Sống:

Chê vùi dập và khen bốc giời

(TGĐA) - Tôi có cô bạn sống ở Slovakia 12 năm trời, sau này về nước trong một câu chuyện, cô nói rằng: “Tây họ không hay chê giống mình đâu nhé. Lúc nào cũng khen”. Rồi tôi lại có cô bạn đại học lấy anh chồng Đức, trong một lần tâm sự cũng nói như thế và cô bức xúc rằng, bình thường giao tiếp họ tế nhị thế cũng thích, nhưng sống với nhau cùng một nhà mà cứ tế nhị quá cũng khó chịu, đến độ lắm lúc cô phải bảo chồng rằng: “Có gì không hài lòng anh cứ nói thẳng ra đi, đừng có im lặng như thế”. Nghĩa là có điều gì hài lòng thì anh chồng khen ngợi, có điều không hài lòng anh ta giữ im lặng, khiến cô không biết đằng nào mà lần. Nhiều bận nghe kể như thế đâm ra tôi hay để ý “người Tây” và “người ta”, mới thấy rằng đúng thật. Người phương Tây nhìn thấy một người mặc cái áo xấu, thay vì chê “Cái áo xấu thực”, anh ta sẽ nói rất vòng vo “Màu áo rất hợp với bạn, cái cổ áo cũng đẹp nữa nhưng giá như kiểu cách tổng thể….”.

che vui dap va khen boc gioi Không quan tâm?
che vui dap va khen boc gioi Cảm xúc của đàn ông
che vui dap va khen boc gioi Bài học về tự do, tôn trọng…
che vui dap va khen boc gioi

Dường như người Việt hay người nhiều nước châu Á khác có “văn hóa chê”, nhiều lúc đến độ thô lỗ. Chê có hai loại: Chê trước mặt và chê sau lưng. Về cái sự chê sau lưng thì dường như rất ít người Việt tránh được tật này. Chê sau lưng trong một đám túm năm tụm ba dù là quý ông hay quý bà, dù là người già hay các cháu tuổi teen, dù là nông dân hay thượng lưu trí thức, dù là các nhà khoa học hay giới nghệ đều được coi là một chủ đề hấp dẫn dù không ai “cố ý”. Xin miễn cho tôi không phải nhắc đến những chủ đề chê mà ai cũng biết ấy. Trước nay chê sau lưng được coi là một tính xấu mà cho dù có “vô tình” phạm phải người ta vẫn nhận thức được là mình không trong sạch. Tuy nhiên, chê trước mặt bấy lâu lại được nhiều người coi là một thứ thẳng thắn, minh bạch, dũng cảm, bản lĩnh, không luồn cúi. Đôi khi người ta không nhận thức được tác hại của một lời chê và hậu quả của nó để lại những gì.

Có lần, tôi đọc được entry của một blogger người Sài Gòn. Cô rất bức xúc vì sau cuộc hẹn gặp buổi sáng với một người bạn trai cũ, mà nay coi như bạn bè, cô đã thất vọng vì ngay lúc vừa mới gặp, cậu ta đã hét lên mừng rỡ “Trời, sao dạo này em béo thế”. Cả quán cà phê đông đúc quay lại nhìn cô gái, và cậu chàng thì mỉm cười khoái trá (hay ít ra là cô cảm thấy thế). Rút cục, cô kết luận trong cái entry đầy ấm ức: “Tôi cảm thấy cả quán cà phê đều biết sự thật về cái thân hình quá khổ của tôi còn tôi thì cứ ngồi đấy chịu trận với một gã dở hơi to mồm”. Tác hại của một lời chê vui miệng đôi khi rất khó lường. Nhiều người trẻ mới bước vào nghề, chỉ vì một lời chê thẳng thừng của các bậc “bề trên” mà họ mặc cảm, tự ti đến không dám thể hiện mình nữa.

che vui dap va khen boc gioi

Ấy là nói chuyện “dân thường”, chuyện khen chê vui miệng không ác ý, song nhiều người ở những cương vị mà một lời khen chê của họ có tác động to lớn đến đối tượng, có tác dụng định hướng cho công chúng, lại trong một buổi lễ long trọng, vậy mà cũng không kìm chế được những câu “lỡ miệng” rất kỳ quặc. Trong một cuộc thi giọng hát hay được phát trên truyền hình, có một số người nổi tiếng được mời đến dự và đưa ra lời bình luận. Tôi còn nhớ sau màn trình diễn của một thí sinh, một nhà thơ nữ rất tên tuổi đã bình luận trước hàng triệu khán giả truyền hình một câu thế này: “Khi nghe cậu ấy hát, tôi chỉ muốn bài hát kết thúc sớm để tôi không phải nghe thêm nữa”. Nhiều chương trình thi giọng hát hay phát sóng trực tiếp trên truyền hình, các thành viên ban giám khảo là những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng cũng có thái độ kỳ cục không kém đối với các thí sinh. Để nói về sự khen chê có văn hóa, có lẽ nhận định rõ nhất là trong một chương trình thi bước nhảy đẹp của các ca sĩ hải ngoại, thành viên ban giám khảo là ba ca sĩ hải ngoại rất nổi tiếng và một đạo diễn múa người Mỹ. Khi xem tường thuật buổi trình diễn, nhiều phen khán giả phải đứng tim vì những câu bình luận gây cười của các thành viên BGK người Việt “Đẹp trai lắm, nhưng em nhảy chachacha hay đang làm cái gì vậy?” hoặc “Nếu phải cho điểm thì tôi sẽ cho điểm bạn nhảy của em nhiều hơn”.

Thậm chí với một thí sinh là nữ ca sĩ tài danh U60, thành viên BGK lại chính là bạn thân của bà cũng chê thẳng thừng trước vài trăm khán giả trực tiếp và hàng triệu khán giả gián tiếp “T rất giỏi thế thao nên những động tác khiêu vũ của bà cũng rất… thể thao” và “Được lắm, váy đẹp và… biết nhảy tango”. Tuy nhiên, vị nữ giám khảo người Mỹ thì lại có những lời bình luận thế này “Đúng là một nghệ sĩ hoàn hảo với màn dàn dựng đầy bí ẩn. Song tôi muốn được nhìn thấy nhiều hơn những động tác hông”. Hoặc với một nam ca sĩ khác sau màn trình diễn tango Argentina “Anh thực sự là một người tình châu Mỹ Latinh. Hai bên nhảy rất chính xác từ vóc dáng đến nhịp điệu. Nhưng giá như có thêm sự lãng mạn giữa hai người”. Có lẽ, chỉ cần so sánh những lời bình luận cũng có thể dễ dàng nhận định được một khác biệt về văn hóa. Cũng là một lời chê, chê động tác hông kém, chê sự trình diễn cứng quá, nhưng lời bình luận khiến người nghe dễ chịu và thể hiện rõ một không khí văn minh, lịch sự. Đôi khi, chúng ta chê nhau nhiều quá, chê một cách “phũ miệng” nên thấy đó là chuyện bình thường, ai không chê mới là lạ, mới là thứ “không có quan điểm rõ ràng”, “ba phải”, “mũ ni che tai”, “hèn nhát không muốn làm mếch lòng ai”. Những người nổi tiếng công khai chê nhau trên báo chưa đủ còn lên các diễn đàn để đả kích nhau. Nhiều bài báo mà tác giả của nó chê bai nhiệt tình một đối tượng, khi kết bài độc giả không hiểu nhà báo đưa ra thông điệp gì mang tính đóng góp, xây dựng, có gợi ý giải pháp nào không hay chỉ chê cho “sướng cái miệng”.

che vui dap va khen boc gioi
Chúng ta chê nhau tán loạn, đôi khi có mục đích và đôi khi không có mục đích, chỉ để cho vui, chỉ để kiếm chuyện làm quà. Nhiều khi, chê đơn giản chỉ là một biện pháp để tôn vinh bản thân mình, để hạ bệ đối phương, chê người này để làm phương tiện tôn vinh người khác, thậm chí còn là biện pháp để giấu đi sự thất bại, mặc cảm, tự ti của chính mình.

Trái ngược với những lời chê lắm khi khiến chủ thể “phát sốt phát rét” thì có nhiều lời khen lại đâm làm người khác phải “tẩu hỏa nhập ma”. Có những người được khen nhiều quá (mà ở vị trí của anh ta/cô ta không có cơ hội được nghe lời phê bình chân thật) khiến họ đâm ra tưởng thật và lâu ngày hóa thành ảo tưởng rồi làm những điều hết sức lố bịch. Những người hiểu biết và tỉnh táo gặp những lời khen bốc giời kiểu này thì lắm khi phát ngượng. Tôi từng đọc một câu bình luận trên báo về một nam diễn viên ở miền Bắc thế này “Anh có nụ cười quyến rũ giống hệt nam diễn viên Tom Cruise”, hoặc về một nữ diễn viên khác “Cô có đôi mắt mơ màng của Liz Taylor, chỉ có điều mắt Liz thì màu tím còn mắt cô màu đen”. Chẳng hiểu khổ chủ nghĩ thế nào chứ người đọc thì phát lộn ruột vì ai chẳng biết rõ chàng trai bom tấn Tom Cruise và người đẹp từng thủ vai nữ hoàng Cleopatra, mà tờ báo lại minh họa lù lù khuôn mặt chàng và nàng diễn viên của ta.

che vui dap va khen boc gioi

Bình luận và phê bình rõ ràng là cần thiết, không chỉ trong giới chuyên môn trên mọi lĩnh vực mà còn cần thiết cả trong đời sống hàng ngày. Nhưng phê bình, góp ý mang tính xây dựng trái ngược với việc khen, chê tùy tiện. Để buông ra một lời khen, chê, không đơn giản người có mồm miệng lưu loát là được, mà còn cần đến cả một phông văn hóa và kiến thức rộng lớn về chân, thiện, mỹ. Có phông văn hóa rồi anh còn phải cần đến một sự tế nhị để hiểu lúc nào nên buột ra lời khen chê, và khen chê thế nào cho có thẩm mỹ. Còn nếu không có những điều đó, tốt nhất ta nên im lặng, và sự im lặng lúc này mới thực là vàng.

Di Li