Vĩnh cửu quy tụ hàng loạt minh tinh điện ảnh

(TGĐA Online) - Vĩnh cửu (Eternity) là bộ phim mới nhất của đạo diễn Việt Kiều Trần Anh Hùng (từ sau tác phẩm gây tiếng vang Rừng Na-uy phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Haruki Murakami. Vĩnh cửu cũng là tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết L’élegance des veuves của nữ văn sỹ Alice Ferney, quy tụ những minh tinh và tài tử số một của điện ảnh Pháp như Audrey Tautou, Mélanie Laurent, Bérénice Béjo, Jérémie Renier, và Pierre Deladonchamps. Bộ phim sẽ sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 9/9/2016.

Cuối thế kỷ thứ 19, Valentine vừa mới tròn đôi mươi kết hôn với Jules khi tuổi đời còn rất trẻ. 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris bách bộ trên một cây cầu nhỏ và kết thúc cuộc dạo bước định mệnh đó của mình bằng đám cưới với chàng trai mà cô phải lòng. Đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử… của ba người phụ nữ trong thời chiến, vượt qua nghịch cảnh và quả cảm đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.

Diễn viên Aurey Tautou: "Chưa từng nghĩ sẽ được trải nghiệm một vai diễn như Valentine"

Với vai diễn Valentine, lần đầu tiên cô đảm nhận một nhân vật từ khi còn trẻ cho đến lúc già yếu. Cô cảm thấy như thế nào?

Tôi chưa từng bao giờ nghĩ mình sẽ được trải nghiệm một vai diễn như vậy. Hành trình từ cô gái 15 tuổi đến bà lão 85 tuổi của Valentine, và trong suốt khoảng thời gian đó, nhân vật không có lấy một câu thoại. Đó là đặc điểm của riêng nhân vật này. Những trường đoạn hội thoại rất hiếm có và thường biểu đạt những khoảnh khắc quan trọng trong quá trình trưởng thành của cô ấy: sự gặp gỡ, tình yêu nảy nở, khoảnh khắc thiêng liêng khi đón chào đứa con đầu lòng, sự lão hoá và đón nhận cái chết như là một điều vốn có của cuộc sống.

Để thể hiện trọn vẹn cuộc đời của Valentine, tôi và ê-kíp làm phim đã tiến hành hai lớp hoá trang song song: hoá trang thủ công bởi các chuyên gia trang điểm và hoá trang kỹ thuật số thông qua các phương tiện máy móc. Sự phát triển của khoa học giúp cho việc thể hiện quá trình trưởng thành và già đi của nhân vật vô cùng tự nhiên và gần như hoàn hảo. Ngay trong từng cảnh phim, chúng tôi phải thảo luận chính xác với nhau đặc điểm nào trên khuôn mặt, khoé mắt, mu bàn tay… của Valentine sẽ được trang điểm bởi các nghệ sỹ hoá trang, đặc điểm nào cần nhờ đến bàn tay của công nghệ số. Sau hàng tháng trời hoàn thiện khâu hậu kỳ, nhìn thành quả của cả nhóm, tôi đã không khỏi thán phục trầm trồ. Họ đã mang điều kỳ diệu đến cho nhân vật của tôi.

Trường đoạn cô trở dạ và sung sướng đón nhận đứa con chào đời rất cảm động. Làm thế nào cô có thể diễn xuất chân thật với những “diễn viên nhí” khó đoán và rất đặc biệt này?

Chúng tôi không diễn. Chúng tôi cảm nhận tình yêu thương và che chở cho nhau, tôi và những đứa trẻ. Cũng giống như Valentine mang thai 8 người con, bản năng làm mẹ của cô ấy khiến mỗi ngày được chơi đùa cùng con và đón nhận thêm những đứa trẻ đang ngày một lớn lên trong cơ thể mình, đó là niềm hạnh phúc mà bất kỳ một người phụ nữ nào đã từng làm mẹ trên thế giới này cũng có thể cảm nhận được. Và bạn cũng đừng quên rằng trước khi chạm ngõ điện ảnh, tôi cũng đã từng được đào tạo về chuyên môn tâm lý nhi nhé (cười).

a 657Poster. Final

Diễn viên Be’renice: "Không nhịn nổi vì sự kỹ tính, chỉn chu của Trần Anh Hùng"

Tại sao cô lại nhận lời mời tham gia một dự án phim đặc biệt như thế này?

Tôi nhận được kịch bản của bộ phim khi đi nghỉ tại Việt Nam cách đây khoảng hai năm. Không thể nói rằng tôi đọc xong kịch bản này chỉ trong nháy mắt. Những đan xen giữa quá khứ và hiện tại, cảm xúc và lý trí tạo ra những trường đoạn rất đặc biệt, phức tạp mà không dễ gì để theo dõi và phán đoán được. Để thực sự hiểu về câu chuyện phim, nhịp phim, tôi đã gặp gỡ riêng Trần Anh Hùng. Đó là một buổi gặp gỡ bình thường nhưng bất thường giữa hai người trong nghề. Anh quan sát tôi một cách lặng lẽ, có đôi lúc chúng tôi không nói chuyện với nhau đến gần 30 giây chỉ để vị đạo diễn đó quan sát khuôn mặt và cử chỉ điệu bộ của tôi. Nếu đó là một cuộc gặp gỡ giữa hai người bình thường, tôi đoán chắc khoảnh khắc im lặng đó sẽ rất khó chịu, nhưng với tôi cũng như với anh Hùng, đó là điều hết sức bình thường trong quá trình lựa chọn nhân vật. Phải nói thật ban đầu tôi có chút lo ngại về kịch bản phim không đơn thuần sẽ chiều theo số đông khán giả, bởi đó là một câu chuyện tinh tế cần có sự tập trung cao độ của người xem để nắm bắt được mạch phim và cảm xúc của nhân vật. Hơn nữa, với những dự án đề cao giá trị nghệ thuật như thế này, việc kêu gọi vốn đầu tư không phải là chuyện chóng vánh có thể làm được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, đến buổi gặp gỡ thứ hai, tôi đã quyết định sẽ tham dự bộ phim, bởi tôi tin những gì mà anh Hùng đã trao đổi với tôi về bộ phim cũng như tầm nhìn và mong muốn của anh cho dự án này là gì.

Những kỷ niệm khó quên của chị khi tham gia bộ phim này là gì?

Rất nhiều cảm xúc đan xen bủa vây lấy tôi khi tham gia dự án này. Thời gian đầu khi chưa quen với cách làm việc của đoàn làm phim, tôi thường không thể hiểu nổi tại sao Trần Anh Hùng phải tỉ mỉ đến vậy cho một cảnh phim hết sức đơn giản. Ví dụ như chúng tôi có thể dành cả một buổi sáng chỉ để quay một phân đoạn đi dạo trong vườn của nhân vật. Tôi không giấu nổi cảm giác muốn trêu đùa xen lẫn chế nhạo anh ấy, vì thế đôi khi tôi hay bông đùa trong đoàn làm phim những câu kiểu như: “Hôm nay ta sẽ làm gì nhỉ, học cách cầm một chiếc muỗng hay làm sao để tưới hoa cho đúng kiểu?”. Nhiều lúc tôi không thể nhịn cười nổi vì sự kỹ tính và chỉn chu quá mức của vị đạo diễn này.

Còn nhớ có một lần khi chúng tôi quay phân cảnh đêm tân hôn của Gabrielle, anh Hùng yêu cầu tôi phải diễn thật chậm rãi cảnh cởi từng chiếc cúc áo. Tôi làm theo yêu cầu của anh ấy, rồi bất chợt vị đạo diễn nói tôi phải cởi nhanh hơn, rồi chậm đi, rồi tay kia phải vén tóc cao hơn nữa… Tôi gần như không thể nắm bắt được ý đồ của anh ấy làm gì, tôi hét lên: “Anh Hùng, tôi không phải là một cỗ máy có thể làm theo mọi sự điều khiển của anh. Nếu anh yêu cầu phi lý như vậy, sao anh không làm một bộ phim hoạt hình để nhân vật của anh chuyển động từng chút một theo yêu cầu cơ chứ?”. Tôi có thể cảm nhận rõ hôm đó là một ngày căng thẳng cho cả đoàn làm phim. Chúng tôi im lặng trong vài phút, rồi anh Hùng tiến đến nói với tôi về lý do anh cần phải làm như vậy. Không ai khác ngoài anh Hùng hiểu rõ hơn về nhân vật, tính cách, lối suy nghĩ và thói quen của họ, và anh ấy đang muốn cố truyền tải điều đó đến tôi thông qua những chỉ đạo về diễn xuất có phần quá chi li và khó đoán kia. Chúng tôi nói chuyện riêng thêm một lúc lâu nữa, anh ấy nói chỉ muốn tôi quay lại diễn khi đã hoàn toàn bình tâm và hiểu được mong muốn của anh ấy. Với cá nhân tôi, dù có kinh nghiệm làm việc với nhiều đạo diễn Pháp nổi tiếng khó tính, nhưng anh Hùng là một trường hợp đặc biệt mà càng làm việc, tôi càng phá bỏ đi cảm giác “hoang mang” ban đầu (cười) và nhận ra một tâm hồn rất khắt khe và vô cùng tinh tế với nghệ thuật.

Cảnh nào trong phim làm cô nhớ nhất?

Như bạn đã biết đấy, đây là một bộ phim rất kiệm thoại, và mỗi cảnh có thoại, đó là những cảnh đặc biệt có tính chất quyết định đối với số phận nhân vật. Bản chất cuộc hôn nhân của Gabrielle là hoàn toàn do sắp đặt, tuy nhiên khi quyết định đến với cô, người chồng của Gabrielle đã nói : “Tính đến thời điểm này, anh vẫn chưa có tình cảm với em. Nhưng anh sẽ học mỗi ngày để biết yêu và trân trọng em. Khi anh quyết định làm một việc gì đó, anh sẽ làm với tất cả trái tim và cơ thể mình. Xin hãy tin lời anh!”. Đó là một cuộc hội thoại quan trọng giúp nâng tầm mối quan hệ giữa hai con người này, mang đến cho Gabrielle một tình yêu trọn đời với Charles người chồng của mình, dù chỉ ít lâu sau khi kết hôn họ vĩnh viễn phải lìa xa khi Charles phải tử nạn nơi chiến trường.

Bộ phim xoay quanh những người phụ nữ, cách họ bảo vệ, yêu thương và chăm sóc những người con, người chồng của mình nhưng lại không có thời gian để sống cho riêng họ. Cô nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy, những người phụ nữ này rất khác biệt. Trải qua 100 năm tồn tại với những sóng gió, ba người phụ nữ trong bộ phim vẫn sống với nhân sinh quan và tình yêu cuộc đời của họ. Với họ, tình yêu với gia đình, sự hy sinh cho chồng và những đứa con mới là niềm vui, là lẽ sống của họ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đau đớn đến đâu khi phải chứng kiến sự ra đi của người thân, họ vẫn kiên cường đấu tranh với số phận và dệt nên những câu chuyện đẹp đầy chất thơ về suy nghĩ và quan điểm sống nhân văn của mình.

Diễn viên Me’lanie Laurent: "Chính tôi đã đề nghị đạo diễn được vào vai Mathilde"

Cô có thể miêu tả về quá trình tham gia dự án phim này như thế nào không?

Khi tôi nói chuyện với ê-kíp làm phim của mình và người bạn thân đồng thời là diễn viên Marie Denarnaud, tôi đã chia sẻ với họ về ý muốn chuyển thể thành phim các tác phẩm văn học mà họ yêu thích. Trong số đó có tiểu thuyết L’élegance des veuves của Alice Ferney, một quyển sách mà tôi đã đọc và có ấn tượng rất mạnh mẽ.

Sau đó, tôi có dịp gặp gỡ anh Hùng và anh chủ động giới thiệu với tôi về dự án của mình. Tôi hỏi anh: “Có phải anh đang nói về cuốn tiểu thuyết L’élegance des veuves không?”. Anh bảo “Đúng vậy”. Và không nghĩ ngợi nhiều, tôi đề xuất được tham gia vào vai Mathilde, nhân vật ưa thích của tôi. Khi đó tôi đang mang bầu 8 tháng, và nghĩ đến việc đảm nhận vai diễn bà mẹ của 12 người con, tôi không giấu nổi cảm giác háo hức và liên tục chọc cười anh Hùng về việc tôi trông sẽ “mong manh dễ vỡ” như thế nào trên phim trường. Suốt 3 tiếng đồng hồ trò chuyện, chúng tôi chia sẻ rất thẳng thắn với nhau về quan điểm sống, kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật và cả những tác phẩm đang ấp ủ…

Tại sao cô lại muốn hóa thân vào vai Mathilde?

Đó là nhân vật ưa thích của tôi. Trước hết bởi cuộc hôn nhân của cô được tạo nên bởi tình yêu chứ không phải do sự sắp đặt của xã hội thời bấy giờ. Giữa họ là sự hòa hợp về cả thể xác lẫn linh hồn chứ không đơn thuần là sự thỏa mãn về xác thịt. Khi hóa thân vào nhân vật này, tôi cảm nhận ở Malthide niềm khoái cảm tuôn trào cả về thể xác lẫn tinh thần của cô gái tư sản thành thị đầy mộng mơ này. Khía cạnh đó của nhân vật ít được đề cập đến trong những tiểu thuyết thời đại đó, và cô ấy là một trường hợp cá biệt. Vĩnh cửu kể câu chuyện về những người phụ nữ không chịu đầu hàng số phận, họ thậm chí còn đi trước cả thời đại và thể hiện bản lĩnh cùng tình mẫu tử mạnh mẽ.

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình làm phim với đạo diễn Trần Anh Hùng được không?

Trần Anh Hùng là người tỉ mỉ đến từng chi tiết cho cảnh quay của mình. Có vẻ như trong đầu anh ấy luôn lập trình sẵn từng cử chỉ, động tác của nhân vật sẽ diến tiến như thế nào. Bộ phim được quay một cách chậm rãi, tỉ mẩn và rất nên thơ. Có lần anh ấy hỏi tôi muốn nghe nhạc gì, và tôi trả lời “Nhạc giao hưởng của Chopin”. Ngay lập tức anh bật nhạc lên, và chúng tôi thu âm trực tiếp luôn tiếng động và âm nhạc hiện trường ngày hôm đó. Anh ấy không phải là một người làm việc không có kế hoạch, mà ngược lại, là người biết nắm bắt tâm lý diễn viên rất tốt và đưa cho họ những chỉ dẫn, phương tiện giúp họ hóa thân tốt hơn vào nhân vật của mình.

Đạo diễn Trần Anh Hùng

Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại miền Trung Việt Nam. Anh cùng gia đinh di cư đến Pháp vào năm 1975 và theo đuổi đam mề về điện ảnh bằng việc theo học tại trường đại học danh giá của Pháp École Louis-Lumière.

Sau khi thực hiện thành công một số phim ngắn đầu tay, Anh Hùng bắt đầu thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên với chủ đề về Việt Nam mang tên Mùi đu đủ xanh. Ngay sau khi công chiếu, tác phẩm này đã giành được rất nhiều lợi khen ngợi của giới làm phim trong và ngoài nước, đưa tên tuổi của Trần Anh Hùng đến với thế giới. Bộ phim vinh dự được trao giải Caméra d'Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993 và Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất (César de la meilleure première œuvre) tại lễ trao giải César của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Kỹ thuật Điện ảnh Pháp. Mùi đu đủ xanh cũng là tác phẩm duy nhất đại diện cho điện ảnh Việt Nam cho đến nay lọt vào danh sách đề cử rút gọn của Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất.

Ngay sau thành công đó, Trần Anh Hùng tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện một bộ phim lớn tiếp theo mang tên Xích lô (Cyclo) với sự tham gia của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vỹ, nghệ sỹ Như Quỳnh và Trần Nữ Yên Khê. Bộ phim được quay tại Thành phố Hồ Chí Minh này vinh dự giành giải thưởng danh giá Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia 1995. Bộ phim cũng góp phần đánh dấu tên tuổi của Anh Hùng là một trong những đạo diễn trẻ nhất chiến thắng ở liên hoan phim này.

Năm năm sau, vị đạo diễn Vịêt Kiều này tái ngộ khán giả hâm mộ điện ảnh với bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng (À la verticale de l'été). Bộ phim là câu chuyện về ba chị em gái thần tượng cuộc sống có phần hoàn hảo của cha mẹ để rồi cuối cùng phát hiện ra sự thật sau cái chết của người mẹ. Bộ phim lấy bối cảnh tại Hà Nội gây được tiếng vang lớn tại cộng động làm phim Châu Âu và Việt Nam, đưa các tên tuổi của Như Quỳnh, Lê Khanh đến gần hơn với khán giả quốc tế.

Sau 8 năm ngừng làm phim, đến năm 2008, Trần Anh Hùng quay trở lại bằng I Come with the Rain, bộ phim tiếng Anh đầu tiên của anh. Đây là tác phẩm có sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi như Josh Hartnett, Lee Byung-hun, Kimura Takuya... với vai nữ chính của phim đựơc giao cho Trần Nữ Yên Khê, vợ của anh. Cũng trong năm 2008, Anh Hùng đã được mời đạo diễn chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy của nhà văn Murakami Haruki.

Vĩnh cửu là tác phẩm mới nhất của Trần Anh Hùng kể về cuộc sống của ba người phụ nữ tư sản Pháp trải dài suốt một thế kỷ, đã đấu tranh và vượt qua mọi khó khăn cuộc sống như thế nào khi cả ba người đàn ông của cuộc đời họ đều hy sinh trong chiến tranh.

Vốn chịu ảnh hưởng nhiều của những đạo diễn hàng đầu châu Âu và Nhật Bản như Bergman, Bresson, Kurosawa, Trakovsky và Ozu, Trần Anh Hùng luôn hướng tới cách làm phim sử dụng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại: đánh mạnh vào cảm giác của người xem, khiến họ bỏ qua những suy nghĩ duy lý và chỉ còn chìm đắm trong cảm xúc của những ngôn ngữ cơ thể duyên dáng và tinh tế của nhân vật.

Vũ Liên