Vận mệnh phim nội địa và câu chuyện của điện ảnh Trung Quốc

(TGĐA) - Cách đây không lâu, Tổng cục Phát thành – Truyền hình – Điện ảnh Trung Quốc đã cho công khai bản thống kê doanh thu phòng vé của các phim điện ảnh công chiếu trong năm 2012 tại nước này. Theo đó, tổng doanh thu phòng vé ba quý đầu năm trên toàn Trung Quốc đạt 12,18 tỉ NDT, so với con số 13,115 tỉ của toàn năm ngoái xem ra cũng chỉ còn kém một bước nhỏ. Nhưng điều đáng nói là, doanh thu phòng vé của phim nội địa chỉ chiếm hơn 40%.

11

Nhiều nhà phê bình đều nhất trí cho rằng, nêu phim điện ảnh nào của Trung Quốc cũng được đầu tư như Hoạ bì 2 thì Trung Quốc không cần phải lo doanh thu thấp

Phim nội địa và phim nhập khẩu – Khoảng cách ngày một xa

Trong chính sách Điện ảnh Trung – Mỹ mới được ban hành đầu năm 2012, mỗi năm Trung Quốc sẽ nhập khẩu 14 phim kinh phí lớn của nước ngoài, và số lượng tác phẩm Hollywood nhập về sẽ được tăng từ 13% lên 25%. Nắm bắt cơ hội này, nhiều công ty điện ảnh tại Mỹ trong suốt gần một năm qua, đã đua nhau đưa các “bảo vật” của mình tấn công vào thị trường phim ảnh Hoa ngữ. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt bom tấn, Titanic phiên bản 3D đã trở thành quán quân phòng vé trong 9 tháng đầu năm 2012, với số tiền thu về lên đến 935 triệu NDT; tiếp theo đó là các phim Mission impossible 4, The Avengers, Man in black 3 Ice age 4.

6

Được kỳ vọng gặt hái thành công vang dội, nhưng Quan hệ nguy hiểm cuối cùng vẫn phải nhận thua trước Looper của Mỹ

Trong khi tổng doanh thu phòng vé của top 10 phim Hollywood chiếu tại Trung Quốc là 4,78 tỉ NDT, thì số doanh thu các phim Trung Quốc sản xuất ra mắt cùng thời gian cũng không nhiều hơn được bao nhiêu. Với số doanh thu 702 triệu NDT, Hoạ bì 2 của Triệu Vy, Châu Tấn và Trần Khôn vẫn cố thủ ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thu nhập phòng vé năm 2012. Đứng ở hai vị trí kế tiếp là Mật lệnh cuối cùng với 231 triệu NDT và Tứ đại danh bổ với 191 triệu NDT. Khiêm tốn ở vị trí cuối cùng trong top 10, bộ phim Nghịch chiến chỉ thu về vẻn vẹn 129 triệu NDT, trong khi kinh phí sản xuất tận 200 triệu.

2_titanic

Siêu phẩm 3D Titanic là mối đe doạ lớn nhất của điện ảnh Trung Quốc trong năm 2012

Đối với sự chênh lệch doanh thu phòng vé giữa phim nội địa và phim nhập khẩu, ông Châu Tinh, Viện trưởng Học viện Nghệ thuật và Truyền thông – Đại học sư phạm Bắc Kinh cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên áp dụng chính sách nhập phim mới. Trong khi thị trường trong nước chưa thực sự sẵn sàng thì các công ty điện ảnh nước ngoài đã có sự chuẩn bị chu đáo. Có ưu thế trước tiên chính là điện ảnh Hollywood, bởi vì họ có nền tảng văn hoá vững chắc, đồng thời, kỹ thuật sản xuất cũng luôn dẫn đầu thế giới. Titanic chính là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp thành công của hai yếu tố này. Nhìn lại phim ảnh nội địa có thể thấy, những năm gần đây, điện ảnh Trung Quốc chỉ đơn thuần chạy theo phim Mỹ mà thiếu đi văn hoá của mình, thấy người ta làm 3D, mình cũng làm 3D. Trong lúc “ta yếu địch mạnh”, quan điểm này càng kéo xa khoảng cách giữa hai nền điện ảnh”. Có suy nghĩ tương tự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo văn hoá thuộc Đại học Kinh tế Tài chính trung ương – ông Nguỵ Bằng Cử cho rằng, lý do chủ yếu tạo ra khoảng cách quá lớn giữa phim trong nước và phim nước ngoài chính là, các phim thuộc hàng chất lượng do Trung Quốc sản xuất thực ra không có ưu điểm nào nổi bật, còn phim nhập khẩu phần lớn đều là bom tấn với kỹ xảo hoành tráng. Bên cạnh đó, Viện tưởng Nguỵ cũng nhấn mạnh, số lượng ít ỏi và nội dung thiếu sáng tạo cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng này.

Đầu tư nhiều nhưng thu về chẳng được bao nhiêu

20

Mang đậm dấu ấn Phùng Tiểu Cương, liệu 1942 có thể làm nên cơ sự khi ra mắt?

Nửa đầu năm 2012, Trung Quốc thu về 8,07 tỉ NDT từ phim chiếu rạp, nhưng chỉ có khoảng 35% trong số đó thuộc về phim sản xuất trong nước, thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nhà làm phim. Chẳng cần nói gì nhiều, chỉ đơn cử việc bị bộ phim quốc tịch Mỹ Titanic giành mất gần 100 triệu thu nhập cũng đủ khiến ngành điện ảnh Trung Quốc phải lao đao với cuộc khủng hoảng to lớn. Một con số thống kê gần đây cho thấy, trong nửa đầu năm, chỉ có 10 bộ phim Trung Quốc thu được lợi nhuận, 8 phim hoà vốn nhờ việc bán bản quyền cho các đài truyền hình hoặc website, còn lại 85 tác phẩm khác thì đều lỗ vốn. Cho đến tháng 7, tháng 8, khoảng thời gian thực hiện kế hoạch “Tháng hành động vì phim trong nước”, tình hình thu vốn của phim nội địa tại Trung Quốc mới được cải thiện phần nào, với 41% số phim thu được lãi suất. Mặc dù vậy, phần trăm tỉ lệ của phim Trung Quốc trong tổng doanh thu điện ảnh tại nước này vẫn không tăng lên đáng kể.

Hiện tại, số phim kinh phí lớn của Trung Quốc vẫn chưa tăng lên được là bao, còn phim dạng vừa và nhỏ thì ngày càng nhiều, nhưng các phim này lại không phải mục tiêu chủ yếu mà ngành điện ảnh tại đây hướng đến, cho nên sự đóng góp đối với doanh thu phòng vé cũng chỉ có hạn. Nói về vấn đề này, ông Châu Tinh nhận định, bom tấn có thể cứu vớt được thị trường điện ảnh Trung Quốc, nhưng đó cũng chỉ là một yếu tố song song với yếu tố văn hoá mà thôi. Ông cho rằng, các phim có kinh phí thấp nhưng được sản xuất kỹ lưỡng và có cảm xúc vẫn đáng để thực hiện và lưu giữ.

Doanh thu mùa phim Tết – bài toán khó có lời giải

1

Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ là một trong những bom tấn điện ảnh Hoa ngữ

Tháng 11 vừa qua được coi là “thời gian hoàng kim dài nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc”, tuy vậy, doanh thu phòng vé vẫn chưa đạt đến mức thực sự lý tưởng. Có kinh phí đầu tư lên đến cả trăm triệu, Thái cực 1, Đồng Tước đài Quan hệ nguy hiểm đáng tiếc lại ra mắt cùng thời điểm, dẫn đến hệ quả cả ba cùng tổn thất nặng nề. Hơn nữa, bộ ba bom tấn này cũng phải chịu một áp lực to lớn khác, khi bị phim điện ảnh ngoại quốc Looper “hạ gục” với số doanh thu hơn 100 triệu NDT. Tình hình này khiến giới chuyên môn không khỏi lo lắng cho vận mệnh điện ảnh Trung Quốc khi mà mùa phim Tết đang đến gần. Vào dịp Tết 2013 sắp tới, 1942 của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, 12 con giáp của Thành Long và Nhất đại tông sư của đạo diễn Vương Gia Vệ sẽ đồng thời công chiếu. Liệu rằng những cái tên hàng đầu này có đủ sức đưa điện ảnh Hoa ngữ lội ngược dòng? Đối với vấn đề này, ông Châu Tinh cho biết: “Muốn nâng cao sức hút của phim trong nước thì ngoài việc chất lượng phim phải tuyệt đối hoàn hảo, còn phải có sự tính toán khéo léo trong việc phát hành phim dịp Tết; không chỉ hạn chế nhập phim Hollywood mà ngay cả phim nội địa cũng cần tránh trường hợp tàn sát lẫn nhau”.

Trung Quốc mặc dù được mệnh danh là một trong những nền điện ảnh phát triển hàng đầu khu vực, nhưng ít ai biết rằng, nền công nghiệp điện ảnh tại đây thực ra cũng tồn tại không ít nhược điểm. Nếu như điện ảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì quy mô sản xuất nhỏ, năng lực thị trường yếu cũng như nội dung lối mòn và phát hành yếu kém như hiện tại, thì e rằng phim ảnh của nước này sẽ khó lòng tồn tại trước sự tấn công như vũ bão của phim nước ngoài.

Thuỳ Dương