Thị trường: Cửa sống của sản xuất điện ảnh

(TGĐA) - Trong cơ cấu hoạt động đặc thù của mình, một nền điện ảnh phát triển bình thường phải luôn vận hành giữa hai hoạt động trụ cột là sản xuất và phổ biến tác phẩm. Khi một trong hai trụ cột kia đình trệ, hoạt động chung trở nên què quặt, không tránh khỏi bị đột quỵ, dẫn tới khủng hoảng hoặc sụp đổ kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

cnh_trong_phim_M_nhn_k

Với nhiều nguyên do chủ quan và khách quan không giản đơn, điện ảnh Việt Nam đã từ lâu nối tiếp thời gian rơi vào khủng hoảng kéo dài. Giờ đây, khi đất nước bước sang thời kì mới, đứng trước những nhu cầu và đòi hỏi về một đời sống tinh thần mới mang màu sắc phức hợp hết sức đa dạng, phong phú và khẩn trương, đặt hoạt động điện ảnh trước nhiệm vụ không dễ đáp ứng là kịp thời, đầy đủ, hiệu quả và chất lượng cao. Trong lúc đó, bức tranh hoạt động của chúng ta hiện nay vẫn chưa nhuận sắc với đặc điểm rõ nét là sản xuất cầm chừng và phổ biến nghẽn tắc. Đó là hậu quả tất yếu của mối tương tác hai chiều giữa sản xuất với phổ biến phim từ lâu đã rơi vào trạng thái khập khiễng. Một cách ngắn gọn, sở dĩ sản xuất phim không tiến triển thuận lợi được là do sức vóc của nền sản xuất còn chưa đủ lớn, luôn hụt hơi trong mọi khâu tài – vật – lực, lại hoạt động giữa môi trường cạnh tranh trong – ngoài ngày càng lớn và ngày càng khốc liệt hơn. Các biện pháp tăng mạnh và bảo vệ nền điện ảnh dân tộc – như là giải pháp hợp lý và tiến bộ của hệ thống lý thuyết thịnh hành đương thời – tuồng như không mấy hiệu quả trong đời sống thực tiễn, do thiếu cụ thể và kém tác dụng thực tế.

Poster_phim_m_mu_giy_gt_nhn

Bên cạnh bất cập chủ quan của sản xuất phim về số lượng và chất lượng, dễ dàng rơi vào thế yếu trong cạnh tranh thương mại trước khối lượng lớn phim nhập khẩu; điều kiện phổ biến phim ở nước ta chẳng những không mở lối mà còn như một “chốt chặn” chắn ngang con đường phát triển bình thường của sản xuất, do phim không đến được với khán giả. Vốn từng được nuông chiều trong môi trường độc quyền tuyệt đối, tác phẩm điện ảnh của chúng ta đã từng ung dung đến với người xem như một diễn tiến đương nhiên trong quá trình sinh thành của chúng. Giờ đây, qua cuộc “bể dâu” trải dài hơn ba thập niên, mọi thứ đã đổi thay tận gốc, đem lại bao ngỡ ngàng cho bao người. Ngày nay, sừng sững trước mặt những người làm phim Việt Nam là bức tường thành không dễ vượt qua của thị trường hiện đại; ở đó luôn diễn ra cuộc cạnh tranh lệch sức phức tạp, một mất một còn. Trong khi bị đóng khung chủ yếu tại các đô thị lớn, khuôn viên của thị trường điện ảnh còn bị bó hẹp trong một số hệ thống rạp chiếu khiêm tốn, còn xa mới đạt tỷ mức đầu người theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên không gian rộng lớn của đất nước, hơn 80% cư dân ở nông thôn và các vùng khác không được hưởng thụ thương mại nghệ thuật điện ảnh. Cho đến nay, thị trường điện ảnh hầu như hoàn toàn xa lạ ở đây – tạo ra một khiếm khuyết nhân đôi: vừa không đáp ứng nhu cầu văn hóa của đông đảo dân chúng, vừa đánh mất nguồn doanh thu tiềm tàng lâu dài và to lớn. Trong lúc đó, chỉ với mức khai thác còn khá khiêm tốn hiện nay, doanh thu chiếu bóng năm 2012 trên phạm vi toàn quốc đã đạt con số gần 1,000 tỷ VNĐ (trên 47 triệu USD), đạt tỷ suất tăng trưởng trên 400%, cao nhất thế giới – theo thống kê của tổ chức phát hành phim Hoa kỳ. Hiện nay, phần lớn các hệ thống rạp chiếu tại các đô thị lớn đều nằm trong tay các tổ chức phát hành có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời với việc làm chủ các hệ thống rạp chiếu, các ông chủ này còn độc quyền nhập khẩu phim nước ngoài và độc quyền phát hành trên lãnh thổ Việt Nam. Phim nhập khẩu không bị ràng buộc bởi tiêu chí nào, ngoại trừ việc vượt qua khâu thẩm định đã được rộng mở của Hội đồng thẩm định quốc gia. Với số lượng áp đảo (trên 100 phim/năm) và với quy mô dàn dựng ưu việt, khối phim nhập khẩu chủ yếu vì lợi nhuận này như cỗ xe tăng hùng mạnh đầy lùi và đánh tan đội quân phim nội địa nhỏ lẻ và yếu ớt. Sự lấn át này diễn ra hiệu quả dưới sự che chở của luật pháp hiện hành, mang lại sự đau đớn thấm sâu nhưng không thể biện minh và phản kháng của điện ảnh nội địa. Người ta viện cớ tuân thủ quy định của WTO, nhập khẩu không hạn chế phim nước ngoài vào thị trường còn nhỏ hẹp của Việt Nam, tranh thủ kinh doanh tối đa, góp phần gây trở ngại đối với quá trình phát triển của điện ảnh nội địa. Trong trường hợp này, để tự bảo vệ hợp lý và hợp pháp, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những quy ước phù hợp với thông lệ quốc tế, như quy định về tỷ lệ phim nhập khẩu với phim sản xuất trong nước, tỷ lệ về ngày (giờ) màn ảnh đối với phim nhập khẩu và phim sản xuất trong nước....

Con đường ra rạp của phim Việt Nam giờ đây, vì thế là con đương chông gai ngay trên lãnh địa của mình; không ít phim bị từ chối do không đáp ứng nổi các tiêu chí cùng điều kiện của chủ rạp, một số phim lọt vào được thì sau thời gian ngắn, phần lớn cũng nhanh chóng bị loại ra do không cạnh tranh kịp với phim ngoại nhập về doanh số. Vài bộ phim thi thoảng trụ vững được thì không thuộc trong số những tác phẩm có giá trị toàn diện – mục tiêu của phổ biến đại trà. Tình trạng này kéo dài ngày càng trầm trọng, dẫn tới hậu quả tất yếu là đánh mất thị trường, buông bỏ khán giả và nhỡn tiền là làm suy yếu điện ảnh dân tộc.

Poster_phim_Ct_nng

Ở cả hai phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn, hoạt động mang tính tổng hợp nhiều cấp độ của điện ảnh, như đã nói ở trên, đòi hỏi phải tiến hành hiệu quả cùng lúc hai hoạt động cốt yếu là sản xuất và phổ biến phim. Phổ biến phim thực chất là tổ chức và quản lý vận hành thị trường điện ảnh. Cốt lõi của thị trường điện ảnh là mạng lưới chiếu phim. Mạng lưới này càng dày, càng rộng thì năng lực phục vụ công chúng càng cao, hiệu quả doanh thu càng lớn. Ngược lại, không nắm được mạng lưới chiếu phim, có nghĩa là buông bỏ thị trường, và như vậy cũng có nghĩa là đánh mất quyền chủ động ấn định quy mô cũng như nhịp độ sản xuất phim.

Hiện nay, chúng ta đã có Chiến lược và chuẩn bị có Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó hoạch định khá toàn diện và cụ thể các bước phát triển trong tương lai; quan tâm tới thị trường điện ảnh thông qua các chỉ tiêu xây mới và nâng cấp một phần hệ thống rạp chiếu phim cũ. Để củng cố, phát triển thị trường điện ảnh phù hợp với đòi hỏi khách quan và tình hình thực tế của đất nước, về lâu dài, cần đặc biệt coi trọng công tác phổ biến phim. Nhà nước, bằng hành lang pháp lý hoàn thiện, sát hợp thực tế và hiệu quả, cần thực thi mạnh mẽ trách nhiệm cùng quyền quản lý toàn diện, thống nhất ngành phổ biến phim trên phạm vi toàn quốc; trong đó cần quan tâm đầy đủ va cân bằng các khâu liên quan: Xuất khẩu, Nhập khẩu, Phát hành, Chiếu bóng; đưa mảng công tác này vào quỹ đạo nền nếp với tiêu chí rõ ràng, theo hướng Nhà nước quản lý toàn diện, phân bổ thị phần hợp lý, khoa học đối với các thành phần kinh tế - kể cả thành phần kinh tế nước ngoài. Trong đó cần kiên trì nguyên tắc phù hợp với thực tiễn của đất nước ta là Nhà nước phải luôn giữ vai trò chủ đạo trong phổ biến phim, để chủ động thúc đẩy và hướng dẫn bước tiến vững chắc của nền điện ảnh dân tộc trong lâu dài.

Trần Luân Kim