Tôi tự hào được đóng Pavel

Thưa Vasili Semenovich, hiện nay hầu như sau 15 năm đã trôi qua, ông suy nghĩ gì về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết? Trong khi quan sát cách ứng xử của những người đứng đầu các nước Cộng hoà khác đối với nước Nga, ông có nghĩ rằng có thể mọi cái sẽ khá lên chăng?

(TGĐA) - Càng đi xa Moskva bao nhiêu thì càng nhìn thấy một dân tộc lành mạnh bấy nhiêu. Ở tỉnh lẻ, người dân sống thua Moskva gấp nhiều lần về vật chất nhưng họ có một niềm tin mãnh liệt vào cường quốc của mình.


Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, giải thưởng Lênin Vasili Lanovoi là thần tượng không chỉ của một thế hệ khán giả Nga. Ông đã thâm nhập vào ý thức của hàng triệu người bằng nhiều vai diễn điện ảnh, nhưng trong số các nhân vật của ông có hai hình tượng đã và đang giúp cho mọi người sống, hiểu theo ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Cùng với tên tuổi Pavel Korchagin (Thép đã tôi thế đấy) nước Nga đã thoát ra khỏi tình trạng kinh tế đổ nát sau chiến tranh, còn nhân vật Ivan Varava (Các sĩ quan) đối với hàng trăm trẻ em của những năm 70 thế kỷ trước đã trở thành một tấm gương sống động về việc có thể bắt tay gây dựng cuộc sống như thế nào. Sau đây là cuộc trao đổi giữa V. Lanovoi và phóng viên báo Lao động (Trud) của Nga.

Phim Sỹ quan Nga

Không có gì khá lên cả. Đây chính trường hợp khi câu cách ngôn “mọi sự sẽ tốt đẹp” không ăn nhập với cuộc sống như trống đánh xuôi kèn thổi ngược và thời gian không chữa khỏi bệnh. Những nước Cộng hoà anh em chung dòng máu Slavơ – Nga, Ukraina, Belorussia đã bị chia tách một cách giả tạo và điều ngu xuẩn nhất là chúng ta, những người đang sống trong những nước cộng hoà ấy, không phản ứng mạnh, không chống lại hành động tuỳ tiện ấy. Có một điều rõ ràng là chuyện đó rất có lợi cho phương Tây cũng như những gì đang xảy ra trên Tổ quốc tôi, ở xứ sở Ukraina – là hết sức có lợi. Do đó chúng ta càng sửa sai nhanh bao nhiêu thì tình hình sẽ càng tốt đẹp lên bấy nhiêu.

Điều khiến tôi sửng sốt là những người theo chủ nghĩa tự do của nước tôi trong khi tiếp tay cho Mỹ lại dám cả gan chống lại Belorussia. Và tôi không hình dung nổi là chuyện gì sẽ xảy ra với quốc gia đó nếu nước Mỹ thử động đến Belorussia thì lập tức nước Nga sẽ đứng lên bảo vệ nó như bảo vệ chính mình. Bất chấp tất cả. Không hiểu sao tôi rất tin như vậy.

Trong sự sáng tạo của ông có chút hơi hướng nào của Belorussia không?

Tại sao không? Tôi thường xuyên đi lưu diễn ở Belorussia và đã có dịp đóng phim ở đấy, còn đến cuối tháng 11 tới, những đêm giao lưu sáng tạo của tôi với Irina Kupchenko ở Brest và Minsk đã được lên kế hoạch. Và vở diễn Đường phố của tội lỗi được dựng dựa theo vở kịch của Erich Schmitt do một người Belorussia – Nikolai Pinigin làm đạo diễn sẽ ra mắt công chúng nhân ngày sinh nhật lần thứ 70 của tôi. Nói chung, thật là buồn cười khi chúng ta bắt đầu nói đến các dân tộc - dưới thời Xô Viết không có ai chất vấn về điều này. Phương Tây lại tìm được một chỗ yếu trong cuộc sống nội bộ chúng ta.

Xin ông cho biết có đúng là bằng vai diễn về nghệ sĩ tài danh Fredérick Lemath* trong vở Đường phố của tội lỗi ông đã lên tiếng thách thức chính Belmondo** mà vở kịch này đã được viết ra?

Tôi không hề thách thức Belmondo cũng như cách đây 3 năm tôi không thách thức Alain Delon khi đóng trong vở kịch Đề tặng Eva cũng của Erich Schmitt (thiên hạ nói rằng vai nhà văn Abel Znorko được viết ra cho ông ta).

Ở tôi, khác với nhiều người, không có sự sùng bái trước Delon cũng như trước Belmondo. Còn đối với Fredérick, thì quả thật vở kịch được viết ra cho Belmondo, tôi hiểu như vậy, họ giao tiếp với Erich Schmitt và chơi thân với nhau.

Vở kịch đã hấp dẫn tôi bằng thể loại huyễn tưởng viết về đề tài số phận người nghệ sĩ, mặc dầu trong đó có nhân vật cụ thể, đó là nghề sĩ tài danh Lemaistr là người rất am hiểu cả hài kịch lẫn bi kịch. Thế đấy, đề tài số phận người nghệ sĩ - số phận bi thảm, khủng khiếp, may mắn - rất cuốn hút tôi. Tất nhiên bạn đã nhận thấy rằng hồi một và hồi hai được xử lý bằng những chìa khoá khác nhau, từ chỗ bay bổng và vươn cao đến chỗ kết thúc bi thảm. Chuyện này là có thật: chính nghệ sĩ xuất chúng của chúng ta Nikolai Grisenko đã từng bị mọi người quên lãng và chết trong nhà thương điên như thế. Với tư cách là diễn viên, tôi rất muốn kết nối hai cực đó, bởi lẽ mặc dầu cái kết thúc rất bi thảm nhưng vở kịch được viết ra để ca ngợi người nghệ sĩ vốn biết rõ rằng trong tương lai cảnh nghèo khổ và sự lãng quên đang chờ đợi mình song vẫn sẽ tiếp tục ở lại trên sàn diễn.

Ông rất hào hứng ca ngợi người nghệ sĩ và sân khấu nhưng lại tìm mọi cách ngăn cản những cậu con trai mình nối nghiệp cha. Tại sao thế?

Bởi vì trong số phận diễn viên sự ngẫu nhiên thường quyết định rất nhiều thứ và tôi không muốn các con tôi bị lệ thuộc vào sự ngẫu nhiên đó. Bạn hãy nhìn mà xem, chúng ta đã lấy vào nhà hát những người có tài năng nhất, nhưng thử hỏi bạn biết được bao nhiêu nghệ sĩ ăn nên làm ra? Tám đến mười người là hết cỡ. Thế những người còn lại thì sao? Tôi không muốn các con mình lặp lại số phận của những người không may mắn đó.

Ông đánh giá như thế nào về bộ phim nhiều tập Chàng ngốc?

Thú thực, tôi vẫn thích bộ phim cũ hơn. Trong bộ phim nhiều tập, những vấn đề hoàn toàn không lý thú chiếm mất nhiều chỗ. Không phải mọi cái được khai thác đúng đắn, thậm chí những vai chính diễn cũng không hay lắm. Nói tóm lại chính bộ phim nhiều tập đề cập đủ thứ chuyện nhưng lại chẳng nói được gì. Tuy vậy, tôi cũng mang ơn những bộ phim nhiều tập vì chúng giúp nhiều nghệ sĩ sống nổi vào đầu những năm 90.

Nhưng ở ta không có thứ màn ảnh nào khác ngoài màn ảnh vô tuyến, mặc dầu thiên hạ nói rằng cuộc khủng hoảng trong điện ảnh Nga đã kết thúc.

Và xin bạn nhớ cho là từ lâu người ta đã nói như thế. May mà Bộ Văn hoá đã bắt đầu phân phát cho những người làm điện ảnh một ít tiền. Và có thể sẽ chấm dứt cái tình trạng bất cứ một người nào xoay được tiền cũng trở thành đạo diễn và có thể tuyên truyền cho những ý tưởng của mình vốn chẳng liên quan gì tới những nhu cầu của Nhà nước. Tôi cảm thấy rằng tính chất nhà nước ở Nga rút cuộc đã bắt đầu được củng cố, vì đây là một diễm phúc thật to lớn cho tất cả chúng ta. Nếu không thì các rạp chiếu bóng đều cho tư nhân thuê để mở cửa hàng và sòng bạc, còn tư nhân nếu sẽ “chơi” điện ảnh thì chỉ sài những thứ phim hái ra tiền. Nhà nước cũng đã bắt đầu tỉnh ngộ, đã cho xây dựng những rạp chiếu bóng mới. Song còn cần phải biết bao thời gian nữa thì tình hình mới sáng sủa.

Phim Hồng quân ra trận

Ông đã đi nhiều nơi trên đất nước Nga. Có phải tâm tư tình cảm của những người tỉnh lẻ và của những người dân Moskva vẫn khác nhau như trước đây?

Đúng thế. Càng đi xa Moskva bao nhiêu thì càng nhìn thấy một dân tộc lành mạnh bấy nhiêu. Ở tỉnh lẻ, người dân sống thua Moskva gấp nhiều lần về vật chất nhưng họ có một niềm tin mãnh liệt vào cường quốc của mình. Tôi tin chắc rằng sự lành mạnh của dân tộc sẽ gắn liền với tỉnh lẻ, bởi lẽ ở đây, ở thủ đô, chúng ta đã trở thành những kẻ vô liêm sỉ quái gở. Có thể nói rằng tôi đã đi khắp đất nước, mới đây tôi đã đến Lipesk, Sverlovsk, Vjatka, Sant –Peterburg, hôm qua tôi trở về từ một thị trấn cổ của nước Nga – Murom, nơi đã diễn ra một buổi trình diễn văn học tuyệt vời, và tôi nhận thấy rằng những người dân sống ở đấy đã nhìn nhận Moska hoàn toầntchs biệt khỏi nước Nga.

Theo tôi, trong thập kỷ gần đây, khi đã diễn ra sự thay thế mô hình chính trị, mỗi người có suy nghĩ đều cố lý giải xem cuộc sống của chúng ta chỉ mới đây thôi là như thế nào. Sự so sánh đối chiếu là một việc làm bổ ích, và tôi tin rằng ở mỗi người mà chưa bị nhấn chìm trong thời gian tham vụ lợi vốn đang thịnh phát hiện nay, các bạn sẽ đều nghe thấy nói rằng chỉ mới đây thôi chúng ta đã sống hoàn toàn khác, chúng ta đã khai thác niềm tin trong quá khứ vĩ đại của đất nước ta và với ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình hướng tới tương lai. Chúng ta không bao giờ suy nghĩ nhiều về cuộc sống của cá nhân mình nhưng tất cả mọi người đều nhìn thấy rằng lớp trẻ đã làm được nhiều điều hữu ích cho Tổ quốc chúng ta.

Chính nhờ sự nỗ lực quên mình phi thường đó mà chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh khổng lồ do phát xít Đức phát động trong một thời hạn cực ngắn đã khôi phục nền kinh tế bị tàn phá, đã đưa Gagarin lên vũ trụ. Chúng ta cũng phạm những sai lầm to lớn nhưng có quốc gia nào trong quá trình trưởng thành vươn lên mà lại không có những khiếm khuyết?

Tôi thấy nực cười khi nghe nói những người theo chế độ mới khẳng định rằng họ không có hệ tư tưởng còn sự tự do đã ngự trị trong các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là sự dối trá! Ngày nay, đài phát thanh và các kênh truyền hình có tính khuynh hướng nhiều hơn và bị lệ thuộc nhiều hơn so với những thời kỳ trước đây. Điều này đặc biệt thấy rõ trong thời gian bầu cử. Bởi vậy, khi một số nhà báo cười thâm hiểm hỏi tôi rằng hiện nay tôi có thái độ như thế nào đối với nhân vật Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy thì tôi bảo họ “Ngày nay tôi kính trọng nhân vật ấy gấp nghìn lần và mong sao con cháu chúng ta chí ít có được một phần nghìn lần niềm tin vào lẽ phải của sự nghiệp mình mà Pavel đã có”. Tôi rất cay đắng ngộ ra rằng nếu chẳng may kẻ thù tấn công vào đất nước ta thì sẽ chẳng có ai đi chiến đấu cả. Các chàng trai và cô gái hiện đang ngồi cạnh quầy hàng, trong các trung tâm thương mại, đánh bạc tại các thị trường chứng khoán và tạo dáng trên màn hình vô tuyến và trên các trang báo sẽ lập tức ù té ra nước ngoài. Chúng sẽ không bảo vệ các tập đoàn thống trị của mình, may lắm thì chúng cố cứu lấy đống giẻ rách của chúng mà thôi.

Tiện thể xin nói về Pavel. Ông có cảm nhận được tác động của hình tượng ấy đối với minh không?

Tôi nghĩ rằng có nhưng không phải về mặt tính cách mầ chỉ với ý nghĩa tiếp thu những vấn đề chung có liên quan tới những chân lý triết học sâu sắc. tôi đã đọc cuốn Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovski bằng tiếng Ukraina ngay từ khi đang đi học, trong thời gian làng Strymba của tôi ở Ukraina bị quân Đức chiếm đóng. Ngôi làng chúng tôi được bàn giao cho quân Rumani, và tôi còn nhớ rằng một gã Rumani ngồi trong lớp tôi để theo dõi. Có lần hắn bị ốm và thầy giáo sau khi đóng kín cửa ra vào bằng cách chặn chiếc ghế tựa vào đó đã đọc cho chúng tôi nghe cuốn sách ấy. Lẽ cố nhiên chúng tôi rất yêu quý Pavel. Và năm 1956 người ta đề nghị tôi thử vai này, tôi đã nói “Trước đây các vị ở đâu nhỉ, tôi từ lâu đã sẵn sàng”. Tôi tin sâu sắc rằng chính tôi sẽ đóng vai đó.

Cần phải nói rằng Alov và Naumov đã quay Pavel một cách độc đáo: ngay từ đầu hai ông đã nhắc đi nhắc lại với tôi một câu nói của nhà văn Pháp Andre Gide là người đã đến viếng thăm Ostrovski vào năm 1934 và khi bước ra khỏi nhà ông ta nói“Đây là đức Chúa Giêsu theo chủ nghĩa cộng sản của các ngài”. Hai đạo diễn cũng nói như thế với tôi “Vasja này, cậu hãy đóng đức Chúa đi”. Mà điều đó đã thể hiện sự tập trung cao độ vào ý tưởng của mình và tất cả những gì không liên quan tới việc xây dựng thế giới mới đều bị gạt bỏ.

Trong giới báo chí, bộ phim được nhìn nhận theo những cách khác nhau. Người ta đã tổ chức một cuộc tranh luận về vấn đề: Pavel Korohagin thực ra là ai? Một số người thốt lên “Anh ấy đã từng là người của chúng ta - một chàng trai xuề xoà, vui tính và tất cả chúng ta còn trẻ, còn anh ta thì cứng đơ giống như một vị Thánh!”. Một số người khác lại nói“Chúng ta không còn bụng dạ nào để vui cười, để yêu đương. Chúng ta đang làm một sự nghiệp vĩ đại!”. Tôi xin nói thêm rằng hiện nay người ta dùng điều đó để bôi nhọ những người bônsêvich và nói xấu Đảng. Họ bảo rằng những người cộng sản rất thô thiển và đần độn. Song những kẻ đần độn không thể xây dựng được một nhà nước như vậy. Còn cái việc, Pavel được tôn vinh là “thánh” thậm chí đã làm tôi vui sướng. Như vậy là người ta đã cảm nhận được siêu nhiệm vụ của tôi, như vậy là mọi cái đều thông đồng búi giọt, bởi lẽ chúng tôi đã xây dựng được hình tượng một người theo chủ nghĩa tối đa, một con người mang tư tưởng, một người anh hùng.

Ông tìm thấy sự giải cứu khỏi những cảm nghĩ tiêu cực ở trong thơ của Puskin mà ông đã đọc trong những chuyến lưu diễn khắp đất nước. Xin ông hãy kể đôi chút về việc ấy.

Puskin đã bồi dưỡng cho tôi tinh thần lạc quan và niềm tin vào nền tảng đạo đức sâu xa của nhân dân. Đối với tôi, ông như là không khí, như oxy - tất cả những gì mà ông khẽ chạm tới, đã bắt đầu sống, bắt đầu thở, bắt đầu mỉm cười và nhận rõ giá trị của mình trong cõi đời này.

Thưa Vasili Semenovich, chúng ta đang đề cập tới sáng tạo của ông trong văn cảnh của cuộc sống hiện nay. Xin ông cho biết đất nước ta hiện có tương lai hay không?

Ở đây, tất cả mọi cái đều phụ thuộc vào việc liệu xã hội ta có tập hợp được thanh niên hay không? Hơn nữa, trên cơ sở vốn đã được tạo dựng bởi dân tộc này. Mọi người đều biết rằng người Nga ở một mức độ đáng kể, có tố chất tập thể nhiều hơn so với người dân phương Tây. Chúng ta tìm thấy cội nguồn ở đức tin - đạo chính thống bao giờ cũng liên kết mọi người lại với nhau. Nước Nga sẽ thoát khỏi sự bế tắc. Điều này không còn hoài nghi gì nữa, và sự thành công về nhiều mặt phụ thuộc vào chỗ tiến trình liên kết ở ta sẽ diễn ra năng nổ tới mức nào và trước hết là trong các nước cộng hoà mang dòng máu Slavơ. Tôi xin nhắc lại chỉ có một toa thuốc giúp cho việc phục hồi những mối quan hệ: hãy ôm hôn nhau thắm thiết và càng nhanh càng tốt.

Lê Sơn (Dịch)