Trăng nơi đáy giếng: Nỗ lực phá bỏ thói quen của Vinh Sơn

Cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21 những nhà làm phim Việt Nam dường như đã ý thức được tầm quan trọng hàng đầu của ngôn ngữ, rằng điện ảnh muốn thực là điện ảnh, chứ không phải là cái đuôi của văn học, thì nó phải được kể bằng ngôn ngữ của chính nó; rằng việc kể chuyện thuần túy nên nhường đất cho ti vi, nhiệm vụ cốt yếu của nó là trau chuốt ngôn ngữ sao cho càng ngày càng đẹp, càng ngày càng mới mẻ. Đó là một hướng đi đúng cho dù nó có vẻ không thích hợp với gu thẩm mỹ của số đông.

(TGĐA) - Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng thuộc một mẫu đàn bà Huế coi việc phụng sự chồng là lẽ sống, là hạnh phúc của người vợ. Không may chị gặp phải người đàn ông ích kỉ, gia trưởng đó là Phương. Phương mặc nhiên coi tất cả những gì Hạnh làm cho anh là lẽ đương nhiên, là anh đáng được hưởng như thế.


Điện ảnh nước nhà kể từ những năm sáu mươi đến nay cho thấy có hai cuộc bứt phá rõ rệt. Một là của Đặng Nhật Minh, những năm tám mươi. Với ba bộ phim Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông và Bao giờ cho đến tháng mười anh đã gây được chú ý của dư luận bằng việc phá bỏ thói quen xây dựng câu chuyện và nhân vật theo lối cũ sáo mòn và khiên cưỡng, theo kiểu ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu với những cái kết hoặc hoan hỉ hoặc đau thương căm thù uất hận, để vươn tới một tầm nhân văn cao hơn và một tư tưởng mới mẻ, thoáng đạt hơn. Anh dám chạm đến những mẫu nhân vật mà trước đây không dám nói cái xấu, dù là một cái tật nhỏ và đặt những vấn đề nóng bỏng buộc người ta phải nhìn nhận lại mình và xã hội mình đang sống. Cho dù không có một thủ pháp mới lạ nào, ngôn ngữ khá đơn giản, thì phim của Đặng Nhật Minh vẫn được khán giả chào đón nồng nhiệt.

Cuộc bứt phá thứ hai vào thập niên đầu tiên của thế kỉ này, đó là những nỗ lực đổi mới ngôn ngữ của Nguyễn Thanh Vân với Đời Cát, Người đàn bà mộng du; Lưu Trọng Ninh với Bến Không Chồng; Phạm Nhuệ Giang với Thung lũng hoang vắng; Lê Hoàng với Chiếc chìa khóa vàng; Đỗ Minh Tuấn với Vua bãi rác; Đặng Nhật Minh với Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi; Việt Linh với Mê thảo.v.v đặc biệt gây ấn tượng là Nguyễn Hữu Nghiêm Minh với Mùa len trâu và Bùi Thạc Chuyên với Sống trong sợ hãi. Và giờ đây là Vinh Sơn với Trăng nơi đáy giếng.

Tuy nhiên tôi vẫn thấy hầu hết những tác phẩm đã nêu, người thành công kẻ thất bại, và dù ngôn ngữ có mới lên thật, đẹp lên thật nhưng cách diễn đạt ngôn ngữ thì không có gì mới, vẫn theo theo thói quen cũ xưa nay ta và thế giới đã làm.

Sở dĩ Trần Anh Hùng nổi lên như một đạo diễn sáng giá của thế giới là vì anh luôn luôn tìm tòi đổi mới cách thức diễn đạt ngôn ngữ, không chỉ anh làm mới so với người khác mà anh đã làm mới ngay cả chính anh. Trong ba phim tôi đã xem, hay nhất vẫn là Mùi đu đủ xanh, dở nhất là Mùa hè chiều thẳng đứng, điều đáng nói nhất, cũng là điều tôi quí trọng Trần Anh Hùng, là không phim nào anh lặp lại cách diễn đạt ngôn ngữ của phim nào.

Sở dĩ phải dài dòng như vậy để nói rằng nổ lực gỡ bỏ thói quen của Vinh Sơn trong phim Trăng nơi đáy giếng là rất đáng ghi nhận.

Hạnh trong phim Trăng nơi đáy giếng thuộc một mẫu đàn bà Huế coi việc phụng sự chồng là lẽ sống, là hạnh phúc của người vợ. Không may chị gặp phải người đàn ông ích kỉ, gia trưởng đó là Phương. Phương mặc nhiên coi tất cả những gì Hạnh làm cho anh là lẽ đương nhiên, là anh đáng được hưởng như thế. Chỉ vì cái chức hiệu trưởng, Phương đã lìa bỏ Hạnh nhẹ nhàng như không, chẳng hề có một chút áy náy nào, để cho vợ mình rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn, phải cưới chồng người âm, sống với người chồng người âm này trong niềm hạnh phúc đầy hoang tưởng. Xét riêng về chuyện phim, nếu vào tay tôi và có lẽ nhiều người khác nữa, tôi sẽ dần dần dựng một Phương đểu cáng, anh ta sẽ tạo nên màn kịch giả tạo để đẩy người vợ ra khỏi đời sống của mình. Làm như thế sẽ hấp dẫn người xem, tạo được nhiều xung đột và gây được những cú sốc vì bất ngờ, đặc biệt phù hợp với gu thẩm mỹ đương thời.

Vinh Sơn đã chọn lối đi khó hơn nhiều, một cách kể tuồng như không có một sự biến nào đáng kể, như cuộc sống vốn vậy và nó đã diễn ra vậy, không hề có một sự tạo dựng hay sắp đặt nào. Phương không sắp sẵn một âm mưu nào, chỉ đơn giản anh ta nghĩ hạnh phúc là những gì anh ta muốn và người vợ có nghĩa vụ phải tuân theo. Ngược lại Hạnh cũng tin rằng hy sinh cho những gì chồng muốn là hạnh phúc của người vợ. Bi kịch của chị bắt nguồn từ niềm tin đáng thương kia. Đây là điểm mới mẻ, có thể nói Phương và Hạnh là mẫu nhân vật chưa từng có ở phim ta, dù cuộc đời thì vô số.

Phim vì thế đã rời bỏ dòng tự sự để đi đến một cấu trúc dựa theo dòng chảy cảm xúc, gần với dòng phim ấn tượng, với một tiết tấu chậm rãi, chậm đến nỗi không thể chậm hơn nữa.

Theo cách kể thông thường thì Vinh Sơn phải khai thác triệt để ba tuyến nhân vật Phương- Hạnh- cô vợ bé, Phương- Hạnh- bà mẹ chồng và Phương-Hạnh- nhà trường, đại diện là ông hiệu phó và cô chủ tịch công đoàn. Nếu như vậy anh sẽ có một câu chuyện đa tuyến tạo ra nhiều va đập, nhiều xung đột, cùng với một tiết tấu nhanh nhất định sẽ hấp dẫn, gây nhiều thích thú cho người xem. Nhưng nó không mới, không hề mới, giống như biết bao bộ phim ta đã xem.

Vinh Sơn tập trung hầu như chỉ chú ý đến vai Hạnh, ống kính theo chị cũng chiếm hầu hết thời lượng, anh chỉ dùng các nhân vật khác để khắc họa Hạnh, tạo ra dòng chảy cảm xúc ngày một xiết hơn, dùng các tuyến nhân vật như những cái móc để treo những ấn tượng, ngoài ra anh bỏ qua hết những gì mà luật kể dòng tự sự buộc phải tôn trọng.

Làm như vậy, nếu không cao tay ấn thì Trăng nơi đáy giếng sẽ là phim nhạt vô cùng. Nhưng không, bộ phim nhỏ những giọt nước nhỏ nhẹ, vu vơ, đôi khi có cảm tưởng thừa thãi, dần thấm đầy lên, đến nỗi làm cho ta nghẹt thở.

Đến đây mới nhận ra Trăng nơi đáy giếng kể về một người đàn bà đã tin tưởng thương yêu hết mình tất cả nhưng tất cả đều bỏ chị mà đi, đến con chó cũng không muốn sống với chị. Điều đó giải thích vì sao chị buộc phải sống với người âm. Chính điểm này làm cho tôi ngơ ngẩn suốt một ngày sau khi xem xong phim.

Nỗ lực phá bỏ thói quen của Vinh Sơn ở cái cách anh diễn đạt ngôn ngữ. Không phải lúc nào cũng thành công, nhưng cho thấy anh là một đạo diễn không chấp nhận cái cũ, kể cả cái cũ đã được thừa nhận.

Ở cảnh cô Hạnh đạp xe đạp về quê trong nỗi buồn thăm thẳm, cô vừa đạp xe vừa khóc, thông thường người ta bắt đầu cú toàn cho thấy chị một mình lẻ loi trên đường vắng, sau đó là cú trung cho thấy gắng gỏi mệt mỏi đến với chồng , cuối cùng là cú cận cho thấy những gọt nước mắt của Chị.

Làm như vậy không dở, nếu khéo sẽ hay nhưng không mới, dù thế nào cũng lộ sự cố tình. Vinh Sơn cho máy rê theo Hạnh ở cú trung, diễn đạt tự nhiên như người đứng vệ đường nhìn thấy vậy, không có gì quan trọng. Cảnh phim bỗng trở nên chân thực và cảm động .

Cũng vậy, cảnh nội đêm ở nhà, anh cho máy đi rất chậm từ Phương đang nằm nghĩ ngợi, đến cậu bé đang vẽ chơi, vào tận bếp- chỗ Hạnh đang làm thơ. Nhiều người sẽ bỏ qua cảnh này, nếu có nhắc tới cũng không để tốn quá 30 giây, Vinh Sơn đã dùng hai phút cho nó, chỉ mất có hai phút thôi mà một đời sống gia đình Huế hiện ra rõ ràng, chính xác hơn bao giờ hết. Thật tuyệt vời.

Còn khá nhiều những cảnh quay đáng khen như thế, ví như các cảnh cửa nhiều lần khép mở, cho thấy nỗi trăn trở của người đàn bà không biết nên khép kín đời mình hay nhào ra cuộc đời để mà sống; Ví như vẻ khệnh khạng, trễ nải của ông chồng trong khi làm tình đã bóc trần tính gia trưởng của anh ta đến tận đáy; Ví như Vinh Sơn đã biến ông chồng từ chỗ được vợ yêu thương chiều chuộng thành người dưng chỉ mất không đầy một phút mà không cần bất kì một sự biến nào, vân vân…đạo diễn nước ta chỉ bỉu môi là tài chứ làm được như Vinh Sơn khó lắm.

Trăng nơi đáy giếng cũng còn có chỗ đáng bàn, có chỗ phải nhăn mặt: Cảnh họp hội đồng giáo viên diễn đạt hơi ti vi, cái kết hơi thiên về giải thích, vài cú dựng vội làm hỏng cảm xúc, hát hỏng lắm quá, tỉa tót văn hóa Huế kĩ quá. Đặc biệt quay phim không được tốt, nhiều khuôn hình bố cục, ánh sáng quê quê thế nào a. Với ngôi nhà làm theo ý mình, cái nhà Huế rất đẹp ấy, đáng lẽ phải có nhiều cảnh nội đẹp lịm người, ở đây ta thấy nhiều khuôn hình được làm như mấy ông ti vi quay vội, thật đáng tiếc.

Dù vậy, Trăng nơi đáy giếng là một phim đáng được đề cao vì những nỗ lực tuyệt vời của nó. Cá nhân tôi thì thấy rằng, cùng với Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng là hai phim mang đến cho tôi nhiều cảm xúc nhất, xứng đáng ra nước ngoài tranh giải mà không hề e sợ, hay xấu hổ. Thành công của bộ phim trước hết là nhờ Vinh Sơn có được truyện ngắn quá hay của Trần Thùy Mai, có lẽ đó là một trong những truyện hay nhất của chị. Cũng phải kể đến Hồng Ánh, chị đã diễn một vai xuất thần, vượt lên tất cả những phim chị đã đóng, kể cả phim Đời Cát, thật đáng khen .

Nguyễn Quang Lập