Tính chuyên nghiệp trong nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Quang Tuấn (Kỳ 1)

Những người có công khai sơn phá thách mở đường cho con đường Điện ảnh Việt Nam như Mai Lộc, Khương Mễ, Phan Nghiêm, Nguyễn Tiến Lợi, Quang Huy... cũng bắt đầu từ nghề cầm máy quay, ngày ấy được coi như những thần tượng, được tôn sùng là "Vua quay phim" (Roi Caméra). Trong một thời gian dài phụ quay vác máy theo thầy học đạo từ chiến trường Điện Biên, Tây Bắc, đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ mới được giải phóng - Hải Hưng, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Phòng, đặc biệt là đoàn quay phim của anh đã có mặt đúng vào ngày lịch sử giải phóng Thủ đô 10/10/1945 đã ghi lại được những hình ảnh vô cùng quý giá có một không hai: hình ảnh bộ đội cụ Hồ, đoàn Vệ quốc quân Việt Nam sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ tiến vào giải phóng Thủ đô Hà Nội trong không khí hào hùng của ngày hội lớn dân tộc, chấm dứt gần một trăm năm thống trị của thực dân Pháp. Đấy là những cảnh quý giá nhất làm nên giá trị cho bộ phim tài liệu mầu "Việt Nam trên đường thắng lợi" của đạo diễn Các-men sau này. Dù chỉ là một phụ quay vác máy, nhưng điều quan trọng của anh lúc này là được quan sát, được học hỏi, được sống vài trải nghiệm, tiếp cận với một loại hình nghệ thuật hiện đại. Chính những ngày dài gian khổ ấy là chiếc cầu dẫn để anh thực hiện được ước mơ của mình.

(TGĐA) - Cùng với nhà đạo diễn Joris Ivens và những người trong đoàn, Nguyễn Quang Tuấn đã lăn lộn trong khói lửa chiến tranh ác liệt dòng dã suốt ba tháng trời để ghi vào ống kính những hình ảnh chiến đấu và sản xuất của quân dân Vĩnh Linh.


Nhà quay phim Quang Tuấn tại nước ngoài

Nguyễn Quang Tuấn vào Điện ảnh từ tuổi học trò, trong những năm khói lửa chiến tranh chống Pháp. Ngày ấy, Điện ảnh Việt Nam còn trong rừng cọ Việt Bắc. Cuối năm 1953 anh được cử đi làm phụ quay cho các nhà quay phim Liên Xô Ê-su-rin và Mu-khin, trong bộ phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" của đạo diễn Rô-man Các-men. Đây là một dịp rất may mắn đối với những bước đi đầu đời của anh vào con đường Điện ảnh, được tiếp xúc với những nhà quay phim bậc thầy của Điện ảnh tài liệu Liên Xô, được làm việc dưới trướng một đạo diễn nổi tiếng trên thế giới là Rô-man Các men. Được làm việc bên cạnh những nhà quay phim chuyên nghiệp, có trình độ quốc tế, như một liều thuốc kích thích tình yêu Điện ảnh đến với anh, như phát hiện ra một năng khiếu tạo hình, lòng đam mê nghệ thuật Điện ảnh, và ước mơ trở thành một người được cầm máy quay. Nghề quay phim là nghề xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Điện ảnh Việt Nam. Và có lẽ cũng là nghề cổ xưa nhất, xuất hiện đầu tiên trong bất cứ nền Điện ảnh nào trên thế giới. Trong lịch sử ĐIện ảnh thế giới người ta không thể quên được ngày phát minh ra máy quay phim đầu tiên của anh em là Luy-mie-e ở Paris (1895), coi đó như ngày khai sinh ra nền Điện ảnh thế giới. Buổi sơ khai của Điện ảnh Việt Nam người ta chỉ biết đến người quay phim chứ chưa có khái niệm về đạo diễn và các chức danh khác. Ngay từ tác phẩm tài liệu nổi tiếng "Chiến thắng Điện Biên Phủ" trên générique cũng chỉ đề "Quay phim Nguyễn Tiến Lợi". Thực chất ông đã làm cả ba chức năng : biên kịch, đạo diễn, quay phim.

Năm 1955 Nguyễn Quang Tuấn được cử đi học quay phim ở Liên Xô, cùng với các anh Lê Đăng Trực, Lê Thanh Đức, Ngô Mạnh Lân, Nguyễn Khắc Lợi... Đây là đoàn du học sinh đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam được đào tại chính quy hệ Đại học ở nước ngoài. Nguyễn Quang Tuấn tốt nghiệp quay phim trường Đại học Điện ảnh Liên Xô (VGIK) khóa 1955-1962. Sau khi về nước hoạt động một thời gian, đến năm 1988 anh lại được đi học nâng cao một khóa ngắn hạn trên đại học của trường VGIK tổ chức cho các cựu sinh viên đã tốt nghiệp của trường.

Nhà quay phim Quang Tuấn (bên trái) cùng đồng nghiệp

Sau bảy năm dùi mài kinh sử ở xứ người, Nguyễn Quang Tuấn trở về nước với tấm bằng đỏ trên tay của trường Đại học Điện ảnh Liên Xô (VGIK). Sự xuất hiện một ông cử nhân quay phim học từ nước ngoài về ngày ấy là danh giá lắm, điều quan trọng là đã góp phần đưa nghề nghiệp quay phim lên một trình độ chuyên nghiệp, mang tính khoa học. "Chiến công" đầu tiên của chàng trai cao lớn khỏe mạnh và điển trai ấy là chiếm được trái tim của một nàng Kiều vào hàng xinh đẹp nhất của lớp diễn viên- trường Điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ- nữ sinh Kim Tân. Tình yêu như chắp thêm đôi cánh cho anh có thể bay cao, bay xa hơn trên con đường nghệ thuật. Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt ở cả hai miền Nam, Bắc, Nguyễn Quang Tuấn được phân công đi làm phim tài liệu "Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân" hợp tác với nhà đạo diễn nổi tiếng thế giới Joris Ivens ở Vĩnh Linh - giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước ra làm hai miền Nam, Bắc.

Từ Hà Nội vào Vĩnh Linh chiếc xe chở đoàn quay phim phải vượt qua những nơi máy bay Mỹ phá suốt ngày đêm, không một chiếc cầu nào còn nguyên vẹn, không một bến phà nào yên lành, hàng cây số đường bị cày nát, đứt quãng, họ phải vượt qua những chặng đường máu lửa để đến "phim trường" của những nhà làm phim tài liệu - đến một nơi mà bom đạn khốc liệt đang đợi họ. Một nhà báo Nhật Bản đã nói:"Chỉ cần vượt qua những chặng đường bom đạn từ Hà Nội đến giới tuyến Vĩnh Linh là có thể được phong anh hùng". Cùng với nhà đạo diễn Joris Ivens và những người trong đoàn, Nguyễn Quang Tuấn đã lăn lộn trong khói lửa chiến tranh ác liệt dòng dã suốt ba tháng trời để ghi vào ống kính những hình ảnh chiến đấu và sản xuất của quân dân Vĩnh Linh. Những ngày ấy người dân Vĩnh Linh vẫn thấy một ông già mặc áo bà ba, đội nón rách đi giữa những người trai trẻ vác chân máy, cầm máy quay đến các trận địa xông xáo giữa bom đạn. Họ đi hết trên mặt đất lại xuống địa đạo. Chị Phượng - người phiên dịch cũng là bác sĩ trong đoàn kể lại:"...những bước chân chúng tôi dò dẫm từng bậc một, một tay vào thành đất ẩm ướt, càng xuống sâu càng một mùng, mồ hôi vã ra như tắm, cứ nửa ngủ nửa thức, chập chờn lò dò từng bước xuống sâu dần trong lòng đất". Trong khi đó các nhà quay phim máy móc đè nặng trên vai, áo quần ướt sũng phủ đầy đất đỏ bazan. Có thể nói họ đã trải quay những tháng ngày chiến tranh khốc liệt nhất trong cuộc đời làm phim của mình. Riêng anh Nguyễn Quang Tuấn có một trường hợp không thể nào quên được. Trong nội dung kịch bản có cảnh quay lá cờ đỏ sao vàng ở bờ bắc giới tuyến quân sự tạm thời. Lá cờ rất lớn được treo trên đỉnh một cột cờ cao, để hàng ngày bà con bờ Nam có thể nhìn ngắm lá cờ Tổ quốc. Điều khắc nghiệp là cột cờ không quay được, cần có người trèo lên gỡ ra. Anh Tuấn đã xung phong làm việc này. Đúng như mọi phán đoán ban đầu, khi anh Tuấn gỡ được lá cờ tung bay trước gió thì cảnh sát Sài Gòn đã phát hiện ra. Anh Tuấn đang tụt xuống chân cột cờ thì máy bay địch đến ném bom. Đạo diễn Joris Ivens bị đát vùi lấp. Chị Phượng đã lao tới vực nhà đạo diễn dậy. Một vệt máu chảy dài trên cánh tay ông. Cũng may anh Tuấn đã kịp nhảy xuống một cái hố gần đó.

Để được cầm máy quay phim chính, Nguyễn Quang Tuấn phải trải qua một chặng đường dài- một năm làm phụ quay cho phim "Việt Nam trên đường thắng lợi", bảy năm học trường Đại học VGIK, và hai năm làm phó quay cho các phim "Làng nổi", "Kim Đồng...". Sau 10 năm tu luyện, dùi mài kinh sử, theo thầy học đạo Nguyễn Quang Tuấn mới để trở thành một nhà quay phim chuyên nghiệp (1954-1964).

Đạo diễn Hải Ninh