Vladimir Bortko: Đừng lặp lại những sai lầm đã mắc!

(TGĐA) - Vladimir Vladimirovich Bortko (sinh năm 1946) là đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân của hai nước Nga và Ukraina, đại biểu Viện Duma Quốc gia Nga khóa IV. Ông là tác giả của những bộ phim: Trái tim chó, Gã khờ, Nghệ nhân và Margarita, Taras Bul’ba…

Dao_dien_vladimir_bortko_tren_truong_quay

Theo ông, nguyên nhân của sự biến đổi tình hình chính trị ở trong nước là gì?

Điều chủ yếu nhất là sự khác biệt giữa những lời tuyên bố của chính quyền với cuộc sống thực tế của nhân dân. Công nghệ NANO là một chuyện, còn việc học hành phải trả tiền, kỳ thi quốc gia hàng năm, y tế, chỗ ở… lại là một chuyện khác hẳn.

Hiện nay, nội cái việc năm phần trăm dân số chiếm hữu tám mươi phần trăm tài sản quốc gia đã nói lên nhiều điều. Còn hơn một triệu trẻ em lang thang cơ nhỡ mù chữ? Và chuyện đó đang diễn ra ở một đất nước từng nổi tiếng là đọc sách nhiều nhất thế giới. Lại nữa, nền công nghiệp tan hoang, quân đội lụn bại,…Nhân dân chúng ta không ngu ngốc và không đui mù. Họ nhìn thấy hết và hiểu hết. Nhất là khi nhớ lại rằng trong 30 năm dưới chính quyền Xô Viết, mặc dù đã diễn ra hai cuộc chiến tranh, nhưng nước ta đã trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Thế còn trong 20 năm gần đây? Trong thời gian đó nhân dân đã nhìn thấy tấm gương của nước Trung Hoa cộng sản. Và họ cũng nhìn thấy những cơn chấn động xã hội ở phương Tây. Và ta bất đắc dĩ phải suy nghĩ: chúng ta đang đi theo hướng nào đây?

Tại sao trên truyền hình lại xuất hiện những bộ phim bôi nhọ và nhạo báng quá khứ Xô Viết của chúng ta? Tại sao vị nguyên soái của chiến thắng vĩ đại là G. Zhukov và Bộ trưởng văn hóa Liên Xô E. Furseva lại được giới thiệu như những ác quỷ?

Poster_phim_Taras_Bulba_cua_dao_dien_vladimir_bortko


Nếu như không thể khoe khoang về những thành tựu thì chỉ còn cách nhổ toẹt vào quá khứ. Và kết quả là nạn tham nhũng tổng thể hiện nay – đó không phải là sản phẩm của 25 năm gần đây mà là hậu quả nặng nề của cái quá khứ Xô Viết đáng nguyền rủa mà trong đó những vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước lại chính là những kẻ nhỏ nhen, tầm thường, hám lợi, chẳng hạn như giám đốc cửa hàng thực phẩm số 1 Elisei đã bị xử bắn theo bản án của tòa. Rõ ràng, đó chính là sản phẩm của chính quyền Xô Viết và nạn tham nhũng từ đó sinh ra. Song trong lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga, chỉ có 30 năm không hề có nạn tham nhũng. Vả lại, nó không đe dọa sự tồn tại của nhà nước. Đó chính là thời kỳ Stalin. Và không phải vì những tên tham nhũng bị bắn bỏ mà bởi vì các quan chức cao cấp không hề có tài sản riêng. Ngay cả những chiếc thìa cũng thuộc về nhà nước…Và nếu ở trên người ta không ăn cắp thì có thể tin rằng quy mô của nạn trộm cắp ở bên dưới sẽ giảm đáng kể.

Thế còn nhà nước?

Chính bản thân nhà nước là ai hoặc là cái gì? Đó cũng chính là những con người. Không một ai trong số những kẻ triệt phá Liên Bang Xô Viết đã bay lên mặt trăng. Họ đang điều hành nhà nước theo đường lối tự do. Và một ý thức hệ tương ứng được hình thành theo đường lối ấy.

Liên bang Xô Viết bị vu khống, bị khoắng sạch, bây giờ họ muốn đánh cắp chiến thắng của chúng ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…?

Hiện nay tôi đã viết xong kịch bản cho bộ phim Stalin. Theo kịch bản thì hành động bắt đầu bằng việc đánh chiếm Berlin. Việc đánh chiếm Berlin là điểm cuối cùng, điểm cao nhất, là thời điểm mấu chốt của chiến thắng vĩ đại chúng ta mà hiện nay người ta đang tìm mọi cách để lờ đi. Mà nói chung, chúng ta có đánh chiếm Berlin không? Có thể đó là những người Mỹ dũng cảm chăng? Và nói chung, người ta cố nhồi nhét vào ý thức chúng ta những huyền thoại về “giới lãnh đạo bất tài và có tội”, về “thây chất thành núi”, về “dân tộc Đức có văn hóa” và về “nước Nga man rợ”…Đó là một sự hy sinh vĩ đại của nhân dân chúng ta. Nhưng nếu trừ đi những tổn thất của thường dân của Liên Xô thì những tổn thất về quân sự của chúng ta hoàn toàn có thể so sánh được với những tổn thất của nước Đức phát xít.

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại với việc thể hiện chiến tranh trên màn ảnh. Chiến tranh – đó là cảnh tượng khủng khiếp. Tôi đã từng ở Afghanistan… Tôi đã bị buộc tội là sa vào chủ nghĩa tự nhiên trong việc quay những cảnh chiến đấu. Điều đó đã xảy ra khi tôi quay bộ phim Taras Bul’ba. Nhưng cảnh tượng đặc biệt khủng khiếp là khi các chiến binh đánh nhau bằng vũ khí lạnh. Viên đạn bắn ra chỉ để lại một cái lỗ nhỏ, còn thanh kiếm khi vung lên thì…Thế đấy. Chiến tranh mà! Nhơ nhớp và gớm ghiếc. Nhưng có cả chủ nghĩa anh hùng khi con người có thể đem lòng dũng cảm và sức mạnh tinh thần của mình để chống lại nỗi khủng khiếp ấy. Và do đó, tôi không phàn nàn gì đối với những cảnh miêu tả tự nhiên chủ nghĩa có thể là quá đáng trong những bộ phim làm về đề tài chiến tranh hiện nay. Nhưng khi một loạt bộ phim được trình chiếu, khẳng định một cách có chủ đích rằng chiến đấu chẳng để làm gì… thì đó lại là sự phá hoại mang tính chất ý thức hệ, trước hết nhằm hủy hoại tâm hồn của thế hệ trẻ để họ mất hết ý chí bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Có cả một loạt bộ phim dường như chẳng liên quan gì đến việc trực tiếp bôi đen hiện thực Xô Viết cả, nhưng kỳ thật lại áp đặt một ý đồ đơn giản sau đây: THỜI ĐÓ có rất nhiều cái xấu xa, xảo trá, tệ lậu. Các vị muốn quay trở lại cái nhà tù GULAG đó à, muốn quay trở lại cảnh tượng rùng rợn đó à? Và để cho chuyện đó không xảy ra với các vị và với con cháu các vị nên chúng tôi đề nghị các vị hãy tích cực dồn phiếu cho…

Và ông định thực hiện điều gì?

Tôi sẽ cố hết sức để làm thay đổi khuynh hướng tiêu cực trong việc trình bày đất nước ta. Cần phải kể cho đồng bào của chúng ta biết rằng chúng ta có một đất nước vĩ đại với một quá khứ vĩ đại mà chúng ta có thể và cần phải tự hào. Và tôi nghĩ rằng con cháu của những công nhân và nông dân sẽ nghe thấy chúng ta, bởi lẽ không phải tất cả bỗng dưng trở thành con cháu của các công tước, bá tước và trở thành hậu duệ của các gia đình cực kỳ quyền quí thuộc Đế chế Nga. Chẳng hạn, nếu như không có cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại thì chắc là tôi cũng đi cày ruộng như tổ tiên của tôi thôi, và điều đó cũng không phải là xấu.

Nhưng ở khắp nơi người ta rêu rao về việc giai cấp nông dân bị tiêu diệt trong thời kỳ cưỡng bức tập thể hóa?

Nông trang tập thể được thành lập không chỉ cốt để nuôi quân đội trong cuộc chiến tranh tương lai. Việc thành lập nông trang tập thể là một thành tựu xã hội vĩ đại. Trạm máy kéo MTS và các nông trang tập thể đã làm cho con người thay đổi về mặt xã hội. Mẹ tôi kể rằng, vào những năm 30 nhóm kịch của trường học tại một làng quê nông trang tập thể đã dựng kịch của Shakespeare, và bà đã đóng vai Juliette! Vào những năm 30! Nhưng xin hỏi các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các kỹ sư, các nhà du hành vũ trụ của chúng ta rút cục đã xuất thân từ đâu ra? Chính là từ những nông dân và công nhân ấy. Ai đã nuôi nấng, dạy bảo, chăm sóc sức khỏe cho họ cũng như cho những kẻ mà hiện nay đang bôi nhọ quá khứ xã hội chủ nghĩa! Không cần lời giải đáp vì nó quá rõ ràng.

Còn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà hiện nay những nhà dân chủ thô thiển của chúng ta đang bái phục? Ai đã và đang nuôi sống nước Mỹ? Hỡi ôi, không phải là các chủ trại. Ở bên đó có những cơ sở nông nghiệp cực lớn sản xuất ra một lượng nông sản hết sức dồi dào. Còn các nhà cải cách dân chủ của chúng ta thì, để chiều lòng các đối thủ, đã hủy hoại tất cả và cấp cho những người trước đây từng là nông trang viên những mảnh đất nhỏ bé. Còn bây giờ thì lại gào rống lên: họ không có khả năng cạnh tranh!

Cách đây không lâu, chủ nghĩa yêu nước là “chỗ ẩn náu cuối cùng của quân vô lại”, còn bây giờ những lời hô hào yêu nước lại vang lên từ những diễn đàn cao nhất. Khi ông làm bộ phim Taras Bul’ba, không phải tất cả mọi người đều đón nhận nó một cách có thiện ý.

Không mấy thiện ý – đó là nói rất nhẹ nhàng. Có những giới nhất định đã nổi khùng và phát điên lên. Chửi bới Gogol thì rõ ràng là không tiện bởi , dầu sao đó cũng là một nhà văn cổ điển. Thật ra, có thể dựng tượng đài Gogol quay lưng về phía đại lộ Nevski[1], có thể hoàn toàn đổi tên đường phố mang tên ông. Nhưng bản thân ông có tội tình gì? Ông vẫn cứ là Gogol. Còn đạo diễn Bortko, người đã cả gan chuyển thể nguyên vẹn tác phẩm “nhạy cảm về mặt chính trị” ấy lên màn ảnh, đã bị người ta mưu toan đạp xuống bùn đen. Cơn phẫn nộ quả thực là ghê gớm! Nói một cách chính xác hơn có hai cơn phẫn nộ. Cơn phẫn nộ thứ nhất xuất phát từ giới liberal của chúng ta, còn cơn phẫn nộ thứ hai thì bắt nguồn từ chính giới của Ukraina. Họ gào rống lên: Tại sao lại thế - một dân tộc à? Chúng ta chẳng dính líu gì đến bọn Mạc-Tư-Khoa cả… Nhưng ngót năm triệu khán giả đã xem bộ phim đó, ở cả Nga lẫn Ukraina. Nó đứng đầu về mặt phát hành, được chiếu ngang ngửa với những bộ phim Mỹ. Đó mới là điều quan trọng.

Và dầu sao chúng ta cũng là một dân tộc có đúng không nào?

Đối với tôi thì người Nga, người Ukraina và người Belarus là những nhánh khác nhau của một cây dân tộc thống nhất. Tôi đã trở thành người Cộng sản khi người ta đã chia dân tộc tôi một cách phản trắc ra làm ba phần tại Belovezh’e[2]. Một nhát dao đâm trúng vào tim của dân tộc. Họ biết rõ họ đã làm gì. Những tên tội phạm ấy đã làm được cái việc mà Hitler không làm được. Họ đã thực hiện trót lọt niềm mơ ước của tên trùm phát xít ấy. Nhưng với Hitler thì chúng ta đã phải chiến đấu rất lâu và tốn nhiều xương máu mới đánh bại được hắn. Còn ở đây thì chả cần một phát súng nào, chỉ bằng một chữ ký là xong. Ấy thế mà một trong những kẻ chủ mưu đó đã được dựng tượng ở tổ quốc…

Khi tôi đến gặp ông tại “Lenfilm” thì ở ngay lối vào thấy có mấy dòng thông báo: “BÀN GIAO CÁC PHÒNG LÀM VIỆC VÀ SẢN XUẤT”. Nhưng cách đây không lâu, người đứng đầu của chính phủ Liên bang Nga đã tuyên bố rằng sẽ tìm mọi cách hỗ trợ cho “Lenfilm”?

Lenfilm_la_van_de_cua_ca_nen_dien_anh_Nga


Tôi biết rằng đồng nghiệp của tôi là A. Sokurov đã gặp V. Putin, nhưng họ bàn chuyện gì thì tôi không rõ. Và điều gì diễn ra sau cuộc gặp ấy thì tôi và không chỉ riêng tôi cũng chưa hay. Ở một chừng mực nào đó thì tôi có thể làm sáng tỏ vấn đề ấy ở Viện Duma quốc gia. Song vấn đề “Lenfilm” là vấn đề không chỉ của riêng “Lenfilm” mà còn của cả nền điện ảnh chúng ta. Phim của chúng ta được phân ra làm hai phần rõ rệt: phim truyền hình và phim điện ảnh. Đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau về mọi phương diện – về mỹ học cũng như về khoản trợ cấp.

Trước hết hãy nói về phim điện ảnh. Nghệ thuật điện ảnh tồn tại như một sự cộng sinh của hai thứ: nghệ thuật và kinh tế. Hãy hình dung là nhà điện ảnh của chúng ta thương lượng với chủ rạp chiếu bóng: hãy chiếu bộ phim nội rất hay của tôi và ông sẽ là một người yêu nước! Và nhận được câu trả lời như sau: nếu ông đem đến cho tôi 52 bộ phim nội mà tôi có thể chiếu trong vòng một năm tức là mỗi tuần tổ chức một buổi công chiếu và nuôi sống rạp chiếu bóng của tôi thì lúc đó chúng ta sẽ bàn chuyện nghiêm túc. Còn như thế này thì chúng tôi sẽ chiếu bộ phim nhạt nhẽo của ông một đôi buổi chừng nào tôi còn là một người yêu nước.

Mỗi hãng phim nội có thể cung cấp cho rạp chiếu phim 52 bộ phim trong một năm với sự đảm bảo phải chiếu vào một thời gian nhất định và có chi phí quảng cáo tối thiểu bằng 50% ngân sách của bộ phim. Câu trả lời: KHÔNG MỘT HÃNG NÀO CẢ. Và chấm dứt ở đây. Các nhà phát hành phim ở nước ta chiếu toàn phim Mỹ. Đây không phải là chuyện đùa. Ở một nước có chủ quyền, bộ môn nghệ thuật quan trọng nhất lại do Mỹ kiểm soát! Nước Nga có gần hai nghìn rạp chiếu bóng có thể chiếu những bộ phim hiện đại, tức là về số lượng hơi nhiều hơn một chút so với một thành phố New York. Dường như cần phải xây dựng thêm nhiều các rạp chiếu bóng nữa, song ai sẽ xây dựng các rạp chiếu bóng đó và để làm gì? Để chiếu những bộ phim Mỹ ư? Để làm điều đó, của đáng tội, chúng đã được xây dựng. Người làm phim nội có thể nhận được sự hoàn lại như thế nào từ những rạp chiếu bóng hiện có? Sự hoàn lại là như sau: làm những bộ phim mà ngân sách vượt quá 2 triệu đô la là không có lợi. Với 2 triệu đô la may lắm thì các vị có thể làm được bộ phim mang tên Tình yêu củ cà rốt hoặc Bộ phim hay nhất mà các vị nhìn thấy trên các màn ảnh. Bên cạnh doanh thu khấm khá mà những bộ phim đó mang lại thì chả cần nói đến trình độ nghệ thuật làm gì. Chỉ có những quốc gia rất giàu có mới dám cả gan tạo ra cho mình một nền điện ảnh như một ngành công nghiệp. Thứ nhất, đó là một nền kinh tế phát triển; thứ hai, có một số lượng lớn khán giả và rạp chiếu bóng. Tất nhiên, ngay cả nước Bồ Đào Nha cũng có thể làm được một bộ phim tuyệt vời và nhận được giải thưởng lớn tại Liên hoan phim, và cả A. Sokurov của chúng ta cũng có thể được công nhận. Song đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ.

Thế còn tình hình ở ta thì sao?

Phim được làm ra là để phục vụ khán giả. Nó phải có nhu cầu từ phía khán giả. Khán giả có thể chi tiền để mua lấy thú vui, có thể bỏ phiếu bằng đồng rúp, và quá trình đó phải diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, những bộ phim càng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Muốn bứt khán giả ra khỏi chiếc ti vi cần phải đưa ra cho anh ta một cái gì đó mà vô tuyến truyền hình, xét về mặt bản chất của nó, không thể cung cấp được. Song bộ phim càng phức tạp về mặt kỹ thuật thì lẽ cố nhiên nó càng đắt. Kết quả là giá của một bộ phim trung bình của Mỹ vượt quá 50.000.000 đô la. Liệu chúng ta có cho phép mình làm điều đó hay không? Lẽ dĩ nhiên là không. Vậy, chúng ta sẽ làm những bộ phim rẻ nhưng xuất chúng. Chúng ta sẽ đi vay ngân hàng để làm phim, sẽ chiếu… Còn doanh thu thì… Stop! Lấy gì đảm bảo rằng anh sẽ có doanh thu? Mà chưa biết chừng khoản doanh thu ấy sẽ rơi… vào túi anh cũng nên. Cách đây mấy năm, Bộ Văn hóa định áp dụng loại vé điện tử trong các rạp chiếu bóng để việc ăn cắp sẽ khó khăn hơn. Nhưng ý đồ này bị thất bại. Chẳng hiểu tại sao…

Bộ phim Taras Bul’ba của ông có lỗ không?

Sau khi bộ phim này được phát hành, đã thu về được 17.000.000 đô la trong khi chi phí là 15.000.000 đo la. Dường như lãi ròng 2 triệu đô la! Song không phải như vậy. Những nhà phát hành, tức là các rạp chiếu bóng, đã xơi mất một nửa. Muốn cho bộ phim được hoàn vốn thì phải có được 3 triệu tiền lãi! Nhưng chuyện này không thể có được! Đó là câu chuyện đáng buồn của ngành điện ảnh chúng ta. Bởi vậy, tất yếu, chúng ta đang xích gần lại “nền điện ảnh vĩ đại của Bồ Đào Nha” chừng nào hai nền kinh tế của chúng ta có thể so sánh với nhau.

Thế còn phim truyền hình? Ở ta khắp mọi nơi rặt chiếu những bộ phim truyền