LHP Kim Mã: Gay cấn và đầy… nhạy cảm!

(TGĐA) - Ra đời từ năm 1962, LHP Kim Mã (The Golden Horse Awards) là giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất của nền điện ảnh Đài Loan nói riêng và châu Á nói chung, được coi là giải Oscar của các phim nói tiếng Hoa. Tuy nhiên, chưa năm nào mà số lượng phim vừa được BTC công bố đề cử lại gây xôn xao như LHP lần thứ 53, trao giải vào ngày 26/11 này. Người ta tự hỏi rằng, không biết liệu các đài truyền hình Trung Quốc có truyền hình trực tiếp giải thưởng danh giá này không? Bởi rất nhiều trong số những tác phẩm vừa công bố đều dính chuyện “nhạy cảm” với chính quyền, thậm chí nhiều gương mặt còn bị phía Đại Lục… cạch mặt!

lhp kim ma gay can va day nhay cam
Tài tử gạo cội Lương Gia Huy cũng là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị Ảnh đế năm nay

“Danh sách đen” của Đại Lục

Theo danh sách được công bố đầu tháng 10, giải thưởng Kim Mã cho phim điện ảnh xuất sắc nhất là cuộc chạy đua của 5 bộ phim Godspeed (Nhất lộ thuận phong), Trivisa (Thụ đại chiêu phong), I Am Not Madame Bovary (Tôi không phải là Phan Kim Liên), Road to Mandalay (Tạm biệt Mandalay) và The Summer is Gone (Bát nguyệt). Tuy nhiên, hai trong số đó được liệt vào “danh sách đen” của Trung Quốc vì từng dính dáng tới chính quyền.

Godspeed của đạo diễn Chung Mạnh Hoành đang là ứng cử viên sáng giá khi nhận tới 8 đề cử ở các hạng mục năm nay. Là phim hài xoay quanh chuyến đi của một tay buôn ma túy trên chiếc taxi định mệnh nhưng trong “tầm ngắm” của chính quyền Trung Quốc bộ phim… chẳng hài hước chút nào, thậm chí khá nghiêm trọng khi một trong hai vai chính trong phim – nam diễn viên Đới Lập Nhẫn, từng công khai ủng hộ việc Đài Loan tách ra khỏi Trung Quốc. Thậm chí, dưới áp lực của chính quyền và người dân Trung Quốc, bộ phim No Other love của Triệu Vy còn phải cắt anh ra khỏi dự án để đảm bảo an toàn. Một bộ phim khác là The Summer is Gone cũng nằm trong danh sách theo dõi từ phía chính quyền Trung Quốc bởi đạo diễn Pema Steden, người Tân Cương, cũng từng bị chính quyền Trung Quốc thẩm vấn suốt đêm hồi mùa hè, thậm chí đã phải nhập viện sau đó.

Ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc, bộ phim Yellowing cũng bị chính quyền Trung Quốc “cạch mặt”. Trước đó, bộ phim xoay quanh cuộc biểu tình kéo dài tại Hồng Kông này từng bị chính chính quyền Hương Cảng cấm chiếu, phải tìm đường phát hành ở các sự kiện văn hóa nước ngoài. Tham dự Kim Mã lần thứ 53 này, người ta tự hỏi, không biết chính quyền Trung Quốc sẽ có biện pháp nào để bộ phim không tạo được sức ảnh hưởng của riêng mình?!

lhp kim ma gay can va day nhay cam
Phạm Băng Băng đang là ứng viên hàng đầu cho ngôi vị Ảnh hậu với vai diễn trong Tôi không phải là Phan Kim Liên

Ngoài ra, ngay cả một bộ phim không dính dáng chính trị như Tôi không phải là Phan Kim Liên cũng bị nằm trong danh sách phải xem xét. Nghe đâu, chính quyền Trung Quốc không hài lòng khi đạo diễn Phùng Tiểu Cương từ chối cắt một vài cảnh nhạy cảm trong phim. Đây là chuyện không mới bởi năm 2012, Mystery của đạo diễn Lâu Diệp cũng từng bị yêu cầu cắt vài cảnh bạo lực ở cuối phim khi một người đàn ông cầm búa đánh một người nhặt rác tới chết. Ban đầu Lâu Diệp cũng từ chối sau đó chấp nhận làm tối cảnh này.

Ở các hạng mục cá nhân, danh sách tẩy chay, phản đối vẫn tiếp tục kéo dài. Kha Chấn Đông là một ví dụ. Được đề cử ở hạng mục Nam diễn viên chính với vai diễn trong bộ phim Tạm biệt Mandalay, Kha Chấn Đông được đánh giá là đột phá hơn nhiều so với vai diễn trong Cô gái năm ấy chúng ta từng theo đuổi (You are the apple of my eyes) từng đem về cho anh giải Nam diễn viên mới tại giải Kim Mã năm 2011. Tuy nhiên, 2 năm sau scandal tàng trữ ma túy năm 2014 cùng Phùng Tổ Danh của anh vẫn chưa đủ khiến khán giả nguôi giận. Hầu hết những ý kiến xoay quanh đề cử này đều là: “Tại sao tội phạm ma túy lại được đóng phim, được đề cử”.

lhp kim ma gay can va day nhay cam
Cảnh trong phim The Summer is Gone của đạo diễn người Tân Cương Pema Steden

Gay cấn cuộc đua Ảnh đế, Ảnh hậu

lhp kim ma gay can va day nhay cam
Kha Chấn Đông được đánh giá là đột phá trong Road to Mandalay nhưng vẫn bị khán giả Trung Quốc tẩy chay

Dù bị tẩy chay nhưng Kha Chấn Đông cũng là sự bất ngờ lớn của giải Kim Mã khi được đề cử sòng phẳng với các diễn viên gạo cội khác ở cuộc đua tranh giành ngôi Ảnh đế. Chính anh cũng thừa nhận rằng, dù không đoạt giải thì đó cũng là niềm tự hào cực lớn trong nghiệp diễn xuất của mình. Các đối thủ mà anh nhắc đến chính là diễn viên Lương Gia Huy (Cold War 2), Hứa Quán Văn (Godspeed), Trương Học Hữu (Heaven in the Dark) và Phạm Vĩ (Mr. No Problem).

Ở hạng mục Ảnh hậu, Phạm Băng Băng đang có lợi thế cực lớn khi vai diễn của cô được đánh giá khá cao tại LHPQT Toronto và vừa được vinh danh tại LHPQT Sebastian lần thứ 64. Trong vai người phụ nữ thôn quê ròng rã suốt 20 năm kiện chồng, Phạm Băng Băng đang là ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vị cao nhất ở hạng mục danh giá này. Tuy nhiên, dù sao thì hoa đán hay “chơi chiêu” này cũng phải dè chừng hai người đẹp hậu bối là Châu Đông Vũ và Mã Tư Thuần lọt đề cử nhờ bộ phim điện ảnh Thất Nguyệt và An Sinh (Soul Mate). Dù từng bị chê tơi tả khi nhà sản xuất công bố bảng phân vai nhưng sự ăn ý của cặp đôi này trên phim đã xóa tan định kiến, khiến các nhà phê bình hoàn toàn bất ngờ cũng như dành nhiều lời khen tặng. Ngoài ra, lọt đến vòng đề cử này, hai gương mặt còn lại là Hứa Vĩ Ninh (phim The Tag-Along) và Ngô Khả Hi (phim The Road to Mandalay) hoàn toàn có thể bước lên ngôi Ảnh hậu khi mà quyền trượng vẫn nằm trong tay BGK.

lhp kim ma gay can va day nhay cam
Dù đang dẫn đầu tới 8 đề cử nhưng Godspeed không được lòng chính quyền Trung Quốc vì sử dụng diễn viên Đới Lập Nhẫn

Ở hạng mục đạo diễn, dù Nhất lộ thuận phong của mình có thể bị tẩy chay vì sử dụng diễn viên Đới Lập Nhẫn nhưng đạo diễn Chung Mạnh Hoành vẫn xếp đầu bảng trong các ứng cử viên Đạo diễn xuất sắc. Các ứng viên còn lại đều là những gương mặt kỳ cựu không kém phần xuất sắc như Phùng Tiểu Cương (Tôi không phải là Phan Kim Liên), Triệu Đức Dận (Tạm biệt Mandala), Đỗ Kỳ Phong (ThreeTam Nhân Hành) và Tằng Quốc Cường (Thất Nguyệt và An Sinh).

Theo danh sách của BTC giải Kim Mã, hiện Nhất lộ thuận phong đang dẫn đầu với 8 đề cử, xếp phía sau là Thất Nguyệt và An Sinh cùng Tôi không phải là Phan Kim Liên với 7 đề cử. Giải thưởng Kim Mã được công bố vào đêm trao giải, diễn ra ngày 26/11 tới.

Danh sách đề cử giải Kim Mã 2016

Phim điện ảnh xuất sắc: Nhất lộ thuận phong, Thụ đại chiêu phong, Tôi không phải là Phan Kim Liên, Tạm biệt Mandalay, Bát nguyệt

Phim ngắn xuất sắc: Phúc và hiếu, Ngày hai tám tháng chín: nắng Crush A Ni Hải đảo

Phim tài liệu xuất sắc: Thời loạn thế bị quên lãng, Đối thoại thường ngày, Đại lộ triều thiên, The Moulin Thành phố phỉ thúy

Đạo diễn xuất sắc: Chung Mạnh Hoành (Godspeed), Đỗ Kỳ Phong (Tam nhân hành), Phùng Tiểu Cương (Tôi không phải là Phan Kim Liên), Tăng Quốc Tường (Thất Nguyệt và An Sinh), Triệu Đức Dận (Tạm biệt Mandalay) Nam diễn viên chính xuất sắc Lương Gia Huy (Hàn chiến 2) Hứa Quán Văn (Godspeed), Trương Học Hữu (Thiên đường đen tối), Phạm Vỹ (Vấn đề không phải là vấn đề) Kha Chấn Đông (Tạm biệt Mandalay)

Nữ diễn viên chính xuất sắc: Hứa Vỹ Ninh (Cô bé áo đỏ), Phạm Băng Băng (Tôi không phải là Phan Kim Liên) Châu Đông Vũ (Thất Nguyệt và An Sinh) Mã Tư Thuần (Thất Nguyệt và An Sinh) Ngô Khả Hy (Tạm biệt Mandalay)

Nam diễn viên phụ xuất sắc: Tần Bái (Book of love), Nạp Đậu (Godspeed), Lâm Bá Hồng (At cafe 6), Tăng Chí Vỹ (Nhất niệm vô minh), Lâm Tuyết (Lão Lạp)

Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Ngô Ngạn Muội (Book of love) Lưu Bội (Someone to talk to) Lý Hạnh (Phòng khách dưới lầu) Kim Yến Linh (Nhất niệm vô minh) Lục Dịch Tịnh (Rừng Debussy)

Giải thưởng thành tựu trọn đời: Trương Vĩnh Tường

Quỳnh Hoa