Mặt trái của phim hài và những chương trình hài trống rỗng

(TGĐA) - Thời gian qua, tuy có dịch, nhưng dư âm của phim hài và sân khấu hài vẫn còn đọng lại. Sân khấu hài. Phim hài. Chương trình truyền hình hài. Phim sitcom hài. Phim Web drama cũng hài… Nghĩa là rất nhiều hài. Nhìn đâu cũng thấy hài. Nhưng hài nhiều như vậy, có tốt không?

Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid
'Mở mắt thấy hôm qua': Bộ phim hài hước và điên rồ nhất về vòng lặp thời gian 'Mở mắt thấy hôm qua': Bộ phim hài hước và điên rồ nhất về vòng lặp thời gian
Mặt trái của phim hài và những chương trình hài trống rỗng

Chưa có nghiên cứu nào của các nhà xã hội học về vấn đề này. Nhưng cứ hình dung, trước màn hình TV, các chương trình hài như vậy, ngôn ngữ giễu cợt, chê bai dè bỉu, xách mé, cạnh khoé. Diễn viên ăn mặc như những kẻ không bình thường. Động tác thì nheo mắt, méo miệng, khoèo chân, lè lưỡi… Nội dung thì hầu như toàn chuyện không đâu vào đâu… Lớp thiếu nhi Việt Nam được thưởng thức những chương trình thế này, không hiểu tâm hồn và trí tuệ của chúng sau này ra sao?

Điện ảnh và Truyền hình ngoài giải trí vốn còn có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục. Song những chương trình mang tính nhân văn, ngày càng vắng bóng. Những giá trị đạo đức bình thường trong gia đình, mối quan hệ thân thiện với hàng xóm… không được khai thác theo hướng tích cực mà thường xoáy sâu vào những khía cạnh tiêu cực. Dường như chúng đã làm tê liệt những cảm xúc bình thường của một người bình thường. Mỗi khi xem xong một phim hài hay một chương trình hài, công chúng không thấy tâm hồn mình được trong sáng hơn, cao đẹp hơn… Thay vào đó, chỉ là những sự thờ ở, vô cảm, chán chường và bất chấp.

Tiếng cười là cần thiết. Để giảm bớt căng thẳng. Hài kịch truyền thống thường chứa đựng những ý nghĩa nhân văn trong sáng. Khán giả đã quen thuộc với những phim và kịch dựng theo những tác phẩm của Molie như Trưởng giả học làm sang, Người ghét đời… Sân khấu truyền thống của chúng ta cũng có nhiều vở hài sâu sắc như Nghêu Sò Ốc Hến, Hoàng Trìu kén vợ hay những trích đoạn như Xã trưởng – Mẹ Đốp… Nhưng những phim hài và chương trình hài hiện nay thường tập trung khai thác những tình huống hài tầm thường hoặc phóng đại quá lố, tập trung trình diễn những chi tiết hài trống rỗng. Chúng chỉ giúp công chúng, trong một thời điểm nào đó, không nghĩ bất cứ về điều gì. Người ta có thể vừa ăn vừa cười. Ăn ở trong rạp. Ăn ở nhà. Cười trong rạp. Cười ở nhà. Cái gọi là “thái độ thưởng thức” như vậy đã khiến người xem ngày càng tầm thường. Các diễn viên hài, cả nam lẫn nữ, tha hồ tung hướng, tha hồ chọc cười khán giả bằng mọi lời lẽ vô duyên nhất. Họ tranh nhau xem ai nói nhiều nhất, ai là người nói sắc sảo nhất. Nhưng trong những lời thoại này, những người bình thường nhất cũng phải cau mày, nhăn mặt vì những yếu tố tục tĩu. Tất cả không gì ngoài mục đích gây cười. Và cái gọi là “giá trị văn hoá” của tác phẩm hầu như không còn.

Nhiều chương trình truyền hình cố kéo yếu tố gây cười khiến nội dung trở nên dung tục, rẻ tiền
Nhiều chương trình truyền hình cố kéo yếu tố gây cười khiến nội dung trở nên dung tục, rẻ tiền

Không thể mang mọi thứ lên sân khấu. Không thể đưa mọi thứ lên màn ảnh. Các phim hài và chương trình hài, nhất là hài trên truyền hình, thường ít được kiểm duyệt hoặc nếu có kiểm duyệt, người ta cũng dễ cho qua. Bởi hài nhiều quá. Các diễn viên có đâu thời gian đọc kịch bản; có đâu thời gian luyện tập; có đâu thời gian khớp vai hay tổng duyệt… Tất cả đều ra hiện trường, xem qua nội dung, tự biên tự diễn. Họ không hề nghĩ đến những tác hại của trò đùa, những sự nguy hại của những tiếng cười vô bổ, nhưng hành động và lời nói phản cảm. Trước mắt họ, không có khán giả. Trẻ con và người lớn như nhau. Họ chỉ có mục đích kiếm tiền. Và những người chịu trách nhiệm là những nhà sản xuất, những ông chủ rạp… Họ cũng chỉ có duy nhất một mục đích là kiếm tiền, là thu lợi nhuận. Phải chăng, đây cũng là một biểu hiện của thuật ngữ mới “công nghiệp văn hoá”, “kinh doanh văn hóa”?

Nhiều phim chọc cười nhảm nhí vẫn xuất hiện trên màn ảnh rộng
Nhiều phim chọc cười nhảm nhí vẫn xuất hiện trên màn ảnh rộng

Quả thật, xem nhiều phim hài và chương trình hài, công chúng không những không cười mà còn cảm thấy lo âu, không vui chút nào. Và hơn một năm qua, dịch bệnh lại bao trùm. Song những chương trình hài, những phim hài, vẫn không thay đổi. Chúng vẫn là những hài kịch che giấu sự trống rỗng. Nó chỉ gây ra cho người xem những sự khó chịu. Chúng vẫn cố gây cười, vẫn cố chọc cười, nhưng sau khi cười, người xem bắt đầu lo lắng. Hình như có điều gì không ổn ở đây? Không cần quan tâm đến cuộc sống; không cần quan tâm đến ngày mai; không cần chú ý đến luật pháp; không có công lý; và người xem không phải chịu trách nhiệm về những gì mà cuộc sống đang diễn ra xung quanh.

Đã đến lúc, công chúng cần tỉnh ngộ lại. Nếu cần hài hước, hãy học cha ông ngày trước. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, dân tộc ta không thiếu tiếng cười. Nhưng đó là những tiếng cười tích cực, tiếng cười có ý nghĩa. Hoặc ít nhất, đó là tiếng cười tự giễu nhại mình. Khả năng tự giễu nhại mình là một phẩm chất tích cực. Khi đó, con người thoát ra khỏi chính mình, tìm được vị trí cao hơn chỗ đứng của mình, để thấy mình còn tầm thường, còn kém cỏi. Tự giễu mình để vươn lên. Tự giễu mình để tìm ra những biên giới giữa cái tốt và cái xấu, để biết phân biệt tốt – xấu khác nhau thế nào. Nhưng trong thế giới dày đặc của mạng xã hội, dường như mọi người đã bắt đầu đánh mất sự tự giễu nhại, tự cười mình. Dường như, một cực khác, trên các blog hay facebook, mọi người lại dạt về một cực khác. Đó là sự giận dữ, chửi bới và đe doạ. Dường như, thế giới đối với chúng ta bây giờ chỉ có hai màu đen và trắng. Thái độ thiên vị luôn thường trực trong chúng ta. Sự công tâm, suy xét minh mẫn, phẩm chất tự giễu mình… ngày càng khô cạn.

Hãy gắng tự điều chỉnh để cuộc sống của mình cân bằng hơn.

Những chương trình hài, những phim hài, vẫn không thay đổi. Chúng vẫn là những hài kịch che giấu sự trống rỗng. Nó chỉ gây ra cho người xem những sự khó chịu. Chúng vẫn cố gây cười, vẫn cố chọc cười, nhưng sau khi cười, người xem bắt đầu lo lắng. Hình như có điều gì không ổn ở đây?
Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid Phim hài sitcom 'Công sở kế': Giải tỏa nỗi nhớ không khí văn phòng của giới công sở trong mùa dịch Covid

(TGĐA) - Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chẳng biết giới công ...

'Mở mắt thấy hôm qua': Bộ phim hài hước và điên rồ nhất về vòng lặp thời gian 'Mở mắt thấy hôm qua': Bộ phim hài hước và điên rồ nhất về vòng lặp thời gian

(TGĐA) - Palm springs: Mở mắt thấy hôm qua đúng như tên gọi, bộ phim ...

Đoàn Tuấn

Tag: