Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam: Nhiều bất cập và ưu tư….

(TGĐA) - Xã hội hóa điện ảnh, trẻ hóa đội ngũ làm nghề, luật điện ảnh ra đời, đa dạng về thể loại và số lượng phim cũng như công nghệ làm phim ngày càng hiện đại kéo khán giả tới rạp… là những mặt tích cực có thể nhìn thấy được sau một thập kỷ phát triển điện ảnh. Nhưng những bất cập và ưu tư vẫn là ý kiến chủ đạo trong buổi hội thảo “Một thập kỷ Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận và đánh giá” diễn ra vào sáng nay, 08/03/2012 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.


Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ chào mừng ngay điện ảnh Việt Nam 15/03 và Lễ trao giải Cánh diều diễn ra vào tối ngày 17/03 tới. Chủ trì buổi hội thảo là Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam, Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục phó phụ trách Cục điện ảnh, Trưởng ban lý luận phê bình Hội điện ảnh Việt Nam và Đạo diễn, NSƯT Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam. Đến tham dự có PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, GS-TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, ông Nguyễn Hữu Thức, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các nghệ sỹ điện ảnh và hàng chục cơ quan thông tin báo chí truyền thông.

Toancanhhoithao

Toàn cảnh Hội thảo “Một thập kỷ Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận và đánh giá”

11 bản tham luận cùng một số ý kiến của các nghệ sỹ điện ảnh tham gia hội thảo “Một thập kỷ Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận và đánh giá” dù không mang tính chất thống kê nhưng cũng đủ để khái quát cái được và chưa được trong suốt 10 năm qua. 10 năm tính từ dấu mốc 2001 với những biến đổi mang tính chất “bản lề” của ngành điện ảnh như chuyển đổi cơ chế, xã hội hóa điện ảnh, ban hành luật điện ảnh, sự thay đổi về công nghệ, xuất hiện nhiều dòng phim mới, sự biến chuyển về định hướng nghệ thuật cũng như thị hiếu khán giả…

Trong bản đề dẫn của mình, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và TS Ngô Phương Lan cũng khái quát lại tình hình thực trạng điện ảnh Việt Nam trong suốt 10 năm vừa qua. Trong khi bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhấn mạnh việc chúng ta nên bám sát ý kiến và tham luận để giải quyết những câu hỏi tồn đọng như: Sự mạnh mẽ trong tác phẩm của người nghệ sỹ như thế nào? Sự sáng tạo của nghệ sỹ đang đi đâu về đâu? Đội ngũ kế cận thế nào? Cơ chế gì sắp tới sẽ tiếp sức cho ĐAVN phát triển thì TS Ngô Phương Lan lại đưa ra hai câu hỏi: Đâu là dòng phim chính của chúng ta và 10 năm qua chúng ta được cái gì? Song song với những câu hỏi đưa ra để các bản tham luận, ý kiến đóng góp bám sát ý kiến, TS Ngô Phương Lan cũng tóm lược lại 4 dòng phim được định hình trong suốt 1 thập kỷ qua gồm Phim nhà nước đặt hàng, Phim tư nhân, Phim Việt Kiều và Phim độc lập với những mặt mạnh và yếu riêng.

mualentrau

Dòng phim Việt kiều với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm tốt như Mùa len trâu

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã mở đầu tham luận với góc nhìn về “Trại viết kịch bản nhìn từ hai phía” với cái nhìn thẳng thắn về việc có nên tồn tại trại viết của Hội điện ảnh cũng như việc khắc phục khiến nó có thể tốt hơn. Theo bà, việc mở trại viết theo kiểu “gắn kết hội viên” trong suốt thời gian qua cần được đẩy cao hơn, tránh tình trạng chông chênh, thiếu mục đích, thiếu hiệu quả như hiện nay. Theo bà, nên mở các trại viết theo dạng đơn đặt hàng theo từng thể loại, từng chủ đề. Đơn cử, mảng chính luận hiện đang rất yếu kém và đây chính mà mảnh đất mà trại viết cần hướng tới.

Nhà biên kịch, nhà báo Đoàn Tuấn thẳng thắn hơn khi khẳng định “điện ảnh chúng ta 10 năm qua không thu được gì” khi từng bước mổ xẻ, phân tích từng khía cạnh nghề nghiệp của ngành điện ảnh như Đạo diễn, quay phim, biên kịch, dựng phim, diễn viên, âm nhạc, tiếng động, lý luận… đều không có gì mới, thậm chí là thụt lùi. Và ông cảnh báo: nếu chúng ta không quan tâm tới nghề nghiệp, rèn giũa thế hệ trẻ, tôn trọng những người làm công tác lý luận mà cứ adua theo tiêu chí làm được phim thương mại là đỉnh cao thì nền điện ảnh của chúng ta sẽ chỉ là một nền điện ảnh bong bóng xà phòng mà thôi. Ở khía cạnh này, nhà biên kịch Bành Mai Phương và PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh cũng có một sự đồng thuận rất lớn. Nhà biên kịch Bành Mai Phương cũng lên tiếng về việc điện ảnh đang bị thu hẹp và người tham gia viết kịch bản điện ảnh đang ngày càng ít đi dẫn tới chất lượng kịch bản ngày càng đi xuống theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ”. Ở mảng lý luận điện ảnh, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh cũng nêu nhiều ý kiến đáng mừng khi nhà nước bắt đầu quan tâm tới mảng lý luận khi có quỹ trao thưởng cho công trình lý luận, cho những bài viết phân tích chuẩn xác, đánh giá về tác phẩm, về văn học nghệ thuật nói chung.

Hellocoba

Nhiều giá trị không mang tính điện ảnh mà chỉ mang tính doanh thu như Hello cô Ba

Đạo diễn, NSƯT Đỗ Minh Tuấn với bản tham luận “Nhà nước, điện ảnh và công chúng” vẫn luôn là những băn khoăn về sự tồn tại của các hãng phim nhà nước và vai trò của người nghệ sỹ. Với cách nhìn trào lộng qua việc Hãng phim truyện Việt Nam không có sổ đỏ đất, không có giấy phép kinh doanh sản xuất phim sau khi cổ phần hóa ông tổng kết lại 10 năm nhìn lại với những điểm đáng chú ý sau: Nhà nước lúng túng, điện ảnh là “tù binh” của thị trường, nhà nước và công luận bất công với nghệ sỹ, chèn ép lên án nghệ sỹ theo định hướng của một nhóm lợi ích. Mười năm là sự bất biến của một số chuẩn mực giá trị của nghệ sỹ và tác phẩm.

NSƯT Vũ Xuân Hưng trong suy nghĩ về phim nhà nước ngoài việc thống kê số phim, “số lãi” ở thể loại này mang lại thì cũng cho rằng trong suốt 10 năm qua, ở mảng phim nhà nước đặt hàng đã tồn tại một cách đầu tư thiếu chiều sâu, làm mai một tính chuyên nghiệp của một đoàn phim vốn có. Ngoài việc ngắt đầu tư cho phần quảng bá khiến phim nhà nước không thể đến với khán giả (kể cả chỉ để tuyên truyền) thì việc đầu tư “không đến nơi đến chốn” khiến một bộ máy làm phim chuyên nghiệp phải cắt bớt, giảm đi nhiều công đoạn khiến dây chuyền khập khiễng kéo theo chất lượng phim đi xuống. Theo ông, làm một bộ phim là tính một bài toán kinh tế nhưng sự đầu tư đó lại không được nhìn nhận như một bài toán kinh tế.

Duoibongcay

Dưới bóng cây – một phim hoạt hình tốt do nhiều bạn trẻ đam mê phim hoạt hình tự làm

Về mảng phim tài liệu, nhà biên kịch Sỹ Chung chua chát nói: “10 năm trước, Việt Nam là một cường quốc về phim tài liệu với nhiều đầu phim được sản xuất, nhiều phim đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế nhưng hiện nay, dù hiện thực với sự chuyển đổi đang là công trường cho phim tài liệu thì cách làm phim của chúng ta đang chạy theo hai tư duy, mà tư duy làm phim sạch sẽ, kiểu công chức, tròn trịa lại nhiều hơn những người làm phim thể hiện bản lĩnh nghệ sỹ, có giá trị lâu dài….”

Dưới góc nhìn về phim hoạt hình, hai đạo diễn Hà Bắc và Huỳnh Vĩnh Sơn còn có nhiều tổng kết đáng buồn hơn. Ngoài thực trạng phim hoạt hình cứ loay hoay trong cái vỏ bọc của chính mình với nhiều khó khăn tồn đọng thì đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn - một người trẻ còn cho rằng: Chúng ta có lớp trẻ làm phim, có máy móc tối tân, quy trình làm việc chuyên sâu hơn nhưng về tác phẩm thì không hơn được thế hệ trước. 4 giải pháp được đạo diễn này đưa ra là: Tự hào nghề nghiệp, Làm việc, làm việc và làm việc, Đoàn kết cùng nhau làm và cuối cùng là Những quyết sách, cơ chế của nhà nước để cùng vực dậy hoạt hình Việt Nam.

Không nhiều nhưng chú trọng vào ba mảng: Phim truyện, Tài liệu và Hoạt hình, 11 bản tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp dù không thể gột tả hết chặng đường điện ảnh Việt Nam suốt 10 năm qua nhưng cũng phần nào xới lên được một số vấn đề cần khắc phục. Bất cập và ưu tư là những ý kiến chủ đạo không chỉ riêng trong cuộc hội thảo này mà đã là điều thường thấy trong các hội thảo điện ảnh gần đây nhưng nó hoàn toàn không mang khái niệm bi quan mà tất cả những điều đó là tín hiệu tốt để hướng tới những điều gì lạc quan hơn cho nền điện ảnh nói riêng và dòng chảy văn hóa nói chung.

P.V