Trung Quốc “hấp dẫn hóa” dòng phim “người tốt”

Vài năm trở lại đây, xét riêng ở dòng phim này, đạt thành công thương mại bằng thực lực chỉ có Lệnh tập hợp (2007) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, thu được 260 triệu NDT (38 triệu USD) từ tiền bán vé. Và năm nay, kể từ khi có mặt ở các rạp chiếu hồi tháng 4 đến nay, tác phẩm điện ảnh Nam Kinh!Nam Kinh! của đạo diễn Lục Xuyên đã thu được 160 triệu NDT. Song đó chỉ là những ví dụ hiếm hoi về thành công tại phòng vé của dòng phim vẫn bị coi là khô khan này. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ, không cảm thấy hứng thú với những phim như vậy. Thực trạng đó càng khiến các đạo diễn ngại làm phim “chính thống”. Tuy nhiên, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa đang tới gần, một số đạo diễn có tham vọng biến các bộ phim “người tốt việc tốt” thành những tác phẩm điện ảnh lớn, thu hút đông đảo người xem. Liệu ước mơ đó có thành hiện thực? Bộ phim Tie Ren là một ví dụ. Phim này kể về người công nhân dầu khí kiểu mẫu Wang Jinxi, được tung ra thị trường đúng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đạo diễn Yin Li rất tự tin và tuyên bố Tie Ren có thể thu được hơn 100 triệu NDT nhưng thực tế lại không khả quan như vậy. Mặc dù các tổ chức công đoàn đã bỏ tiền ra mua vé (giá 10 NDT/vé, đắt gấp đôi phim bình thường) nhưng đến ngày 22/5, Tie Ren mới chỉ thu về được 3 triệu NDT.

Ở Trung Quốc có dòng phim mô tả những cá nhân tiêu biểu hay sự kiện lịch sử theo nhãn quan chính thống. Dòng phim “người tốt việc tốt” này thường kém hấp dẫn bởi thiếu những cốt truyện hay. Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chuyên gia điện ảnh nước này đang muốn thay đổi thực tế đó.



Áp-phích phim Tie Ren

Đương nhiên cả nhà chức trách lẫn đạo diễn không hài lòng với kết quả đó. Giữa tháng 5, đại diện của Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SARFT), Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU), các rạp chiếu và hãng phim đã tổ chức một hội nghị bàn về cách cải tiến quảng bá phim. Họ nhất trí về việc phát hành phim với quy mô lớn hơn, tăng chi phí quảng cáo và trình chiếu cho đến tháng 9. Nhờ vậy mà đến nay Tie Ren đã thu được hơn 20 triệu NDT

So với Tie Ren thì bộ phim Pan Zuoliang, kể về cuộc đời của một quan chức cùng tên, lại tiến tới đích doanh thu 100 triệu NDT trơn tru hơn. Thành tích này có được trước hết là nhờ nhân vật chính - Pan Zuoliang, một quan chức có năng lực, mẫn cán với dân. Mặc dù bị bệnh nặng nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ và cuối cùng đã ngã gục khi đang làm việc, qua đời vì xuất huyết não hồi tháng 5/2008. Pan đã trở thành tấm gương cho mọi quan chức ở Trung Quốc noi theo.


Áp-phích phim Pan Zuoliang


Sau khi hoàn thành Pan Zuoliang, hãng sản xuất phim này đã tổ chức nhiều buổi chiếu giới thiệu, mời các quan chức chính phủ và nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng đến xem. Kết quả là chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã quyết định dùng phim này như một bài học giáo dục cho các đảng viên. Đây chính là điều mà các nhà làm phim mong muốn. Rồi sau đó, với sự ủng hộ của chính phủ, Pan Zuoliang được giới thiệu tới lực lượng đảng viên khắp Trung Quốc.

Giống như Pan Zuoliang, bộ phim về nhà khoa học hạt nhân Deng Jiaxian cũng đang nhận được sự hỗ trợ của chính phủ để trở thành một tác phẩm điện ảnh có đông khán giả.

Theo Thể thao Văn hoá