Điện ảnh Việt Nam - 60 năm nhìn lại

(TGĐA) - 60 năm là một khoảng thời gian tương đối dài đối với đời người. Đã có biết bao thay đổi trong ngôi nhà điện ảnh Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại cũng như có không ít những “cây đa”, “cây đề” cả một đời dâng trọn trái tim mình cho điện ảnh đã về cõi vĩnh hằng. Hôm nay, những người còn lại, cùng với lớp kế cận, sẽ tiếp tục truyền thống và tình yêu thiêng liêng đó với nghệ thuật thứ bảy, để điện ảnh Việt Nam tiến về phía trước. Câu chuyện 60 năm có thể chưa được kể hết trong những lời chia sẻ này và chắc chắn sẽ còn thiếu rất nhiều những gương mặt thân quen trong ngày sinh nhật Điện ảnh lần thứ 60. Dẫu biết là chưa thật đầy đủ, nhưng Thế giới điện ảnh hy vọng cụm bài viết và những tấm hình tư liệu quý giá dưới đây sẽ là món quà mà độc giả tạp chí yêu thích!

NSND_BuiDinhHac_hom_nay

NSND Bùi Đình Hạc – Nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam

Tôi vào công tác trong ngành điện ảnh, khu ATK (an toàn khu Việt Bắc) khi ngành điện ảnh mới thành lập nên lúc đó chỉ có khoảng 50- 60 người làm việc trên các đồi cọ nằm trong rừng đại ngàn. Tôi vẫn nhớ rõ không thể nào quên những đêm đông rét buốt anh chị em chúng tôi ở trong những lán tre, nhóm ánh lửa bập bùng hướng về Hà Nội, mong ước ngày trở về. Từ đó thế hệ điện ảnh đầu tiên chúng tôi đã gắn bó cuộc đời mình với điện ảnh. Anh chị em đã làm việc hết mình, say mê với những tìm tòi khát vọng tìm kiếm cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống của nhân dân để đưa lên màn ảnh. Chính vì thế chỉ mới 6 năm sau khi chủ tịch ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh năm 1953, năm 1959 ngành điện ảnh Việt Nam đã giành được huy chương Vàng trong LHP Quốc tế Mát-xcơ-va cho phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải và cùng năm đó bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông ra đời, mang theo tâm nguyện thống nhất đất nước của người dân Việt Nam. Cũng một năm sau đó bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo ra mắt khán giả. Đây là thời kỳ phát triển mạnh, phát triển nhanh và hiệu quả của nền điện ảnh Việt Nam. Trải qua 30 năm chiến tranh, đó là những năm điện ảnh Việt Nam rất được khán giả trân trọng và tạo ra một sức mạnh trong cuộc sống của nhân dân khi phải đương đầu với những hoàn cảnh gay go ác liệt nhất. Thời kỳ này những tác phẩm của điện ảnh Việt Nam không chỉ là tác phẩm của chuyên ngành nghệ thuật mà còn là tiếng nói của nhân dân. Các thế hệ nghệ sỹ của điện ảnh Việt Nam với các tác phẩm của mình đã tạo dựng được một nền điện ảnh Việt Nam, một gương mặt Việt Nam được tin yêu trong lòng bạn bè thế giới. Đã có những phim điện ảnh, phim tài liệu có chất lượng trên trường quốc tế.

Cảm xúc tôi nhớ nhất trong sự nghiệp điện ảnh của mình là khi phim Nước về Bắc Hưng Hải được giải. Lúc bấy giờ anh em đến báo tin, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chỉ có phim đi dự giải thôi, chứ không phải như bây giờ người làm phim cũng đi, tôi còn chưa tin vì vừa mới vào ngành điện ảnh không lâu. Mọi người nói rằng đây không phải giải thưởng đầu tiên cho điện ảnh mà cho cả ngành nghệ thuật Việt Nam, anh em đồng nghiệp cùng bế rồi tung tôi lên cao tôi mới tin là sự thật.

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang gặp những khó khăn trong việc phát triển, khó khăn thì cần phải tháo gỡ. Phải có cơ chế tạo ra những điều kiện sản xuất thỏa đáng, kích thích sự sáng tạo của các nhà làm phim, cần hướng tới tính chuyên nghiệp và luôn luôn đào tạo ra những tài năng trẻ để có những phim hay, những tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật cao.

NSND Huy Thành: Điện ảnh thời bao cấp từng sinh ra mô hình Xã hội hóa đích thực

Dao_dien_Huy_Thanh_hien_nay

Trong dịp trước Tết Quý Tỵ vừa qua, Ban bí thư đã mời một số văn nghệ sĩ tiêu biểu ra họp mặt đầu xuân. NSND Huy Thành đã thẳng thắn đề cập tới một trong 6 kiến nghị chung của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về việc “kêu cứu” với Nhà nước phải có ngay chiến lược đầu tư cơ bản lâu dài, chuẩn mực, không “vá víu”cho hai lĩnh vực Điện ảnh và Sân khấu. Đặc biệt là vấn đề phổ biến phim. Nhà nước phải cung cấp kinh phí gấp để xây dựng ở mỗi tỉnh thành trên phạm vi cả nước là một rạp chiếu màn ảnh rộng, cũng như rất cần thiết việc đầu tư kinh phí cho vấn đề tuyên truyền, quảng bá, vận động, hướng dẫn khán giả đến với rạp cùng những tác phẩm điện ảnh Việt Nam do Nhà nước sản xuất.

Cần phải phá tan dư luận sản xuất phim ra không có người xem, lại đem vào cất kho, kiên quyết chống lại những luận điểm quay lưng với nghệ thuật Điện ảnh. Bên cạnh đó ông nêu rõ vai trò của người nghệ sĩ ngày càng phải có trách nhiệm, lòng yêu nghề cao hơn, luôn lấy tiêu chí chân - thiện - mỹ để xây dựng trong tác phẩm, phải dần nâng cao tầm thưởng thức thẩm mỹ của khán giả và tính hấp dẫn trong bộ phim. Nếu chúng ta tiếp tục không làm được là chúng ta có lỗi lớn với dân, bởi Điện ảnh là ngành nghệ thuật đem lại nhiều hiệu quả lớn về văn hóa, giáo dục, tuyên truyền, thậm chí cả về kinh tế v.v…nếu ta biết trân trọng và sử dụng nó.

NSND Huy Thành nhấn mạnh, 60 năm qua, trong 2 cuộc kháng chiến của nước nhà, riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì ngành Điện ảnh có nhiều người hy sinh nhất và cũng có rất nhiều tác phẩm điện ảnh ( phim truyện, tài liệu, hoạt hình) ấn tượng, gây bao xúc động trong lòng khán giả trong nước và quốc tế. Khi những thước phim đó được chiếu lại, chúng ta phải tự hào và càng có trách nhiệm hơn với bề dày cống hiến của những bậc cha anh của ngành. Hãy đừng “ vin” vào những “ bết bát” của ngành, của một số cá nhân, của thị hiếu khán giả…để vài năm gần đây chúng ta chưa thực hiện được những tác phẩm điện ảnh có giá trị.

Với riêng ông, rất tự hào là được sinh ra để làm điện ảnh, luôn yêu nghề, lạc quan, đau đáu với những tác phẩm của mình và các đồng nghiệp. Ông cho rằng chính từ thời bao cấp đã sinh ra những tác phẩm đậm dấu ấn là kết quả của mô hình xã hội hóa đích thực giữa đoàn phim với từng địa phương, ngành liên quan, người lãnh đạo, nhân dân và bộ đội. Họ luôn có ý thức, trách nhiệm và tấm lòng rất cao trong việc giúp đỡ vô điều kiện với các đoàn phim. Chính vì vậy rất cần người nghệ sĩ phải có tâm huyết, tình cảm, biết gắn bó, hiểu công chúng tự đáy lòng mình, chỉ có thế, hy vọng chúng ta lại có được những tác phẩm, những hình tượng nhân vật điện ảnh đọng lại trong lòng khán giả trong nước và quốc tế như xưa….

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Mỗi thời đều có cái “huy hoàng” riêng!

dao_dien_Dang_Nhat_Minh

Nhìn lại chặng đường điện ảnh 60 năm qua, là một người làm nghề cảm xúc của ông như thế nào?

Nhìn lại chặng đường 60 năm của Điện ảnh Việt Nam tôi thấy tự hào. Bởi trong công cuộc chiến đấu chung vì Độc lập và Thống nhất đất nước có sự đóng góp của những người làm điện ảnh. Trước hết là sự đóng góp xương máu của hàng chục nhà quay phim chiến trường, hàng trăm cán bộ chiếu bóng phục vụ hỏa tuyến... đóng góp bằng một số phim có tác dụng động viên các chiến sỹ ngoài mặt trận. Bên cạnh cảm xúc tự hào đó, tôi cũng có một cảm giác buồn vì thấy trong 60 năm mà những phim hay của điện ảnh có quá ít!

Cuộc đời làm nghề đã cho ông được những điều gì và có lấy đi điều gì không?

Tôi từng nói với mọi người: Những ngày đi làm phim, sống trong không khí của một đoàn làm phim là những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi. Nếu không làm điện ảnh tôi không có được cái hạnh phúc đó.

Không khí văn nghệ ở cái thời ông mới vào nghề như thế nào?

Khi tôi bước vào điện ảnh (đó là những năm chưa có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) thì lĩnh vực này còn là địa hạt của sáng tạo nghệ thuật, chưa trở thành một lĩnh vực kinh doanh như bây giờ. Cứ nhìn vào gương mặt của các diễn viên thời ấy sao mà trong sáng, thánh thiện. Họ làm phim vì những gì cao cả hơn là lợi nhuận tính bằng tiền.

Ông có thể chia sẻ về những dấu mốc trong cuộc đời làm nghề của mình?

Tôi có mặt trong ngành điện ảnh đến nay là 56 năm , kỷ niệm vui buồn có nhiều lắm. Tôi chỉ giữ lại những kỷ niệm vui thôi! Đó là lần đầu tiên được Giải Bông Sen Vàng cho phim Thị xã trong tầm tay năm 1983; đó là 2 lần được bầu làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh qua 2 cuộc bầu cử hết sức dân chủ là Tổng thư ký do toàn thể Đại hội bầu (chứ không phải do BCH bầu như trước và sau đó) rồi những lần được các giải thưởng trong nước và quốc tế… tất cả đều là nhũng kỷ niệm vui....

Nếu chia điện ảnh Việt Nam theo từng thời kỳ, ông thấy điện ảnh có những thế mạnh và hạn chế gì?
Theo tôi có thể chia ra làm 2 thời kỳ: Đó là thời kỳ điện ảnh không lấy đồng tiền làm mục đích và một thời kỳ điện ảnh bị chi phối bởi lợi nhuận đồng tiền.

Thời điểm nào, ông cảm thấy làm nghề với mình là khó khăn nhất, dễ chịu nhất? (Thời bao cấp, đổi mới, hiện tại...)
Thời nào thì làm phim hay cũng đều khó cả. Tôi chưa làm phim nào do tư nhân bỏ tiền sản xuất nên không biết trong cơ chế thị trường làm phim thế nào? Cho đến nay tất cả các phim tôi đã làm đều do nhà nước sản xuất. Làm cho nhà nước có cái sướng là không bị áp lực của đồng tiền nhưng lại chịu cảnh cá mè một lứa, người làm tốt và làm không tốt đều được nhà nước đối xử bình đẳng như nhau, nghĩa là trả tiền công như nhau.

Ông vẫn thường xuyên theo dõi những sự kiện điện ảnh trong nước chứ? Và ông thấy điện ảnh trong thời điểm hiện nay so với cái thời "huy hoàng" trong quá khứ như thế nào?
Thời trước có cái huy hoàng của thời trước, thời nay có cái huy hoàng của thời nay. Tùy theo quan niệm thế nào là huy hoàng. Tôi đọc báo nghe nói có phim chỉ chiếu trong vài tuần đã thu về vài chục tỷ, thế cũng là huy hoàng.

Chứng kiến nhiều giải thưởng của điện ảnh Việt Nam và nhìn vào những đội ngũ làm phim trẻ ngày hôm nay, ông có cảm nhận như thế nào? Và ông có gì muốn nhắn gửi đến các thế hệ làm phim trẻ hiện nay?

Tôi thấy đội ngũ đạo diễn trẻ hiện nay rất tự tin, có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với điện ảnh thế giới. Tôi chỉ khuyên họ nên có cái gì đó của riêng mình, đừng bắt chước. Trong điện ảnh tối kỵ nhất là sự bắt chước.

Đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân: Đi thực tế rất có lợi cho các nghệ sĩ

Dao_dien_NSND_Ngo_Manh_Lan_duoc_cac_ban_be_Phan_Lan_nguong_mo_khi_ong_toi_xu_so_tuyet_trang_de_gioi_thieu_nhung_bo_phim_hoat_hinh_noi_tieng_cua_Viet_Nam

Đạo diễn Ngô Mạnh Lân được các bạn bè Phần Lan ngưỡng mộ khi ông tới xứ tuyết trắng để giới thiệu những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Việt Nam

Năm 1962, tôi về công tác tại Xưởng Hoạt họa Búp bê (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) sau khi tốt nghiệp trường Đại học điện ảnh Liên Xô – VGIK. Thời gian trước, tôi còn nhớ để chuẩn bị cho một bộ phim thì ê-kip làm phim đều dành một khoảng thời gian nhất định đi thực tế. Chúng tôi đi đến những vùng miền nào mà cảm thấy gần gũi với quang cảnh hay bối cảnh trong phim. Chẳng hạn, làm phim về rừng núi, hang động thì có thể đi thực tế ở Chùa Hương. Còn những phim gắn liền với truyền thuyết như Thánh Gióng thì sẽ đi thực tế ở làng Phù Đổng hoặc Sóc Sơn. Những chuyến đi đó sẽ tạo cảm hứng, tiếp thêm nguồn năng lượng cho anh em nghệ sĩ sáng tác, đồng thời giúp cho việc tái hiện bối cảnh phim thêm sinh động, có sức sống hơn. Còn bây giờ, việc đi lại này không còn được duy trì vì thời gian eo hẹp hoặc một phần hạn chế vì kinh phí.

Tôi nghỉ hưu từ năm 1996. Tính ra, quãng thời gian “đi làm” của tôi là 34 năm. Không kể chừng 10 năm làm nghiên cứu sinh và công tác quản lý, còn khoảng ngót 25 năm trực tiếp làm phim hoạt hình. Tôi đã thực hiện được 17 phim các loại. Con số này còn khá khiêm tốn nhưng quan trọng là bản thân đã cố gắng làm việc với tất cả nhiệt tình và năng lực, tìm tòi và sáng tạo trên cơ sở học hỏi nghệ thuật dân tộc và kinh nghiệm nước ngoài để thể hiện trong các tác phẩm của mình, từ phim hoạt họa đến phim cắt giấy, phim búp bê… đến các phim đồng thoại, truyền thuyết, cổ tích, hiện đại, phim chống Mỹ, châm biếm, khoa học…

Ra đời và tồn tại được nửa thế kỷ, có thể nói, thời gian 30 năm đầu của hoạt hình Việt Nam là lúc có nhiều “nốt thăng” đáng kể với nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn cho điện ảnh và những cảm tình tốt đẹp ở người xem. Trong đó, từ năm 1960 – 1975 tạm gọi là thời hoàng kim của hoạt hình Việt Nam. Và từ năm 1976 – 1990, hoạt hình vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Nhưng kể từ khi đất nước bước vào cơ chế của nền kinh tế thị trường từ khoảng 20 năm qua, hoạt hình đã gặp không ít khó khăn và đây là giai đoạn “thăng” ít “trầm” nhiều. Liệu có quá bi quan không khi nhìn vào thực tế mười năm cuối của thế kỷ XX từ năm 1990 – 1999, qua 4 kỳ Liên hoan phim quốc gia, hoạt hình Việt Nam không đạt được một giải vàng nào, chỉ dừng lại ở một số giải bạc. Phải nói rằng, chất lượng phim trong những năm này kém dần, số lượng phim được sản xuất cũng ít dần. Tuy nhiên, từ năm 2000 trở đi tình hình có khá lên, đặc biệt là phim Xe đạp (đạo diễn Nguyễn Phương Hoa) đã được xem là một hiện tượng bừng sáng, thúc đẩy sự sáng tạo vốn đã bị ì trệ một thời gian dài. Và từ đó hoạt hình 3D xuất hiện từ năm 2003 nhưng phải đến năm 2010 với bộ phim hoạt hình – truyện 3D Người con của rồng (đạo diễn Phạm Minh Trí) nói về tuổi thơ của Lý Công Uẩn mới thực sự chiếm được nhiều cảm tình của khán giả. Đó là những tín hiệu đáng mừng, hy vọng hoạt hình sẽ có thêm nhiều cơ hội mới.

Nhìn vào đội ngũ trẻ làm phim hoạt hình ngày nay, tôi thấy cũng có khoảng dăm bảy cái tên có thể kể đến. Trong số đó cũng có những người đã đoạt các giải thưởng cao ở trong nước nhưng so với thế giới thì còn phải cố gắng nhiều hơn. Đó là các đạo diễn thuộc thế hệ U70 như Phạm Ngọc Tuấn, Trần Khánh Duyên, Phạm Hồng Sơn, Lê Bình, Phùng Văn Hà. Ngoài ra còn có Bùi Mạnh Quang hay Huỳnh Vĩnh Sơn (trong TP. Hồ Chí Minh). Nếu xét về phương diện kỹ thuật thì hoạt hình trước đây còn rất nhiều khó khăn nhưng về mặt sáng tạo thì phải nói là thế hệ trước đam mê hơn bây giờ. Là người theo nghề từ thời đầu của Xưởng Hoạt họa Búp bê cho đến khi nghỉ hưu, trải qua những bước thăng trầm, tôi luôn dõi theo bước đi của hoạt hình và rút ra một bài học là nếu mình không đi sâu, tìm hiểu các ngành nghệ thuật khác thì sẽ tự làm nghèo lĩnh vực nghệ thuật của mình. Bởi vậy, tôi cho rằng nhiệm vụ của các nhà làm phim hoạt hình trẻ ngày nay ngoài lòng say mê với nghề thì cũng phải chịu