Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập

(TGĐA Online) – Buổi họp báo về Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948 – 2013) diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 25/7 tới đã được tổ chức vào sáng nay ngày 15/7 tại Phòng họp tầng 2, trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cách đây 65 năm tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ, theo sự chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, Hội nghị văn nghệ toàn quốc đã họp lần thứ nhất từ ngày 23 – 25/7/1948 và thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam vào ngày cuối cùng của kỳ họp (25/7/1948). Khi đó, Ban chấp hành đầu tiên của Hội do nhà văn Nguyên Tuân làm Tổng thư ký.

Từ đó đến nay, Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần đổi tên qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1995) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay). Tổ chức đã trải qua 8 kỳ đại hội đại biểu toàn quốc và hiện nay Ban chấp hành khóa VIII do nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch.

nhhbaoLHCHVHNTVN65namedit

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Đỗ Kim Cuông chủ trì buổi họp báo sáng nay

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bao gồm 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam) cùng 63 Hội Văn học nghệ thuật đủ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Từ ngày thành lập đến nay, tổ chức Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở luôn nhận được sự lãnh đạo, quan tâm hỗ trợ kịp thời về nhiều mặt của Đảng , Nhà nước và các ban, ngành hữu quan. Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước đã luôn gắn bó với đời sống hiện thực cách mạng, tâm huyết và phát huy tài năng sáng tạo, đưa những tác phẩm hay, bổ ích đến với công chúng.

Trong gần 30 năm qua (từ 4/1984 – 4/2012), để ghi nhận sự đóng góp quý báu của các văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận phê bình, dịch thuật… Nhà nước đã tiến hành 7 đợt xét duyệt, trao tặng cho các văn nghệ sĩ xuất sắc danh hiệu NSND (266 người), NSƯT (1933 người) cùng 4 đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (104 người) và Giải thưởng Nhà nước (458 người) về Văn học nghệ thuật.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được tặng thưởng Huận chương Độc lập Hạng Nhất, hai lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều tổ chức Hội và văn nghệ sĩ được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động. Một số văn nghệ sĩ và tác phẩm được vinh danh và nhận các Giải thưởng cao quý trong khu vực và quốc tế.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cũng là năm Đảng và Nhà nước tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, toàn giới văn nghệ sẽ nhận thức sâu sắc hơn về những thành tựu cần phát huy và những khiếm khuyết, hạn chế còn tồn tại cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển bền vững, có thêm nhiều tác phẩm hay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng, xã hội.

Qua đó trước mắt, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục triển khai các cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sáng tác về đề tài lịch sử cách mạng và kháng chiến (1930 – 1945); về đề tài hiện đại, đương đại xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, vững chắc; đồng thời tập trung nỗ lực hoàn thiện tốt các nhiệm vụ đặt ra cho toàn khóa VIII, tiến tới Đại hội IX Liên hiệp.

TKA