Trang viết đầu năm

Sáng hôm sau, đi xe ôm qua các cửa hàng đã mở, tôi không chọn được cái nào. Mười một giờ trưa đành quay về nhà. Đi quanh phố gần hai tiếng đồng hồ, không va chạm một ai, vừa vào gần đến nhà, chạm ngay một xe máy lao từ xa đến, tôi ngồi sau bị văng ra cảm thấy đùi bên trái đau, nhìn xuống đùi sưng to không vén quần lên được. Đầu gối thâm tím, về bôi tí thuốc mỡ, tạm yên tâm. Hai giờ chiều tôi qua nhà ông bác sỹ bạn quen…Một con chó đen to từ góc sân lững thững bước ra, chậm rãi, không có vẻ gì hung dữ. Ông bạn không  có nhà, tôi quay ra. Một cái đớp nhanh đau điếng. Tôi quay xuống, con chó đen đã quay vào sau bức tường – vẫn chậm rãi như khi vồ tôi, chửng chạc không sủa. Máu ở mông tôi chảy ra. Trời lạnh tôi đã mặc trong người ba cái quần dài rồi đấy….

Đêm mồng một tết, tôi thấy lạnh run. Định bụng sang ngày mồng hai ra phố tìm mua một cái áo bành tô thật dày, mặc ấm như khoác lên người một tấm chăn bông…


Sau đó tôi đi ngay ra y tế phường và đươc bác sỹ dặn dò: “Phải theo dõi con chó ngay từ hôm nay…”

Và thế là hàng ngày, trưa nào tôi cũng đi qua sân nhà ông bác sỹ xem thử con chó đen kia, có biếng ăn không, có đau ốm không, hay có bỏ đi mất không. Nếu có những biểu hiện đó thì tôi phải đi tiêm phòng dại. Ai ngờ con chó hiền lành, đỉnh đạ mà hiểm độc thế. Không sủa, không đuổi, không vồ, không chạy nhanh một bước. Chỉ cần một cái cắn sâu vào thịt rồi im lặng quay đi chầm chậm vào nhà trong. Còn tôi thì cứ ngày tết phải đến thăm sức khỏe của con chó một lần….Và lúc bấy giờ tôi mới sực nhớ ra là năm này là năm tuổi tôi!

Ngày tôi nhận được cái giấy mời đi họp Hội Điện ảnh ở Nhà hát lớn Thành phố. Huyết áp đang cao nhưng tôi vẫn đi, đây là dịp để được gặp mặt thăm anh em. Tôi vào phòng nhỏ ở cánh phải chỉ có một hai bạn trẻ, cùng kịp xem hai hai đoạn phim ngắn (Bài ca không quên chiếu minh họa cho một bài hát. Con chim vành khuyên minh họa cho một bài diễn văn…), lén đo huyết áp, gần 200! Phải về thôi…Tôi vào cái quán trà nhỏ cạnh nhà hát lớn hơn trăm thước, gọi một cốc nước, uống một viên thuốc, đoạn lục xem cái túi quà. Tôi cầm quyển sách Lịch sử điện ảnh Việt Nam in đẹp, lật lướt qua. Dần dần những trang sách khiến tôi chú ý, và đây có một đoạn Ban biên tập viết về tôi. Tôi đọc hết trang sách và cảm thấy đầu dịu lại. Bà chủ quán nói nhỏ vào tai tôi: “Mời bác ngồi qua ghế này. Nếu nhỡ ngã ra!” Tôi cảm ơn rồi ngồi qua cái ghế dựa.

Trang sách nói về phong cách thơ. Dù phong cách nào đi nữa, xin các bạn hãy hiểu cho là, khi nói đến phim người ta nói đến một tập thể gồm nhiều thành phần sáng tác. Không phải chỉ có mình tôi…

Bài viết có những dòng làm tôi chú ý: “Làm theo phong cách thơ là cách làm khó, không chỉ trong phim truyện Việt Nam mà cả trong phim truyện các nước”, sự xuất hiện phong cách thơ trong nền phim truyện của một nước bao giờ cũng chứng tỏ một trình độ phát triển nhất định của điện ảnh đó”. Đó là những câu nói mà tôi chưa được nghe, hay có nghĩ đến nhưng chưa bao giờ dám nói. Từ hôm nay, nếu sức khỏe cho phép, tôi xin góp một số suy nghĩ về những vấn đề trên. Ba kịch bản viết theo phong cách thơ, tôi sáng tác đã lâu còn nằm đó nhưng đọc mấy dòng chữ trên đây tôi thấy vô cùng sung sướng. Con đường phim thơ sẽ sáng sủa hơn. Tuy vậy trên đường đi vẫn phải đề phòng những chiếc xe lao ẩu và những con chó đen rình cắn trộm!

Nguyễn Văn Thông được coi là đạo diễn của phong cách thơ trong phim truyện Việt Nam. Ngay từ Con chim vành khuyên, bộ phim truyện đầu tiên của anh khi tốt nghiệp khóa đạo diễn 1959- 1962 của Trường điện ảnh Việt Nam, người xem đã đánh giá cao giá trị của phim và coi anh là người có công đặt viên gạch đầu tiên cho phong cách thơ, một trong những phong cách sáng tác được tìm tòi trong giai đoạn hình thành của nghệ thuật phim truyện Việt Nam. Là đạo diễn của điện ảnh Quân đội, anh cùng các đồng nghiệp phải tập trung tài năng cho việc sáng tác phim thời sự tài liệu phản ánh cuộc chiến tranh chống Mỹ, nên trong suốt giai đoạn chiến tranh anh chỉ làm được một phim Rừng Xà Nu (1969). Tuy nhiên, trong hơn 20 phim tài liệu anh đã sáng tác tại Xưởng phim Quân đội người xem vẫn thấy anh không rời bỏ chất thơ, đặc biệt là trong phim Chúng con nhớ Bác. Hơn nữa những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường để làm phim về chiến tranh đã tạo cho anh một vốn sống, hun đúc cho anh những tình cảm về cuộc chiến đấu thiêng liên của dân tộc, khiến anh trung thành mãi với những đề tài liên quan tới chiến tranh mà anh đã mở đầu bằng phim Con chim vành khuyên. Sau khi đất nước thống nhất, Nguyễn Văn Thông chuyển vào Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu. Như muốn làm bù cho thời gian đã qua, chỉ trong chưa đầy mười năm với sự say sưa không mệt mỏi, anh đã sáng tác những phim: Bài ca không quên (Giải Bông mai vàng Liên hoan phim thành phố Hồ Chí Minh, 1985), Cuộc gặp gỡ bất ngờ, Tìm người trong ảnh, Nữ thần Laksmi Người rừng.

Các cây bút viết về sáng tác của Nguyễn Văn Thông đều có chung nhận định rằng trong phim Bài ca không quên (1981) Cuộc gặp gỡ bất ngờ (1983) và Người rừng (1990), “anh không những trung thành với chiến tranh, thể hiện giá trị đạo đức và tinh thần của con người từng trải qua chiến tranh trong cuộc sống hiện nay và sau này, mà còn trung thành với phong cách thơ” So sánh Nữ thần Laksmi với những phim khác của Nguyễn Văn Thông, Lương Xuân Thủy viết: “Trong các phim Rừng Xà Nu, Bài ca không quên, Cuộc gặp gỡ bất ngờ…người xem đều bắt gặp những chi tiết, những trường đoạn mang màu sắc của phim thơ. Nhưng phải tới Nữ thần Laksmi anh mới thực sự nối tiếp được chất thơ của Con chim vành khuyên. Có thể nói đây là phim anh tâm đắc nhất về mặt ngôn ngữ điện ảnh và cũng là phim phong cách thơ đạt đến độ nhuần nhuyễn nhất.

Làm phim theo phong cách thơ là cách làm khó, không chỉ trong phim truyện Việt Nam mà cả ở phim truyện các nước. Những phim mang phong cách thơ chỉ xuất hiện lác đác, chưa bao giờ xuất hiện như một trào lưu rầm rộ và cũng phải trải qua những bước thăng trầm như các thể loại phim truyện khác. Phim theo phong cách thơ trong nền phim truyện của một nước bao giờ cũng chứng tỏ một trình độ phát triển nhất định của nền điện ảnh đó.

Nguyễn Văn Thông

Trích Lịch sử điện ảnh Việt Nam

(Quyển 2 trang 204)