Trại sáng tác tài năng trẻ - bước đi đúng hướng của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2012

(TGĐA) - Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai đã kết thúc với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người yêu điện ảnh trong và ngoài nước. Một dấu ấn quan trọng góp phần làm nên thành công của liên hoan phim, không thể không nhắc đến chính là hoạt động Trại sáng tác tài năng trẻ lần đầu tiên được tổ chức.

Nhung_guong_mat_cua_Trai_sang_tac_tre_HANIFF_2012

Chương trình có sự góp mặt và giảng dạy của các chuyên gia điện ảnh uy tín như Giáo sư Michael Uno và Jack Epps đến từ Đại học Nam California, Hoa Kỳ, bà Sonja Heinen (Quỹ điện ảnh thế giới), ông Michael Werner (Chủ tịch Fortissimo), ông Frank Rittman (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ), bà Maren Niemeyer (Viện Goethe), bà Tessa Inkelaar (Film London), đạo diễn Boo Jun Feng, đạo diễn Kang Je Kyu (Hàn Quốc). Ngoài ra, hai đạo diễn Việt Nam từng có phim tham dự tại các liên hoan phim lớn trên thế giới là Bùi Thạc Chuyên và Phan Đăng Di cũng tham gia đồng hành cùng các tài năng trẻ.

30 học viên là các nhà làm phim trẻ xuất sắc trong và ngoài nước được chia thành 3 nhóm Thị trường dự án, nghiệp vụ đạo diễn và phát triển kịch bản. Các học viên đã có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cũng như nhận những lời khuyên quý giá từ các chuyên gia quốc tế, các nhà sản xuất cũng như các đạo diễn điện ảnh uy tín. Tại lớp học đạo diễn, giáo sư Michael Uno đến từ trường điện ảnh nổi tiếng Hoa Kỳ UCLA nhiệt tình hướng dẫn các nhà làm phim trẻ từng kỹ năng nhỏ nhất mà nhiều học viên chưa từng biết đến dù đã thực hiện một vài phim ngắn đoạt giải thưởng. Bên cạnh việc phân tích các bộ phim nước ngoài, giáo sư còn phân tích cả các bộ phim Việt Nam gần đây như “Dòng máu anh hùng” của đạo diễn Charlie Nguyễn để các học viên thấy gần gũi và hiểu rằng không chỉ người Mỹ mới biết làm phim hấp dẫn khán giả. Trong khuôn khổ của chương trình học, giáo sư Michael Uno đặc biệt chú trọng đến việc giảng dạy kỹ năng làm việc với diễn viên, kỹ năng chỉ đạo diễn xuất. Các nhà làm phim trẻ được trực tiếp dàn cảnh những kịch bản ngắn tại hiện trường, chỉ đạo diễn viên chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn tận tình của giảng viên. Ban tổ chức Liên hoan phim cũng đã hỗ trợ tối đa về trang thiết bị với phim trường lớn, máy quay hiện đại hay đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp để đáp ứng cho phần thực hành tại lớp hiệu quả nhất. Đào Đức Hải, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết anh thật sự cảm động với tình cảm của thầy giáo nước ngoài dành cho các học viên Việt Nam, chỉ vỏn vẹn 3 ngày học nhưng thầy đã hướng dẫn cho anh quá nhiều kỹ năng mới và bổ ích. Trong khi đó, Nguyễn Lê Hoàng Việt, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, học viên trẻ tuổi nhất của khóa học lại cảm thấy rất thú vị khi một bộ phim như Cướp biển vùng Caribe cũng có thể được thầy đưa ra phân tích và giảng dạy chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải học từ những bộ phim đen trắng kinh điển. Sau khóa học Hoàng Việt cảm thấy tự tin hơn rất nhiều và sẵn sàng để bấm máy bộ phim của mình.

cc_hc_vin_nhn_bng_chng_nhn_t_cc_trng_Ng_Phng_Lan_trong_m_b_m

Các học viên nhận bằng chứng nhận từ cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan trong đêm bế mạc

Không chỉ được đào tạo về cách thức làm phim, cách phát triển câu chuyện, tại lớp học Thị trường dự án, các chuyên gia đi sâu vào cách thức để có thể gây quỹ, xin tài trợ- một điều rất quan trọng trong việc biến những dự án trên giấy tờ trở thành hiện thực. Hầu hết các đạo diễn trẻ Việt Nam loay hoay không biết tìm đâu ra kinh phí làm phim hoặc có thực hiện xong phim thì cũng không biết cách tìm hướng ra cho đứa con tinh thần của mình. Thế mới có chuyện, tại các buổi tiệc của Liên hoan phim, người ta thấy đạo diễn của Bi, Đừng sợ! Phan Đăng Di luôn bận rộn vì bị các bạn trẻ vây kín với chung một câu hỏi về cách thức xin tiền tài trợ từ các liên hoan phim, các quỹ văn hóa trên thế giới. Bên cạnh các buổi hội thảo chuyên đề, các buổi giải đáp thắc mắc, các học viên của lớp Thị trường dự án còn có buổi gặp mặt riêng với các chuyên gia, nhà sản xuất uy tín thế giới để trình bày kịch bản cũng như dự án của mình. Nhìn vào sự nỗ lực, tâm huyết với câu chuyện của các tác giả trẻ khi họ thuyết phục nhà sản xuất, nhiều người làm nghề không khỏi hy vọng một ngày không xa, những bộ phim Việt Nam sẽ dành được những giải thưởng quan trọng tại các Liên hoan phim lớn trên thế giới. Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, người đang ấp ủ với dự án Đập cánh giữa không trung cho biết: Dù lịch làm việc khá dày trong 3 ngày, các học viên phải tập trung tối đa nhưng điều đó thật sự mang lại hiệu quả cao và không hề vô ích. Cuối cùng, tại buổi tiệc kết thúc khóa học, Nguyễn Hoàng Điệp đã vinh dự nhận giải học viên xuất sắc nhất của Trại sáng tác Haniff dành cho tài năng trẻ. Trong khi đó với bài thuyết trình đầy tâm huyết đã thuyết phục được tất cả các thành viên trong Hội đồng, Nguyễn Vũ Minh Đức đã nhận giải cao nhất của lớp thị trường dự án. Không khó đoán về giải thưởng này khi nhìn thấy Minh Đức quên ăn quên ngủ trong suốt khóa học để chuẩn bị thuyết trình dự án của mình. Giải thưởng của lớp biên kịch được trao cho học viên có những tiến bộ rõ rệt sau ba ngày học tập tại Trại sáng tác Đỗ Minh Tú. Riêng đối với lớp đạo diễn, chuyên gia Michael Uno quyết định chia đều giải thưởng cho 10 học viên với lý do tất cả các bạn đều đã làm việc rất tích cực. Tại buổi tống kết, giáo sư chia sẻ: “Sự hăng hái nhiệt tình, tính tò mò ham hiểu biết của họ đã truyền cảm hứng làm việc cho tôi – đây là một trong những việc thú vị nhất mà tôi từng làm trong sự nghiệp giảng dạy của mình”.

Trại sáng tác tài năng trẻ diễn ra vỏn vẹn trong 3 ngày nhưng hiệu quả mà nó đem lại không hề nhỏ. Dẫu biết, việc học làm phim không thể chỉ trong ngày một, ngày hai. Nhưng trại sáng tác đã làm tốt vai trò của mình khi khơi gợi cảm hứng cũng như phát hiện, hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ. Trại sáng tác lần đầu tiên được tổ chức còn là tín hiệu đáng mừng khi các nhà quản lí đã đầu tư đúng hướng, phát triển nền điện ảnh bằng con đường đầu tư cho các tài năng trẻ như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm từ nhiều năm trước. Một liên hoan phim quốc tế non trẻ còn nhiều điều hạn chế và cần thời gian để làm tốt hơn, nhưng chắc không ai phủ nhận sự thành công của Trại sáng tác, cũng như hy vọng vào sự trưởng thành của thế hệ nhà làm phim kế tiếp sẽ làm rạng danh nền điện ảnh nước nhà.

Đỗ Quốc Trung