Sống:

Giới hạn và những đám đông

(TGĐA) - Tôi nghe thấy những người có trách nhiệm với xã hội đau đáu một câu hỏi: Tại sao hầu hết các lĩnh vực của chúng ta đều không có đỉnh cao? Tại sao chúng ta chưa có ai đoạt giải Nobel? Tại sao giới trẻ ngày nay được sống trong điều kiện vật chất no đủ, đất nước thái bình, thời hội nhập - công nghệ thông tin 1 giây có thể truyền hàng tỷ dữ liệu đi khắp toàn cầu mà trong một số lĩnh vực lại không thể bứt phá hơn các bậc cha anh? Liệu có phải thế hệ trẻ đã tự xây hàng rào giới hạn cho chính mình hay không?

gioi han va nhung dam dong Không quan tâm?
gioi han va nhung dam dong Thói quen khó bỏ
gioi han va nhung dam dong Câu trả lời phỏng vấn hay nhất thời đại
gioi han va nhung dam dong

Bất cứ nghề nghiệp nào, lĩnh vực nào cũng cần sự sáng tạo, kể cả nghề nông. Sáng tạo kích thích sự phát triển của nền văn minh, kiến tạo nên những đỉnh cao của nhân loại và sự sáng tạo không bao giờ song hành cùng giới hạn. Trong sáng tạo, việc chạy theo đám đông, rập khuôn với đám đông và tuân theo những nguyên lý đã có sẵn từ đám đông đã trở thành tối kỵ. Nền giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội của chúng ta từ lâu đã lấy thước đo của đám đông ra làm chuẩn. Một người mẹ luôn dạy con trước hết hãy làm thế nào đừng để thiên hạ trông vào, hãy xem những bạn khác, anh chị, cô bác khác làm như thế nào để noi theo – “Nếu không, con sẽ bị người ta đánh giá là X là Y”. Ở trường, các trò qua nhiều thập kỷ học theo phương pháp giáo dục đọc-chép. Thậm chí ngay cả môn học đòi hỏi sự sáng tạo nhất là môn tập làm văn thì các trò cũng được mong muốn làm theo quy chuẩn của cô giáo. Cô giáo miêu tả mặt trăng khuyết có hình lưỡi liềm thì trò hãy định vị hình ảnh duy nhất của mặt trăng là lưỡi liềm, đừng liên tưởng nó đến con thuyền, chiếc võng, cánh cung, Boomerang, cái lá khô hay chiếc bánh sừng bò. Khi lớn lên, ta lại đối mặt thêm một áp lực nữa của những thứ được định danh là “chuẩn mực” và “dư luận”. Mọi sự “khác đám đông” đều trở thành kỳ dị. Chúng ta lấy tinh thần tập thể và đoàn thể ra làm chỉ tiêu phấn đấu, làm bất cứ sự gì đều phải nghĩ đến tập thể mà quên mất rằng đám đông tập thể chung chung không những triệt tiêu tinh thần sáng tạo mà còn triệt tiêu luôn cả tính tự giác và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình.

gioi han va nhung dam dong

Trong nhiều thí nghiệm về tâm lý học, người ta chỉ ra rằng con người ta rất dễ phạm điều ác khi họ không phải chịu trách nhiệm cá nhân và cái tôi cá nhân của họ bị mờ đi. Chúng ta luôn coi chủ nghĩa cá nhân (Inpidualism) là xấu, thường đồng nghĩa với tính ích kỷ. Trong khi một đứa trẻ Mỹ từ lúc có nhận thức, người ta đã dạy nó rằng: Mỗi con người là một cá thể riêng biệt, phải tự ra quyết định, tự nắm lấy vận mệnh của mình và tự giải quyết tình huống. Mỗi cá thể ấy không phụ thuộc và không phải thành viên của bất kỳ mắt xích nào, không phải thành viên của một gia đình phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, hay một tổ chức tôn giáo, một quốc gia hay những đoàn thể khác. Mọi ý kiến cá nhân đều có quyền được tôn trọng, cho dù chỉ là ý kiến của một đứa trẻ 2 tuổi.

Những người thành công nhất chính là những người dám thách thức “đám đông” và đủ bản lĩnh để biến những thách thức của mình trở thành hiện thực, là những người dám thay đổi “cái có sẵn” để biến nó thành một cái “hoàn toàn mới”.

Có thể bạn sẽ phản biện lại rằng: Thời nay đã khác xưa rồi, giới trẻ được tự do sống, tự do quyết định, sao vẫn không thể bứt phá? Nhiều người trẻ tiếp thu nền văn hóa phương Tây du nhập mạnh mẽ từ thập niên 90, tuy nhiên lại vẫn được (bị) hưởng thụ tồn dư văn hóa bao bọc từ ông bà cha mẹ như từ nhiều đời trước. Nên cái sự may mắn được hưởng thụ đầy đủ thông tin và điều kiện vật chất lại chính là tác nhân gia tăng thêm sự ỷ lại, thụ động dẫn đến thiếu tinh thần độc lập, tự lập. Ở Mỹ, nơi mà chủ nghĩa cá nhân và sự riêng tư là quyền tối thượng, điều này đã được ghi trong cuốn “American ways” rằng một thanh niên khi đủ 18 tuổi nên chuyển ra ở riêng và tự lập, nếu không họ sẽ bị bạn bè chê cười là “bám váy mẹ” hoặc cha mẹ họ cũng sẽ nói khéo để họ tự đưa ra quyết định ở riêng. Đó chính là phương pháp nuôi dạy con kiểu “đại bàng” chứ không phải “gà ấp trứng”.

Tôi không thấy nhiều người Việt trẻ dám (được phép) tự lập. Rất hiếm những sinh viên một mình một ba lô đi tìm trải nghiệm ở những vùng đất mới. Không nhiều người Việt trẻ tự đưa ra những quyết định lớn ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Họ tự đặt ra những giới hạn cho chính mình cả về mặt không gian và tư tưởng. Nhiều lần tôi đặt câu hỏi với các sinh viên năm thứ nhất rằng liệu em có muốn đặt kế hoạch đi làm thêm trong 1-2 năm để kiếm đủ một ngân quỹ, sau đó lấy ngân quỹ ấy đi vòng quanh Đông Nam Á để mở rộng thế giới quan, hoặc sử dụng cho mục đích sáng tạo khoa học nào đó của riêng em, hoặc thành lập một cơ sở kinh doanh với những ý tưởng chỉ mình em nghĩ ra.... Đáp lại là 99% đôi mắt nhìn tôi một cách hoặc là ngạc nhiên, hoặc là hài hước, hoặc là sợ chết khiếp. Họ cho rằng đấy là một ý nghĩ kỳ quặc đa tầng. Thứ nhất, làm sao họ có thể tìm được (hoặc là phải) làm thêm trong khi bố mẹ vẫn lo cho. Thứ hai, nếu có việc và ngân quỹ, họ sẽ dùng để mua xe máy, laptop và quần áo, thiết thực hơn nhiều những ý kiến mạo hiểm hoang đường kia. Thứ ba, cho dù họ có mong muốn như gợi ý của tôi, thì quan trọng nhất là cần phải “xin phép cha mẹ em đã, mà em biết chắc đến 99,9% là bố mẹ em sẽ không cho đâu, thậm chí còn không cho phép em đi làm thêm nữa kia. Bố mẹ em bảo em chỉ cần lo học cho tốt”. Điều này khiến tôi cảm giác như mình vẫn đang đối thoại với các em bé tiểu học chứ không phải với những người trưởng thành, mặc dù luật pháp ghi rõ rằng 18 tuổi là con người đủ quyền lợi để đi bầu cử.

gioi han va nhung dam dong
Không phải người trẻ nào cũng giới hạn những ước mơ, hy vọng, khát khao trong lồng kính. Trong số nhiều người Việt trẻ, có rất nhiều người mở to đôi mắt ra ngoài thế giới và thành công như Phan Ý Ly (1981), 16 tuổi đã theo học đại học ngành tâm lý và xã hội ở Ấn Độ. 19 tuổi đi làm cho Liên Hiệp Quốc với tư cách nhân viên dự án xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang trong suốt 2 năm. 23 tuổi, một mình cô đến xóm liều ở Châu Phi để thực tập. Cô từng được nhiều giải thưởng cho sáng tạo và giờ là chủ Life Art, một doanh nghiệp xã hội độc đáo duy nhất tại Việt Nam, chuyên sâu vào việc sử dụng kỹ thuật sân khấu và nghệ thuật để phát triển cá nhân và cộng đồng. Cô chia sẻ rằng: Trong khoá học Thạc sỹ về Nghệ Thuật nhằm Phát triển con người, chúng tôi luôn được dạy: Chân lý của Nghệ thuật nhằm phát triển con người, là tạo điều kiện để người khác đặt tên cho thế giới và lịch sử của mình, bằng chính cảm nhận và niềm tin của họ, chứ không phải là để họ phải theo những định nghĩa đã được vạch ra bởi thế lực khác. Không phải “Tôi sẽ không bao giờ được như họ”, mà phải là “Tôi đang trở thành tôi”.

Giáo dục của chúng ta (cả từ ba phía), theo tôi, cũng đang góp phần nuôi dạy nên những “chú gà công nghiệp” bị giới hạn trong lồng kính. Một anh bạn đồng nghiệp của tôi có con trai năm nay đã vào đại học, mà không được phép có xe riêng. Anh bảo “cậu bé” chẳng có việc gì phải cần đến xe vì hàng ngày chỉ từ nhà đến trường hai lượt, đi xe buýt hoặc xe đạp đều được. Còn nếu cần kíp đi đâu bố sẽ đèo con đi. Vậy là con cao mét bảy bằng bố, nhưng ngày 20/11 bố đèo con đến nhà thầy giáo, đi xin học, đi học thêm, đi thi bố đèo con đi…, cuối giờ đứng ngóng ở cửa đón con về. Ngoài ngần ấy thứ ra còn việc gì quan trọng nữa đâu nào? Anh luôn sợ con bị tai nạn, bị sa đà đàn đúm vào tệ nạn. Việc cậu con trai học rất giỏi và tự bản thân cậu cũng chẳng thiết đi đâu ngoài cung đường từ nhà đến trường, ở nhà chỉ biết ngồi bàn học, ôm sách và máy vi tính chính là điều hạnh phúc và tự hào của những ông bố bà mẹ. Tôi chột dạ rằng nếu mình trót đưa ra ý kiến “Đi làm thêm tiết kiệm ngân quỹ để khám phá thế giới và sáng tạo ra những công trình thực nghiệm” có thể sẽ bị rất nhiều ông bố bà mẹ coi là một tư tưởng “phản giáo dục”. Những “đứa trẻ lớn” hoặc những “người trưởng thành trẻ con” bị nhốt trong lồng kính lâu ngày đâm quen, nên cũng tự thích nghi mà đặt ra những giới hạn cho chính mình, thậm chí nếu bị đẩy ra khỏi “lồng kính” còn thấy sợ. Đến khi “đủ tuổi tự ra quyết định”, họ sẽ không thể quyết định đúng được nữa vì đã bao giờ được tập dượt với việc này đâu. Nhiều bạn trẻ cũng phản ứng với những giới hạn của gia đình, nhà trường, xã hội khi bắt đầu làm cho mình khác biệt với đám đông bằng cách… mặc những bộ quần áo khác người, bằng cách đi bar, bằng cách quan hệ tình dục sớm và đưa những nỗi cô đơn, lạc lõng, trầm cảm, sex, đồng tính vào trong các sáng tạo nghệ thuật, coi đó là toàn bộ cốt lõi của việc phá bỏ rào cản, là giải phóng, là cách mạng…

Di Li