Khi mặt trái xã hội tràn ngập màn ảnh

(TGĐA) - Điện ảnh, đối với nhiều quốc gia, chính là nơi thể hiện tư tưởng dân tộc hoặc những phẩm chất cao đẹp của người dân đất nước đó. Hãy nhìn vào lịch sử những nền điện ảnh một số cường quốc như Mỹ, Nga, Anh hay Iran, Hàn Quốc, người xem chỉ biết cúi đầu thán phục. Phim truyền hình của họ cũng vậy. Hiện nay, nhiều đài truyền hình ở Trung ương và địa phương, thi nhau nhập những bộ phim truyền hình khổng lồ của Ấn Độ, Hàn Quốc hay Philippines, Thái Lan để giới thiệu những câu chuyện cùng những nét văn hóa đặc sắc ở những đất nước này. Còn ở ta thì sao?

khi mat trai xa hoi tran ngap man anh Phim truyền hình Việt đẩy người phụ nữ vào thế đường cùng
khi mat trai xa hoi tran ngap man anh
Hai Phượng chỉ là bộ phim đáng khích lệ về mặt doanh thu

Những ngày này, giới truyền thông thi nhau thổi phồng doanh thu của bộ phim Hai Phượng và coi đó như một chiến thắng của điện ảnh Việt. Nhưng nội dung phim có gì đáng nói? Đó chỉ là cuộc đi tìm đứa con bị bắt cóc của một người mẹ. Và người mẹ này gặp đâu đánh đó. Những màn đánh nhau ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Phim này là sự tiếp nối của một loạt những phim hành động như Bẫy Rồng, Lửa Phật, Truy sát v.v… Và người xem có nhớ gì không? Chắc là không. Tiêu chí của loại phim hành động này hoàn toàn mang tính thương mại. Bộ phim thành công về mặt doanh thu nhưng không để lại ấn tượng gì về nhân vật phụ nữ Việt.

khi mat trai xa hoi tran ngap man anh
Cảnh trong phim Sống chung với mẹ chồng

Đối với phim truyền hình, những bộ phim được chú ý như Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Những cô gái trong thành phố v.v… đều lấy cảm hứng từ những mặt tiêu cực trong xã hội. Có ý kiến cho rằng, khi nông thôn và đô thị bị rạn vỡ bởi sức ép của sự phát triển, những cái xấu bộc lộ ngày càng rõ và đa dạng hơn, cần phải phản ánh kịp thời. Điều đó không sai. Có ý kiến khác lập luận, chúng ta phản ánh cái tốt nhiều rồi, giờ nên thể hiện cái xấu. Nhưng vấn đề đặt ra là, nên phản ánh hay thể hiện như thế nào để đảm bảo những nguyên tắc kinh điển là chân, thiện, mỹ? Nhiều cảnh đánh đập tàn nhẫn, nhiều cảnh gợi cảm gây sốc… đã bị giới truyền thông có ý thức phê phán. Và điều quan trọng nhất là hầu như các bộ phim trên đều chạy theo tiêu chí câu khách để có nhiều quảng cáo, đạt doanh thu cao. Vấn đề quan trọng nhất đối với một tác phẩm là thể hiện vẻ đẹp của con người, tinh thần và ý chí của nhân vật thì không có bộ phim nào đề cập đến. Vì vậy, dù chúng ta có làm bao nhiêu phim đi chăng nữa thì tính tư tưởng của những bộ phim này đều hầu như không có hoặc rất cũ kỹ.

khi mat trai xa hoi tran ngap man anh
Màn ảnh nhỏ giờ ngập tràn phim của nhiều nền văn hóa khác

Dường như các nhà làm phim đều cho rằng, phản ánh cái xấu dễ hơn việc thể hiện cái tốt. Diễn viên nữ vào các vai như gái điếm, mẹ chồng ác nghiệt… đều dễ nổi tiếng hơn những vai như công chúa đoan trang, gái nhà lành nhân hậu… Và việc thể hiện những mặt xấu của con người cũng như những mặt trái của xã hội hầu như không giới hạn. Những quan điểm sáng tác này hoàn toàn sai lầm. Họ đâu hiểu rằng, mỗi con người cũng như mỗi hiện tượng xã hội đều có quy luật vận động biện chứng, phát triển theo hướng tích cực. Sở dĩ phim điện ảnh và phim truyền hình Mỹ có sức truyền cảm lớn trên thế giới bởi chúng có chung một nguyên nhân. Đó chính là các nhà làm phim Mỹ, thông qua các nhân vật, thể hiện một cách ngoạn mục tinh thần Mỹ, văn hóa Mỹ, nói rộng ra là tư tưởng Mỹ. Các nền điện ảnh Ấn Độ hay Hàn Quốc đều phát triển theo khuynh hướng này. Các mặt xấu họ không ngại thể hiện, thậm chí còn khai thác sâu hơn. Nhưng họ hiểu được tâm lý người xem, hiểu được quy luật vận động của nhân vật nên các nhân vật và câu chuyện của họ, sau khi đi qua những vũng lầy tăm tối, đều muốn vươn tới ánh sáng bằng chính nỗ lực của mỗi cá nhân. Những bộ phim đoạt giải Oscar hàng năm đều minh chứng điều này.

khi mat trai xa hoi tran ngap man anh
Nhiều phim truyền hình lấy cảm hứng từ mặt trái của xã hội
khi mat trai xa hoi tran ngap man anh
Phim chiếu Youtube - Web Drama giờ cũng tràn ngập chuyện giang hồ xã hội đen

Trở lại với vấn đề của phim điện ảnh và phim truyền hình Việt. Trong mỗi phim, chúng ta có đủ các thứ như phim nước ngoài. Nào có câu chuyện, các nhân vật cũng những tình tiết này nọ v.v… Nhưng cái thiếu nhất, cái mà phim nào cũng thiếu, đó chính là tư tưởng của bộ phim. Và người xem không cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật cũng như vẻ đẹp của câu chuyện. Bởi tất cả các nhà làm phim, các nghệ sỹ đều đang lấy doanh thu là mục đích chính, làm phim chỉ là phương tiện kiếm tiền. Và phương tiện dễ nhất, không gì hơn, là khai thác những mặt trái của con người và xã hội. Những cái khác như tinh thần tác phẩm, sức truyền cảm của nhân vật v.v… đều trở nên khan hiếm hoặc xa xỉ.

khi mat trai xa hoi tran ngap man anh Phim truyền hình Việt đẩy người phụ nữ vào thế đường cùng
khi mat trai xa hoi tran ngap man anh Những bà vợ lắm mưu, nhiều kế trên màn ảnh Việt

Phụng Công