Đào, Phở và Piano - Nỗ lực đổi mới của dòng phim nhà nước
Đào, Phở và Piano - bộ phim khắc họa một Hà Nội oanh liệt cách đây gần 80 năm của đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn, cho thấy nỗ lực đổi mới của dòng phim nhà nước tưởng chừng vẫn kém thu hút khán giả.
Bối cảnh đầu tư hoành tráng
Đào, Phở và Piano - bộ phim do Cục Điện ảnh và Công ty cổ phần phim truyện I đầu tư và sản xuất, đạo diễn bởi NSƯT Phi Tiến Sơn từng gây xôn xao dư luận một thời gian dài, khi dựng bối cảnh là một khu phố cổ dài gần 100 m, tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên, để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947.
Để tái hiện nguyên mẫu của những ngôi nhà Hà Nội thời xưa, ê-kíp bộ phim đã không ngần ngại cống hiến miệt mài trong vòng 3 tháng trời, phục dựng những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện – mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ thủ đô những năm oanh liệt ấy. Nỗ lực này đã khiến Đào, Phở và Piano nhận về rất nhiều sự tán dương cũng như chờ mong bộ phim sớm được ra rạp để công chúng và nhất là những bạn trẻ sinh ra thời nay, biết về một Hà Nội xưa cũ tao nhã, thanh cao nhưng cũng rất kiên cường chống chọi với mưa bom bão đạn của thực dân Pháp.
Bối cảnh gần như là "mỹ mãn", phần còn lại đặt trọng trách lên vai của đạo diễn Phi Tiến Sơn, khi phải triển khai một câu chuyện có nhịp độ hấp dẫn và sâu sắc. Ông từng chia sẻ rằng, bộ phim có tuyến nhân vật khá dày, đó là người lính Vệ quốc quân, một cô tiểu thư Hà Nội, một ông họa sĩ già, một ông bán phở, có một ông Tây học nhà giàu, vị linh mục với tấm lòng bao dung... qua câu chuyện chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ. Có những người rời đi, nhưng cũng có những người chọn ở lại thành phố, hết lòng, hết sức bảo vệ tình yêu với Hà Nội mặc dù biết rằng điều đó có thể phải trả giá bằng cái chết.
Bối cảnh đầu tư hoành tráng |
Hà Nội xưa cũ với nhiều sắc thái
Cuối tuần qua, ê-kíp Đào, Phở và Piano cũng đã có buổi chiếu ra mắt tại Hà Nội. Hầu hết những khán giả tới xem phim từ nhiều lứa tuổi đều ấn tượng với một Hà Nội xưa cũ có nhiều sắc thái khác nhau.
Mở đầu phim là trận đánh giáp lá cà có giữa quân dân Hà Nội và thực dân Pháp với nhịp độ nhanh, dồn đập, cùng những góc máy phải nói khá đa dạng, lột tả sự khốc liệt, đẫm máu cũng như tinh thần quyết tử của những người Vệ quốc quân. Hình ảnh người chiến sĩ cầm bom ba càng - lao mình vào xe tăng kẻ địch mà chúng ta chỉ được thấy ở tranh ảnh, nay đã được đạo diễn Phi Tiến Sơn thể hiện chân thực trên phim. Bởi bom ba càng là vũ khí thô sơ, muốn tiêu diệt được kẻ địch phải xuất kích bất ngờ và nhận được yểm trợ của lực lượng bộ binh. Ê-kíp có lẽ đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử và cố gắng đảm bảo sát với thực tế.
Bên cạnh đó, cũng có một Hà Nội xưa hiện lên trong ký ức của cô tiểu thư Thục Hương (Cao Thùy Linh) với thú ngắm hoa thưởng trà, nghe đàn piano của giới thượng lưu, nhưng cũng có thể chỉ là khung cảnh ngày Tết ấm áp, cụ già ngồi đánh cờ, trẻ con nô đùa chờ được người lớn mừng tuổi trong hồi tưởng của chú bé đánh giày. Hai mảng ký ức giữa quá khứ tươi đẹp và hiện tại khốc liệt đan xen vào nhau, tạo nên cảm xúc bồi hồi, đau đáu.
Sẽ có những tình tiết khiến cho khán giả ngày nay chưa chắc đã hiểu, điển hình như việc tại sao các anh Vệ quốc quân lại cố gắng gìn giữ chiếc đàn piano của Thục Hương như vậy, hay nhân vật Dân (Doãn Quốc Đam) trên đường mang cành đào về với đơn vị, lại phải nhặt từng cánh hoa bị rơi rụng. Cũng bởi chiến tranh tàn khốc quá, phá nát đi cái tinh túy, cái đẹp của thủ đô, để lại cho mảnh đất nghìn năm văn hiến khắp nơi chỉ là những đống đổ nát của máu và nước mắt. Thế nên dù chỉ có một chút gì đó là tinh hoa, cũng xứng đáng nhận được bảo vệ.
Hình ảnh đàn piano là một trong những biểu tượng chính của bộ phim |
Tuyến nhân vật đa dạng và những điểm đáng tiếc
Như đã kể trên, đạo diễn Phi Tiến Sơn cố gắng làm nổi bật tinh thần bất khuất, dốc hết sức bảo vệ thủ đô của bất cứ tầng lớp nào, nên mỗi nhân vật khiến cho khán giả có những xúc cảm riêng biệt. Hai diễn viên chính Cao Thị Thùy Linh và Doãn Quốc Đam đối nghịch về tạo hình, một cô tiểu thư từ dáng vẻ tới khuôn mặt đều toát ra khí khái của người con gái thượng lưu, lại đem lòng yêu anh Vệ quốc quân cục mịch, lấm lem khỏi lửa. Thật khó để giải thích nguyên do từ đâu, nhưng có lẽ tình yêu nồng nhiệt với Hà Nội là thứ đã kết nối họ, cũng như tất cả những nhân vật trong phim để cùng nhau ở lại tới giờ phút sinh tử cuối cùng.
Ông họa sĩ do NSƯT Trần Lực thủ vai, làm người ta nhớ đến hình bóng của những danh họa như như Bùi Xuân Phái, Linh Chí với cái tâm bình an, luôn níu giữ một cái nhìn trong sáng, lạc quan để cho ra những tác phẩm được vẽ trong kháng chiến gian khổ và ác liệt. Vợ chồng ông hàng phở - vai diễn được đảm nhiệm bởi bộ đôi Tuấn Anh và Nguyệt Hằng lại cho người xem hiểu rằng, để cho ra một bát phở với thứ nước cốt tinh túy nhất và đầy đủ gia vị đặc trưng, quả thực chẳng hề dễ dàng và mất công đợi chờ ra sao.
Nhân vật ông họa sĩ của NSƯT Trần Lực |
Vợ chồng nhà bán phở của Anh Tuấn và Nguyệt Hằng |
Chỉ tiếc rằng, do tuyến nhân vật dày nên một số tình tiết được sắp xếp, chuyển cảnh chưa mượt mà, đôi khi còn hơi lộn xộn. Nhân vật ông Tây học nhà giàu do ca sĩ Tuấn Hưng thủ vai, đáng tiếc lại chưa khiến khán giả cảm nhận được sâu sắc tinh thần yêu nước của tầng lớp tri thức tân tiến. Ban đầu, khi chứng kiến cuộc chiến của quân dân Hà Nội với thực dân Pháp hùng mạnh, có vũ khí tối tân, ông Tây đó đã đưa ra kết luận "chúng ta sẽ khó thể giành chiến thắng" nhưng sự thay đổi suy nghĩ lại chưa được làm rõ và có phần gượng ép, không thuyết phục. Hay nhân vật cha sứ khiến NSND Trung Hiếu chưa phô bày được diễn xuất kinh nghiệm lâu năm, giá như thêm một chút góc nhìn về tôn giáo qua nhân vật này, có lẽ sẽ để lại nhiều ấn tượng.
Tuấn Hưng và NSND Trung Hiếu góp mặt trong dàn diễn viên |
Nhưng dù thế nào, Đào, Phở và Piano cũng đã cố gắng xóa đi những suy nghĩ điện ảnh nhà nước khô khan, đậm tính giáo điều và thoại chỉ có hô khẩu hiệu. Dù có những điểm trừ nhưng xem phim, chúng ta cảm nhận được sự mềm mại trong khốc liệt, sự hài hước lấn át nỗi sợ và quan trọng là một bức tranh tổng hòa của con người thủ đô bên cạnh phong thái đặc trưng, còn tình yêu thương, sự quật cường nhất quyết không đầu hàng thực dân Pháp. Mong rằng Đào, Phở và Piano sẽ có dịp trình chiếu rộng rãi tới công chúng.
Bài viết: Vũ Anh Ảnh: NSX |