Thương quá Mùa tuyết tan

Tại sao thế, Nhật Bản?

Một “hiện tượng” của truyền hình Nhật Bản, với cách làm phim rất độc đáo cùng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc, nhưng lại khiến người xem vô cùng thất vọng về cách chiếu phim (bản tiếng Việt) thiếu tôn trọng cả người làm (phim) lẫn người xem (phim).


Chỉ với 67 tập phim (45 phút/tập), Mùa tuyết tan là một hiện tượng của phim truyền hình Nhật Bản và có thể của cả phim truyền hình thế giới, vì nó đi ngược lại hoàn toàn chiều đi của công nghệ sản xuất phim truyền hình hiện đại và lại là một trong những phim truyền hình có nhiều người xem nhất tại Nhật, một đất nước của công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.

Khước từ kiểu làm phim nhanh gọn theo công nghệ, cái mà các nhà làm phim truyền hình Việt Nam đang phấn đấu với tốc độ 3 ngày/2 tập (3 ngày quay xong 2 tập phim), 67 tập phim Mùa tuyết tan “tiêu” của nhà sản xuất 21 năm và nó cũng được phát sóng trong suốt thời gian này, với duy nhất một ê kíp diễn viên! Đi theo mạch phim cổ điển, Mùa tuyết tan “lớn” dần lên cùng các nhân vật của mình. Chỉ riêng nghĩ tới việc phải duy trì ê-kíp làm phim trong suốt 21 năm và chi phí sản xuất tính theo thời gian để sản xuất một bộ phim truyền hình, thì không có bất cứ nhà sản xuất và đoàn làm phim nào trên thế giới có thể chấp nhận. Dĩ nhiên trừ Nhật Bản.

Câu hỏi là tại sao và để làm gì các nhà làm phim Nhật Bản phải chọn cách làm kỳ công tốn của như vậy?

Để PR chăng, theo cách mà các nhà làm phim Việt đang triệt để áp dụng từ khi phim còn nằm trên giấy? Chắc là không, vì PR cần nhanh (để khi công chúng kịp hiểu đó chỉ là PR thì mọi sự đã an bài, phim đã phát sóng xong hoặc vé ngoài rạp đã bán hết, các nhà phê bình hay báo chí có “mổ xẻ” gì cũng chỉ là “vuốt đuôi”).

Để tôn trọng tính chân thực của câu chuyện và các nhân vật tới mức phải kéo dài thời gian sử dụng duy nhất một ê-kíp diễn viên cho bộ phim trải dài gần một phần tư thế kỷ? Trong điện ảnh và truyền hình, không có nguyên tắc “tả thực” được hiểu một cách thô sơ và đơn giản như vậy. Việc sử dụng những ê-kíp thay thế hoàn toàn là giải pháp thông thường vẫn được áp dụng ở mọi nền điện ảnh và phim truyền hình, kể cả ở Nhật Bản.

Nếu ai đã từng xem phim của Ozu, đạo diễn bậc thầy không chỉ của điện ảnh Nhật Bản, mà còn của cả thế giới (rất nhiều đạo diễn chịu ảnh hưởng phong cách làm phim của ông, trong đó có đạo diễn Trần Anh Hùng), đã có cả một giải thưởng điện ảnh danh giá mang tên ông, sẽ thấy sự chậm rãi Nhật Bản là cả một minh triết về đời sống. Chậm rãi, để từ đó lặn sâu vào từng ngóc ngách của cảm giác, của suy tưởng. Văn chương hiện đại Nhật Bản, từ Haruki Murakami đến Yoko Ogawa hay Banana Yoshimoto (đều có tác phẩm dịch tại Việt Nam) cũng có sự chậm rãi ấy, rất đặc trưng cho văn hóa Nhật Bản.

Và nếu ai đã từng đứng một giờ ở “ngã năm quốc tế” trước ga tàu điện ngầm Shibuya (Tokyo), sẽ biết người Nhật sống nhanh, đi nhanh, bị đuổi bắt bởi guồng máy công nghiệp hiện đại như thế nào. Nếu không chậm lại bằng văn hóa, nếu không có “cái phanh” văn hóa hãm bớt lại, cân bằng lại, chắc những con người quay cuồng ấy sẽ “phát điên”.

Mùa tuyết tan đằng đẵng 21 năm, một ê-kíp làm phim không thay đổi trong 21 năm, chưa hẳn sẽ tạo ra bộ phim hay gấp... 21 lần bình thường, nhưng nó là một thông điệp đầy sống động của sự bền bỉ, kiên trì, của một triết lý sống Nhật Bản. Một chi tiết nhỏ nhưng thú vị không kém trong bộ phim 67 tập này, là phần âm nhạc cực kỳ “tiết kiệm”, duy nhất chỉ có một “tem” nhạc cho suốt bộ phim. Dĩ nhiên nhà sản xuất Nhật Bản thừa tiền để có thể làm cả một “album ca khúc” trong phim theo cách một số nhà làm phim Việt đang làm, nhưng với họ, làm thế để làm gì khi một “tem” nhạc đã nén chứa đầy đủ cảm xúc chủ đề của bộ phim - khán giả xem phim chứ có xem “video ca nhạc” đâu?

Không phải “video ca nhạc” dù trong phim có những khuôn hình rất đẹp về miền quê Furano nơi cực bắc đảo Hokkaido nước Nhật tuyết phủ nhiều tháng trong năm, Mùa tuyết tan kể một cách truyền thống một câu chuyện gia đình. Goro, sau cuộc ly hôn, quyết định rời khỏi Tokyo náo nhiệt, mang theo hai đứa con về miền quê Furano làm lại từ đầu. Và hai đứa trẻ, Jun (con trai), Hotaru (con gái) đã lớn lên, hình thành nhân cách trong những cuộc vật lộn với nhiều thách thức, với nhiều mối quan hệ, nhiều tình huống trớ trêu, ngang trái..., để rồi họ hiểu ra đâu là điều quý giá nhất trong cuộc sống. Bộ phim “lớn” dần lên cùng sự khám phá thế giới xung quanh và thế giới nội tâm của hai đứa trẻ - hai thanh niên - và sau cùng, một người đàn ông đi tìm kiếm hạnh phúc qua nhiều mối tình và một người đàn bà biết chấp nhận nuôi con một mình, đồng thời cũng là sự khám phá của người xem về thế giới của gia đình với rất nhiều sự phức tạp của nó. Ngoại trừ cách làm phim độc đáo, Mùa tuyết tan có thể xem là một “phim truyền hình cổ điển” với câu chuyện gia đình là đề tài không bao giờ nhàm chán của phim truyền hình, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc... - đấy cũng là những sợi dây với giấc mơ nối lại những đứt gãy trong các quan hệ gia đình đang là hệ quả của những xã hội hiện đại.

Với một đề tài “cũ”, lối kể chuyện phim “cũ”, không ngôi sao chân dài, thế nhưng Mùa tuyết tan đã “thắng lớn” ở Nhật Bản. Lần phát sóng đầu tiên trong vòng 6 tháng năm 1981, đã chiếm được 15% tỉ lệ người xem tại Nhật. Đặc biệt 8 tập tiếp theo có số người xem lên đến 25-30% tỉ lệ phim truyền hình nhiều tập. Phim giành được rất nhiều giải thưởng, nhiều khách du lịch đã đến Furano để được nhìn tận mắt những cảnh trong phim. Phim cũng được đưa vào tập sách giáo khoa tiếng Nhật cấp hai trên toàn quốc...

Tại sao thế, Mùa tuyết tan?

Vậy tại sao lại khó chịu khi xem Mùa tuyết tan bản tiếng Việt (đang phát sóng trên VTV1 từ 12h đến 13h hàng ngày? Có lẽ bởi sự “vênh váo” giữa bản phim gốc được làm rất kỳ công và phiên bản tiếng Việt được làm theo cách chúng ta vẫn đang làm với bất cứ một phim truyền hình nào. Đầu tiên là chuyện lồng tiếng Việt: cái thật của từng âm sắc lời thoại các nhân vật trong phim (là tiếng thật của từng nhân vật, theo từng giai đoạn thời gian) bị thay thế bằng cái giả của người lồng tiếng (thực hiện trong thời gian ngắn). Và sau, lại là chuyện quảng cáo. Ác một cái, với những phim giải trí, hành động thì có bị cắt vụn bởi quảng cáo dù sao cũng đỡ “kinh khủng” hơn một phim chậm, mạch tự sự với những diễn biến tình cảm tinh tế như Mùa tuyết tan. Và ác nữa, nếu là phim do các hãng tư nhân bỏ tiền sản xuất, thì chậc lưỡi, có nhiều quảng cáo cho họ có kinh phí “tái sản xuất”, nhưng đây lại là phim được một thương hiệu nổi tiếng - bột ngọt Ajinomoto, mang đến như một “món quà tinh thần” từ Nhật Bản, rồi cũng chính thương hiệu này tới tấp “nêm bột ngọt” vào giữa phim... Thành ra, vừa xem phim vừa nếm bột ngọt, mà thương quá Mùa tuyết tan!

Theo Thể Thao Văn Hóa