Hollywood: Ảm đạm không chỉ vì Covid-19

(TGĐA) - Trong tình hình các rạp chiếu phim tại hai thành phố lớn New York và Los Angeles tiếp tục đóng cửa, kỹ nghệ điện ảnh Mỹ cảm thấy “đang chết dần” khi các studio lần lượt lùi ngày phát hành các bộ phim bom tấn. Tuy nhiên, theo một báo cáo từ UCLA, việc các bộ phim thiếu tính đa dạng cũng là một yếu tố không nhỏ dẫn tới sự sút giảm doanh thu…                            

hollywood am dam khong chi vi covid 19 1001 điều kỳ lạ ở rạp phim mùa Covid-19
hollywood am dam khong chi vi covid 19 Lịch sử điện ảnh sẽ chia thành hai giai đoạn 'trước' và 'sau' Covid-19

Lực cản từ New York và Los Angeles

Thống đốc New York Andrew Cuomo bị công kích “thiếu công bằng và thiếu cơ sở không cho rạp chiếu phim tại thành phố New York hoạt động”. “Các chủ rạp chiếu phim và các hãng làm phim Hollywood đang có kẻ thù chung và… mới! Đó là thống đốc New York Andrew Cuomo” – một chủ rạp cảm thán.

hollywood am dam khong chi vi covid 19
Tenet là một sự đánh cuộc của các nhà làm phim

Cuomo (thuộc đảng Dân chủ từng nhận được lời khen về việc dập dịch và cũng là người thích đổ lỗi cho tổng thống Donald Trump về mọi vấn đề) được cho là “thiên vị” khi cho phép các nhà hàng, phòng tập gym, casino mở cửa (với các hướng dẫn an toàn) trong khi vẫn cấm dài hạn rạp chiếu phim. “Chúng tôi đã đề nghị ông Cuomo tổ chức một hội nghị video với các nhà sản xuất phim để lắng nghe thỉnh nguyện của họ nhưng ông ta chưa xác định ngày giờ! Những cuộc gọi điện của lãnh đạo các studio chỉ đến tai các cấp dưới chứ Cuomo không bao giờ nghe máy! Ông ta còn đánh đồng rạp chiếu phim với các đại nhạc hội và đặt nguy cơ ngang nhau. Suy nghĩ như thế là không đúng” – ông John Fithian, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Hội chủ rạp quốc gia Mỹ (National Association of Theatre Owners) nói.

hollywood am dam khong chi vi covid 19
Rạp Regal Cinemas đã phải đóng cửa vì Covid-19

Sự tuyệt vọng của Fithian cũng là thất vọng của kỹ nghệ điện ảnh Hollywood. Ngày 4/10, công ty rạp chiếu phim lớn thứ 2 thế giới Cineworld sở hữu cụm rạp chiếu phim Regal Cinemas đã tạo ra “cú sốc lớn” cho kỹ nghệ điện ảnh bằng tuyên bố sẽ “đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim tại Mỹ và Anh vì tác động đã vượt quá sức chịu đựng của đại dịch Covid-19”. Việc nhiều nước châu Âu và Canada chứng kiến số ca nhiễm virus tăng lại dẫn đến đóng cửa rạp chiếu phim tại các thành phố như Dublin và Quebec là “lời cảnh báo nữa” cho các nhà kinh doanh phim chiếu rạp. Tuy nhiên, ngày 6/10, công ty rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC Theatres cho biết chưa có kế hoạch đóng cửa tạm thời các rạp chiếu phim của họ.

New York chỉ là một trong những “mặt trận” chống lại việc đóng cửa rạp của chính quyền nhưng lại “mang tính quyết định” trong việc thuyết phục khán giả là “rạp chiếu phim là nơi an toàn” và sẽ đảm bảo an toàn tối đa cho họ. Nếu không an toàn, cho dù lệnh cấm được giải tỏa cũng không có nhiều khán giả đến rạp xem phim. Cineworld tấn công trực diện vào Cuomo và xem lệnh đóng cửa rạp của ông là nguyên nhân khiến các studio phải dời ngày phát hành hết phim bom tấn này đến phim bom tấn khác sau khi bộ phim Tenet của đạo diễn Christopher Nolan trở thành bộ phim Hollywood đầu tiên ra rạp trong đại dịch Covid thay vì phát hành trên mạng. Màn “đánh cược” được xem là liều lĩnh của Tenet chỉ tương đối thành công. Dù doanh thu phim đã vượt qua kinh phí (phim không được chiếu tại New York City và Los Angeles) nhưng nhiều nhà quan sát vẫn xem là “thất bại và là lời cảnh báo” cho các studio nào muốn đưa phim ra rạp vào thời điểm này.

Ông Richard Azzopardi, cố vấn cao cấp của Cuomo, phản ứng với các chỉ trích bằng tuyên bố mang tính thách thức: “Chúng tôi hiểu một số người không hài lòng với quyết định đóng cửa rạp, nhưng thà thất vọng còn hơn là bệnh!”. Fithian bác bỏ phát biểu của Azzopardi trong cuộc phỏng vấn dành cho trang điện ảnh Hollywood Reporter: “Thực tế cho thấy, bang New York đã ‘nằm ngoài tầm với’ của kỹ nghệ điện ảnh Mỹ. Đây là điều không thể chấp nhận khi 48/50 bang đã cho phép rạp chiếu phim hoạt động. Các chủ rạp chiếu phim đã chi hàng chục triệu USD để đáp ứng các yêu cầu giãn cách xã hội, thông gió, khẩu trang và các biện pháp an toàn khác cho khán giả xem phim. Ngược lại, chính quyền Cuomo chỉ biết công bố các qui định an toàn nhưng không trợ cấp gì cho các rạp chiếu phim. Chúng tôi hiểu là mở cửa rạp khi virus có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nên phải luôn luôn bám sát và ngăn chặn lây nhiễm trong rạp”.

hollywood am dam khong chi vi covid 19
Bộ phim No Time to Die vẫn chưa tìm được ánh sáng rạp chiếu và buộc phải rời ngày vì Covid

Đối với Cineworld, việc hãng phim MGM và Universal quyết định dời ngày chiếu bộ phim James Bond No Time to Die từ 20/11 sang tháng 4 đã dập tan hy vọng doanh thu phòng vé tại Mỹ sẽ phục hồi trước mùa nghỉ lễ Christmas. Nếu bộ phim Wonder Woman 1984 cũng dời ngày phát hành qua 25/12, tình hình còn tệ hơn. “Theo dự đoán của tôi, đứng trước tương lai không có gì sáng sủa, các chủ rạp sẽ phải chọn một trong 2 giải pháp: đóng cửa hoàn toàn hoặc giảm hoạt động xuống còn 10% khả năng của rạp với một hay hai xuất chiếu một ngày để nói khán giả là… rạp chiếu phim chưa… chết! Hy vọng hiện nay của các rạp chiếu phim là sẽ được chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để phục hồi tương đối vào quí 1/2021” – nhà phân tích tài chính Wall Street Eric Handler thuộc công ty tư vấn MKM Partners nhận định.

hollywood am dam khong chi vi covid 19
Crazy Rich Asians thành công nhờ đáp ứng được tính đa dạng

Tại các thị trường phim ảnh chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, chính quyền tìm cách tạo điều kiện cho các hãng phim và rạp chiếu phim tồn tại, dù là lay lắt, nhưng Mỹ và nhiều nước khác không được may mắn như thế. Một giám đốc studio Hollywood than thở: “New York và Los Angeles luôn được xem là ‘phong vũ biểu’ của thị trường phim chiếu rạp thế giới. Phát hành phim mà không có hai nơi này là tự sát, vì cả hai còn là ‘trung tâm văn hóa của nước Mỹ’. Khi các rạp chiếu phim tại hai thành phố này không mở cửa, doanh nghiệp điện ảnh coi như chết hoàn toàn”.

Thiếu sự đa dạng khiến Hollywood gặp khó khăn về doanh thu

Bên cạnh khó khăn từ Covid-19, theo báo cáo nghiên cứu mới nhất có tên Hollywood Diversity do trung tâm Center for Scholars and Storytellers thuộc Đại học California ở Los Angeles (UCLA) thực hiện còn đưa ra cảnh báo: “Việc thiếu đa dạng trong vai diễn và đội ngũ thực hiện phim (kể cả trang trí, trang phục) sẽ khiến một bộ phim bom tấn Hollywood kinh phí dưới 200 triệu USD mất 32,2 triệu USD doanh thu (bằng 20% kinh phí) trong tuần ra rạp đầu tiên và mất tổng số 130 triệu USD doanh thu tiền vé (bằng 82% kinh phí)! Một bộ phim cỡ trung 78 triệu USD sẽ mất 13,8 triệu USD doanh thu trong tuần đầu tiên và 55,2 triệu USD trong tổng doanh thu phim”. Báo cáo của UCLA tập trung vào “tác động của văn hoá và chủng tộc đối với điện ảnh” nhấn mạnh: “Các bộ phim Hollywood kinh phí lớn và trung bình không thể hiện được tính đa dạng đều ảnh hưởng đến doanh thu. Đây là điều các studio phải lưu ý khi thực hiện các bộ phim tương lai trong hoàn cảnh hiện nay”.

Phân tích này dựa vào 109 bộ phim Hollywood phát hành từ 2016-2019. “Chúng tôi nảy ra sáng kiến nghiên cứu này sau khi đặt câu hỏi: Kỹ nghệ điện ảnh Mỹ bị ảnh hưởng thế nào bởi sự thiếu đa dạng về văn hóa và chủng tộc? Hollywood là một doanh nghiệp và không có doanh nghiệp nào muốn mất tiền” - Yalda Uhls, trợ giảng khoa tâm lý tại UCLA và là nhà sáng lập kiêm giám dóc điều hành trung tâm Center for Scholars and Storytellers bộc bạch trong một tuyên bố. Đa dạng, theo ông gồm cả các nhân viên hỗ trợ, biên tập và đối thoại vì “chỉ có họ mới hiểu được nền văn hoá và chủng tộc của họ”.

hollywood am dam khong chi vi covid 19
Hollywood đang đứng trước nhiều khó khăn cần giải quyết

Trong số các bộ phim Hollywood thành công lớn về doanh thu nhờ sự đa dạng có Moonlight, Coco, Black PantherCrazy Rich Asians. Đa dạng từ diễn viên đến những người có tiếng nói quyết định về nhân sự cho bộ phim. Báo cáo “Hollywood Diversity” hàng năm của UCLA cho thấy những bộ phim đáp ứng được yêu cầu đa dạng đều đạt doanh thu cao hơn những bộ phim khác cùng chủ đề, đặc biệt là đa dạng đạo diễn, diễn viên và kịch bản. “Những câu chuyện lịch sử được kể lại phải bảo đảm đúng nguồn gốc nhân vật, đen là đen, trắng là trắng. Không được nhập nhằng. Khán giả đương đại không muốn thay da hay thay tiếng nói của nhân vật. Chúng tôi hy vọng báo cáo mới sẽ là lời nhắc nhở cho kỹ nghệ điện ảnh Mỹ phải chấn chính ngay hoạt động của mình, xem đa dạng văn hoá và chủng tộc là yếu tố sống còn nếu muốn sinh lợi” – báo cáo viết.

hollywood am dam khong chi vi covid 19 1001 điều kỳ lạ ở rạp phim mùa Covid-19

(TGĐA) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành công nghiệp điện ảnh đã là quá ...

hollywood am dam khong chi vi covid 19 Lịch sử điện ảnh sẽ chia thành hai giai đoạn 'trước' và 'sau' Covid-19

(TGĐA) - Mới đây, Hãng thông tấn TASS của Nga đã tổ chức một cuộc họp ...

Lê Tây Sơn