Ứng viên Oscar 2009: Đốt sau khi đọc

Truyện phim do chính anh em Joel và Ethan viết theo môtíp vốn có của họ: kiểu con thú chạy lòng vòng cắn cái đuôi của chính nó. Anh em Coen cũng thú nhận là họ chỉ nảy ý tưởng về bộ phim khi suy nghĩ về những vai khác nhau phù hợp với các diễn viên mà họ ưa thích. Kết quả là có quá nhiều tình tiết cho các vai diễn nhưng không có vai nào chủ lực. Các diễn viên cứ lần lượt xếp hàng diễn, hết Brad đến George, rồi Malkovich và cứ thế…

(TGĐA) - Dù Burn After Reading là phim hành động do thám hài đạt doanh thu khá, chiếm vị trí số 1 trong 2 tuần liền và được xem là ứng viên Oscar 2009 nhưng chất lượng phim còn lắm vấn đề.


Mở đầu phim, camera dõi theo đôi giày bảnh bao của Osborne Cox (John Malkovich), một nhà phân tích CIA kỳ cựu trên đường đến dự một cuộc họp liên quan đến mình tại bản doanh CIA ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Khi đến nơi, ông nghe tin mình bị giáng chức vì “tội” thường xuyên say. Điên tiết, Cox rời cơ quan và trả thù bằng cách viết hồi ký tiết lộ những chuyện bẩn thỉu ở hậu trường. Trong khi đó, Katie (Tilda Swinton) người vợ bất kham của Cox ngoại tình với Harry Pfarrer (George Clooney), một cảnh sát liên bang bị ám ảnh vì phụ nữ. Còn vợ của Harry (Elizabeth Marvel đóng) cũng ngoại tình giống chồng mình. Sau đó, phim chuyển sang cảnh mới và một số nhân vật mới.

Từ các hành lang quyền lực của Washington, phim chuyển sang một phòng tập thể hình có tên Hardbodies. Huấn luyện viên thể hình Chad Feldheimer (Brad Pitt) và nữ đồng nghiệp Linda Litzke (Frances McDormand) tình cờ tìm được một chiếc đĩa CD chứa những thông tin cá nhân và tài chính của Cox. Tin chắc đây là dữ liệu thuộc loại tuyệt mật cấp chính phủ cộng với việc Linda cũng đang cần tiền phẫu thuật thẩm mỹ, hai người quyết định tống tiền Cox.

Nhân vật lý thú nhất trong phim có lẽ là Osborne Cox, một nhân viên CIA cổ điển thích sự bóng bẩy của các điệp viên Jame Bond 007 và thường than vãn về tình trạng CIA thời hậu chiến tranh lạnh bị thói quan liêu hành hơn là tiến hành các sứ mệnh chống do thám. Nhưng anh em Coen lại không quan tâm lắm đến nhân vật này và đã biến Cox thành phần phụ của câu chuyện. Đáng nói hơn là các nhân vật khác cũng không được nhấn mạnh. Những tình tiết nửa vời không đủ lượng để làm nổi bật vai diễn nào, bộ phim được lái bởi cốt truyện hơn là khai thác thế mạnh của diễn viên. Vì vậy, khó lòng xem diễn viên nào là chính, diễn viên nào là phụ.

Vì phim lấy bối cảnh Washington nên có khán giả nghĩ nội dung của nó sẽ đào sâu vào nỗi ám ảnh quyền lực hay lòng kiêu hãnh. Nhưng Burn After Reading chuyển mạch theo hướng nói về những con người bình thường không thể thực hiện được những giấc mơ vượt quá tầm tay của mình. Cứ mỗi khi họ tìm cách thay đổi cuộc sống thì lại kết thúc với những rắc rối còn lớn hơn, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Một điều mỉa mai khác của Burn After Reading là trong phim, cơ quan CIA không tiến hành điệp vụ nào cả mà chính những người bên ngoài cơ quan âm mưu những hoạt động tình báo của riêng họ, từ vén màn bí mật, đến cuộc sống tình cảm hai lòng và dọa dẫm người khác.

Sát nhân, tống tiến và do thám không thích hợp lắm với thể loại phim hài nhưng Burn After Reading lại làm được. Anh em Coen đã tạo ra một thế giới với các nhân vật khác thường. Thế giới quan của họ va chạm nhau bôm bốp sau khi một đĩa máy tính bị lọt khỏi tay chủ nhân của nó. Anh em Coen viết sơ thảo kịch bản Burn After Reading khi họ đang viết No Country for Old Men, bộ phim đoạt Oscar phim hay nhất vào năm ngoái. Trong cả hai phim, cái chết của những người vô tội không được xem xét một cách nghiêm túc và phim cũng không quan tâm đến những hệ quả mà bọn giết người phải chịu.

Vậy thì tại sao Burn After Reading lại khá thành công về doanh thu chiếu rạp? Câu trả lời đơn giản: có khá nhiều diễn viên lớn trong phim và quan trọng nhất, nó là sản phẩm của anh em Coen, cặp đạo diễn đang được khán giả “tò mò” nhất Hollywood, sau khi họ đoạt Oscar phim hay nhất năm 2008. Những nhân vật trong phim sẽ không có sức hấp dẫn nếu nó không được những người như Brad Pitt và George Clooney đóng. Chính cách chọn diễn viên khôn ngoan đã tạo sức hút lôi kéo khán giả đến với Burn After Reading.

Chẳng vì thế mà đa số khán giả cho Burn After Reading từ 4 điểm trở lên trong thang điểm 5 cho dù có hai luồng ý kiến đối nghịch. Các nhà phê bình phim không chuyên trên các trang blog và website cá nhân khen ngợi Burn After Reading trong khi các chuyên gia phê bình phim lại thận trọng trong bài điểm phim của mình. Thậm chí có người còn cho là “Lâu lắm rồi anh em Coen mới có bộ phim xoàng xĩnh như vậy”. “Chắc chắn đây không phải là một bộ phim lớn của họ. Kết thúc phim cũng không có gì sâu sắc – nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert nhận xét trên tờ The Chicago Sun-Times – Phim có vui, có buồn, có đối thoại mới nghe có vẻ logic nhưng nghe lại thì thấy ngớ ngẩn, điên khùng!”. James Christopher của tờ The Times thuộc số nhà phê bình chuyên nghiệp cho Burn After Reading điểm tốt dù ông chê các nhân vật hơi cà tưng.

Thanh Yên