ấy trở nên thừa. Khán giả không còn bất ngờ vì cái kết đó nữa nhưng bộ phim lại thôi thúc họ xem lại để tìm kiếm những ẩm dụ tâm lý sâu sắc của tác giả. Mỗi lần xem phim, khán giả tìm thêm được những yếu tố bất ngờ mới.

Nhưng The Sixth Sense cũng không chỉ đơn thuần là một bộ phim giật gân siêu nhiên - tâm lý? Bộ phim còn mang đến những thông điệp về xã hội: câu nói của Cole “ma chỉ nhìn thấy những gì mà họ muốn thấy”; uẩn khúc trong cái chết của Kyra Collins; những bí ẩn trong mối quan hệ giữa Malcolm và người vợ; rồi câu chuyện của mẹ Cole và người bà đã quá cố; rồi triệu chứng Vincent, khả năng của Cole….Tất cả đều là những phức tạp đan xen trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Bộ phim vì thế mang đậm những yếu tố tâm lý, xã hội mà ranh giới của thể loại phim giật gân siêu nhiên chưa bao quát hết được.

Vũ Hạnh