Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: "Các dự án hợp tác luôn ẩn chứa những khó khăn"

(TGĐA) - Tuổi thanh xuân là dự án phim truyền hình hợp tác giữa Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Tập đoàn truyền thông lớn của Hàn Quốc là CJ E&M. Đây cũng là dự án phim truyền hình đầu tiên giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc, mở ra những cơ hội có thể đưa phim truyền hình Việt Nam tiến vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên cơ hội này cũng tạo ra không ít khó khăn và thách thức đối với các nhà làm phim truyền hình Việt Nam. Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải đã có đôi điều chia sẻ với Thế giới điện ảnh xung quanh dự án này…

Gim_c_Trung_tm_sn_xut_phim_truyn_hnh_Vit_Nam__Thanh_Hi

Anh cũng như lãnh đạo nhà đài đã nhìn thấy triển vọng gì trong việc hợp tác làm phim với nước ngoài mà cụ thể lần này là với Hàn Quốc trong dự án phim truyền hình Tuổi thanh xuân?

Việc hợp tác với các Đài truyền hình nước ngoài để sản xuất phim truyền hình chất lượng cao là một hướng đi trong chiến lược phát triển của VTV, nhằm đem lại cho khán giá những chương trình truyền hình chất lượng. Đặc biệt, đó cũng là cam kết của Lãnh đạo Đài THVN và của Trung tâm sản xuất phim – VFC để nâng cao chất lượng phim Việt nam, tiến tới việc xây dựng một công nghệ sản xuất phim truyền hình Việt nam đạt trình độ chuyên nghiệp

Trước đó, việc hợp tác với Nhật Bản trong bộ phim Người cộng sự đã mang đến cho nhà đài những cơ hội như thế nào?

Khi tự sản xuất thì chúng ta có 2 quan điểm: Một là kinh phí đầu tư thấp nên chất lượng hạn chế, muốn phim hay hơn phải có đủ kinh phí. Hai là, nếu có chi phí cao, liệu đội ngũ nhân sự làm phim của chúng ta có đủ khả năng để thiết lập một quy trình sản xuất chuyên nghiệp? Hiện nay, chúng ta cũng chưa có cơ sở đào tạo làm phim chuyên nghiệp, hầu hết mới dừng ở việc cung cấp kỹ năng làm nghề cơ bản. Vì vậy, quá trình làm phim hợp tác là giai đoạn cọ sát và nhận thức rất rõ những mặt được và chưa được của việc sản xuất phim truyền hình Việt nam. Trong rất nhiều kết quả đạt được từ dự án hợp tác với Đài TH Nhật Bản TBS, cơ hội làm nghề chuyên nghiệp cho tất cả các thành phần làm phim Việt nam là một trong những kết quả rất đáng kể.

Những kinh nghiệm mà các nhà làm phim truyền hình Việt Nam rút ra sau dự án Người cộng sự?

Có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng cái lớn nhất là biết sức mình đến đâu và cần phải điều chỉnh và bổ sung những gì cần thiết để tạo ra một quy trình sản xuất hợp lý và đem lại hiệu quả cao.

Vốn đầu tư giữa hai bên Việt Nam và Hàn Quốc trong dự án Tuổi thanh xuân cụ thể thế nào, thưa anh?

Đây là điều khoản quy định không tiết lộ trong hợp tác giữa VTV và CJ&M nên tôi sẽ không đề cập vấn đề này.

Poster_phim_Tui_thanh_xun

Và thực lực của các nhà làm phim Việt Nam so với đồng nghiệp Hàn Quốc?

Tại Hàn quốc, công nghệ sản xuất phim truyền hình đã đạt trình độ nhất định trong khu vực châu Á, thậm chí nhiều phim đã được các Đài TH châu Âu và Mỹ mua bản quyền phát sóng. Nhưng không phải tất cả các phim đều có chất lượng cao như vậy. Có nhiều thể loại phim và phù hợp các mục tiêu của nhà sản xuất nên có sự khác biệt về kinh phí, trình độ, nhân lực tham gia các dự án phim. Nếu so sánh với những dự án có đầu tư lớn và có đội ngũ sản xuất phim chuyên nghiệp của Hàn quốc thì chúng ta còn có một khoảng cách khá xa.

Trước đây chúng ta đã từng có những bộ phim hợp tác quốc tế làm phim nhưng ở những dự án ấy, hầu như đạo diễn Việt Nam chỉ đứng tên hình thức, cơ bản do đạo diễn nước ngoài làm. Điều này phải chăng do họ chi nhiều tiền nên có quyền chi phối nhiều hơn?

Tôi không biết rõ các dự án đó hợp tác theo cách thức nào nên không thể đưa ra đánh giá. Nhưng quan điểm của tôi, việc mở rộng quan hệ, liên kết sản xuất luôn đem lại nhiều yếu tố tích cực, ít nhất là cách làm việc, sản xuất sẽ khác với thói quen thông thường mà chúng ta vẫn đang làm.

Anh có thể chia sẻ về những chuyến khảo sát của các nhà làm phim Việt Nam trước khi quyết định lựa chọn nội dung kịch bản?

Đây là dự án phim dài tập nên để lựa chọn một câu chuyện đủ sức hấp dẫn và có điều kiện “ khoe ” bản sắc riêng của mỗi nước, phù hợp thị hiếu khán giả chung là bài toán khó. Vì vậy chúng tôi đã rất cẩn trọng để lựa chọn đề tài và các vấn đề khai thác cho câu chuyện phim. Tất nhiên, câu chuyện hấp dẫn sẽ có đủ cả yếu tố tình cảm, tâm lý với nhiều tình huống éo le, những va chạm khi các nhân vật khác biệt văn hóa. Do đó, diễn viên cũng như bối cảnh sẽ gồm cả 2 yếu tố của Việt nam và Hàn quốc. Chúng tôi lựa chọn câu chuyện về những người trẻ mới bước vào đời là vì thế. Họ có ước mơ, tình yêu mạnh mẽ nhưng cùng vẫn còn bé nhỏ, vụng về nên luôn cần sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ, người thân.

Và những thuận lợi và khó khăn của các nhà làm phim Việt khi bắt tay thực hiện dự án này?

Các dự án hợp tác luôn ẩn chứa những khó khăn. Và yếu tố đầu tiên là do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa và quan điểm, xu hướng sáng tác, thị hiếu khán giả… Nhưng nếu có chung một mục tiêu là cùng làm phim hay, hấp dẫn thì mọi khó khăn sẽ có cách để tháo gỡ.

Chúng ta đã phải đáp ứng những yêu cầu nào trong việc tiến vào thị trường thế giới, cụ thể là những tiêu chí về kỹ thuật, trình độ chuyên môn con người (đạo diễn, diễn viên…)?

Việc đầu tiên là chất lượng hình ảnh và âm thanh. Dù có thể phim hay hoặc chưa hay, phù hợp thị hiếu hay không thì khi xem xét các phim để mua bản quyền, chất lượng kỹ thuật luôn phải đòi hỏi đạt chuẩn. Cá nhân tôi đánh giá, năng lực làm phim của chúng ta còn hạn chế vì ít có điều kiện tốt làm nghề, bù lại đội ngũ làm phim của chúng ta khá thông minh và luôn ý thức phải sáng tạo, học hỏi. Một điểm nữa là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để làm việc nhóm và phối hợp sản xuất đồng bộ, một người vẫn quen ôm đồm nhiều việc để làm.

Việc đào tạo nhân sự được nhà đài chú trọng đầu tư như thế nào trước khi bắt tay vào dự án hợp tác này?

Nhân lực làm phim của VFC hiện nay rất tốt, nhiều ê kíp trẻ có đào tạo bài bản và đã trải qua kinh nghiệm thực tế, đã từng được cọ sát với nhiều dự án làm việc ở nước ngoài nên họ không quá lạ lẫm. Mỗi dự án hợp tác với một đội ngũ nước ngoài cũng khác nhau nên họ luôn cần một khoảng thời gian ban đầu để thăm dò và làm quen, sau đó vào việc rất nhanh.

Tiêu chí tuyển chọn diễn viên trong dự án này đã được đặt ra như thế nào?

Tiêu chí chọn diễn viên giống mọi phim khác thôi, đó là hợp vai, đúng nhân vật cần khắc họa. Không chỉ diễn viên mà mọi thành phần tham gia làm phim hợp tác đều có điều kiện thuận lợi hơn với các phim bình thường, đó cũng là điều dễ hiểu.

Kịch bản phim cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá trị bộ phim. Kịch bản của những bộ phim hợp tác với nước ngoài kiểu như Tuổi thanh xuân đã được xây dựng trên cơ sở nào?

Như đã nói ở trên, trước hết kịch bản phải đáp ứng mục tiêu cụ thể của nhà sản xuất và tiêu chí chung là tạo ra một bộ phim hấp dẫn khán giả Việt nam và có thể phát sóng ở nhiều quốc gia trong khu vực. Do đó, câu chuyện kịch bản vừa có yếu tố đời sống riêng của Việt nam, vừa có vấn đề chung dễ đồng cảm và gần gũi với nhiều quốc gia.

Anh cho biết quá trình hình thành và xây dựng kịch bản của Tuổi thanh xuân đã diễn ra như thế nào?

Chúng tôi bắt đầu triển khai họp ý tưởng xây dựng kịch bản từ tháng 11 năm 2013 và đến tháng 4/2014 thì hoàn thành câu chuyện và các nội dung từng tập. Tiếp theo là quá trình viết chi tiết và đội ngũ kịch bản của cả Việt nam và Hàn quốc đều phải lần lượt đi thực tế, khảo sát bối cảnh, gặp gỡ các hình mẫu… Nói chung, quá trình làm kịch bản mất nhiều thời gian vì 2 nhóm biên kịch phải đi lại sang Việt nam, Hàn quốc nhiều lần để trao đổi trực tiếp.

Những bước tiếp theo của nhà đài trong chiến lược tham gia thị trường phim quốc tế sau Tuổi thanh xuân?

Hy vọng sẽ tiếp tục có những dự án hợp tác để vừa có những bộ phim chất lượng hơn cho khán giả, vừa giúp nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm làm việc với đội ngũ làm phim của VFC.

Một vài chia sẻ của anh về kế hoạch của nhà đài trong việc bán phim Việt Nam ra nước ngoài?

Chúng tôi đang tiến hành đồng bộ và chỉ khi nào giải quyết được các yêu cầu kỹ thuật chuẩn thì các bộ phim đó mới có cơ hội được bán rộng rãi trên thị trường nước ngoài.

Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

PHƯƠNG HÀ

Nội dung:

Tuổi thanh xuân có nội dung xoay quanh những người trẻ với những trải nghiệm chỉ có ở một thời điểm trong đời, những trải nghiệm không quay đầu và không hối tiếc. Những chàng trai, cô gái trong phim đều còn rất trẻ, trước mắt họ là ngưỡng cửa cuộc sống với vô vàn lựa chọn, đầy ắp đam mê và mơ ước. Họ đã đi qua những tháng năm đầy ý nghĩa ở Seoul, trải nghiệm đủ những vui buồn, đủ thất bại và thành công, đủ những biến cố của tình bạn, tình yêu, và tình người… để rồi trở thành những người dám ước mơ, dám khát vọng. Quan trọng hơn cả, họ đủ trưởng thành để nhận ra một điều giản dị: Cho dù có đi đâu, thành công đến mức nào thì quê hương, đất nước luôn là nơi mỗi con người ta hướng tới, là điểm dừng chân mang lại sự bình yên và hạnh phúc.