Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh: "Các tài năng điện ảnh đang tiềm ẩn đâu đó"

(TGĐA) - Trước thềm năm mới, Tạp chí Thế giới điện ảnh có cuộc trao đổi với tiến sỹ Ngô Phương Lan về những chuyển động của điện ảnh nước nhà trong năm qua.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động điện ảnh Việt Nam năm 2012 vừa qua?

Ai cũng biết điện ảnh Việt Nam vừa trải qua một cuộc khủng hoảng nặng nề năm 2011. Vì vậy, tôi cho rằng năm 2012, điện ảnh giữ được thăng bằng, ổn định và dần đứng vững được là tốt rồi. Ngoài ra, một số hoạt động và sự kiện trong năm thu hút được sự quan tâm của xã hội, làm ấm lòng những người làm nghề, nghệ sĩ điện ảnh các thế hệ, hướng dần đến sự chuyên nghiệp và hội nhập có thể coi là những tín hiệu vui cho điện ảnh.

Tin_s_Ng_Phng_Lan_-_Cc_trng_Cc_in_nh_VN

TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh

Với số lượng phim được sản xuất trong năm 2012, có thể nói chúng ta đang bắt đầu một cách khá thuận lợi cho lộ trình phát triển điện ảnh từ nay đến năm 2020 với chỉ tiêu có từ 36 đến 40 phim chiếu rạp/năm. Nhưng, nhìn vào xu hướng cũng như thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay, không ai chắc rằng 36- 40 bộ phim ấy sẽ tránh được cái mác thảm họa. Vì thế, thưa bà, phải chăng, nhiệm vụ của nhà nước cần làm là đưa ra những biện pháp để phát triển điện ảnh theo một chuẩn đúng quy định, chứ không đơn thuần là đầu phim? Và những biện pháp đó là gì?

Thực ra chỉ tiêu 36 đến 40 phim như bạn nói là chỉ tiêu trong dự thảo Quy hoạch ngành điện ảnh của vài ba năm trước, nhưng dự thảo này chưa được thông qua. Bởi vậy, năm 2012 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Điện ảnh xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ vào Quý III năm 2013. Cùng với Chiến lược là xây dựng Quy hoạch điện ảnh phù hợp. Đương nhiên tăng số lượng phim Việt Nam chiếu rạp là điều quan trọng, nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất để phát triển điện ảnh vì theo tôi hiểu và đã trình bày trong một tham luận cách đây dăm năm: điện ảnh cần một sự đồng bộ mới có thể phát triển. Các yếu tố gồm sáng tác, sản xuất, phổ biến, kỹ thuật và công nghệ, kinh phí, năng lực quản lý và quan trọng nhất là nguồn lực con người - cụ thể là những người làm điện ảnh chuyên nghiệp và tài năng điện ảnh - đều cần có sự quan tâm, khuyến khích hoặc đầu tư thỏa đáng thì mới mong có sự thay đổi diện mạo. Tôi nhấn mạnh yếu tố con người và tài năng bởi dường như những năm gần đây các nhà làm phim “tiêu hao” năng lượng của mình vào phim truyền hình, vào phim thương mại giải trí… Tốc độ chóng mặt của cơ chế thị trường cuốn họ đi và khi quay lại với một bộ phim nghiêm chỉnh thì mới thấy năng lượng con người không phải là vô hạn, thế nên người này đuối sức, người kia “xuống tay”. Còn tài năng điện ảnh thực sự thì chắc chắn cũng có, nhưng vẫn đang “tiềm ẩn”đâu đó!

S_lng_phim_sn_xut_nhiu_th_hy_vng_mi_c_nhiu_nhng_b_phim_c_coi_l_c_cht_lng_nh_Scandal

Số lượng phim sản xuất nhiều thì hy vọng mới có được những bộ phim chất lượng chư Scandal

Tham gia vào công cuộc xã hội hóa điện ảnh, bên cạnh những bộ phim “thảm họa”, các hãng phim Tư nhân còn làm ra những phim không đủ tiêu chuẩn để được phép phát hành. Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp cần phải hỗ trợ gì để các hãng phim, các nhà làm phim tư nhân đỡ thiệt thòi?

Chúng ta đã có Luật Điện ảnh, Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2007, rồi Luật sửa đổi và Nghị định 54 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, các quy định dưới Luật. Nếu các hãng phim tư nhân tìm hiểu kỹ và chấp hành đúng Luật thì chắc chắn sẽ không có trường hợp không được phát hành, đồng thời tránh được mọi rủi ro. Đơn cử trường hợp phim Bẫy cấp 3, nhà sản xuất và đạo diễn đều là Việt kiều, theo quy định phải trình duyệt kịch bản. Nhưng họ tự ý làm và phim của họ vi phạm những điều cấm trong Luật. Nếu họ trình duyệt kịch bản thì chắc chắn đã không ra đời một bộ phim như vậy!

By_cp_3_b_cm_pht_hnh_do_nh_sn_xut_khng_tm_hiu_k_cng_nh_chp_hnh_ng_lut

Bẫy cấp 3 bị cấm phát hành do nhà sản xuất không tìm hiểu kỹ cũng như chấp hành đúng luật

Hội thảo về Thực trạng phát hành và phổ biến phim do Bộ VH, TT & DL, Cục Điện ảnh tổ chức trong tháng 7/2012 tiếp tục đặt ra câu hỏi đã tồn tại suốt một thời gian dài: Lối thoát nào cho phim nghệ thuật? Nay xin cụ thể hơn với câu hỏi: Lối thoát nào cho phim do các Hãng phim nhà nước sản xuất?

Đây quả là vấn đề rất khó. Các hãng phim nhà nước từ trước chỉ quen làm phim, làm xong giao cho FAFIM phát hành. Hãng không có khả năng tiếp thị phim, cũng không có và không dành kinh phí cho việc này Nhưng FAFIM đã hầu như không hoạt động nghề nghiệp dăm năm nay, trong khi thị hiếu khán giả thay đổi rất nhiều, thậm chí thay đổi từng ngày so với trước kia. Khán giả mua vé xem phim ở rạp bây giờ chủ yếu là người trẻ, tuổi teen, họ đã quen với phim Mỹ hay phim Hàn là chính, hoặc phim giải trí thuần túy của Việt Nam. Làm sao để họ quay về và yêu thích phim nghệ thuật, phim của các hãng nhà nước là điều nan giải, không thể ngày một ngày hai mà thành. Ngành điện ảnh cố gắng đã đành, nhưng báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng khán giả. Tiếc rằng có những tờ báo tung hô thái quá phim này, chỉ trích thậm chí vùi dập phim kia không theo chuẩn nghề nghiệp. Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim. Và phải xác định rằng phim nghệ thuật hay phim chính thống nếu không hay, không có sức thu hút khán giả thì chỉ có nước bế tắc chứ không thể tìm được lối thoát!

Nng_Men_chng_bng_-_Mt_trong_nhng_b_phim_gn_mc_thm_ha_nm_2012

Nàng men chàng bóng - Một trong những bộ phim gắn mác thảm họa năm 2012

Tháng 11, chúng ta đã tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 thành công trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Nhưng, bên cạnh đó, chúng ta cũng đã nhìn thấy điện ảnh Việt Nam đang ở đâu so với các nước khu vực và xa hơn là thế giới. Nhìn một cách tổng quát, điện ảnh Việt Nam còn thiếu những gì để trở thành một nền công nghiệp điện ảnh phát triển, thưa bà?

Ngoài những thành công được khẳng định bởi những người trong ngành và công luận, tôi cho rằng LHP còn thành công vì đã tạo ra một cuộc cọ xát lớn cho mọi người: không chỉ riêng những người làm điện ảnh mà cả công chúng, những người quan tâm đến điện ảnh trong xã hội và cả giới truyền thông đều được trải nghiệm cuộc cọ xát này. Qua đó, chúng ta thấy được những người tổ chức, những người làm phim, những người tham dự LHP, khán giả và giới truyền thông mạnh - yếu ở đâu, chuyên nghiệp và nghiệp dư ở chỗ nào… Chỉ khi mọi người cùng nhìn nhận nghiêm khắc thì mới mong đạt đến sự chuyên nghiệp, và từ đó mới có thể xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là với số lượng phim sản xuất như hiện nay: chưa đến 20 phim/ năm ở một đất nước 90 triệu dân là quá ít ỏi (nhiều nước trong khu vực họ sản xuất trung bình cả trăm phim). Không có sự lựa chọn thì làm sao có thể có phim hay mà thi thố? Chính vì vậy, điều nhức nhối với điện ảnh ta hôm nay là tăng số lượng phim và làm sao mỗi năm có được vài phim thật hay! Điện ảnh Hàn Quốc cũng mất nhiều năm để phát triển theo hướng tăng số lượng, rồi đến chất lượng phim; thu hút khán giả trong nước để tăng tỷ lệ phim nội, rồi dần dần phát triển thị trường phim Hàn ra nước ngoài.

Ba_Ngo_Phuong_Lan_va_n_dien_vien_Iran_Leila_Hatami_ti_LHPQT_H_Ni_2012

Bà Ngô Phương Lan và diễn viên điện ảnh Iran Lelia Hatami tại LHPQT Hà Nội 2012

Năm 2013, cũng như nhiều lĩnh vực khác, điện ảnh Việt Nam có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Với cương vị một người đứng đầu ngành, xin bà cho biết một số công việc quan trọng mà ngành điện ảnh sẽ triển khai trong năm 2013 cũng như các biện pháp cần làm trước mắt để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng trong nhiều năm qua?

Tôi không cho rằng năm 2013 sẽ khó khăn hơn vì năm 2012 là năm vô cùng gian nan của điện ảnh, cụ thể là nhà nước không cấp kinh phí cho bất kỳ một bộ phim truyện nào! Điều này chưa từng xẩy ra từ trước đến nay. Kinh phí hoạt động của Cục Điện ảnh cũng bị ngưng đến tận tháng 6, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua tất cả. Hai văn bản hóc búa, tồn tại trong nhiều năm mà Cục Điện ảnh vừa hoàn thành là dự thảo Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam (Bộ trưởng đã ký trình Chính phủ) và Thông tư liên tịch hướng dẫn đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước (đã gửi sang Bộ Tài chính cách đây vài tháng). Hiện nay “quả bóng” đã ra khỏi chân chúng ta, và ngành đang phải chờ đợi. Nếu 2 văn bản này được thông qua thì hoạt động điện ảnh sẽ có những định hướng rõ hơn: Quỹ sẽ thưởng cho các phim có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, Quỹ cũng hỗ trợ dự án làm phim của đạo diễn trẻ, phim thể nghiệm, phim nghệ thuật, phim tác giả… Còn Thông tư sẽ hướng dẫn việc đặt hàng các phim lớn, đề tài truyền thống cách mạng, lịch sử… cũng như lựa chọn kịch bản và dự án làm phim theo phương thức đấu thầu. Nói đơn giản là sẽ không còn việc duyệt kịch bản do các hãng phim trình, rồi phân chia kinh phí cho hãng đó làm phim theo kịch bản được duyệt nữa mà chủ đầu tư (có thể sẽ là Cục Điện ảnh, nếu được Bộ VHTTDL ủy quyền, khác với thông lệ xưa nay chủ đầu tư là Bộ) sẽ đấu thầu để mua đứt bản quyền kịch bản, sau đó sẽ mời các hãng phim- cả hãng nhà nước và tư nhân- xây dựng dự án làm phim, rồi lựa chọn cũng theo phương thức đấu thầu. Hoặc cũng có thể Cục sẽ tổ chức tuyển chọn các dự án làm phim bao gồm kịch bản và phương án sản xuất chi tiết - có nghĩa là một bộ phim trên giấy. Như vậy sẽ bình đẳng hơn, xã hội hóa thực sự hơn và chất lượng phim hy vọng sẽ nâng cao hơn. Quan trọng nhất là sẽ tránh được tình trạng kiện cáo, thắc mắc tồn tại dai dẳng giữa biên kịch và đạo diễn (nhiều khi chỉ vì động cơ cá nhân mà làm um xùm, mang tiếng chung cho ngành điện ảnh), cũng tránh được việc kịch bản do hãng phim trình duyệt, nhưng khi được cấp kinh phí thì các đạo diễn hãng đó lại chê bai, để lay lắt năm này qua năm khác, hãng không hoàn thành phim đúng hạn. Hiện nay Bộ hay Cục không ký bất kỳ hợp đồng nào với các hãng phim (được coi là nhà sản xuất) nên chế tài lỏng lẻo. Sẽ phải tiến tới việc ký hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà sản xuất. Sau Quỹ và Thông tư, khi xây dựng thành công Chiến lược phát triển và Quy hoạch ngành thì tôi tin mọi việc sẽ đi vào quy củ.

Nhng_phim_nh_nc_nh_Ngi_vit_huyn_thoi_cn_c_c_ch_chin_lc_PR_tt_hn__tip_cn_khn_gi

Những phim nhà nước như Người viết huyền thoại cần có cơ chế chiến lược PR tốt hơn để tiếp cận khán giả

Khi bà trở thành Cục trưởng Cục điện ảnh, rất nhiều nhà làm phim đương thời hy vọng sẽ thấy những động thái mang tính cải cách thực sự của bà đối với điện ảnh Việt Nam. Biết được mong muốn này, bà có thể chia sẻ điều gì với họ?

Tôi chỉ có thể khẳng định chắc chắn là nhận nhiệm vụ ở Cục Điện ảnh cũng là lúc tôi xác định phải đặt toàn bộ tâm sức của mình vào công việc bởi không muốn phụ lòng tin và hy vọng của mọi người. Tôi được đào tạo căn bản nên có kiến thức điện ảnh và cũng có cả kinh nghiệm nhiều năm làm việc nữa. Tuy nhiên, rất nhiều cái mình mong mỏi và quyết tâm làm (không hiểu có thể coi là “cải cách” không?) nhưng vẫn chưa thể làm được. Nó phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, điều kiện… Điều tôi tâm niệm bây giờ là làm sao có cơ chế và điều kiện thỏa đáng để kích thích không khí hào hứng sáng tạo của các nhà làm phim, phát hiện được những tài năng trẻ, từ đó mới mong có những phim hay; tôi cũng mong công luận khách quan và đúng mức, thị hiếu khán giả sẽ được nâng cao… Như vậy, điện ảnh của ta mới dần chuyên nghiệp.

Chân thành cảm ơn bà!

Lưu Thảo