Tuần lễ phim Nhật bản 2013: Khi con người bị khuất phục bởi thiên nhiên

(TGĐA) - Nhân dịp kỷ niệm năm quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam 2013, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức giới thiệu Tuần lễ Phim Nhật Bản Mùa thu 2013 trong ba ngày, từ thứ sáu ngày 13/9 đến chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2013 tại Hà Nội.

Canh_trong_phim_Hanh_trinh_ngot_ngao

Cảnh trong phim Hành trình ngọt ngào

4 bộ phim được công chiếu trong Tuần lễ phim với chủ đề “Cùng nghĩ cách phòng chống và khắc phục thiên tai qua các bộ phim” đều nhắc nhở chúng không nên và không bao giờ được phép lãng quên sự nổi giận của thiên nhiên vốn dĩ đã luôn song hành với loài người từ thuở sơ khai. Hai năm rưỡi đã trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm hoạ kép động đất và sóng thần 11/3 ở vùng Tohoku. Mọi nỗ lực phục hồi sau thảm hoạ cũng đã được thực hiện, song những vết sẹo mà nó để lại vẫn còn đó. Nhưng điều đáng buồn hơn nữa đó là những ký ức về thảm hoạ đang dần bị phai nhạt theo năm tháng. Hai bộ phim tài liệu về thảm hoạ xảy ra ngày 11/3/2011 là Đài phát thanh Hy vọngThắp sáng Nhật Bản sẽ là những thước phim qúy giá mà người xem không thể không rung động. Đó là những hình ảnh phản ánh chân thật nhất về cuộc sống khó khăn của người dân ở một thị trấn ven biển, mặc dù bản thân họ đều là những nạn nhân của thảm hoạ ngày 11/3, nhưng họ đã thành lập một đài phát thanh với mong muốn được đem lại tiếng cười cho những nạn nhân khác (phim Đài phát thanh Hy vọng). Đó là hành trình gian nan của nhóm bạn trẻ khi đi đến những khu vực bị tàn phá nặng nề ở vùng Tohoku, với nỗ lực duy trì một nét văn hoá truyền thống lâu đời của Nhật Bản với pháo hoa cầu hồn, nhằm tiếp thêm sức mạnh ý trí cho người dân những nơi đây. Sự nỗ lực đầy nhiệt huyết ấy đã khiến cho chúng ta cảm thấy hy vọng hơn vào tương lai, cũng như luôn nhớ về ngày 11/3 ấy (phim Thắp sáng Nhật Bản). Có thể nói rằng, những thước phim bình dị, chân thật, đầy xúc cảm đã đưa người xem đi suốt cuộc hành trình với những trải nghiệm mất mát, đau thương, hy vọng và thắp sáng niềm tin. Người Nhật Bản và những người dân trên khắp thế giới đã từng nín thở trong ngày 11/3 tăm tối, lạnh lẽo để theo dõi từng mẩu tin, hình ảnh cập nhật từ vùng bị tàn phá. Và khi mọi nỗ lực đã được thực hiện thì liệu pháp tinh thần chính là thứ thuốc kỳ diệu để gàn gắn nỗi đau và xoa dịu vết thương. Hai bộ phim chính là những bức thông điệp với mong muốn người xem sẽ nhớ mãi một điều Thiên nhiên là bạn của con người và khi thiên nhiên nổi giận thì con người không được chủ quan cũng như được phép lãng quên những gì nó đã gây ra.

poster_phim_Chu_cho_Wanko

Poster Chú chó Wanko

Ngay từ lần đầu tiên được trình chiếu vào tháng 4/2012, Đài phát thanh Hy vọng đã tạo được thành công và dư âm của nó còn đọng mãi vì một điều tưởng như rất đơn giản và quen thuộc nhưng nhiều khi đã bị bỏ quên đâu đó: Mang tới cho người xem niềm hy vọng.

Ngoài phim tài liệu, Tuần phim Mùa thu Nhật Bản 2013 còn giới thiệu 2 bộ phim truyện. Đó là phim Éclair- Hành trình ngọt ngào (2011) với câu chuyện lấy bối cảnh thời hậu Thế chiến II kể về sự sống sót thần kỳ và đầy mạnh mẽ của một cậu bé mồ côi. Trong suốt những ngày tháng 1 mình, chờ đợi một phép màu, cậu bé đã tự cứu sống mình bằng suy nghĩ về bánh kẹo và hát một bài hát. Cậu đã vượt lên số phận, chiến thắng tử thần bằng giấc mơ, niềm tin và hi vọng – những điều mà không ít người cho rằng đó chỉ là ảo tưởng. Bộ phim được khởi quay vào năm 2010 ở một số địa điểm thuộc Tỉnh Miyagi, nơi mà sau đó một năm, thảm hoạ động đất và sóng thần vùng Đông Bắc Tohoku ngày 11/3 đã càn quét khiến cho hầu hết những địa điểm quay phim sau này đều bị sóng thần cuốn sạch. Đáng buồn hơn là đã có rất nhiều tình nguyện viên và cộng tác viên của đoàn phim là nạn nhân của thảm hoạ. Đối mặt với sự thật vào thời điểm ấy, Akio, diễn viên chính của bộ phim đã vô cùng đau buồn và thương tiếc cho cảnh vật đã biến mất và cho những người đã khuất, đồng thời cũng không quên hy vọng cho một sự phục hồi.

Bộ phim truyện tiếp theo là tác phẩm lấy nhiều cảm xúc của người xem với tựa đề Chú chó WANKO. Phim là câu chuyện có thật, nói về cuộc sống của một chú chó sống cùng một gia đình trên một hòn đảo nhỏ có tên là Miyakejima, nơi có núi lửa hoạt động. Nhẹ nhàng, sâu lắng, với những cảnh quay đầy ấn tượng và lời thoại cô đọng, giàu hàm ý, bộ phim đã khiến khán giả rơi nước mắt khi chứng kiến bi kịch mà gia đình và chú chó đã phải trải qua. Thiên nhiên không bao giờ hiền hòa và không bao giờ nói trước với chúng ra những gì mà nó sẽ gây ra cũng như hậu quả để lại sẽ nặng nề và tàn khốc đến mức nào. Khi không thể khuất phục được thiên nhiên, con người hãy chung tay để cho nỗi đau cùng với mất mát vơi bớt. Liệu pháp đặc biệt nhất chính là tinh thần mà phim ảnh là một trong những công cụ truyền tải điều đó một cách hoàn hảo nhất.

Bốn bộ phim giản dị, nhìn thẳng vào sự thật và phản ánh chân thực đất nước, con người, suy nghĩ, tính cách Nhật Bản kiên cường, bất khuất khiến người xem không khỏi suy ngẫm. Những ký ức vê thảm hoạ ngày 11/3 không và chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí người dân Nhật Bản và người dân trên khắp năm châu. Cũng như vậy, các bộ phim trên đã giúp chúng ta giành chút thời gian hiếm hoi giữa bộn bề lo toan đời thường để cùng suy ngẫm về những điều quý giá của cuộc sống và hiểu rằng được sống trên cõi đời này là một hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa là được sẻ chia!

Đài phát thanh Hy vọng
2012 / 70 phút / Phim tài liệu
Đạo diễn: Taro Umemura & Kazunari Tsukahara

Thắp sáng Nhật Bản
2012 / 90 phút / Phim tài liệu
Đạo diễn: Kenichi Kakimoto

Éclair – Hành trình ngọt ngào
2011 / 107 phút / Phim truyện
Đạo diễn: Akio Kondo

Mùa Xuân năm 1943, cậu bé mồ côi tên là Akio được gửi đến trường giáo dưỡng sau khi trốn khỏi một trại trẻ mồ côi và bị bắt vì ăn cắp bánh ngọt. Cậu nhanh chóng thu hút sự chú ý của người hướng dẫn cực kỳ nghiêm khắc thường được gọi là "quỷ Satan mặt trắng". Trong khi những người khác vô cùng sợ hãi khi nhắc đến tên quỷ Satan mặt trứng thì Akio cảm thấy tâm hồn vô cùng thanh thản khi nghe Yoko-sensei hát bài hát "Okashi to Musume".

Chú chó WANKO
2011 / 123 phút / Phim truyện
Đạo diễn: Isao Nakae

Gia đình Noyama sống trên một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Miyakejima. Cậu học sinh tiểu học Shin Noyama đặt tên con chó mới sinh mà cậu rất yêu quý là Rock. Shin vô cùng mến Rock. Vào ngày năm 2000, một ngọn núi lửa bất ngờ phun trào buộc gia đình Noyama và các nhà khác phải nhanh chóng rời bỏ hòn đảo. Trong quá trình di chuyển, Rock đã thất lạc và mất tích.

Gia đình Noyama bắt đầu cuộc sống mới tại thủ đô Tokyo, nhưng trong lòng họ vẫn luôn nhớ về ngôi nhà trên đảo Miyakejima. Họ chăm chỉ làm việc mỗi ngày và hy vọng rằng chú chó Rock vẫn còn sống.
Cho đến một ngày, họ đã tình cờ gặp lại Rock tại một trung tâm cứu hộ động vật, nhưng nó không thể sống với Noyama trong nhà mới. Rock trở nên yếu hơn mỗi ngày. Trong khi đó, cả gia đình lại không thể quay trở lại nhà của họ ở Miyakejima. Cuối cùng, Shin đã có một quyết định ...

Thái Sơn