Triển lãm Nhóm hiện thực: Những khoảng trời sáng tạo

(TGĐA) - Chủ nghĩa hiện thực vốn được coi như một ngôi đền thiêng trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng, hội họa nói chung. Trong suốt quá trình phát triển của mình, hội họa hiện thực đã cho thấy sự phong phú khi biên độ biểu đạt nghệ thuật ngày càng rộng, mới mẻ và lôi cuốn. Với Nhóm hiện thực, điều này càng rõ ràng hơn khi các thành viên trong nhóm, mỗi người đều có những khoảng trời sáng tạo riêng, dù cùng dùng điểm tựa là hiện thực.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao Khai mạc Triển lãm ‘Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam’
trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao NSND Vương Duy Biên tổ chức triển lãm nghệ thuật tại Pháp

Tham gia triển lãm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lần này, Nhóm hiện thực mong muốn mang đến cho người xem những rung cảm sáng tác mới nhất với số lượng tác phẩm nhiều nhất trong các lần triển lãm của nhóm từ trước đến nay. Đó có thể là những rung cảm về mảnh đất, thành phố nơi mình sinh sống; là những trải nghiệm bản thân về thời cuộc, về gia đình, về tuổi thơ, về những niềm vui và cả những mất mát... Chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều lăng kính phong phú của cuộc sống, phong cảnh, trạng thái cảm xúc thông qua quan điểm sáng tác, cách đặt vấn đề của các họa sĩ trong nhóm, ngay cả khi họ xử lý cùng một đề tài.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao
Poster triển lãm Nhóm hiện thực

Họa sĩ Phạm Bình Chương vốn được biết đến là họa sĩ tiên phong vẽ về phố Hà Nội với bút pháp tả thực. Tham gia triển lãm Nhóm lần này, anh mang đến cho khán giả Sài Gòn những góc phố tiêu biểu nhất của Hà Nội. Sự tiêu biểu ấy không hẳn nằm ở địa danh, tên phố, tên đường... mà hơn cả là ở “trạng thái phố”, “tâm tình phố”...

Ta có thể cảm nhận được sự nồng nàn của phố Hà Nội trong tranh anh với những khoảnh khắc giản dị của vạt nắng sớm, của một tán bàng xanh non mắt lá hay của dáng mẹ hiền bên gánh hàng xén thân quen. Cái chất Hà Nội phố khiến ai đi xa cũng nhớ ấy là một thế mạnh trong tranh anh mà chỉ người trải nghiệm, sinh ra từ phố, yêu phố cháy lòng... như anh mới diễn tả trúng, đúng và tinh tế được.

Cùng vẽ về phố, nhưng họa sĩ Phạm Minh Đức lại khai thác đề tài các con hẻm (kiệt) của Hội An. Anh không phải người bản địa ở đây, nhưng với con mắt khách quan của mình, anh vẽ phố Hội với những khám phá mới mẻ cùng một bút pháp quyết đoán, mạnh mẽ đúng như tính cách của anh. Tranh của anh vì thế khác hẳn với những họa sĩ khác đã và đang vẽ về phố Hội.

Thêm một họa sĩ nữa trong nhóm vẽ về phố, nhưng vẽ về nơi mình sinh ra, đó là họa sĩ Mai Duy Minh. Nếu tranh của Phạm Bình Chương thấm đẫm sự lãng mạn, lúc nào cũng tươi mới như tình yêu mới chớm thì các tác phẩm của Mai Duy Minh lại đậm đặc sự u hoài, nuối tiếc và cô đơn. Anh có biệt tài diễn tả ánh sáng, một thứ ánh sáng ma mị, ám ảnh... khiến phố trong tranh anh mang nhiều tâm sự với những đối tượng bình dị được nâng thành biểu tượng. Nếu nói “Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng’’ (Thái Bá Vân) thì các tác phẩm của họa sĩ Mai Duy Minh đã đạt được tâm tưởng ấy.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao

Thiết tưởng, nhắc đến hội họa hiện thực dưới dạng “một hiện thực khác” (Lê Thiết Cương) không thể không nhắc đến Vũ Ngọc Vĩnh, Lưu Tuyền, Trịnh Minh Tiến. Họ là những họa sĩ chỉ dùng hiện thực như cái cớ để gửi gắm những hình ảnh, nỗi niềm vượt lên trên cái hiện thực khách quan. Xem tranh của Vũ Ngọc Vĩnh, chúng ta cứ băn khoăn về những giá trị gia đình, nơi mà thiết tưởng gắn bó chặt chẽ nhất thì lại cứ mơ hồ một nỗi niềm chênh chao về sự đổ vỡ, về sự u hoài khó lý giải.

Cái cảm giác về con người cô đơn trong tranh Mai Duy Minh một lần nữa ta bắt gặp ở đây, dù cho Vĩnh có vẽ cả một cơ số người. Cũng như cái cảm giác vô cảm trong tranh Vĩnh sẽ lại xuất hiện triệt để hơn, khái quát hơn, cô đọng hơn với hình tượng búp bê trong các gian phòng trống ở tranh của Lưu Tuyền, cho dù lần triển lãm này, anh không trưng bày seri đó. Nhưng những hình tượng bình lọ cổ, đôi chỗ vỡ nứt được bao bọc trong một không gian trong suốt của chất liệu nhựa epoxy, ngoài sự nuối tiếc giá trị cổ thì cũng không nằm ngoài cảm giác đơn độc, xa vời, khó nắm bắt... để rồi những giá trị cổ này lại lan chảy khi chúng ta ngắm nhìn tranh của Trịnh Minh Tiến.

Vẫn là những giá trị xưa cũ mang đậm tính tín ngưỡng như nhà thờ, các điêu khắc cổ đình chùa... Trịnh Minh Tiến đã diễn tả các đối tượng của mình kỹ càng tinh vi trên một chất liệu đương đại: nắp capo xe ô tô. Ai đó nói, Tiến vẽ tranh như một tín đồ sùng đạo, quả không quá khi ngắm nhìn những hình ảnh tưởng xưa cũ nhưng lại vô cùng mới mẻ, gợi nhiều liên tưởng trong một cách xử lý ngôn ngữ, chất liệu vô cùng thông minh, thú vị.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao

Trong một lần trao đổi với Nhóm hiện thực, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ nhận định “họa sĩ vẽ gì không quan trọng; quan trọng là thành thực với lòng mình”. Có lẽ vậy mà với các họa sĩ Nhóm hiện thực, nhìn tranh là ra người. Đó là một Nguyễn Văn Bảy ít nói, hiền lành nhưng cần mẫn sáng tác. Tranh anh là sự chỉn chu đến kinh ngạc nhưng vẫn nồng nàn cảm xúc. Anh vẽ những góc nhìn quen thuộc, thuần phác với những con gà, con ngan, gốc lúa, nhành khoai với tất cả sự nâng niu, trìu mến... không thể không thương cho được.

Ngược lại, Đoàn Văn Tới lại rất phóng khoáng trong sử dụng chất liệu acrylic với những đề tài cánh đồng. Nếu Nguyễn Văn Bảy vẽ những góc cảnh trung và cận thì Đoàn Văn Tới lại thích những đại cảnh bao la. Có lẽ chính sự rộng lớn của không gian ấy mà Tới có nhiều cơ hội thể hiện bút pháp phóng khoáng của mình. Cái chất con người Hải Phòng miền biển sóng gió, hào sảng... được nhìn thấy rõ trong các vệt bút dài, mạnh mẽ của anh.

Nhưng không hiểu sao, dù vẽ về cánh đồng hoa đào Nhật Tân nồng đượm như thế, tranh anh vẫn có một nỗi buồn nào đó. Phải chăng chính gam màu ghi xám (thậm chí chuyển sang đen) mà anh rất thích dùng cũng như quan niệm “vẽ cánh đồng là vẽ cả cái cánh đồng hoang hoải trong hồn người” khiến các tác phẩm của Đoàn Văn Tới có một sức nặng riêng.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao

Nếu Đoàn Văn Tới là họa sĩ duy nhất dùng chất liệu acrylic thì Nguyễn Văn Toán là họa sĩ duy nhất vẽ màu nước trong Nhóm hiện thực. Anh là người có kỹ thuật vẽ màu nước cẩn trọng và căn bản. Đó là khả năng diễn tả màu trắng của đối tượng chủ yếu qua kỹ thuật để chừa giấy; là khả năng diễn tả màu tối rất chắc khỏe mà không bị đặc, chết màu, tịt không gian. Loạt tranh tĩnh vật của anh thể hiện rất rõ những ưu việt này, khiến tranh của Nguyễn Văn Toán vừa có độ trong trẻo của màu nước mà lại vẫn có sức đầm, độ nặng của tâm tình.

Vẽ về đề tài dân tộc vùng cao, Nhóm hiện thực có các họa sĩ: Lê Cù Thuần, Nguyễn Lê Tân, Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh.

Họa sĩ Lê Cù Thuần hiện đang sinh sống và làm việc tại Tuyên Quang. Có lẽ vì vậy mà đề tài dân tộc vừa là thế mạnh vừa là sự thúc đẩy tự thân trong cảm xúc của anh. Anh có kỹ thuật sơn dầu thấu đáo, diễn tả chất liệu tài tình nhưng trên hết là khả năng sử dụng đắc địa khoảng trống trong tranh. Đó là khoảng trống kể được rất nhiều câu chuyện, chất chứa rất nhiều tâm tư; khiến tranh anh có sự đương đại nhưng lại rất truyền thống và gần gũi.

Nếu Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh rất đam mê vẽ về trẻ em vùng cao thì như một khu biệt độc đáo, họa sĩ Nguyễn Lê Tân hầu như chỉ vẽ về người già. Đây cũng là mạch nối trong tư duy sáng tác của anh! Anh ưa vẽ những người cao tuổi trong những không gian ít nhiều ưu tư. Đó cũng là sự thương cảm cho những số phận đang ngày càng trở nên cô đơn trong gia đình, giữa xã hội đương đại đang ngày càng vô cảm.

Cùng vẽ về trẻ em, Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh có một điểm chung là tình yêu con trẻ. Nếu Quyền thích vẽ trẻ em trong những trạng thái tự nhiên nhất thì họa sĩ Thế Anh lại vẽ họ trong những hình ảnh cô đọng nhất. Nếu tranh Quyền đẹp bởi các gam màu tươi trẻ như đúng độ tuổi của anh thì tranh Thế Anh lại lôi cuốn bởi sự lắng đọng của các gam màu trầm. Chính sự khác biệt thú vị này đã tạo ra phong phú về hình ảnh cho triển lãm.

Tác giả duy nhất và đặc biệt nhất trong Nhóm hiện thực là nhà điêu khắc Trần Thức. Anh vốn nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc như thật từ các bà mẹ Việt Nam tảo tần hôm sớm đến các danh tướng lẫy lừng. Tham gia triển lãm lần này, anh gửi gắm tâm tình của mình vào các tác phẩm điêu khắc về các mầm cây được phóng to gấp nhiều lần thực tế. Đó cũng là sự chiêm nghiệm, mong muốn về sự phát triển vĩnh hằng, về sức sống bất diệt của thiên nhiên, tạo hóa... khiến các tác phẩm của anh trở nên vừa thực vừa hư.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao

Với hơn 70 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, màu nước, acrylic cùng sự chuẩn bị kỹ càng, công phu đầy tâm huyết hết, Nhóm hiện thực bao gồm các họa sĩ Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức, Vũ Ngọc Vĩnh mong muốn sẽ mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh những cảm nhận thú vị. Đây cũng sẽ là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Nhóm.

Triển lãm Nhóm hiện thực được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, số 97A Phó Đức Chính, Q.1, khai mạc hồi 17h30 ngày 14/11/2018 và kết thúc ngày 20/11/2018.

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao Khai mạc Triển lãm ‘Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam’

(TGĐA) – Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ...

trien lam nhom hien thuc nhung khoang troi sang tao NSND Vương Duy Biên tổ chức triển lãm nghệ thuật tại Pháp

(TGĐA) - Trong khuôn khổ chương trình Kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao ...

Vũ Liên