Vai trò đạo đức trong sáng tác nghe nhìn

(TGĐA) - Đội ngũ khá đông đảo các tác giả trẻ hôm nay, phần lớn là tri thức. Họ là thế hệ mới – thế hệ của những kỹ sư tâm hồn thời kỳ hội nhập toàn cầu. Câu chuyện của họ sống động nhịp thở thời đại, bắt nhanh và khá trúng những huyệt điểm của cuộc sống đương thời trong lớp trẻ thị thành; nhưng thường quên khuấy cả một miền quê rộng lớn cùng lớp người chân đất đang khó nhọc mưu sinh trên chính quê hương họ. Các tác giả đương thời không ngần ngại đề cập trực diện các hiện tượng tiêu cực trong mặt trái xã hội, khoan sâu vào đề tài phi đạo đức: vị kỷ, phản trắc, cưỡng đoạt … tạo nên mẫu nhân vật lầm lạc, tội lỗi với những sắc màu khác nhau, chủ yếu trong thế giới trẻ ở đô thành hoặc từ nông quê kéo đến đô thành. Đó là những mẫu nhận vật tự tư, tự lợi, càn rỡ sẵn sàng phạm tội, suy nghĩ và hành động trái với thuần phong mỹ tục, trái với các giá trị chuẩn mực của đời sống cộng đồng. Ở cấp độ nhẹ hơn, là những con người vô cảm, ỷ lại, bất lực, vô trách nhiệm, coi thường tình người, chỉ coi trọng tiền bạc và địa vị.

Phim_Nhng_a_con_ca_lng

Phim Những đứa con của làng

Nhân vật Sỹ Hùng và Bà Nhược trong phim Sau ánh hào quang, Lan Bảo trong Gác kiếm, Hải và Lộc trong Đường đua… là những con người như thế. Họ là những thân phận bị ném vào ngõ cụt tội lỗi, chìm đắm trong tăm tối bi thương, không có chút ánh sáng tương lai. Dòng hình tượng này vẽ nên bức tranh tối màu về đạo đức. Hiển nhiên rằng, nhân vật phản diện luôn giữ vai trò không thể thiếu trong cấu trúc quan hệ đa chiều giữa các loại nhân vật trong phim, nhằm tạo dựng hình tượng hoàn chỉnh cho tác phẩm; song vai trò ấy chỉ được phát huy tích cực về mặt đạo đức, khi tâm tưởng và hành động của chúng bị tác giả lên án một cách rõ ràng, hợp lý. Bên cạnh đó, tồn tại một xu hướng sáng tác khác, lấy luân thường đạo lý làm gốc. Cho dù vẫn khai thác đề tài tiêu cực, tác giả có thái độ rõ ràng trước các hiện tượng tốt xấu, thiện ác; hướng người xem căm ghét kẻ phi đạo đức và yêu quý lẽ phải, trọng nghĩa tình. Trong các tác phẩm này, đạo đức có khi được xây dựng trực tiếp bằng những phẩm chất cao đẹp của con người; có khi được bồi đắp gián tiếp qua bài học rút ra từ những hậu quả tệ hại của thói vô đạo đức. Tác phẩm nghe nhìn có giá trị nhân sinh và nhân văn đích thực là chốn hợp lưu lý tưởng của các dòng chảy tâm tưởng mang đậm ý thức thượng tôn đạo đức cùng với ma thuật diễn đạt ngôn từ có sức khơi gợi cảm xúc sâu sắc.

Phim_Gc_kim

Phim truyện thời đương đại đem đến cho công chúng nhiều chiều cảm xúc khác nhau. Với phong cách trẻ trung, sôi động; với phương pháp lãng mạng hóa và huyền ảo hóa đối tượng miêu thuật, đồng thời hiện đại hóa các thủ pháp thể hiện; các tác giả cố công bắt kịp hình thức thể hiện của quốc tế, đem lại một phong vị mới, có sức lôi cuốn mới. . . Yếu tố đạo đức đang được một số tác giả quan tâm đề cập, lý giải, biểu hiện. Hiệu ứng đạt được rất khác nhau, tùy vào thái độ, nhận thức, trình độ riêng của từng tác giả. Trong đó, một số tác giả đã không tránh khỏi sa vào lai căng, làm nhạt sắc màu dân tộc. Những phim đề cập trực diện chủ đề đạo đức, đưa đạo đức vào trung tâm câu chuyện và nâng tạo thành hình tượng trung tâm của tác phẩm, thường được xây dựng từ đề tài truyền thống – lịch sử cách mạng, hoặc từ chính đề tài đạo đức. Ở đó, đạo đức, được tập trung đề cao dưới biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua tinh thần quả cảm, ý chí bươn vượt trở ngại giành chiến thắng của nhân vật. Đạo đức cũng được nâng niu chia xẻ, quảng bá thông qua tư cách và phẩm chất hướng thiện của nhân vật trong các mối quan hệ sinh sống, làm ăn, tiến thân, cũng như trong các phương thức ứng xử đầy phức tạp đời thường. Điều đáng băn khoăn là trong loạt phim này, nghệ thuật thể hiện thường rơi vào cái bẫy của bệnh công thức, thiếu nhuần nhuyễn, sinh động, kém hấp dẫn. Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại trân trọng tôn vinh hình tượng người chiến sĩ nơi chiến trận, song tác dụng cuốn hút về tấm gương đạo đức của họ chưa thể như mong muốn, bởi hạn chế về khả năng thuyết phục của tác phẩm, do chưa đủ tự nhiên, chưa đậm màu chân thật, và nhân vật thường bị che khuất bởi các sự kiện, nhất là sự kiện chiến sự. Lạc lối tiếp cận đạo đức từ một hướng khác: từ nhân cách trong tình yêu và nghĩa vụ chồng vợ. Đó là thứ đạo đức dung dị, phổ cập; thử thách rốt ráo phẩm giá cùng bản lĩnh con người. Bộ phim đem lại bài học, trước hết về đức trung thực, chí kiên nhẫn và lòng vị tha. Một tác phẩm tạo dấu ấn gần đây có tên Thần tượng suy tôn đạo đức ở một khía cạnh khác - ở quyết tâm thực hiện niềm đam mê cháy bỏng chính đáng của người nghệ sĩ - một thứ đạo đức nghề nghiệp, khi nhân vật bằng mọi giá chiến thắng bản thân trong môi trường cạnh tranh bất lương,để đạt ước vọng nung nấu, chính đáng của mình.

Dòng phim tiếp thứ hai được coi là “trung dung”: không tập trung đầu tư thể hiện đạo đức như một chủ đề, mà coi đạo đức như thứ phụ gia, một hệ quả gián tiếp có được trong quá trình tìm tới mục tiêu tạo sự cố giải trí. Mặc dù không xoáy sâu vào tiêu cực và tội ác, không lưu lại những cung bậc cảm xúc rùng rợn nặng nề; loại truyện phim này thường diễn ra lan man, lắm khi tùy tiện, thật giả lẫn lộn, bâng quơ, trở nên hời hợt, vô thưởng vô phạt. Cô dâu đại chiến được thuật kể dông dài, cười cợt thói trăng hoa bản năng của cả con trai lẫn con gái. Trong khi không gây ra sự cố đau buồn nào, bộ phim hóm hỉnh chỉnh sửa thói hư tật xấu của nhân vật, vui nhộn miên man như khó thể tìm thấy bến đổ gần nhất. Tác dụng giáo dục đạo đức vì thế chỉ thoáng qua, không đọng lại điều gì sâu sắc. Cát nóng đề cập đến chủ đề môi trường, đến đạo đức kinh doanh trong một hiện thực bảng lãng thực hư. Sự cách biệt giữa hiện thực với siêu thực được tác giả cố tâm hòa trộn vào nhau đã dấy lên trong tâm thức người xem mối hoài nghi về thông điệp đích thực của tác giả; tác dụng khuyến dụ đạo đức, vì thế khó thể nổi bật. Tía ơi mang đậm sắc màu dân dã phương Nam, lên án nạn cờ bạc và tội bất hiếu – những mầm móng phản đạo đức, có cơ hội khả dĩ trở thành bài học giáo dục đạo đức sắc sảo; song do lối dàn cảnh vụng về và diễn xuất thiên về tấu hài ngoại hình, đã khiến tiếng cười phê phán mất đi rất nhiều tác dụng tích cực.

Dòng phim thứ ba cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp tạo cơ hội cho khán giả tiếp cận môi trường băng hoại của tha hóa và tội lỗi. Các phim này tẩm vào tâm tưởng khán giả trẻ tuổi tâm lý bất cần, dễ dàng hành động xâm hại người khác, vì lợi ích bản thân. Đường đua và vài phim khác, dù cố ý hay không, đã thực tế cổ súy hận thù, phản ánh cuộc tranh sống tàn bạo, với ý tưởng ngây thơ là “đáp ứng nhu cầu người xem”. Ở tông màu nhạt hơn, nhưng không kém phần tác hại, là những phim miêu thuật trần trụi một chiều các thói hư tật xấu của loại nhân vật dưới đáy: những âm mưu đoạt lợi, những động thái tráo trở bất lương, những hành vi phạm pháp. Ở Scandal - Bí mật thảm đỏ, ngoài những thành tựu nghệ thuật đạt được, đã sa vào đích ngắm câu khách bằng cách tô vẻ những thủ đoạn vùi dập nhau, thậm chí sát hại nhau khốc liệt giữa các nhân vật là những con người nổi tiếng. Một số phim khác ít nổi cộm hơn, vẫn không mấy quan tâm đến thành tố đạo đức trong tác phẩm, khi tạo ra ảo giác về cuộc sống giàu sang phú quý xa lạ của số ít người, bên cạnh hiện thực lam lũ của đông đảo cư dân, khuyến dụ bộ phận người xem tham vọng làm giàu bất chấp lương tâm.

Nguyên nhân chung của nhược điểm hạ thấp đạo đức trong phim là do tác giả thiếu ý thức tập trung xây dựng chủ đề một cách nghiêm túc, đúng đắn; không phân rõ sai đúng, thiện ác một cách rạch ròi, tinh tế qua các thủ pháp thể hiện; đồng thời chưa cân bằng hữu hiệu tác dụng thuyết phục nghệ thuật giữa hai loại nhân vật chính diện phản diện trong quá trình xử lý tâm lý cũng như hành động của họ; thường để cái xấu lấn át, do chủ tâm tô đậm xung đột và nuông chìều thị hiếu lệch lạc bằng các pha bạo lực và sex từ những tình huống bịa đặt vô nghĩa, gây hại.

Chung lại, về phương diện thể hiện, truyền bá đạo đức trong phim Việt thời gian gần đây, cho thấy một số tác giả đã quan tâm hơn trước, song do nhiều lý do khác nhau, hiếm xuất hiện như mong đợi những tác phẩm hoàn hảo về chủ đề đạo đức.

Tác phẩm nghe nhìn là một trong những tấm gương phản chiếu quan trọng bộ mặt thịnh suy của xã hội; phản ánh tâm tư dân tộc, khát vọng cộng đồng. Nghệ thuật nghe nhìn thời nay đang đóng vai trò chủ lực trong sứ mạng bồi bổ đạo đức, nhân cách con người. Đạo đức xã hội xuống cấp do nhiều yếu tố phức hợp, nảy sinh từ những đột biến xã hội, kinh tế; từ môi trường sống trong nước cũng như từ ngoài nước ảnh hưởng vào. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của nghệ thuật nghe nhìn tại nước ta tham gia và gánh vác phần trách nhiệm lớn lao trước thực trạng ấy. Bên cạnh sự bất lực, không thể sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị toàn diện đủ sức nâng đỡ, cứu rỗi con người; một số tác phẩm còn vô tình hoặc cố tâm rơi vào bất cập, tham gia hạ thấp giá trị đạo đức con người. Ấy là những bất cập, bất lực trước thế mạnh lấn lướt của kinh tế thị trường; của tham vọng thương mại hóa bằng mọi gia, đẩy nghệ thuật nghe nhìn giải trí đơn thuần lên ngôi; và của việc một số tác giả chưa đủ hiểu biết cùng bản lĩnh để có thể quyết liệt chống cái ác, cái tệ.

Phim_Nhng_ngi_vit_huyn_thoi

Phim Những người viết huyền thoại

Nhìn chung, chủ thể được miêu thuật trong các tác phẩm nghe nhìn đương đại là những đối tượng biến đổi khôn lường, phần lớn là những nhân vật đa bản thể, khiến không ít tác giả bỡ ngỡ, khó nắm bắt, dẫn đến miêu thuật không sâu, không thật, không thuyết phục. Thêm nữa, không hiếm trường hợp nảy sinh xung đột ngay trong quan niệm của chính tác giả về “cái truyền thống” cùng “cái hiện đại”. Có tác giả bám đuổi một chiều theo sức hút của cái hiện đại cực đoan, để tránh “lạc hậu”, cố tận hưởng “tiên tiến”, mà lỏng lẻo thể hiện bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó là những bất cập kéo dài trong cơ chế nuôi dưỡng, khích lệ văn nghệ sĩ dấn thân trên con đường chống tiêu cực, bồi đắp đạo đức xã hội của các cơ quan quản lý hữu quan.

Để tác phẩm nghe nhìn chuyển tải thành công hạt giống đạo đức đến đông đảo công chúng, phát huy cao nhất tác dụng xã hội của tác phẩm - đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay; trước hết, cần thống nhất nhận thức, ý chí và biện pháp cụ thể trong toàn ngành, trong từng văn nghệ sĩ, cũng như trong toàn xã hội, về tầm quan trọng cấp thiết của nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đạo đức. Từ đó, nhà nước có chương trình cụ thể vận động, tổ chức thực hiện, tạo những điều kiện thuận lợi cần thiết cho môi trường sáng tác và thưởng thức văn nghệ. Đối với chủ thể sáng tác, cần tập trung hướng sáng tạo vào chủ đề đạo đức, như một chủ đề thường trực, thường xuyên đối với mọi thể loại tác phẩm.

Để chủ đề đạo đức trở thành thành phần cốt yếu, sống động trong mọi tế bào của tác phẩm; cần chú trọng chọn lựa một cách đúng đắn, khôn ngoan cả đề tài, thể loại lẫn cốt truyện, đặc biệt đối với nhân vật – cả nhân vật chính diện lẫn phản diện của tác phẩm; lại cần khai thác tối ưu đặc điểm ngôn ngữ của mỗi thể loại , quan tâm hòa hợp nội dung với hình thức thể hiện, hướng tới tầm hoàn chỉnh cao độ đối với hình tượng tác phẩm; để có được những tác phẩm tạo dấu ấn sâu sắc có khả năng đề cao đạo đức, lay động tận cùng tâm cảm người thưởng thức về cái đẹp của đạo đức. Ngoài ra, cần tạo ra cơ chế để văn nghệ sĩ ham say sáng tạo trong khuôn khổ đề tài đạo đức, có cơ hội sáng tác thể nghiệm. Về phía nhà nước, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với công lao cống hiến tài trí của văn nghệ sĩ, trước hết ở chế độ nhuận bút, chế độ thưởng phạt. Ngoài ra, còn cần có biện pháp học thuật cũng như biện pháp quản lý phù hợp nhằm xử lý mối quan hệ không giản đơn giữa đòi hỏi nghệ thuật với nhu cầu thương mại, giữa hoạt động văn nghệ với hoạt động thị trường – trong đó, cần làm rõ đâu lả trách nhiệm hỗ trợ và định hướng của Nhà nước, và đâu là bổn phận của văn nghệ sĩ, cùng nghĩa vụ của cộng đồng xã hội, của người xem.

Đạo đức là nền tảng xây đắp Chân – Thiện – Mỹ trong tác phẩm nghe nhìn cũng như trong đời sống thường nhật. Nói cách khác, Chân - Thiện - Mỹ, những “tế bào gốc” hình thành cuộc sống yên vui, văn minh của con người và xã hội, chỉ có thể tồn tại và phát huy khi đạo đức được thượng tôn . Giáo dục đạo đức cần cho tất cả mọi con người và mọi quốc gia, nhằm đem lại điều kiện để sống xứng đáng và phát triển thuận lợi. Và ở đây, một lần nữa xin nhấn mạnh, chính tác phẩm văn nghệ là phương tiện tối ưu trong sứ mạng bẩm sinh cao cả, đem lại cho đông đảo công chúng những hình tượng đạo đức đẹp đẽ, có sức thuyết phục tự nhiên, làm nền tảng xây đắp cuộc sống ân tình, nồng ấm tình người, ngay trong đời sống hôm nay.

PGS.TS Trần Luân Kim