Thoại trong phim - điều chưa nói

 Trương Lê Quân            

(TGĐA) - Đắm mình trong những bộ phim, tôi thường ngắm nghía những nhân vật trong đó, chính lẫn phụ, chính diện và phản diện trong tổng thể cuộc sống họ đem lại trong bộ phim. Điều gì làm nên tính cách của họ, số phận họ cuộc đời của họ ? Tất cả đều diễn giải thông qua mật mã hình ảnh, thoại và âm thanh. Trong bài viết này, tôi chỉ xin đi sâu vào thoại trong phim, những câu thoại đã trở thành kinh điển. Những nét vẽ “lời thoại” giản dị vậy thôi mà phác nên tính cách của nhân vật, của bộ phim một cách rõ nét và độc đáo.


Trở lại những năm 20 của thế kỉ XX, bộ phim nói đầu tiên Ca sĩ nhạc Jazz(The Jazz Singer) (1927) ra đời, đã mở ra một cuộc cách mạng âm thanh ở Hollywood. Từ đó đến nay, thoại trong phim đã được nâng lên một tầm cao mới, vai trò mới trong điện ảnh, không chỉ đơn thuần làm phong phú, sinh động cho phim. Thoại trong phim là thứ pháo sáng báo hiệu sự xuất hiện của nhân vật trong phim qua thính giác bên cạnh sự hiện hữu qua thị giác. Ngoài ra, nó cũng là điểm nhấn về tính cách, kết thúc cô đọng nhất của một bộ phim. Dưới góc nhìn rất chủ quan, tôi chỉ dẫn chứng việc sử dụng thoại trong phim trong một số phim kinh điển của điện ảnh thế giới, thành công ra sao, và đạt hiệu quả sáng tạo như thế nào cho nhân vật và cả bộ phim dưới bốn tác dụng sau:


Thoại đánh dấu sự xuất hiện của nhân vật trong phim.
Chỉ với một lời chào mà một bộ phim đã tạo ấn tượng đẹp trong mắt khán giả, đó là trường hợp phim Cuộc sống tươi đẹp(La Vita e Bella)(1997) của đạo diễn người Italya-Roberto Begnigni. “Chào công chúa !”, một lời chào rất đơn giản đã khiến anh chàng Guido xấu xí làm quen và yêu được cô gái xinh đẹp Dora. Tại sao không là “Chào người đẹp!” hay “Chào cô gái !” mà phải là “Chào công chúa!” ? Lời thoại tuơi mát, lãng mạn khiến cho khán giả cảm giác đang sống trong một thế giới cổ tích và cả bộ phim thực sự là một chuyện cổ tích nuôi dưỡng niềm tin, tình yêu và mái ấm gia đình.
Những câu nói tưởng chừng rất đơn giản nhưng cách diễn đạt của từng đạo diễn đã biến nó thành thứ vũ khí lợi hại. Trong phim Bố già(1972), khi âm thanh “Don Corleon” vang lên kính cẩn, tất cả mọi người hình dung ra bầu không khí u ám, chết chóc, tỗi lội của ông trùm MAFIA. Hai tiếng Don Corleon đồng nghĩa với tội ác, máu chảy, ma tuý, giết người, âm vang đến mức ám ảnh, sợ hãi. Trong một tác phẩm khác, Chuyến tàu mang tên dục vọng(1951), âm thanh “Stella!” vang lên, báo hiệu cho sự xuất hiện và tồn tại dai dẳng của Stanley, một con thú hoang gầm gào trong giận dữ. Nhân vật Stanley cục súc, thô bạo đã lên đến tột đỉnh của bản chất dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Elia Kazan.


Thoại đem lại dấu ấn tính cách cho nhân vật
Dẫn chứng trong một phim kinh điển của mọi thời đại, CASABLANCA(1943), câu chuyện tình yêu trong chiến tranh thế giới thứ II được kể thông qua những mẩu đối thoại nhanh, gọn, thông minh và hấp dẫn đến bất ngờ. Với số lượng nhân vật rất lớn, thoại trong phim phát huy được hiệu quả tốt trong việc thể hiện tính cách nhân vật dù chỉ là nhân vật phụ. Khi nhân vật chính Rick –chủ quán rượu bị người tình Yvonne chất vấn ở quán rượu “Tối qua, anh đi đâu? ”.“Đã lâu rồi tôi không thể nhớ nổi !”. “Em có thể gặp anh tối nay được không ?”.“Tôi chưa hề có dự định xa đến vậy.” Dấu vết thời gian quả thật là vô cùng trong một câu nói. Ngày hôm qua thì đã quá cũ, ngày hôm nay thì còn quá xa. Sự lạnh lùng, thờ ơ của Rick tương phản mạnh với tình cảm cô gái dành cho anh. Những nhân vật phụ trong phim luôn có đất diễn bằng những mẩu đối thoại ngắn, sắc, điển hình như vai ngài cảnh sát trưởng. Khi thấy cách Rick đưa Yvonne về hờ hững, Renault nói với Rick một câu khá ấn tượng “Anh phung phí phụ nữ quá, một ngày nào đó họ sẽ trở nên rất hiếm.” Rất hóm hỉnh, tinh nghịch trong cách diễn đạt sức hút phụ nữ ghê gớm của Rick ! Chiến tranh trong phim đồng nghĩa với cuộc chiến về trí thông minh, óc khôi hài của nhân vật lồng trong những đối thoại rất khôn ngoan. Giữa hai người bạn, còn diễn ra một cuộc khẩu khí, tiết lộ về động cơ, quá khứ của ông chủ quán lạnh lùng, bí ẩn.
Renault : Tôi thường hay tự hỏi là tại sao anh không trở lại nước Mỹ ? Có phải anh bỏ trốn cùng ngân quỹ nhà thờ ? Hay chạy trốn với vợ của Thượng Nghị sỹ ? Tôi thích nghĩ rằng anh đã giết một ai đó ? Đó là sự lãng mạn trong cách nghĩ của tôi.
Rick : Kết hợp của cả ba lí do trên.
Renault : Điều gì đã đem anh đến với Casablanca ?
Rick : Sức khoẻ của tôi. Tôi đến Casablanca vì nguồn nước.
Renault : Nguồn nước ư ? Nguồn nước ở đâu ? Chúng ta đang ở giữa hoang mạc mà.
Rick : Tôi nhận được thông tin sai.


CASABLANCA áp dụng lối tiếp cận khán giả rất sáng tạo qua những đối thoại bắt tai, khúc triết. Không chỉ đơn thuần yêu thích, thoại trong phim giúp khán giả chụp ảnh được những bí ẩn trong đời sống nhân vật, khám phá những tình tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất tinh tế. Những miếng ghép về sự lạnh lùng, hoài nghi của Rick được dỡ bỏ dần và khán giả tìm trong anh hình ảnh của một chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình, can trường nhưng rất hóm hỉnh, đa cảm. Từng câu thoại trong phim là kết tinh của sự tìm tòi bền bỉ, đem lại nét đặc tả riêng cho nhân vật của phim. Tình yêu trong chiến tranh sẽ còn nghĩa lí gì nếu thiếu những ngôn từ ngọt ngào, bay bổng ? Những lời Ilsa (Ingrid Berman) nói, dịu dàng và sâu lắng như chính tính cách của cô “Hãy chơi đi Sam, chơi những bản nhạc ngày xưa, hãy chơi As time goes by(Khi thời gian trôi qua).” “ Tiếng đại bác hay tiếng trái tim em đang đập ? Tại sao chúng ta lại chọn giờ phút thế giới sụp đổ để yêu nhau?” Những lời tỏ tình bay bổng mà Rick dành tặng cho một nửa của mình “Tất cả những gì anh biêt về em là em có một hàm răng thật đều !” Thú vị, nhẹ nhõm và đỉnh cao là câu nói “Nhìn em kìa, cô bé !” Câu nói như dồn hết sự nâng niu, trân trọng của tình yêu nồng nàn của Rick dành cho Ilsa. Vẻ lạnh lùng của Rick giờ đã chuyển sang vẻ hân hoan của tình yêu dưới tác nhân -vẻ đẹp cổ điển của Berman. Sự cao thượng của Rick ghi điểm trong lòng Ilsa và khán giả bằng lời nói của tình yêu “Chúng ta mãi mãi có Paris !”. Một chuyện tình đẹp, lãng mạn thời chiến cùng sự hy sinh cao thượng của nhân vật chính đã biến CASABLANCA thành phim tình cảm hay nhất mọi thời đại. Để có thể truyền tải hết sự xuất sắc của thoại trong phim, có lẽ cần tốn rất nhiều giấy mực !
Tính cách của nhân vật gắn liền với một câu nói là cách thức nhiều bộ phim sử dụng để khắc hoạ chân dung nhân vật đó. Trong bộ phim màu đầu tiên Cuốn theo chiều gió(1939), khi gặp rắc rối, khủng hoảng, suy nghĩ miên man, Scarlett luôn nói một câu gắn liền với tính cách của mình “Tôi không nghĩ về nó lúc này nữa, tôi sẽ nghĩ tiếp vào ngày mai.” Câu nói thật đặc sắc vì đã tiếp sức thêm sinh khí cho nhân vật vốn dĩ đã rất mạnh mẽ. Quyết liệt, can đảm hơn thế, người đàn bà đã bộc lộ cái tôi dữ dằn qua một lời thề giữa một Tara khói lửa đang bị nạn đói đe doạ “Thề có Chúa chứng dám, cho dù có phải ăn trộm, cắp, lừa lọc, ta sẽ không bao giờ bị đói nữa !” Khi biết mình đánh mất tất cả lúc Rhett ra đi, nhân vật chính vẫn rất quyết liệt, sôi sục trong suy nghĩ để giành giật lại tất cả những gì cô đánh mất, nhà đình, nhà cửa, đất đai và cả tình yêu cô mong mỏi tìm kiếm. “Tara, nhà, ta sẽ về nhà, ta sẽ nghĩ cách để đưa anh ấy về, ngày mai trời lại sáng !” được diễn tả bằng niềm tin, niềm hy vọng dạt dào. Tình yêu với mảnh đất đỏ Tara, quê hương cô, vẫn cháy bỏng trong trái tim Scarlett. Nhân vật nhận thức được rằng tình yêu với đất đai, với quê hương là vĩnh cửu, thứ không thể đánh mất, và thứ làm nên sức mạnh thép của mình.

Cảnh trong Cuốn theo chiều gió


Thoại tạo nền/màu sắc chính cho phim
Màu sắc của phim được hiểu là tính chất giọng kể chuyện của người đạo diễn : buồn, vui tươi, căng thẳng, nhẹ nhàng, hài hước, châm biếm, trăn trở, tươi sáng, xúc động, hồi hộp, bí ẩn v.v…. Còn nền của phim có thể hiểu là những biến cố chính của bộ phim như sự trả thù, sự vươn lên trong cuộc sống, nỗi ám ảnh, tâm trạng khi yêu, cuộc sống ở thành phố hay vùng ngoại ô v.v…Những lời thoại tạo nền cho phim thường bám rất sát nội dung phim, tính chủ đề và màu sắc chính của phim. Chúng có thể được sử dụng lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh hoặc chỉ được dùng duy nhất 1 lần trong kịch tính cao điểm của bộ phim mà vẫn tạo hiệu quả như mong muốn.
“Chạy đi Forrest, chạy đi !” Câu thoại giản dị, truyền cảm hứng của cô gái Jenny như một động lực lò xo về tinh thần để anh chàng Forrest Gump khờ khạo chinh phục cả nước Mỹ bằng tài năng của mình. Chạy Maratông cực nhanh, chơi bóng bàn rất giỏi, trở thành anh hùng trong quân ngũ, sức bật của nhân vật giúp bộ phim cùng tên đoạt thêm 6 giải Oscar năm 1994. Những tình thế khó khăn, bế tắc trong cuộc sống của anh chàng IQ thấp, được “giải hạn” chỉ với chuỗi âm thanh vang vọng của cô gái anh đem lòng yêu trọn đời. Forrest Gump còn được thừa kế thêm kho tài nguyên tinh thần thứ hai - những bài học làm người quý giá của mẹ anh “Ngốc như cách thằng ngốc đã làm !”.“Mẹ tôi bảo cuộc đời giống như một hộp sôcôla, bạn không bao giờ biết mình sẽ chọn miếng nào!”. Hai nguồn năng lượng dồi dào cung cấp dư cho nhân vật nghị lực sống, để khán giả nhìn nhân vật bằng ánh mắt từ cảm thông đến thán phục. Thoại trong phim không chỉ đơn thuần là thoại, chúng đóng vai trò đòn bẩy, tạo nên sức bật, nghị lực cho nhân vật vươn lên trong cuộc sống.

"Chạy đi Forrest! Chạy đi"


Có những câu thoại không hề đẹp, bóng bẩy nhưng lại tạo nên màu sắc phim, ví dụ như trong phim hài/âm nhạc - Tiểu thư tôi yêu(My Fair Lady)(1964) của George Cukor. Câu nói luyện phát âm của cô gái nghèo muốn dấn thân vào tầng lớp quý tộc - The rain in Spain stays mainly in the plain (Mưa ở Tây Ban Nha thường đọng ở những nơi bằng phẳng), tiêu tốn quá nhiều thời gian và sức lực. Tưởng chừng không có gì đặc biệt nhưng câu thoại lại hàm chứa cách thức phát âm rất cầu kì, phức tạp. Sự tinh tế trong cách phát âm đã phân cấp rõ hai tầng lớp trong xã hội : cách phát âm của giới thượng lưu phải đúng trọng âm, tròn trịa, chuẩn xác, không bẹt miệng, cộc lốc, bừa bãi như giới hạ lưu. Câu thoại không hài nhưng lại trở nên rất hài, khiến khán giả vẫn nhớ mãi về nó, sự vất vả, nỗ lực của cô gái và khó khăn của người thầy khi tìm cách đưa cô lên giai tầng mới với những bài học phát âm căn bản.
Hay một ví dụ khác, chỉ với một câu thoại mà tạo nên sự bí ẩn cho phim khá độc đáo như trong phim của M.Night.Shymalaya - Giác quan thứ 6(1999). Khi cậu bé Collet(Halley Joel Osment) thổ lộ với bác sĩ tâm lí “ Cháu nhìn thấy những người chết !”, đó là lúc bóng đen sợ hãi bao trùm lên cả cuốn phim. Câu chuyện về một cậu bé có khả năng lắng nghe và kết bạn với hồn ma với lối kể lắt léo, đột nhiên có một khoảng khắc lung linh tiết lộ về khả năng kì lạ của cậu bé (bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh). Người xem bắt đầu cảm thấy hồi hộp, lo lắng, trăn trở không biết cậu sẽ dỡ bỏ sự nghi ngờ, xa lánh của bạn bè, xã hội dành cho cậu như thế nào ? Câu thoại đơn giản nhưng được “xiết ốc” thích hợp, đúng thời gian và địa điểm đã làm tăng hiệu quả của một phim kinh dị lên rõ rệt.

Cháu nhìn thấy người chết!


Thoại – kết thúc cô đọng nhất của phim
Những bộ phim có kết thúc sử dụng thoại rất phổ biến vì ngôn từ đóng vai trò quan trọng, lưu giữ những yếu tố quan trọng của phim. Chuyện tình(1970) là một ví dụ chuẩn xác. Câu chuyện tình mẫu mực, có kết thúc chia ly vì cô gái qua đời do căn bệnh hiểm nghèo. Chàng trai ngồi trong công viên phủ đầy tuyết trắng với bản nhạc buồn Love Story. Tình yêu của nhân vật “ngủ quên” trong một câu nói tiêu điểm, xoáy suốt thời lượng 100 phút của phim “Yêu nghĩa là không bao giờ nói lời hối tiếc!” Một định nghĩa đơn giản, dứt khoát và trở thành điệp khúc trong lòng những khán giả yêu thích phim(chuyển thể từ tiểu thuyết ăn khách của Eric Segal).
Lội ngược dòng thời gian 14 năm trước đó, phim Và Chúa đã tạo ra đàn bà(1956)- một cuốn phim của Roger Vadim, đã cất cánh cho người đẹp B.B lên đỉnh cao vinh quang, cũng sử dụng cách thức như vậy. Người đàn bà trong phim quả thật rất đẹp, cô ta đẹp ở nét mặt, hình thể, một vẻ đẹp trần trụi nhưng không thô thiển, buông thả nhưng không thấp hèn. Cái đẹp của cô làm choáng ngợp, thách thức, khêu gợi đấng mày râu trong đó có cả gã trọc phú giàu có Eric Carrandine. Sau cuộc chinh phục thất bại, ông ta phải thốt lên câu nói để đời “Cô ta sinh ra là để tàn phá đời đàn ông! ” Chính vẻ đẹp hoang dã của nhân vật nữ là ngọn lửa thiêu rụi mọi giấc mơ của tất cả đàn ông trong phim. Câu nói hết sức cô đọng, tổng kết được tất cả những gì tinh tuý, cần truyền tải của cuốn phim gây sốc vào thời điểm những năm 50.
Vẫn thể loại phim hài, trong phim hài hay nhất mọi thời đại Xúc cảm cuồng nhiệt (Some like it hot)(1959) của đạo diễn Billy Wilder, kết thúc phim sử dụng một câu thoại rất triết lí, hài hước, vui nhộn và độc đáo “Không ai trên đời là hoàn hảo cả!”. Những khán giả xem phim đều thấy rõ ngài triệu phú si mê anh chàng cải trang thành nữ nhạc công như thế nào! Ông ta sẵn sàng làm mọi việc điên rồ nhất để chứng tỏ tình yêu của mình : kết hôn với người đẹp Daphne(Jack Lemmon). Không mặc vừa áo cưới chăng? Không được mẹ chồng chấp thuận chăng? Không phải là phụ nữ ư? Tất cả đều không quan trọng vì tình yêu và chân lí “Không ai trên đời hoàn hảo” sẽ thay đổi tất cả! Nội dung phim hun đúc trong một lời thoại hóm hỉnh, Wilder đã chọn điểm dừng chân rất lí tưởng, đúng sắc thái cho một phim hài.


Chuyển sang thể loại bi/hình sự/trinh thám, trong phim Phố Tàu(Chinatown)(1974) của đạo diễn Roman Polanski, lúc bức màn tột lỗi được Jack vén lên, khi con gái của ông trùm Hollis bị giết hại, nhân vật chính-thám tử Jack thẫn thờ, lạc lối truớc một xã hội tư bản tàn bạo, đẫm máu. Anh được người bạn an ủi bằng câu nói “Hãy quên đi Jack, đây là phố Tàu mà! ” và tiếng cảnh sát vang lên “Nào, tất cả dẹp đường, đi trên vỉa hè, tránh xa đường ra!” như lời giải bị đánh cắp của bài toán tội ác. Bộ phim khép lại trong tội ác, bí mật choáng váng của 1 gia đình cùng khiến khán giả phải rùng mình. Biên kịch phim đã chèn thêm câu thoại vào cảnh cuối như một đốm sáng nhỏ, làm dịu bớt sự căng thẳng, suy nghĩ gay gắt về những vấn đề xã hội mà bộ phim đề cập.
Không triết lí, không hoa mỹ, những câu thoại mộc mạc, đượm chất quê mà lại bén duyên ngầm, khiến người xem nhớ mãi. Đó là trường hợp của Phải sống (To live)(1994) dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu. Hẳn ai cũng rất xúc động vào cảnh kết, khi đứa cháu - Bánh bao nhỏ hỏi Phú Quí “Ông ngoại ơi, bao giờ thì chúng lớn ?”.“Chẳng bao lâu nữa!”.“Rồi sao nữa?”.“Mấy chú gà con sẽ biến thành ngỗng, những con ngỗng sẽ biến thành cừu, cừu sẽ biến thành bò.”.“Và sau những con bò là gì ?”.“Sau những con bò, Bánh bao nhỏ sẽ lớn lên.”.“Cháu sẽ nuôi 1 con bò đen.”.“Bánh bao nhỏ sẽ không nuôi bò đen, mà nó sẽ khai hoang đất đai, để có cuộc sống tốt đẹp hơn về lâu dài.” Câu chuyện cuộc đời của Phú Quý đầy biến động, gian truân, ít có giây phút hạnh phúc nào lớn lao. Nhưng điều đáng trân trọng ở nhân vật là cách gieo mầm sống vào thế hệ con cháu, sự quật cường trong cuộc sống của người Trung Quốc. Phải sống cho dù bất cứ điều gì xảy ra ! Lời thoại kết mở ra một khung trời tươi sáng hơn, mơ ước hơn cho thế hệ tương lai tiếp nối nghị lực sống phi thường của thế hệ trước.


Đạo diễn Victor Flemming lại chọn cách kết thúc của mình bằng câu thoại rất đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh với phim thiếu nhi Phù thuỷ xứ OZ(1939): “Không có nơi đâu bằng nhà mình!” Sau chuyến du ngoạn ở xứ sở phù thuỷ, với những người bạn đường quen thuộc, giữa cái tốt và cái xấu, sự thật cô bé Dorothy nhận ra thật giản dị, mà hợp lí. Bộ phim là bức tranh cuộc sống đầy màu sắc với lời thoại kết súc tích để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả nhỏ tuổi. Câu nói như một chân lí xinh xắn được nhân vật đúc kết sau chuyến phiêu lưu kì thú. Nó dường như trái ngược hẳn với ước mơ ban đầu của cô bé trong bài hát - Somewhere over the rainbow (Một nơi nào phía trên cầu vồng), khi cô bé ước muốn mình ở rất xa trên cả cầu vồng. Ngôi nhà và tình thương yêu của những người thân là “cầu vồng đích thực” Dorothy tìm kiếm.
Những lời thoại kết phim thường sử dụng là những câu có tính triết lí cao, tổng hợp được vẻ đẹp, tính nhân văn của cả phim. Nhân vật cậu bé Hew Morgan nhỏ bé trước cuộc đời trong phim Thung lũng xanh tươi (How green was my valley)(1941) của đạo diễn John Ford, cũng tâm sự với khán giả về cuộc đời, gia đình cậu qua những thước phim đen trắng đẹp đến ngỡ ngàng bằng câu thoại kết thúc phim như vậy. “Những người đàn ông như cha tôi không thể chết. Họ vẫn sống bên tôi, trong kí ức, trong xương thịt, trong tình cảm và tình yêu mãi mãi. Thung lũng của tôi mới xanh tươi biết bao !” Những lời kết như ngân vang khúc ca khải hoàn về bài ca lao động, về gia đình và tình yêu mà cậu bé được bao bọc trong đó, trong một gia đình xứ Wales chính gốc. Hình ảnh đẹp của một thung lũng xanh tươi, ôm quyện những ngôi nhà, những gia đình vùng mỏ, đọng mãi trong một câu kết hay không thể phủ nhận.

Không ở đâu bằng nhà mình


Lời kết
Tựu chung lại, thoại trong phim là nhân tố khá quan trọng, góp phần thể hiện được cái tôi của nhân vật, nội dung phim. Sử dụng thoại trong phim một cách hợp lí, sẽ nâng giá trị của bộ phim thêm một nấc mới. Thoại hay là yếu tố thường không thể thiếu trong những bộ phim tốt, in dấu ấn không phai nhoà trong nhân vật, trong lòng khán giả. Đơn giản đến phức tạp, chất phác hay hoa mỹ, thoại là công cụ biểu đạt rất hữu hiệu, tóm lược, tổng kết, phun sơn cho nhân vật và cho cả bộ phim. Đối với tôi, chúng luôn có một sức hấp dẫn thật lạ kì !!!