Trở về từ ký ức số 2: Nỗi niềm thân nhân liệt sĩ

(TGĐA) - Chương trình số 2 này của Trở về từ ký ức được phát sóng trực tiếp lúc 14 giờ 15 phút trên VTV1 chiều Chủ nhật ngày 12/2/2012.

Trở về từ ký ức – chương trình thiện nguyện kết nối thông tin về liệt sĩ và những người thiệt mạng trong chiến tranh, do VTV phối hợp với đơn vị xử lý thông tin Sài Gòn Buổi Sáng và Ngân hàng Quân đội MB đang triển khai, ngay từ số đầu tiên vào ngày 15/1/2012 đã thu hút lượng khán giả đông đảo, thể hiện qua lượng cuộc gọi tư vấn trực tiếp nghẽn cả 3 đường điện thoại.

Nhu cầu về thông tin của các thân nhân liệt sĩ là quá lớn. Với họ, người thân ra đi và hi sinh; chỉ có tờ giấy báo tử quay trở lại nhà sau ngày thống nhất, trên đó là tất cả những thông tin mà họ có được về liệt sĩ. “Hi sinh tại MTPN (Mặt trận phía Nam)”; “An táng tại nghĩa trang đơn vị”… Những chậm chạp, vấp váp trong công tác đền ơn liệt sĩ và các gia đình của họ cũng có thể đổ lỗi cho chiến tranh, vì bí mật quân cơ, vì cuộc chiến quá lâu dài và liên tiếp,…

Anh_Vu_Van_Huan_di_tim_phan_mo_chu_Vu_van_Van_1

Trong chương trình số 2 này của Trở về từ ký ức, trực tiếp lúc 14 giờ 15 phút trên VTV1 chiều Chủ nhật, 12/2/2012, hai trong số rất nhiều nỗi niềm được kể. Và hai trong số hàng chục, hàng trăm cảnh ngộ tình cờ gặp ấy, sẽ được Chương trình kết nối thông tin để đi tới đích.

Câu chuyện về hành trình trả lại tên cho 3 liệt sĩ – 3 trường hợp giám định AND đúng đầu tiên trong Chương trình này, cũng sẽ cho thấy, sự nỗ lực của các cựu chiến binh chính là mắt xích quan trọng nhất. Đồng thời, chúng tôi xin nói lời biết ơn gửi tới Trung tâm Phân tích AND và Công nghệ di truyền, đơn vị hỗ trợ miễn phí cho mọi cuộc giám định ADN trong “Như chưa hề có cuộc chia ly…” nay lại vì “Trở về từ ký ức” mà mua thiết bị và đào tạo nhân lực xét nghiệm hài cốt. Cục Người có công, Bộ LĐ-TB-XH coi Trở về từ ký ức là một trong những biện pháp chính để trả lại tên cho các liệt sĩ còn “chưa biết tên” hoặc thiếu thông tin, cho nên việc xét nghiệm ADN này hiện nằm trong hoạt động của đề án nhà nước. Tuy thế, điều đáng trân trọng nhất, chính là sự tận tâm của những người làm việc này, và sự xác thực của những kết quả ADN được đưa ra.

Các liệt sĩ không thể sống lại, nhưng họ cần được sống mãi trong lòng thân nhân, trong lòng của nhân dân; và điều đó chỉ có thể thực sự diễn ra, khi chúng ta giữ được niềm tin cho các gia đình đã có lúc hi sinh xương máu vì Tổ quốc.

Hồng Liên