Vợ chồng Việt kiều Phạm Nghiêm – Thanh Trúc: Về nước làm phim là một quyết định đúng

Chúc mừng các bạn có một tổ ấm thật tuyệt vời. Vậy còn những đứa con tinh thần của hãng thế nào sau lần ra đời khá thành công và ấn tượng của bộ phim Dòng máu anh hùng?

(TGĐA) - Gặp vợ chồng Jimmy Nghiêm trong những ngày cuối năm khá bận rộn, nhưng dường như sắc thái của họ lại toát lên niềm vui, hạnh phúc ngập tràn. Không hề cảm thấy bất ngờ khi TGĐA đề cập tới vấn đề “ buồn thay, Tết này Chánh Phương phim không có phim chiếu Tết”.


Bất chợt Nghiêm nhìn Trúc âu yếm, rồi cả hai cùng đồng thanh “ tác phẩm lớn nhất của chúng em trong năm qua là cô công chúa nhỏ, góp tăng sinh động cho đủ nếp, đủ tẻ lên thành ba sản phẩm tuyệt vời qua bốn năm về sống và lập nghiệp tại quê hương.

Gia đình Phạm Ngiêm - Thanh Trúc

Thực ra hành trình về nước làm phim của vợ chồng Nghiêm cùng gia đình họ Ngưyễn bắt đầu từ năm 2001. Khi đó chức danh đầu tiên của Nghiêm ở vai trò đạo diễn, từng thực hiện một số chương trình hài, ca nhạc… Sau đó đến năm 2002 Nghiêm quyết định sản xuất bộ phim truyện đầu tiên Vật đổi sao dời (đồng đạo diễn với Charlie Nguyễn). Đến khi bấm máy, do có sự cố về diễn viên nên đã thay Thanh Trúc vào vai nữ chính. Thế là bước đầu đoàn phim gặp hai sự kiện bất ngờ. Thứ nhất, nhà sản xuất Thanh Trúc liều mình làm diễn viên…vậy mà nhập vai tốt ra trò. Thứ hai, trong quá trình quay tại Mũi Né ( Phan Thiết), đoàn đã phát hiện ra một đầm sen tuyệt đẹp giữa sa mạc cát ở đảo Bồng Lai. Trong khi nhiều cư dân ở đây hoàn toàn không biết địa danh này. Chính từ những khám phá, tìm hiểu và nhận thức ban đầu về các yếu tố thiên nhiên, con người và nhất là nhu cầu giải trí ở Việt Nam đã giúp anh em họ Nguyễn mạnh dạn quyết định về Việt Nam lập nghiệp chính thức vào năm 2004.

Thế vì sao phim Vật đổi sao dời vẫn chưa thấy phát hành ở Việt Nam?

Đó là điều mà gia đình chúng tôi rất tiếc. Khi phim đã duyệt xong, chúng tôi đã đem chào hàng tại một số rạp ở TP.HCM, nhưng thật tiếc đều nhận được lời nhận xét “ phim dàn dựng có nhiều yếu tố nghệ thuật, nhưng khó đem lại hiệu quả trong doanh thu”. Khi phim phát hành ở Mỹ đã đem lại ít nhiều thành công.

Thật sơ xuất nếu như không được nghe giới thiệu về chị Thanh Trúc?

( Nhỏ nhẹ cười, chị tâm sự).Tốt nghiệp đại học quản trị thương mại, chuyên ngành kế toán năm 1992 tại Mỹ. Từng làm việc hơn 10 năm tại hãng phim Cinema Picture trong bộ phận sản xuất. Khi gia đình quyết định về Việt Nam (2004), do liên tục thực hiện thiên chức làm mẹ, nên anh Nghiêm đành phải chuyển qua gánh vác công việc nhà sản xuất phim của vợ. Hiện bé út đã cứng cáp, gia đình ổn định. Trúc được anh em hãng phim tín nhiệm trao lại vị trí Tổng giám đốc hãng Chánh Phương phim, để anh Nghiêm yên tâm, tập trung vào lĩnh vực sáng tác.

Vậy hơn 10 năm làm việc với hãng phim lớn của Mỹ, chị rút ra những kinh nghiệm gì trong quy trình sản xuất phim để có thể áp dụng và thực hiện ở Việt Nam?

Đó là một số vấn đề cơ bản như : Nghiên cứu thật kỹ yếu tố thị trường; Dự kiến rõ mọi khả năng khi thực hiện bộ phim; Đặt ra dự án khả thi cao nhất; Xác định rõ kinh phí, dàn diễn viên chính, đạo diễn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là yếu tố kịch bản ( một câu chuyện hấp dẫn, đúng với nhu cầu thị trường, mang tính thời sự, song song với yếu tố nhân bản…). Cuối cùng là đưa ra những khả năng rủi ro cho bộ phim. Song tất cả để đáp ứng được các yêu cầu trên, nhà sản xuất cùng êkíp sáng tác luôn cần có tâm huyết, trách nhiệm, say nghề , song song với vốn kiến thức chuyên ngành luôn được cập nhật, bổ sung, đáp ứng tốt cho dây chuyền sản xuất phim chuyên nghiệp cao.

Nếu nói về áp dụng kinh nghiệm sản xuất phim thì Dòng máu anh hùng là vạn sự khởi đầu quá thành công và thuận lợi cho gia đình họ Nguyễn. Vậy theo anh Nghiêm đây có là một áp lực lớn để hãng Chánh Phương phim tiếp tục duy trì thương hiệu và sản xuất những bộ phim tiếp theo?

Đúng vậy, từ Dòng máu anh hùng chúng tôi rút ra rất nhiều bài học trong quá trình làm phim tại Việt Nam. Thời gian đầu mới về nước làm phim ca nhạc, hài…Nghiêm nhận thấy rất nhiều điều ở quê hương mình thật đẹp về phong cảnh, thật lạ và cuốn hút qua các đặc thù về văn hóa, các lễ hội, tập tục truyền thống. Đặc biệt tính cách, cuộc sống của con người ViệtNam luôn là những nguồn đề tài phong phú hấp dẫn để hình thành một bộ phim. Song do bước đầu chưa có nhiều vốn sống, kinh nghiệm nhìn đất nước mình vốn qua những lát cắt, nên hãng phim đã xây dựng một số kịch bản sau hơi quá lãng mạn, thiếu hiện thực. Hoặc có những kịch bản thực quá trần trụi…Mọi vấn đề này sẽ dẫn tới nhiều yếu tố không thuận lợi trong dây chuyền sản xuất phim như : tác nghiệp phim, gu thưởng thức của khán giả trong và ngoài nước, kiểm duyệt và phát hành…

Đề cập tới vấn đề kịch bản, anh nghĩ sao khi Chánh Phương phim luôn chủ trương “tự may áo cho mình mặc”?

Năm qua dự án phim Lửa phật chưa thực hiện được vì kinh phí đầu tư phải rất lớn. Việc chênh giá vùt vụt đã là bước cản lớn khiến chúng tôi phải dời lợi ngày quay. Riêng phim 14 ngày đã quay xong, nhưng do một số trục trặc trong phần hậu kỳ nên cũng đành chờ một ngày “ hên” mới phát hành. Đây chính là những bài học cần rút kinh nghiệm tiếp theo để hãng tiếp tục hoạt động có hiệu quả hơn. Hiện chúng tôi có nhiều dự án kịch bản nhưng không phù hợp với thị trường Việt Nam, nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp nhằm vừa phải nhắm trúng thị trường Việt Nam vừa đảm bảo đáp ứng đủ thị trường quốc tế. Điều thuận lợi cho hãng là chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ tốt với một số đối tác phát hành ở nước ngoài. Qua Tết Kỷ Sửu hãng sẽ bấm máy bộ phim nhựa tâm lý xã hội đương đại ( kinh phí không quá cao). Đây là một kịch bản lạ, là kết quả của những ý tưởng mà Trí Nguyễn ngồi viết liên tục trong thời gian 10 ngày, khi anh bị kẹt ở Thái Lan vào những ngày cuối tháng 11 năm 2008 vừa qua.

Nếu Chánh Phương phim cứ luôn thực hiện mãi kịch bản của anh em trong nhà, chưa muốn thay đổi “ người may áo”, liệu có dẫn tới sự na ná, trùng lặp nhàm chán?

Mọi vấn đề đều có thể xảy ra, nhưng trước mắt để đáp ứng đúng sở trường, tiêu chí sản xuất của hãng, chúng tôi vẫn tiếp tục viết kịch bản. Song về chiến lược lâu dài hãng đã có kế hoạch tìm đến và bắt tay hợp tác với những nghệ sĩ (đạo diễn, biên kịch) cùng có chung những mẫu số cơ bản trong sáng tác và thực hiện phim.

Jimmy Nghiêm Phạm

Quay lại vai trò đạo diễn ( anh từng tốt nghiệp đại học điện ảnh khoa đạo diễn ở Nam Cali năm 1997 ), trước mắt đã có dự án nào khởi đầu mang lại nhiều khả quan?

Là chương trình hợp tác sản xuất phim sitcom với công ty Truyền thông Trí Việt. Đây là cái duyên từ lâu giữa tôi với chị Thủy, một người phụ nữ thông minh, năng động trong kinh doanh nhưng rất đam mê nghệ thuật. Bộ phim dài hơn 200 tập với đề tài gia đình, rất gần gũi chân thực trong cuộc sống của người Việt Nam và sẽ được phát sóng trên kênh HTV3. Hiện hãng phim đang nỗ lực tiến hành dựng cảnh, chọn diễn viên, chọn trang phục, tập diễn tại phim trường của hãng, dự kiến sẽ làm việc cho tới tận 28 Tết mới nghỉ để đón Xuân.

Anh có thể nói rõ quan điểm sáng tác của mình?

Cần tôn trọng khán giả để có bộ phim luôn đạt chất lượng cao về nội dung và hình ảnh. Trong sáng tác nếu không thích thì đừng bao giờ làm và chỉ làm khi mình có được niềm tin và sự hứng thú.

Xin chân thành cảm ơn và chúc một năm mới con Trâu Vàng- Cũng là năm tuổi của anh cùng gia đình, hãng phim thêm hạnh phúc và tiếp tục gặt hái nhiều thành công.

Hồng Liên