(TGĐA) - Hãy cùng Thế giới điện ảnh xem qua những bộ phim mà bạn nên xem cùng gia đình mùa Tết này, cùng những người thương yêu khóc và cười qua những thước phim cảm động của điện ảnh Hàn nhé!
Ode to my father (2014)
Trong trận di tản lịch sử vào năm 1950, khi hàng loạt người dân Hungnam (sau này thuộc Bắc Triều Tiên) được tàu quân sự Mỹ đưa xuống miền Nam, cậu bé Deok Soo đã để thất lạc đứa em gái Mak Soon của mình.
| |
Ode to my father |
Người bố vì muốn tìm con gái đã ở lại và bắt Deok Soo hứa rằng phải trở thành trụ cột gia đình thay cho bố và một ngày nào đó họ nhất định sẽ đoàn tụ tại Busan, nơi người cô của Deok Soo đang sinh sống. Deok Soo giữ lời hứa với bố, trở thành chủ gia đình và Ode to my father kể lại cuộc đời của người đàn ông rất đỗi bình thường này qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử Hàn Quốc. Chứng kiến sự chia cắt Nam - Bắc Triều Tiên trong những năm 1950, gia nhập lực lượng lao động hầm mỏ Hàn Quốc tại Đức trong những năm 1960 và tham gia chiến tranh Việt Nam trong những năm 1970, Deok Soo (Hwang Jung Min) vẫn giữ lời hứa với người cha của mình cho đến cuối cuộc đời.
|
Deok Soo là đại diện cho một thế hệ người Hàn Quốc từng sống với chiến tranh, trải qua sự chia cắt Nam - Bắc, kinh qua cái nghèo trong thời kỳ xây dựng đất nước, cuối cùng cũng được tận hưởng hòa bình và chứng kiến những thay đổi chóng mặt về kinh tế, xã hội của đất nước. Ode to my father chính là một bản anh hùng ca về những con người rất đỗi bình thường đó. Mặc dù vậy, sự bi tráng lịch sử của một cuộc đời, một đất nước không là lí do khiến Ode to my father trở thành phim ăn khách thứ nhì lịch sử điện ảnh Hàn Quốc. Chính những mảnh đời lấy cảm hứng từ những con người có thật với những mẩu chuyện ấm áp nhân văn mà họ kể lại đã khiến 14 triệu người Hàn kéo ra rạp để xem bộ phim. Đặc biệt hơn cả, Ode to my father không hề bị chính trị hóa như hàng loạt phim lịch sử Hàn Quốc khác. Đạo diễn Yoon Je Kyun nói rằng bộ phim chính là những gì ông muốn nói với người bố quá cố của mình. Và đúng theo ý đồ của ông, Ode to my father đơn thuần chỉ là một phim tình cảm gia đình mà cả ba thế hệ có thể cùng xem, suy ngẫm, để có thể hiểu nhau nhiều hơn. Bộ phim khiến khán giả cùng khóc cùng cười với những con người dung dị trong phim. Vô tình, đây cũng là một bộ phim phù hợp với khán giả Việt Nam, một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá cũng đang chứng kiến khoảng cách thế hệ ngày càng lớn. Xem Ode to my father cùng gia đình, những khán giả trẻ sẽ phần nào hiểu được thế hệ ông cha đã trải qua chiến tranh và cái nghèo như thế nào.
|
Salut d’amour (2015)
Cũng là một bộ phim mà những gia đình ba thế hệ có thể quây quần cùng xem trong những ngày Tết năm nay chính là Salut d’amour.
| |
Salut d’amour |
Sung Chil (Park Geun Hyung) là một ông lão 70 tuổi tính tình khó chịu sống một mình và làm việc bán thời gian tại một siêu thị gần nhà. Thế nhưng cuộc đời tẻ nhạt của ông một ngày kia thay đổi khi người hàng xóm mới của ông xuất hiện - cụ bà Geum Nim (Youn Yuh Jung) thân thiện và là chủ tiệm hoa cạnh nhà. Bị tình yêu sét đánh, ông lão vụng về trong chuyện hẹn hò quyết tâm phải “cưa đổ” cho bằng được bà Geum Nim nhờ sự giúp đỡ của quân sư tình yêu - chủ siêu thị nơi ông lão làm việc (Cho Jin Woong) và trong sự cổ vũ nhiệt liệt của cả khu phố.
|
Xoay quanh chuyện hẹn hò của một ông lão và một bà lão 70 tuổi, nghe qua tóm tắt thì đây có vẻ như là một bộ phim “ru ngủ” khán giả. Nhưng không, Salut d’amour sẽ thu hút chúng ta từ đầu đến cuối phim nhờ câu chuyện tình yêu U70 đáng yêu vượt qua sức tưởng tượng. Chúng ta sẽ khó mà nhịn cười với những màn “tán gái” ngô nghê của ông lão, những trò nghịch của những người dân trong khu phố khi muốn “tác hợp” cho cặp đôi. Cú “twist” nửa sau phim mà không ai ngờ đến chính là lí do mà bạn nên xem bộ phim này cùng với gia đình để trân trọng thứ tình cảm quý giá không gì sánh được này. Tưởng chừng là một phim hài, thế nhưng Salut d’amour sẽ lấy đi nước mắt của khán giả với thông điệp mà nó muốn gửi đến: Dù ký ức có phai mờ hay xóa sạch thì tình cảm gia đình sẽ mãi tồn tại.
|
Vào vai đôi tình nhân U70 chính là hai cây đại thụ của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc: Youn Yuh Jung và Park Geun Hyung. Nếu là fan của phim truyền hình Hàn Quốc, bạn sẽ nhận ra họ chính là ông bố, bà mẹ xuất hiện trong hàng chục phim truyền hình lớn nhỏ. Dàn diễn viên phụ trong phim cũng là những cái tên quen thuộc như Cho Jin Woong, Han Ji Min, Moon Ga Young và anh chàng Chanyeol của nhóm EXO.
Miracle in cell no. 7 (2013)
Lee Yong Go (Ryu Seung Ryong) là một người đàn ông trung niên nhưng có trí tuệ của một đứa bé sống cùng đứa con gái sáu tuổi Ye Seung (Kal So Won) trong một căn hộ xập xệ. Nghèo nhưng hai cha con cực kỳ hạnh phúc sống nương tựa vào nhau. Một ngày kia, Yong Go trở thành tình nghi số một của một vụ cưỡng hiếp và mưu sát trẻ vị thành niên mà thực chất chỉ là một vụ tai nạn. Thiểu năng trí tuệ, Yong Go không thể tự biện hộ cho mình, hàng loạt bằng chứng mà thực chất chỉ là sự trùng hợp oái ăm cũng như sự thiếu hiểu biết về người thiểu năng đã khiến Yong Go oan ức nhận lấy hình phạt tử hình.
| |
Miracle in cell no. 7 |
Vào tù trước khi chờ đợi kết tội, cuộc sống trong tù của người bố Yong Go không hề đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Ông được những người bạn tù trong phòng giam số 7 - những tên tội phạm khét tiếng nhất tại trại giam ấy giúp đỡ và che chở. Nỗi đau lớn nhất của ông là không thể hàng ngày gặp được đứa con gái Ye Seung của mình. Điều kỳ diệu đã xảy ra, những tù nhân trong trại giam số 7 và quản ngục đã lập ra kế hoạch giúp Yong Go và Ye Seung ngắm hoàng hôn trên quả khinh khí cầu vào một ngày trước khi Yong Go bị xử tử - cũng là sinh nhật của Ye Seung.
|
Sau khi Yong Go bị tử hình, quản ngục Min Hwan đã nhận nuôi Ye Seung. 20 năm sau, Ye Seung nay đã là luật sư (Park Shin Hye thủ vai) tìm mọi chứng cớ về vụ án năm xưa và giúp cha mình giải oan. Trong buổi xét xử lại của vụ án năm ấy, cuối cùng Yong Go cũng được tuyên án vô tội. Ye Seung trở về phòng giam số 7, nhớ về khoảnh khắc hạnh phúc cùng người bố ngắm hoàng hôn - món quà ấm áp của những người tù nhân.
|
Miracle in cell no. 7 đưa người xem qua những cung bậc cảm xúc khác nhau. Sau những trận cười sảng khoái với những trò oái oăm “khó đỡ” của những người tù nhân thì chúng ta không khỏi rơi nước mắt trước những cảnh quay đầy cảm động giữa hai bố con Yong Go và Ye Seung. Bộ phim mang lại hi vọng về kỳ tích thực sự tồn tại và nó được tạo ra bởi chính những con người xung quanh chúng ta, ngay cả khi họ đã từng phạm lỗi lầm. Phim đã không chọn một kết thúc có hậu cho Yong Go, nhắc nhở khán giả rằng đây không phải là một câu chuyện cổ tích. Ngược lại, chính khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi mà Ye Seung được ở bên cạnh bố mình trước khi ông chết chính là điều kỳ diệu nhất mà bộ phim muốn mang lại cho khán giả: Chỉ cần bạn trân trọng từng khoảnh khắc bên cạnh người mình yêu thương, thế là đủ.
An Trần