Tính dân tộc của âm nhạc trong phim truyện

(TGĐA) - Điện ảnh là môn nghệ thuật của hình ảnh, tuy nhiên các nhà làm phim lại khẳng định vai trò của âm thanh là rất lớn. Điện ảnh thuở khai sinh hoàn toàn không có âm thanh, nhưng việc này kéo dài không lâu, các nhà làm phim cũng nhận ra rằng âm thanh đóng vai trò dẫn chuyện, dẫn cảm xúc cho người nghe. Thế nên trước khi phim có tiếng nói thì người ta lồng nhạc cho nó bằng cách cho cả một dàn nhạc sống đánh trực tiếp. Đó là vào năm 1926, khi nhà làm phim Warner Bros (Mỹ) sáng chế ra kiểu nhạc trong phim một cách sơ khai nhất. Nhưng chỉ hơn một thập niên sau, năm 1940, nhạc phim (tính cả nhạc nền, nhạc dạo đầu hay ca khúc trong phim) đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong một tác phẩm điện ảnh, như thể trở thành một cuộc đời thứ hai song hành cùng cốt truyện, thậm chí còn quyết định sự thành bại của một bộ phim.

Canh_trong_phim_Em_con_nho_hay_em_da_quen

Cảnh trong phim Em còn nhớ hay em đã quên

Vai trò của âm nhạc trong điện ảnh

Sự ra đời của phim có âm thanh đã đánh dấu một bước phát triển lớn trong nền điện ảnh thế giới, âm thanh đóng vai trò truyền cảm hứng cho toàn bộ bộ phim. Nền nghệ thuật điện ảnh đã có thêm một phương tiện mới để diễn đạt sâu sắc và dễ dàng hơn ý đồ của các nhà làm phim. Người xem trong giai đoạn phim mới có âm thanh đã bắt đầu hiểu được sự liên quan giữa nhạc và hình ảnh. Họ chú ý đến và hiểu ý nghĩa thẩm mỹ, học được cách tập trung vào mới tác động của âm nhạc và điện ảnh. Nói cách khác, người xem dần dần có thói quen tiếp thu mối tác động qua lại giữa hình ảnh và âm thanh, âm nhạc trở thành một giá trị thẩm mỹ riêng của điện ảnh.

Âm thanh trong một bộ phim bao gồm ba thành phần là: tiếng động, lời thoại và âm nhạc. Để làm được một bộ phim có âm thanh hay thì tiếng động phải sống động và chân thực, phần âm nhạc phải rất tinh tế phù hợp với từng cảnh, từng đoạn phim, chất lượng thu âm phải tốt, sự hòa âm phải rất khéo. Để thực hiện được hết những yếu tố như trên là điều không đơn giản. Nếu một bộ phim chỉ có hình ảnh thì sức biểu cảm và ý đồ muốn truyền tải thông tin của đạo diễn tới khán giả chỉ đạt mức độ nào đó, nhưng kết hợp với âm thanh lại có thể đem đến hiệu quả rất cao sức biểu cảm tới khán giả, vì đặc điểm nhận thức của con người là: hình ảnh chỉ tác động gián tiếp tới cảm giác, cảm xúc của con người, còn âm thanh thì tác động trực tiếp tới chúng.

Chính vì Âm nhạc là một trong ba thành tố cấu thành nên âm thanh trong điện ảnh, âm nhạc là phần quan trọng không thể thiếu trong mỗi bộ phim và cũng chính nó đã nâng tầm một bộ phim để trở thành kiệt tác điện ảnh. Và âm nhạc cũng như một thứ ngôn ngữ hình ảnh khi nó có tác dụng để chuyển cảnh, để làm cầu nối giữa cảnh trước với cảnh sau, dẫn dắt cốt truyện phim và truyền thêm cảm xúc. Âm nhạc cũng là thứ công cụ đắc lực góp phần khắc họa rõ nét hơn tâm trạng của những nhân vật trong bộ phim. Âm nhạc là khúc biến tấu diệu kì thể hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật và những biến cố khác nhau diễn ra trong suốt toàn bộ phim, bởi Âm nhạc là không biên giới, là không khoảng cách và Âm nhạc hàn gắn thế giới. Âm nhạc nổi trên lớp âm thanh, len lỏi vào trong từng hình ảnh. Một mình nó đã làm chức năng kép khi vừa là một trong những yếu tố biểu hiện cảm xúc, vừa đóng vai trò là một công cụ kĩ thuật trong điện ảnh. Âm nhạc trong điện ảnh nói chung và trong phim truyện nói riêng luôn là một công cụ đắc lực bổ trợ cho hình ảnh, là chất keo kết nối các giá trị của một tác phẩm điện ảnh.

Mt_trong_nhng_nhc_s_tr_vit_nhc_phim_kh_n_khch_hin_nay_l_ca_s_Minh_Th

Một trong những nhạc sỹ trẻ viết nhạc phim khá ăn khách hiện nay là ca sỹ Minh Thư

Âm nhạc trong phim không đơn thuần chỉ là những ca khúc được hát lên bởi nó được hình thành từ 3 yếu tố: Nhạc dạo đầu; Nhạc nền, Nhạc phim và Ca khúc trong phim. 3 yếu tố này hòa trộn vào nhau để tạo nên một tổng thể xuyên suốt. Trong 3 yếu tố ấy thì nhạc nền đóng vai trò quan trọng nhất bởi âm nhạc được xây dựng từ đường dây kịch bản, khi các nhà soạn nhạc nắm bắt ý tưởng nghệ thuật của đạo diễn, bám sát nội dung, chủ đề, cảm xúc chính của phim. Nhạc nền thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và phim. Nhờ bổ sung chất liệu âm nhạc, đời sống nhân vật nói chung và trạng thái cảm xúc nói riêng trở nên sống động hơn, sâu hơn, hiện thực hơn.

Điện ảnh và âm nhạc là sự kết hợp kì diệu, nếu không có âm nhạc thì những tác phẩm điện ảnh gần như vô nghĩa, âm nhạc quyết định sự thành bại của một bộ phim. Đạo diễn và nhạc sĩ phải là một ê-kíp ăn khớp nhau. Vì vậy, những bộ phim kinh điển trên thế giới âm nhạc đóng vai trò chủ đạo đẩy được tính hùng vĩ của nó nhằm đánh thẳng vào lòng người xem một cảm giác bị choáng ngợp. Giải Oscar cho nhạc phim hay nhất (Best Original Score) là một trong các giải thưởng danh giá của Giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Awards) là giải thưởng điện ảnh của (Hoa Kỳ). Kể từ năm 1928, giải Oscar được trao hàng năm tại thành phố Los Angeles để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm về các đạo diễn, diễn xuất, kịch bản, âm nhạc…

Thực trạng âm nhạc trong phim truyện Việt Nam

Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, có một nền văn hóa truyền thống đa dạng, đặc biệt là có tới 54 dân tộc. Chính sự đa dạng này đã tạo nên một bức tranh màu sắc cho văn hóa truyền thống Việt Nam. 54 dân tộc là 54 nền văn hóa với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác biệt. dưới một bầu trời chung là đất nước Việt Nam. Điều này giải thích vì sao chúng ta lại có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo trong đó âm nhạc truyền thống là một phần vô cùng quan trọng. Âm nhạc gắn kết con người và hình thành nên nhân cách con người. Âm nhạc truyền thống là tinh hoa, là sự đúc kết suốt nhiều thế kỷ của cha ông chúng ta.

Chúng ta đều biết, không ai có thể phủ nhận được giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nền âm nhạc dân tộc, bởi vì không có nó, dân tộc sẽ không thể vượt qua khỏi đêm trường nghìn năm Bắc thuộc, không thể vượt qua những khúc quanh cam go, khắc nghiệt của chiến tranh nối tiếp chiến tranh và lịch sử dựng nước và giữ nước của dòng dõi Lạc Hồng. Đó là các làn điệu hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát mừng nhà mới, mừng được mùa... của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S (Việt Nam). Đó là các giá trị quí hiếm của sân khấu Tuồng, Chèo, Cải Lương, Ca Huế, các lối hát Cửa đình, Hầu văn, Quan họ, các điệu Hò - Vè - Ví - Lý đặc sắc của mỗi vùng đất, đã tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, hun đúc nên hồn thiêng dân tộc. Đó chính là ý chí Việt Nam, tâm hồn Việt Nam qua mọi thời đại, qua mọi thăng trầm mà vẫn giữ được cốt cách của chính dân tộc mình.

Nói như vậy để thấy rằng: Trong xu thế toàn cầu hoá, hoà nhập và mở cửa hiện nay, một mặt chúng ta có điều kiện giới thiệu bản sắc văn hoá nghệ thuật Việt Nam với bạn bè thế giới, mặt khác, nhiều trào lưu tư tưởng nghệ thuật, nhiều dòng âm nhạc tràn vào nước ta bằng nhiều hình thức, dưới mọi góc độ, và nhìn chung, chất lượng audio - video đều tốt hơn chúng ta, giá thành lại hạ. Đây chính là một thách thức với âm nhạc dân tộc và những người làm công tác âm nhạc tâm huyết với di sản nghệ thuật của cha ông.

N_ca_s_Thy_Tin_cng_c_bit_n_vi_t_cch_l_mt_nhc_s_vit_nhc_phim_th_trng_hin_nay

Nữ ca sỹ Thủy Tiên cũng được biết đến với tư cách là một nhạc sỹ viết nhạc phim thị trường hiện nay

Vậy phải làm thế nào để gìn giữ vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc trường tồn với thời gian, đồng thời, vẫn tiếp thu được những tinh hoa của âm nhạc thế giới để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Tất cả đều phải xem xét trên góc độ hiện thực của đời sống hiện tại một cách chi tiết, cụ thể, ngõ hầu mới mong tìm được một lối đi khả dĩ để dư luận và công chúng chấp nhận được.

Nhạc phim là một lĩnh vực mà chỉ có số ít nhạc sỹ và những người thực sự có sở trường và khả năng mới làm được hiệu quả. Ở đây, người viết nhạc phim thực thụ ngoài khả năng làm chủ lĩnh vực khí nhạc thì còn có năng lực sáng tác thanh nhạc. Chúng ta đã có một lớp nhạc sỹ thế hệ trước thành danh ở lĩnh vực nhạc phim phải kể đến như nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc, Hoàng Vân, Trần Quý và sau này là Trọng Bằng, Hồng Đăng, Phạm Minh Tuấn, Trọng Đài… Kế đến là lớp thế hệ kế cận như Bảo Phúc, Quốc Trung, Xuân Phương, Ngọc Châu, Huy Tuấn… đã góp phần cho sự thành công của nhiều thể loại phim.

Vai trò của âm nhạc trong phim truyện là sự đồng sáng tạo. Vì vậy có lẽ khó tránh khỏi những tranh cãi xảy ra trong quá trình thực hiện nhạc phim với đạo diễn. Chuyện xảy ra tranh cãi trong quá trình thực hiện vẫn diễn ra thường xuyên, có thể ngay trực tiếp trong phòng thu. Có trường hợp đạo diễn và nhạc sĩ tranh luận đến cùng sao cho tác phẩm hoàn chỉnh một cách tốt nhất. Đó là những đạo diễn kỹ tính về mặt âm nhạc. Mặc dù họ rất tôn trọng nhạc sĩ nhưng họ có chính kiến riêng và đôi khi thuyết phục được nhạc sĩ theo những yêu cầu của họ. Ngoài ra, đạo diễn phải là người có đôi tai âm nhạc tinh tế…

Sáng tác nhạc phim đã trở thành một mắt xích quan trọng cấu thành bộ phim. Tuy nhiên có tác phẩm nhạc phim được đông đảo công chúng yêu thích đôi khi cũng nhờ cái duyên. Có hai khái niệm là nhạc phim hay bài hát trong phim. Có những bài hát trong phim công chúng xem xong chẳng nhớ câu nào. Có những sản phẩm điện ảnh mà ở đó được gắn với một bài hát thì đúng hơn. Ví dụ như các ca khúc trong phim còn sống mãi như Em còn nhớ hay em đã quên, Mùi hoa sữa và sau này là những bài hát trong các series phim truyền hình dài tập. Đôi khi họ không nhớ tên và nội dung phim mà chỉ nhớ bài hát. Đó là bởi sự tác động về mặt tâm lý vì bài hát đó được hát đi hát lại nhiều lần trong một tập phim nên chỉ cần đạt yếu tố có nội dung hợp với phim, có ca từ, giai điệu dễ nghe, dễ thuộc lập tức sẽ trở thành một sản phẩm gắn với bộ phim đó. Những ca khúc này có thể tách ra đứng độc lập, tuy nhiên đó là một đặc sản khác không phải là nhạc phim.

Thời gian gần đây việc sáng tác nhạc phim đã có những biểu hiện đáng lo ngại về chất lượng nghệ thuật ở một số thể loại phim, trong đó có cả phim truyện nhựa. Nhớ lại quãng thời gian vàng son những năm 60, Xưởng phim truyện Việt Nam khi đó đã có hẳn một dàn nhạc giao hưởng, có chỉ huy dàn nhạc, có phòng thu riêng. Nếu có bức tranh so sánh sẽ thấy phim của Việt Nam trong những bước đi đầu tiên là phim đen trắng thì đã có một dàn nhạc giao hưởng kèm theo. Nhưng đến khi phim của chúng ta có màu và có sự hỗ trợ của công nghệ với nhiều kỹ thuật hiện đại thì âm nhạc trong phim lại sử dụng âm nhạc điện tử. Đây là một mâu thuẫn tréo ngoe bởi với những phim hoạt hình của Walt Disney từ những thập kỷ 60 đã có dàn nhạc giao hưởng chơi một cách bài bản và đến bây giờ truyền thống đó trên thế giới vẫn được duy trì. Tôi cho rằng lỗi ở đây trước hết thuộc về người đạo diễn. Nếu anh không nghiêm khắc, không tinh thông thì chắc chắn sẽ đặt âm nhạc vào vị trí rất cảm tính. Chính vì thế, đạo diễn sẽ chọn nhạc sỹ không đúng với khả năng và khiến cho sản phẩm kém về chất lượng là đương nhiên. Thứ hai, các nhà làm phim hay đổ lỗi cho kinh phí thấp nên không thể nào thực hiện việc lựa chọn âm nhạc. Bởi vậy có những phim phần nhạc không cần tổng phổ mà người viết chỉ nhìn vào hình ảnh trong phim rồi ứng tác tại chỗ trên đàn điện tử.

Viết nhạc cho phim truyện là rất khó, làm sao để cho khán giả ấn tượng đặc biệt về âm nhạc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và hình ảnh đã tạo nên thành công cho những bộ phim kinh điển. Ở Việt Nam, khái niệm âm nhạc trong phim truyện chưa được đề cao. Điều này đi ngược so với chuẩn thế giới, đáng lẽ âm nhạc trong phim truyện là phần rất quan trọng thì chúng ta lại dành cho nó một phần kinh phí rất nhỏ nên cũng hạn chế việc mời gọi nhạc sĩ. Tôi cho rằng đây là một quan niệm hoàn toàn không đúng. Bởi đối với phim truyện ngoài việc đầu tư về mặt hình ảnh, kỹ thuật thì phải chú trọng nâng cao đầu tư cho âm nhạc, biến nó trở thành một kênh âm thanh hữu hiệu, hỗ trợ hiệu quả cho hình ảnh.

Làm gì để khắc phục?

Các nhà sản xuất phim Việt Nam hiện nay đã thấy được vai trò quan trọng của âm nhạc trong phim. Tuy nhiên làm thế nào nâng cao được chất lượng và hiệu quả của âm nhạc trong phim Việt Nam thì lại là vấn đề không nhỏ. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vấn đề “con người”. Chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này, đó là các nhà “đạo diễn” âm thanh, kỹ thuật viên âm thanh, từ việc lên một kịch bản âm thanh như thế nào cho hiệu quả, đến việc cập nhật và sử dụng các trang thiết bị thu âm hiện đại ra sao, xử lý âm thanh thế nào. Bên cạnh đó chúng ta thiếu hẳn đội ngũ nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho phim được đào tạo bài bản. Vì kinh phí làm phim ở nước ta còn quá thấp nên việc đổi mới các trang thiết bị thu âm là điều hết sức khó khăn. Phải nói rằng, nếu so sánh với các nước có nền điện ảnh phát triển thì chỉ xét riêng về mặt âm thanh thôi thì trang thiết bị của chúng ta còn quá thô sơ.

Viết nhạc cho phim truyện điện ảnh vẫn là khó nhất vì đòi hỏi tư duy tổng thể, huy động sự tập trung về mặt âm thanh. Ở đây có sự khống chế về mặt thời gian, không gian, về tâm lý của nhân vật nên cảm xúc được ép lại khi đạo diễn viết kịch bản phân cảnh. Từ đó, buộc người nhạc sĩ phải có cảm xúc đồng điệu. Nếu các nhạc sĩ có điều kiện làm việc với các đạo diễn thì chất lượng kịch bản chính là việc khơi dậy cảm hứng sáng tạo của người nhạc sĩ. Người nhạc sĩ luôn xác định tư thế sẵn sàng của một người làm công tác sáng tạo chứ ít khi đặt mình trong vai trò của người được đặt hàng. Đôi khi, một số đạo diễn chỉ nghĩ nhạc sĩ này được việc thì họ đặt hàng mà không cần quan tâm chất lượng sản phẩm sẽ ra sao. Nhiều khi các nhà đạo diễn phim cộng tác với một số nhạc sĩ theo cảm tính hay những mối quan hệ nghề nghiệp trên cơ sở đôi bên có sự tin tưởng lẫn nhau, ít có sự đồng sáng tạo. Đôi khi lại biến thành dịch vụ, ở đó vẫn còn nhiều tính chất gia công.

Phim_truyn_hnh_Bng_dng_mun_khc_vi_ca_khc_nhc_phim_rt_c_gii_tr_yu_thch