(TGĐA) - Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
Ra mắt phim hay lễ hội tuổi thơ? Phim điện ảnh 'Kính vạn hoa' tạo điểm khác biệt | |
Quý 'ròm' trong 'Kính vạn hoa' bây giờ ra sao? |
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các nhà báo và gia đình nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi...
Quang cảnh hội thảo |
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cùng các đại biểu dự hội thảo |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông đã có những đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình, triết học, ngoại giao văn hóa. Ông cũng nổi trội, xuất sắc trong vai trò nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ bằng tư duy sắc bén, vốn kiến thức sâu rộng và phương pháp nhuần nhuyễn, lịch lãm, thuyết phục. Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống. Với những cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên cả lĩnh vực sáng tác và lãnh đạo, quản lý, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học - nghệ thuật và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu cao quý khác.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ hi vọng, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo. Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương |
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận tập trung làm sáng tỏ những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Các ý kiến tham luận đều khẳng định: Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, nhà văn hóa lớn, người đã để lại những đóng góp quan trọng trong cả lĩnh vực sáng tác và quản lý văn hóa, văn nghệ.
Trong sáng tạo văn nghệ, ông là một nghệ sĩ đầy tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm với văn nghệ, với Tổ quốc, với nhân dân. Tác phẩm của ông là nỗi niềm trăn trở về số phận, niềm vui, nỗi đau và khát vọng tự do, khát vọng sáng tạo nghệ thuật của con người. Ông là người góp phần quan trọng trong việc đổi mới tư duy và cách tân nghệ thuật, là người đi tiên phong trong đổi mới thơ, ca khúc, văn xuôi, kịch thời kỳ đầu.
Trong vai trò của người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, Nguyễn Đình Thi rất coi trọng tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển bền vững đất nước. Đó là phong cách lãnh đạo cởi mở, là thái độ tôn trọng, gắn bó, vừa là người bạn, người đồng hành, người thầy, người truyền cảm hứng, là tri âm, tri kỷ của văn nghệ sĩ. Cho đến nay, các thế hệ các văn nghệ sĩ Việt Nam vẫn đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu của Nguyễn Đình Thi; vẫn tiếp tục đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhìn nhận những đóng góp của nhà văn Nguyễn Đình Thi với Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận cho lớp lớp các thế hệ văn nghệ sĩ, để từ đây, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao được ra đời và làm nên di sản văn hóa phong phú, đồ sộ cho nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô, góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm, hình thành nhân cách, phẩm chất Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Hà Nội trân trọng với những đóng góp to lớn của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và những đóng góp của ông đối với Hà Nội. Tình yêu ông dành cho Hà Nội là tình yêu tha thiết, say mê mãnh liệt; Hà Nội luôn trong trái tim ông và hiện hữu trong mỗi ý thơ, ca từ, âm hưởng vang lên trong từng ca khúc. Với nhà văn Nguyễn Đình Thi, nét thanh lịch, hào hoa của một chàng trai Hà thành lớn lên trên mảnh đất này cũng thẫm đẫm trong từng lời thơ, ý nhạc...”.
Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội |
Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, di sản của Nguyễn Đình Thi vẫn nguyên giá trị, trở thành một phần quan trọng trong lịch sử văn học, nghệ thuật Việt Nam. Những tác phẩm của ông luôn tạo cảm hứng, khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng độc lập, tự do; tình yêu thương con người, tình yêu Hà Nội.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa văn nghệ của Nguyễn Đình Thi trong bối cảnh hiện nay vẫn đang gặp nhiều thách thức do sự thay đổi mạnh mẽ trong năng lực thẩm mĩ, thị hiếu nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, có thể khiến các tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử của ông có thể trở nên khó tiếp cận. Ngoài ra, việc quảng bá và dịch thuật các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi ở trong nước và ra nước ngoài vẫn còn hạn chế, khiến giá trị của di sản ông để lại chưa được lan tỏa một cách xứng đáng.
Giáo sư Phong Lê tham luận tại hội thảo |
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ đều nhấn mạnh: để di sản của Nguyễn Đình Thi trở thành một phần của văn hóa, văn nghệ Việt Nam, cần có sự đầu tư đồng bộ và lâu dài, từ công tác in ấn, dịch thuật, quảng bá, đến việc tận dụng các nền tảng công nghệ số, tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo công chúng. Bên cạnh đó cần chú trọng việc nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Đình Thi trong các cấp học; đẩy mạnh quảng bá quốc tế bằng hình thức đầu tư nhiều hơn vào việc dịch thuật và xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi ra nhiều ngôn ngữ, nhiều sản phẩm văn nghệ bằng các công nghệ khác nhau. Ngoài ra, cần tính đến việc hợp tác với các nhà xuất bản và dịch giả uy tín quốc tế để tăng khả năng tiếp cận của công chúng bên ngoài; tổ chức giới thiệu Nguyễn Đình Thi trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ như hội thảo, triển lãm hay liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước; sử dụng công nghệ số để số hóa các tác phẩm, xây dựng các nền tảng trực tuyến để lưu trữ dữ liệu và giới thiệu về Nguyễn Đình Thi. Các mạng xã hội và kênh truyền thông cũng có thể được tận dụng để quảng bá. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học và viện nghiên cứu văn hóa có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng của di sản Nguyễn Đình Thi ở trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để xây dựng các dự án nghiên cứu và quảng bá dài hạn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tham quan gian trưng bày sách của tác giả Nguyễn Đình Thi bên lề hội thảo |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung nghiên cứu, khẳng định, tôn vinh những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà; đẩy mạnh công tác lưu giữ và quảng bá, tuyên truyền rộng rãi những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời lưu ý cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; luôn cổ vũ, khích lệ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa về sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân; đoàn kết, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật cao quý của nước nhà; phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; đồng cảm sâu sắc với cuộc sống của Nhân dân, đồng hành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ra mắt phim hay lễ hội tuổi thơ? Phim điện ảnh 'Kính vạn hoa' tạo điểm khác biệt | |
Quý 'ròm' trong 'Kính vạn hoa' bây giờ ra sao? |
P.V